Sá sùng là loài sinh vật biển chứa đựng giá trị dinh dưỡng cao, thường được dùng làm nguyên liệu để giúp món ăn thêm thơm ngon và bổ dưỡng.
1. Sá sùng là gì?
Sá sùng (hay còn gọi là địa sâm, giun đất, giun biển, sâu đất, sâu biển, đồn đột, chặt khoai, mồi), có tên khoa học là Sipunculus nudus, là một loại hải sản thuộc ngành Sá Sùng.
Sá sùng thường sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Chúng có hình dáng gần giống với giun đất. Sá sùng có kích từ khoảng 5-10cm, một số con có thể dài hơn từ 15-40cm. Sá sùng chỉ có một đường ruột thẳng kéo dài, không có tim, gan, phổi.
Tại Việt Nam, sá sùng thường gặp nhiều ở vùng biển của tỉnh Quảng Ninh, Nha Trang, Côn Đảo... Do sá sùng có thể kết kết hợp được với nhiều nguyên liệu nên chúng thường góp mặt trong rất nhiều món ăn ngon. Đây cũng là một nguyên liệu rất được ưa chuộng trong ẩm thực Trung Quốc.
2. Sá sùng có tác dụng gì cho sức khỏe?
Sá sùng chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, được cả y học cổ truyền và y học hiện đạo nghiên cứu.
Theo y học cổ truyền, sá sùng có vị mặn, tính mát có tác dụng sinh tinh, bổ huyết, cường dương, kiện tỳ vị. Tác dụng của sá sùng trong y học dân gian là giúp bổ thận, ích tinh, tăng cường sức khỏe sinh lý nam, chữa liệt dương, ho kéo dài, hen suyễn...
Trong các nghiên cứu y học hiện đại, sá sùng là một nguồn giàu các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Khi phân tích các thành phần dinh dưỡng trong sá sùng, người ta ghi nhận trong sá sùng có nhiều axit amin, glyxin, alanin, glutamin, succinic, kẽm hay glyxin. Ngoài ra, sá sùng cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau.
Chính vì thế, khi bạn tiêu thụ sá sùng một cách hợp lý có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
2.1 Cải thiện sức khỏe sinh lý nam giới
Một trong những tác dụng của sá sùng là giúp cải thiện sinh lý phái mạnh. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu sâu, tuy nhiên, tương tự cá ngựa, sá sùng cũng được xem như “thần dược” của nam giới.
Trong sá sùng chứa nhiều khoáng chất kẽm, nên nhiều người tin rằng chúng có thể giúp cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, duy trì số lượng và tính dinh động của tinh trùng. Đồng thời, ăn sá sùng có thể có tác dụng hỗ trợ cải thiện chứng xuất tinh sớm, di tinh,....
2.2 Tốt cho hệ tiêu hóa
Mặc dù là động vật biển, nhưng sá sùng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể. Chất xơ là chất cần thiết trong các hoạt động của hệ tiêu hóa, có khả năng bảo vệ niêm mạc, dạ dày, ngăn ngừa táo bón cũng như giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu.
2.3 Giảm đau nhức xương khớp
Một số nghiên cứu ghi nhận, các chiết xuất từ sá sùng có thể giúp giảm đau nhức xương khớp sau một thời gian sử dụng.
Xem thêm: Các loại thuốc nên uống khi bị đau nhức xương khớp
2.4 Bồi bổ cơ thể
Sá sùng chứa nhiều nước, protein, chất béo, carbohydrate... đây đều là những dưỡng chất thiết yếu trong việc hình thành tế bào và các mô cơ thể. Do đó, một trong những tác dụng của sá sùng chính là giúp cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là những người đang bị suy nhược cơ thể, sức khỏe yếu.
3. Những cách chế biến sá sùng
Sá sùng phần lớn được sử dụng như một nguyên liệu trong ẩm thực. Sá sùng thường được bán dưới 2 dạng là: sá sùng tươi và sá sùng khô.
- Để chọn sá sùng tươi ngon hãy chọn những con sá sùng nhìn gần giống với giun đất nhưng có kích thước lớn hơn. Thân sá sùng sẽ có màu nâu đỏ, trên thân có từng lớp vân nhỏ li ti. Sá sùng tươi thường cuộn tròn lại khi vừa mới bắt lên, sờ vào thân có cảm giác mềm mềm.
- Chọn sá sùng khô ngon bạn nên chọn những là loại có mình dày, kích thước tương đối đều nhau, có màu trắng ngà và mùi đặc trưng, không tanh.
Sá sùng có thể chế biến được thành rất nhiều món ăn ngon, chúng có thể thay thế cho mì chính để tạo độ ngọt cho nước dùng nấu canh hay phở, cháo... Ngoài ra, sá sùng cũng có thể làm nguyên liệu cho các món luộc, xào, rang, chiên.... Dưới đây là một số món ngon từ sá sùng:
3.1 Sá sùng nấu phở
Nguyên liệu
- Sá sùng khô: 200g
- Đuôi bò: 1 cái
- Thịt bò: 1kg
- Phở: 3kg
- Gừng: 1 củ
- Hành tây: 3 củ
- Hoa hồi: 5 cánh
- Thảo quả: 5-10 tría
- Rau thơm, hành hoa, chanh, ớt, tiêu
- Gia vị thông dụng
Cách chế biến sá sùng nấu phở
- Đuôi bò mua về lột da, chặt khúc vừa ăn, chừng 2 lóng tay
- Gừng, hành hương, cánh hồi, thảo quả đem nướng sơ qua.
- Sá sùng cắt thành những đoạn nhỏ khoảng chừng 2 lóng tay, cho vào chảo đảo đều.
- Thịt bò mang đi rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước vào ngập nồi thịt rồi luộc sơ qua, sau đó vớt thịt ra và bỏ nước.
- Bắc nồi lên bếp, cho nước lọc, sá sùng, thịt bò và xương bò vào luộc, sau đó nêm gia vị đợt đầu sao cho hợp khẩu vị. Mở lửa to, đợi đến khi nước sôi thì cho cánh hồi, quế, thảo quả, hành tây, gừng vào nồi nước và tiếp tục đun sôi. Đun đến khi thịt mềm rồi vớt ra rồi đem đi thái mỏng.
- Sau khi thái mỏng thịt thì lần lượt vớt hồi, quế, rau mùi ra. Tiếp tục ninh xương bò hoặc đuôi bò cho nhừ ra.
- Khi xương và sá sùng mềm ra hết thì nêm lại gia vị lần nữa cho vừa rồi vặn nhỏ lửa.
- Phở lấy đem chần qua nước hầm.
- Tô đựng phở tráng qua nước sôi. Cho phở vào tô, xếp thịt chín thái mỏng đều lên phía trên,thêm hành và rau mùi vào rồi chan nước dùng. Rắc thêm hạt tiêu, cho ớt và chanh vào để tạo hương vị. Ăn khi còn nóng sẽ ngon hơn.
3.2 Sá sùng nướng
Nguyên liệu
- Sá sùng khô (số lượng sá sùng tùy theo số lượng người ăn)
- Vỉ nướng
- Than hoặc bếp nướng
Cách làm sá sùng nướng
- Sá sùng khô mua về cần đem đi rửa sạch, đặc biệt là phần đầu của nó vì phần đầu sá sùng chứa rất nhiều cát, sau đó vớt ra để cho ráo nước.
- Lấy than hoa cho vào bếp nhóm lửa lên, bỏ sá sùng vào vỉ nướng rồi bắt đầu nướng. Nếu sử dụng bếp nướng thì bạn có thể bỏ trực tiếp sá sùng vào nướng và lật đều tay, tránh hiện tượng bị cháy.
- Sau khi nướng xong, bày sá sùng ra đĩa, ăn kèm cùng với tương ớt hoặc nước chấm xanh sẽ rất ngon.
3.3 Sá sùng nấu canh chua
Nguyên liệu
- Sá sùng
- Giá đỗ
- Cà chua
- Dứa (khóm, thơm)
- Hành lá, me chua
- Dầu ăn
- Gia vị thông dụng
Cách nấu canh sá sùng
- Sá sùng tươi mua về đem rửa sạch cho hết cát, trần qua nước sôi, vớt ra để ráo nước, cắt sá sùng thành 3 khúc nhỏ.
- Cà chua rửa sạch cắt là tư. Dứa đã gọt vỏ rửa sạch cắt miếng vừa ăn. Giá đỗ và hành lá rửa sạch.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng bạn cho cà chua vào đảo đều đến khi cà chua chín mềm thì đổ nước vào nồi.
- Khi nước sôi, bạn cho me chua vào nấu cho đến khi sôi lên lại, bỏ sá sùng vào nấu thêm khoảng 5 phút thì bạn cho gia vị sao cho vừa ăn.
- Cuối cùng bạn cho giá đỗ, dứa và hành lá vào nấu thêm khoảng 3 – 5 phút nữa thì tắt bếp, cho món ăn ra tô và ăn cùng cơm nóng.
3.4 Cháo sá sùng
Nguyên liệu
- Sá sùng: 100g
- Gạo dẻo: 300g
- Hàu sữa: 200g
- Tỏi băm, hành lá
- Dầu ăn
- Gia vị thông dụng
Cách nấu cháo sá sùng
- Sá sùng tươi mùa về rửa sạch, dùng dao cạo sạch lớp vỏ bên ngoài, mổ bụng lấy hết ruột ra ngoài. Sau đó, rửa sạch với nước nhiều lần.
- Hàu mua về ngâm nước trong 2 tiếng, dùng bàn chải lớn chà sạch lớp bùn bên ngoài, đem hào đi lấy thịt, rồi rửa sạch với nước lần nữa, để ráo nước. Nếu mua hàu đã được sơ chế bạn chỉ cần rửa sạch thịt hàu và để ráo nước.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng cho tỏi vào phi thơm, sau đó cho sá sùng vào xào khoảng 1 phút thì cho hào vào chảo, nêm vào 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê muối rồi xào thêm 2 -3 phút nữa thì tắt bếp.
- Gạo mang đi vo sạch, ngâm trong nước khoảng 30 phút. Sau đó cho gạo vào nồi, thêm nước và tiến hành nấu cháo.
- Khi thấy cháo nhừ, bạn cho phần sá sùng và hào đã xào vào đảo đều nhẹ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, nấu thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp, rắc hành lá vào là hoàn thành món ăn.
Xem thêm: Bật mí 9 cách chế biến món ngon từ hàu, thơm béo bổ dưỡng
3.5 Sá sùng khô ngâm rượu
Nguyên liệu
- Sá sùng khô: 1kg (hoặc 700-800g sá sùng tươi)
- Kỷ tử khô: 300g
- Tiểu hồi: 50g
- Quế chi: 20g
- Rượu trắng (40 độ): 3 lít
- Bình thủy tinh
Cách làm sá sùng khô ngâm rượu
- Sá sùng tươi cần phải được làm sạch kỹ càng. Với sá sùng khô, bạn cũng cần làm sạch trước khi sử dụng.
- Sau khi làm sạch sá sùng, bạn cho chúng vào bình thủy tinh, rồi đổ lần lượt các nguyên liệu còn lại vào. Sau đó, đổ đầy rượu vào và đậy nắp bình lại.
- Ngâm rượu trong khoảng 60 ngày là có thể lấy ra sử dụng. Rượu ngâm càng lâu càng dậy mùi thơm và có vị ngon hơn.
Lưu ý: Rượu sá sùng được xem như một loại rượu thuốc có tác dụng bổ thận và tăng cường “bản lĩnh đàn ông” theo kinh nghiệm dân gian, vì thế bạn cần sử dụng rượu sá sùng theo đúng liều lượng để đạt hiệu quả và an toàn.
6. Ăn nhiều sá sùng có tốt không?
Sá sùng thường được dùng như một loại nguyên liệu nấu ăn, vì thế các đối tượng có thể sử dụng được sá sùng là rất đa dạng. Từ những người ốm yếu, người già, người hen,.. hay nam giới có vấn đề sinh lý đều có thể dùng được.
Tuy nhiên, sá sùng có chứa một số hạn chế nhất định. Nếu bạn có tiền sử dị ứng với hải sản bạn không nên ăn sá sùng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ nhỏ và những người đang dùng thuốc đặc trị cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sá sùng.
7. Một số lưu ý khi dùng sá sùng
Hiện nay, việc làm giả, làm nhái sá sùng diễn ra rất nhiều, vì thế khi mua và sử dụng sá sùng bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
- Thảm khảo người dân địa phương để tìm mua sá sùng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
- Mua sá sùng khô cần được bảo quản trong túi nilon hoặc túi hút chân không, để trong ngăn đông tủ lạnh để không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Nhìn chung, sá sùng là thực phẩm giúp món ăn thêm ngon miệng và bổ dưỡng. Những tác dụng của sá sùng đã được nghiên cứu ở cả y học hiện đại lẫn cổ truyền, vì thế đừng bỏ lỡ các món từ sá sùng để nhận về những lợi ích sức khỏe từ thực phẩm này!