Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ăn trứng ngỗng có tác dụng gì cho sức khỏe?

(VOH) – Trứng ngỗng vốn được xem là ‘đặc sản’ có giá thành tương đối cao song vẫn được nhiều người ưa chuộng và tìm mua. Vậy ăn trứng ngỗng có tác dụng gì với sức khỏe?

Khác với trứng gà hay trứng vịt, trứng ngỗng thường khá “hiếm hoi” bởi mùa đẻ trứng của ngỗng chỉ tập trung ở giai đoạn đông – xuân và chu kỳ đẻ trứng cũng dài hơn các loại gia cầm khác. Trứng ngỗng thường có kích thước tương đối lớn, gấp khoảng 3 lần so với trứng gà, vỏ trứng màu trắng đục và rất cứng.

an-trung-ngong-co-tac-dung-gi-6-loi-ich-khien-ai-cung-san-lung-voh-0
Trứng ngỗng có kích thước khá lớn, to hơn trứng gà và trứng vịt (Nguồn: Internet)

Không chỉ có hình dáng khác biệt, nguồn dưỡng chất dồi dào mà trứng ngỗng đem lại cũng là một trong những lý do khiến mọi người “săn lùng”. Cùng tìm hiểu thêm về công dụng cải thiện sức khỏe của loại trứng này ngay sau đây nhé.

1. Ăn trứng ngỗng có tác dụng gì?

Bạn có thể kết hợp dùng trứng ngỗng với liều lượng hợp lý trong thực đơn để nhận được những lợi ích tuyệt vời này:

1.1 Phòng chống loãng xương

Cũng giống như trứng gà, trứng vịt, hàm lượng canxi được tìm thấy trong trứng ngỗng vô cùng lớn, trung bình 100g trứng cung cấp khoảng 60mg canxi. Khoáng chất này chính là “chìa khóa” để kích thích quá trình hình thành tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương và phòng chống tối đa tình trạng gãy hoặc loãng xương xảy ra.

1.2 Bổ sung chất đạm

Một số phân tích dinh dưỡng nhận thấy rằng các loại trứng gia cầm đều chứa lượng chất đạm khá dồi dào, tuy nhiên chỉ số này của trứng ngỗng là lớn nhất, khoảng 14g chất đạm trong 100g trứng. Bổ sung chất đạm cho cơ thể sẽ hỗ trợ hoạt động tái tạo và phân chia tế bào diễn ra hiệu quả, đảm bảo vận hành tốt các quá trình trao đổi chất. 

Xem thêm: 6 điều cần biết về chất đạm để cơ thể luôn khỏe mạnh cân bằng

1.3 Tốt cho não bộ

Thêm trứng ngỗng vào khẩu phần ăn là cách giúp bạn hấp thu thêm nhóm vitamin B6 – dưỡng chất rất cần thiết cho việc duy trì chức năng của não bộ. Theo đó, vitamin B6 có khả năng ức chế homocysteine, giảm thiểu các tổn thương ở tế bào thần kinh, đồng thời giúp phòng tránh bệnh lý suy giảm trí nhớ như Alzheimer

1.4 Ngăn ngừa thiếu máu

Cùng với vitamin B6, trứng ngỗng còn đem đến hàm lượng lớn vitamin B12. Nhóm vitamin này thường được khuyến khích bổ sung để ngăn ngừa bệnh lý thiếu máu bởi đây được đánh giá là thành tố thúc đẩy chuyển hóa các hợp chất tham gia sản sinh tế bào hồng cầu, duy trì vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. 

an-trung-ngong-co-tac-dung-gi-6-loi-ich-khien-ai-cung-san-lung-voh-1
Nhóm vitamin B12 từ trứng ngỗng sẽ hỗ trợ sản sinh tế bào hồng cầu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra (Nguồn: Internet)

1.5 Giảm lão hóa làn da

Trứng ngỗng cũng thuộc nhóm thực phẩm có chứa vitamin E, thậm chí còn cao hơn trứng gà. Chính vì thế nếu dùng trứng ngỗng đúng cách, cơ thể sẽ được đáp ứng thêm lượng vitamin E, góp phần tăng tính đàn hồi của lớp biểu bì dưới da, đồng thời giảm tiến trình lão hóa làn da sớm. 

Xem thêm: 8 dấu hiệu cho thấy làn da của bạn đang lão hóa nhanh hơn so với tuổi thật

1.6 Tăng cường thị lực

Nếu đang tìm nguồn thực phẩm giúp tăng cường vitamin A, hỗ trợ cải thiện thị lực thì trứng ngỗng là gợi ý mà bạn nên tham khảo. Dựa trên phân tích dinh dưỡng, lượng vitamin A trong loại trứng này lên tới 650IU/100g trứng, nó sẽ đảm nhiệm vai trò tạo ra những sắc tố ở võng mạc mắt, duy trì độ bền của kết mạc và giác mạc. 

1.7 Tốt cho da và tóc

Trong chứa ngỗng có chứa khá nhiều vitamin B, trong đó có vitamin B5 có tác dụng giúp làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa lão hóa da, ngăn ngừa các đốm đồi mồi và cải thiện các nếp nhăn. Bên cạnh đó vitamin B5 còn có lợi cho sắc tố giúp ngăn ngừa nguy cơ bay màu tóc.

1.8 Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Nhờ giàu hàm lượng vitamin B3 trong trứng ngỗng có thể giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa và kiểm soát cơn thèm ăn. Ngoài ra ăn trứng ngỗng còn tốt cho hệ thần kinh và làm sáng da.

1.9 Cải thiện hệ miễn dịch

Trong trứng ngỗng chứa nhiều khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin B6. Vitamin này có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, mệt mỏi và luôn tràn đầy năng lượng.

1.10 Giảm nguy cơ bị mụn trứng cá

Trứng ngỗng được xem như là vị thuốc hữu ích để điều trị mụn trứng cá. Dùng lòng trắng trứng ngỗng có thể làm mặt nạ để chăm sóc sức khỏe làn da và ngăn ngừa các nguy cơ bị mụn trứng cá.

Cách chuẩn bị mặt nạ trứng ngỗng như sau:

  • Cần tách lòng đỏ và lòng trắng trứng
  • Có thể thêm trái cây như bơ, chanh, dứa hoặc mật ong.
  • Đánh lòng trắng trứng với một nguyên liệu ở trên cho đến khi có bọt rồi đem đắp lên mặt.
  • Sau khi mặt nạ đã khô thì rửa sạch lại với nước ấm.

2. Bà bầu ăn trứng ngỗng được không?

Tuy có giá thành khá cao nhưng nguồn dưỡng chất mà trứng ngỗng đem lại thì vô cùng quý. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng, tùy theo điều kiện và khẩu vị, bên cạnh các loại trứng thông thường, bà bầu hoàn toàn có thể ăn trứng ngỗng để bồi bổ trong thai kì.

Bà bầu chỉ nên ăn trứng ngỗng ở tháng thứ 3 thai kỳ và nên ưu tiên sử dụng trứng ngỗng tươi

Tiếp nạp chất dinh dưỡng từ loại trứng đặc biệt này sẽ giúp mẹ bầu chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:

  • Giảm đau nhức xương khớp
  • Khắc phục tình trạng thiếu hụt canxi
  • Cải thiện trí nhớ
  • Phòng chống dị tật bẩm sinh, khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi

Xem thêm: Bà bầu ăn trứng ngỗng có tác dụng gì, liệu có giúp em bé sinh ra thông minh hơn?

3. Hướng dẫn chọn mua và bảo quản trứng ngỗng

Để giúp bạn chọn mua được quả trứng ngỗng đạt chất lượng cũng như bảo quản đúng cách, giữ độ thơm ngậy, xin mách bạn một vài mẹo nhỏ ngay sau đây.

an-trung-ngong-co-tac-dung-gi-6-loi-ich-khien-ai-cung-san-lung-voh-2
Chú ý quan sát các đặc điểm bên ngoài của trứng ngỗng để chọn được quả trứng có chất lượng (Nguồn: Internet)

3.1 Chọn mua trứng ngỗng chất lượng

Chất lượng của trứng sẽ thay đổi tùy theo giống ngỗng và điều kiện chăm sóc tại trang trại, đặc biệt một số dấu hiệu bên ngoài dưới đây sẽ phần nào phản ánh độ thơm ngon của trứng:

  • Chọn quả trứng vỏ còn nguyên vẹn, không bị nứt hay có lỗ thủng.
  • Kẹp trứng vào hai ngón tay và lắc nhẹ, nếu thấy tiếng kêu bên trong thì có thể lòng trứng bị loãng, đã để lâu ngày.
  • Có thể soi quả trứng dưới ánh sáng, thấy trong suốt và không có đốm màu đỏ hoặc nâu thì trứng đạt tiêu chuẩn, không bị nhiễm ký sinh trùng hay giun sán.
  • Ngoài ra, để kiểm tra kĩ lượng hơn, hãy thả trứng ngỗng vào dung dịch nước muối, trường hợp trứng chìm ngay xuống là trứng mới đẻ, còn nổi lên trên thường là trứng đã đẻ lâu.

Hiện nay trứng ngỗng được bày bán ở nhiều nơi như chợ, siêu thị, các nông trại gia cầm,...và thường có giá trung bình dao động từ 35.000 - 90.000 VNĐ/ quả.

3.2 Cách bảo quản trứng ngỗng

Để không làm hao hụt dưỡng chất của trứng ngỗng, trong quá trình bảo quản trứng ngỗng, bạn hãy thực hiện theo một số lời khuyên này:

  • Sau khi mua trứng về nên rửa sạch bụi bẩn, đất cát bám trên vỏ trứng.
  • Dùng giấy báo bọc quanh từng quả trứng, rồi xếp gọn vào ngăn mát của tủ lạnh.
  • Nếu trứng bị vỡ, hãy bảo quản ở ngăn đông mềm (nhiệt độ khoảng 0 – 3 độ C) và đem chế biến nhanh chóng trong thời gian từ 1 – 4 ngày.
  • Lưu ý, dù bảo quản trong tủ lạnh, song bạn nên sử dụng trứng ngỗng sớm trong khoảng 1 tháng, tránh cất trữ quá lâu.

Xem thêm: Giới hạn thời gian khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là bao lâu?

4. Trứng ngỗng kỵ gì ?

Mặc dù tác dụng của trứng ngỗng tốt cho sức khỏe nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được với trứng ngỗng. Dưới đậy là một số thực phẩm không nên kết hợp với trứng ngỗng:

  • Không nên kết hợp trứng ngỗng với lê vì sẽ gây sốt.
  • Không ăn trứng cùng với quả hồng vì dễ gây viêm dạ dày cấp tính.
  • Hạn chế ăn trứng với tỏi.
  • Không ăn trứng ngỗng với chè xanh vì làm cơ thể bị táo bón.
  • Không kết hợp sữa với trứng ngỗng vì ăn vào sẽ gây đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn.
  • Không kết hợp trứng ngỗng với óc heo.

5. Cách chế biến trứng ngỗng

Có đặc tính khá tương đồng trứng gà và trứng vịt nên trứng ngỗng được dùng làm thành phần của khá nhiều món ăn độc đáo. Công đoạn chế biến trứng ngỗng cũng rất đơn giản và không cần phải chuẩn bị thêm nhiều nguyên liệu cầu kì.

Dễ dàng nhất là bạn đem luộc trứng rồi trộn cùng các loại rau xanh để làm salad trứng ngỗng. Cần chú ý rằng luộc trứng ngỗng khoảng 15 – 17 phút mới chín nên đừng nóng vội nhé.

an-trung-ngong-co-tac-dung-gi-6-loi-ich-khien-ai-cung-san-lung-voh-3
Các món ăn chế biến từ trứng ngỗng rất đa dạng (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, ngay tại nhà bạn cũng có thể tự làm một số món ăn hấp dẫn sau:

  • Trứng ngỗng luộc
  • Trứng ngỗng lá hẹ
  • Trứng ngỗng ngâm nước tương
  • Trứng ngỗng đúc khoai tây
  • Trứng ngỗng cuộn phô mai

Xem thêm: 6 gợi ý giúp bạn khỏi băn khoăn trứng ngỗng làm món gì ngon?

6. Một số lưu ý khi ăn trứng ngỗng

Dù trứng ngỗng thuộc nhóm thực phẩm bổ dưỡng nhưng để tận dụng hiệu quả các lợi ích mà loại trứng này mang lại, chúng ta vẫn cần ghi nhớ các lưu ý sử dụng an toàn, khoa học.

6.1 Không ăn quá nhiều

Như đã chia sẻ, trứng ngỗng cung cấp lượng lớn chất đạm cho cơ thể nên nếu bạn ăn quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ làm dư thừa đạm. Lời khuyên là chỉ ăn 1 – 2 quả một lần, tối đa 2 lần trong một tuần.

6.2 Hạn chế ăn trứng ngỗng cùng tỏi

Thực tế thì trứng ngỗng không kỵ với củ tỏi, tuy nhiên nếu được thì hãy hạn chế làm các món ăn có sự kết hợp của hai nguyên liệu này. Lý do là đặc tính nóng của tỏi có thể hiến bạn cảm thấy đầy bụng, khó tiêu hơn sau khi ăn trứng ngỗng – loại trứng vốn giàu đạm.

Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả

6.3 Chế biến chín đủ độ

Không nên ăn trứng ngỗng còn sống hay có lòng đảo để tránh bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Bên cạnh đó, chế biến trứng ngỗng chín vừa đủ độ, không luộc trứng chín quá kĩ làm lòng đỏ chuyển sang màu xám vì khi đó sẽ làm biến đổi chất sắt thành dạng khó hấp thu hơn.

6.4 Không cất trữ trong thời gian dài

Trứng ngỗng đã qua chế biến, luộc hoặc đun nấu cần sử dụng hết trong ngày, tránh sử dụng nhiều sau khi đã cất trữ qua đêm.

6.5 Tránh dùng hoa quả ngay sau khi ăn trứng ngỗng

Sau khi dùng các món ăn từ trứng ngỗng, hạn chế tráng miệng ngay với hoa quả, tốt nhất nên ăn sau khoảng 30 phút – 1 tiếng.

7. Thành phần dinh dưỡng của trứng ngỗng

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong 100g trứng ngỗng được phân tích như sau:

  • Vitamin A: 650IU
  • Vitamin B6: 0.23mg
  • Vitamin B12: 5.1 µg
  • Vitamin E: 1.2mg
  • Canxi: 60mg
  • Sắt: 5.2 mg
  • Magiê: 23 mg
  • Phospho: 299.5 mg
  • Kẽm: 1.9 mg
  • Đồng: 0.1 mg
  • Mangan: 0.1 mg
  • Selen: 53.1 µg
  • Retinol: 266.4 µg
  • Thiamine: 0.2 mg
  • Riboflavin: 0.6 mg
  • Niacin: 0.3 mg

Nếu có thể tìm mua trứng ngỗng, hãy chú ý sử dụng đúng cách, với lượng vừa đủ để hấp thu tốt nhất các dưỡng chất, không nên lạm dụng và dùng thay thế hoàn toàn cho trứng gà hay trứng vịt nhé.

Bình luận