Chờ...

Chuyện phố phường: Đừng để vuột những tài năng hiếm có

(VOH) - "Đối với những tài năng đặc biệt, đầu tư không chỉ một thầy một trò, mà nên có một ban huấn luyện, phát sinh chuyện gì mà mình kiểm soát, giải quyết kịp thời thì có thể sẽ tốt hơn...."

Thưa bà con! Nhấp ly trà đậm, Ba thợ hồ quay qua mấy ông bạn già chép miệng: “Vậy là chốt rồi nha mấy anh, SEA Games 31 chính thức sẽ lùi sang tháng 5/2022. Nếu không có dịch bùng phát thì tháng 11 là chuẩn bị coi tranh tài SEA Games trên sân nhà rồi nè”.

Tư hưu trí gật gù, lùi Đại hội là tình hình bất khả kháng mà. “Tui thì tui tiếc quá tiếc trường hợp nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xin chia tay đội tuyển quốc gia ở tuổi 25. Đây là tài năng đặc biệt hiếm có khó tìm của bơi lội Việt Nam trước giờ”.

Ba thợ hồ mới ngạc nhiên: “Tuổi nghề vận động viên không dài, Ánh Viên hơn chục năm qua đã cống hiến hết mình cho bơi lội, thành tích vô số. Tui nhớ không làm là Ánh Viên tổng cộng mang về 25 huy chương vàng cho bơi lội Việt Nam trong các lần tham dự SEA Games, chưa kể bao nhiêu thành tích các cấp độ khác, không đếm nổi. Ánh Viên cũng nhiều lần được bầu là vận động viên Việt Nam tiêu biểu. Giờ tới ngưỡng, không còn ở đỉnh cao phong độ, thành tích đi xuống thì xin nghỉ cũng là chuyện bình thường mà anh”.

Tư hưu trí nâng ly trà uống cạn rồi từ tốn giải thích: “Thành tích, nỗ lực của Ánh Viên thì quá tuyệt vời rồi, cô cũng đạt những thành quả mà không phải vận động viên đỉnh cao nào của bơi lội Việt Nam cũng có thể vươn tới. Tui nghĩ là người hâm mộ nào cũng thấy là Ánh Viên đã hy sinh và cống hiến nhiều. Từ nhỏ cô gia đình, rồi chịu những áp lực rất lớn trong tập luyện, thi đấu chứ đâu có đơn giản. Có nhiều thành tích, Ánh Viên cũng nhận được rất nhiều phần thưởng của Nhà nước, xã hội mà các vận động viên khác mơ ước. Mà tui tiếc là tiếc chuyện khác anh Ba ơi. Hồi Ánh Viên mới 14-15 tuổi, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Thể thao Quân đội đưa cô Mỹ tập huấn dài hạn. Mục tiêu được xác định rõ là đưa Ánh Viên giành huy chương vàng ASIAD và tiếp cận thành tích thế giới, Olympic. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2019, ngành thể thao kiên trì cho ở lại Mỹ tập huấn, kinh phí mỗi năm vài tỷ đồng. Đây là mức đầu tư tương xứng với tài năng thiên bẩm của Ánh Viên. Nhưng mà quá trình đầu tư có những khó khăn, bất cập mà không kịp thời điều chỉnh, nên rốt cuộc mục tiêu vươn tầm châu Á không thành hiện thực”.

Chuyện phố phường: Đừng để vuột những tài năng hiếm có 1
Nguyễn Thị Ánh Viên giành 6 Huy chương Vàng tại SEA Games 30. (Ảnh: Vietnam+)

Ba thợ hồ nói thêm: “Cái này thì tui có nghe. Đi cùng với Ánh Viên sang Mỹ chỉ có Huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn. Huấn luyện viên này là người trực tiếp chăm lo toàn bộ từ chuyên môn, ăn uống, dinh dưỡng cho Ánh Viên suốt ngần ấy năm. Coi như vừa là thầy vừa là cha là mẹ, lo cho Ánh Viên từ việc ăn ở, học văn hóa, kể cả vấn đề tâm sinh lý của một cô bé 15-16 tuổi xa nhà cách nửa vòng trái đất.

Mà lạ nước lạ cái thì khó khăn là dễ hiểu rồi, đâu phải dễ thích nghi, tìm được môi trường tập luyện phù hợp. Toàn bộ quá trình tập huấn của Ánh Viên tại Mỹ gần như chỉ có mỗi ông Đặng Anh Tuấn huấn luyện, như vậy thì không ổn chút nào. Nghe các chuyên gia phân tích, có thể một ông thầy tốt trong giai đoạn ban đầu làm cơ bản, nhưng khi đến trình độ phải tranh chấp thế giới, trình độ huấn luyện phải cao hơn, rồi thuốc men bổ trợ, hồi phục, địa điểm tập luyện cũng phải đáp ứng lên cùng lúc như vậy”.

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, Tư hưu trí xổ một tràng: “Thì vậy mới nói là tiếc. Đối với những tài năng đặc biệt, đầu tư không chỉ một thầy một trò, mà nên có một ban huấn luyện, phát sinh chuyện gì mà mình kiểm soát, giải quyết kịp thời thì có thể sẽ tốt hơn. Tui nhớ là ngay sau Olympic Rio 2016 đã có một số ý kiến nói phải điều chỉnh quá trình tập huấn của Ánh Viên, nhưng Tổng cục Thể dục thể thao vẫn tiếp tục được giao toàn bộ quá trình tập huấn của cô cho huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn. Mà thông tin, hiệu quả tập huấn thì ít ai hiểu tường tận. Như hồi ASIAD 2018, ông Đặng Anh Tuấn báo cáo quá trình tập huấn của Ánh Viên tốt, nhưng đến lúc chuẩn bị tham dự Đại hội thì ông Đặng Anh Tuấn cho biết Ánh Viên bị trầm cảm nhiều tháng phải điều trị bác sĩ tâm lý, nhưng trước đó không ai được biết. Thành tích của Ánh Viên từ đó đến nay hầu như chỉ đi ngang và đi xuống chứ không lên được nữa. Suốt mấy năm, Tổng cục thể dục thể thao tính chuyện thay huấn luyện viên, mà cuối cùng không có động thái can thiệp nào. Rồi đến đầu năm 2020, khi dính bê bối vay nợ không trả, ông Đặng Anh Tuấn mới xin nghỉ không huấn luyện Ánh Viên nữa. Loay hoay thêm từ đầu năm 2020 đến giờ, coi như mấy năm đẹp nhất trong tuổi nghề của cuộc đời vận động viên bị bỏ bê như vậy, làm sao khôi phục được phong độ, phát triển thêm được”.

Nghe Tư hưu trí phân tích đâu ra đó, Hai Sài Gòn đồng tình: “Tui còn thấy bất cập ở chỗ đặt mục tiêu giành huy chương vàng châu lục nhưng để Ánh Viên dành quá nhiều sức lực cho các giải đấu cấp thấp hơn. Như các kỳ tranh tài SEA Games hay giải vô địch quốc gia, Ánh Viên được đăng ký từ 10 - 20 nội dung để giành thành tích. Vậy là quá nhiều, làm sao có thể tập trung được. Thành tích thì cần, nhưng chạy theo thành tích tối đa vậy thì tội nghiệp vận động viên quá. Thay vì bơi đến 28-30, thì Ánh Viên tới 25 là đạt ngưỡng. Trên thế giới, tuổi vận động viên kéo lên tới 30 cũng có. Nhưng đó là những trường hợp đầu tư bài bản, nền tảng, và phải giữ động lực, đam mê, cộng với trình độ ngày càng cao thì phương pháp cũng phải thay đổi. Vận động viên ở đỉnh cao rồi thì quy trình tập cứ ngày này qua ngày nọ, đến thời điểm nào đó chắc chắn cũng sẽ mệt mỏi. Có được được tài năng như Ánh Viên là may mắn của thể thao Việt Nam, những đóng góp của Ánh Viên rất đáng trân trọng, nhưng đúng là vẫn tiếc. Nếu ngành thể thao đừng quá ham thành tích ở đấu trường nhỏ để bám sát mục tiêu đưa Ánh Viên vươn tầm châu lục và thế giới, nếu kiểm tra giám sát, điều chỉnh kịp thời quá trình tập huấn của cô, thì kình ngư này có thể chạm tới những mục tiêu cao hơn. Hai tui nghĩ đây là bài học lớn trong việc đầu tư cho những tài năng đặc biệt của thể thao nước nhà”.