Chờ...

131 câu nói hay của Bác Hồ về đạo đức, lối sống

(VOH) - Những câu nói hay của Bác Hồ về đạo đức lẫn học tập, sản xuất, đoàn kết và lòng yêu nước đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/05/1890, là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Người có công ơn vô cùng lớn đối với mỗi người con Việt Nam, là tượng đài bất tử và là vị cha già kính yêu của toàn dân tộc. Chẳng những mang đến nền độc lập, tự do quý báu, những câu nói hay của Bác Hồ về đạo đức, học tập, đoàn kết và lòng yêu nước còn là bài học sâu sắc, rèn dũa người dân Việt Nam sống sao cho “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Là một người con Việt Nam, chúng ta nhất định phải ghi nhớ và áp dụng những lời dạy từ những câu chuyện của Bác vào cuộc sống.

Câu nói hay của Bác Hồ 1

1. Những câu nói hay của Bác Hồ về việc đọc sách

Kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc đọc sách. Với Người, đọc sách không đơn thuần chỉ giải trí, giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao hiểu biết mà còn để phục vụ cách mạng với “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (Bác Hồ trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). 

Dưới đây là những câu nói hay về sách của Bác Hồ được đúc kết trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

  1. Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân.
  2. Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi : “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn.
  3. Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quý.
  4. Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách.
  5. Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc
Câu nói hay của Bác Hồ 2
  1. Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng... Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy.
  2. Cháu kém về Văn thì phải siêng xem sách, đọc báo, đọc xã luận, nghe các chú nói chuyện. Đọc báo có đoạn nào hay thì đánh dấu vòng lại, lúc khác cần đọc lại. Đó là một cách học: Học từ sự kiên nhẫn. (theo lời kể của bà Trần Thị Lý, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân)
  3. Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là vấn đề nắm vững tình hình chứ!
  4. Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng để viết.
  5. Sách là thuốc bổ tinh thần. 
    Sách là thuốc chữa tội ngu.

Xem thêm:
39 mẩu truyện kể về Bác Hồ hay và ý nghĩa
Bác Hồ - Vị cha già dân tộc mang trái tim ấm áp cùng tình yêu bao la rộng lớn với thiếu nhi Việt Nam
10 câu chuyện cho thấy tình yêu thương của Bác Hồ với thiếu nhi luôn dạt dào to lớn

2. Những câu nói hay của Bác Hồ về sự đoàn kết và lòng yêu nước

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân. Điều này đã được thể hiện rõ qua những câu nói hay của Bác Hồ về đoàn kết sau. 

  1. Không có gì quý hơn độc lập, tự do!
  2. Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
  3. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
  4. Chính chủ nghĩa yêu nước đã thúc đẩy tôi, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản.
  5. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý… Có khi được trình bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi ta cất giấu kín đáo trong rương trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công cuộc kháng chiến.
  6. Đồng bào ta gái cũng như trai, trẻ cũng như già cho đến các cháu nhi đồng cỏn con, ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng có gan giết giặc.
  7. Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
  8. Việc gì, dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to.
  9. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
  10. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, sức mạnh và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do ấy...
  11. Cho dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập!
  12. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. 
Câu nói hay của Bác Hồ 2
  1. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
  2. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
  3. Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Không có, thì việc gì làm cũng không xong.
  4. Ai làm cách mạng?
    - Nhân dân!
    Ai kháng chiến thắng lợi?
    - Toàn dân!
    Vậy thì bây giờ muốn có đủ nước, muốn điều hòa nước thì cũng phải toàn dân làm thủy lợi.
  5. Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.
  6. Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang.
  7. Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể.
  8. Chữ "người", nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ.
  9. Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta làm cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước.
  10. Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
  11. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
  12. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
  13. Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà. 
Câu nói hay của Bác Hồ 3

3. Những câu nói nổi tiếng của Bác Hồ về sự nghiệp giáo dục và học tập

Dưới đây là những câu nói hay của Bác Hồ về giáo dục hay nhất.

3.1 Câu nói của Bác Hồ về giáo dục, nghề giáo viên trồng người

Trong xã hội, nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất, giúp ươm mầm những ước mơ, đào tạo nhân tài - những chủ nhân tương lai của đất nước. Và những câu nói hay của Bác Hồ về nghề giáo càng cho thấy Người luôn đánh cao vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của người thầy trong sự nghiệp “trồng người”.

  1. Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,... Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa.
  2. Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà.
  3. Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng.
  4. Giáo viên là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất vẻ vang.
  5. Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.
  6. Học đi đôi với hành.
Câu nói hay của Bác Hồ 5
  1. Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ.
  2. Các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc.
  3. Không bố trí người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng.
  4. Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất.
  5. Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy.
  6. Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.

Xem thêm:
Tìm hiểu ý nghĩa của hành trình vĩ đại đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng nhưng bạn đã hiểu hết ý nghĩa sâu sắc mà Người muốn răn dạy?
Những lời dạy của Bác Hồ với thanh niên Việt Nam - chủ nhân tương lai của đất nước

3.2 Những câu nói về học tập của Bác Hồ ý nghĩa

Những câu nói hay về học tập của Bác Hồ là bài học quý giá cho lớp thế hệ sau noi theo. 

  1. Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt.
  2. Để thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ, có quyết tâm thì nhất định học được.
  3. Còn kém thì phải học, phải tích cực học cách làm việc, tích cực học chuyên môn cho biết. Nếu vì kém mà không làm thì không được. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyết tâm học thì phải biết, nhất định biết.
  4. Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình...
  5. Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.
  6. Gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi, trắng tựa bông. Sống ở trên đời người cũng vậy, gian nan rèn luyện mới thành công.
Câu nói hay của Bác Hồ 4
  1. Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân.
  2. Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu. Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi.
  3. Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.
  4. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm.
  5. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang.
  6. Dao có mài mới sắc, vàng có thui mới trong, nước có lọc mới sạch, người có tự phê bình mới tiến bộ.
Câu nói hay của Bác Hồ 5

4. Các câu nói của Bác Hồ về đạo đức và rèn luyện tính cách

Những câu nói hay của Bác Hồ về đạo đức, lối sống và rèn luyện tích cách có ý nghĩa rất lớn trong quần chúng nhân dân. 

  1. Ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền. Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên.
  2. Cách dạy trẻ: cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả.
  3. Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ Đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn.
  4. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân.
  5. Chúng ta phải nhớ rằng: người tài ai cũng có chỗ hay chỗ dở, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không thể phát triển.
  6. Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.
  7. Không có đạo đức cách mạng thì tài cũng vô dụng.
  8. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và giải phóng loài người.
  9. Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài và gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang.
  10. Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước, phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.
Câu nói hay của Bác Hồ 6
  1. Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho người.
  2. Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
  3. Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người.
  4. Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
  5. Đối với mình phải siêng năng, không được lười biếng, ai lười biếng không làm được việc. Phải tiết kiệm, không xa xỉ, vì xa xỉ hoá ra tham lam, nhất là đối với tiền bạc của đoàn thể phải rất phân minh.
  6. Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.
  7. Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần - Kiệm - Liêm - Chính thì dễ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
  8. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
  9. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
  10. Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có
  11. Kiên trì và nhẫn nại,
    Không chịu lùi một phân,
    Vật chất tuy đau khổ
    Không nao núng tinh thần.
Câu nói hay của Bác Hồ 7

5. Những câu nói nổi tiếng của Bác Hồ về cán bộ và nhân dân

Những câu nói hay của Bác Hồ về cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ là bài học mà còn là kim chỉ nam cho hành động của lớp lớp thế hệ sau này. 

  1. Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém.
  2. Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ǎn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ǎn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức.
  3. Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói "cả vú lấp miệng em", ngǎn cản quần chúng phê bình.
  4. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. 
  5. Đảng viên, đoàn viên, cán bộ phải giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm…
Câu nói hay của Bác Hồ 10
  1. Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.
  2. Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết.
  3. Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được, nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó
  4. Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
  5. Nước lấy dân làm gốc….Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
  6. Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng… Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.

Xem thêm:
14 bài thơ khắc họa chân dung Bác Hồ - Vị Cha già hiền từ, giản dị, kính yêu của dân tộc Việt Nam
Ngẫm nghĩ về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân Việt Nam
Những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam

6. Những câu nói của Bác về trẻ em và thanh niên 

Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng đã được thể hiện rõ qua những câu nói hay của Bác Hồ sau. 

  1. Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.
  2. Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.
  3. Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.
  4. Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
  5. Thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng, mỗi người lao động tốt đều có thể trở nên anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng.
  6. Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết kết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ.
  7. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.
  8. Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là "tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên". Ý nghĩa của nó là: phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tṛòn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy.
  9. Trong mọi việc, thanh niên phải làm đầu tàu, xung phong gương mẫu. Thanh niên hăng hái là tốt nhưng chớ xa rời quần chúng, xa rời thì không làm được đầu tàu - đầu tàu rời toa là vô dụng. Xung phong gương mẫu là mình làm tốt và giúp đỡ cho người khác cũng làm tốt. Phải cố gắng làm gương mẫu, làm đầu tàu, không tách rời quần chúng.
  10. Thanh niên ta trai cũng như gái, anh hùng và gan góc lắm. Chúng ta là những người đã từng tham gia cách mạng lâu, đã chống Pháp thắng lợi, cứ tưởng là chúng ta có nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng bây giờ phải học tập các chiến sĩ, học tập thanh niên.
Câu nói hay của Bác Hồ 8
  1. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?
  2. Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng. Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam.
  3. Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi.
  4. Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
  5. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…
  6. Mong các cháu cố gắng
    Thi đua học và hành
    Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
    Tùy theo sức của mình...
    Các cháu hãy xứng đáng
    Cháu Bác Hồ Chí Minh.
  7. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới thật là thanh niên.
  8. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên.
  9. Muốn đoàn kết củng cố và phát triển thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu:
    - Phải giữ vững đạo đức cách mạng: phải khiêm tốn, cần cù hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư, tự lợi.
    - Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là phải đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng.
    - Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt.
    - Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, dân".
  10. Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm.
Câu nói hay của Bác Hồ 12

7. Những câu nói của Bác Hồ về bảo vệ môi trường

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề môi trường. Những câu nói hay của Bác Hồ về bảo vệ môi trường cho thấy, Người luôn xác định, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe, cuộc sống và bền vững của con người. 

  1. Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây.
  2. Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp.
  3. Muốn xây dựng nông thôn mới… là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều tốt để lấy gỗ và để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn…
  4. Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều.
  5. Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm.
Câu nói hay của Bác Hồ 13
  1. Về vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt.
  2. Sau khi tôi qua đời…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
  3. Mùa xuân là tết trồng cây
    Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
  4. Cần giáo dục cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ, phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch.
  5. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…

Xem thêm:
Cùng suy ngẫm về những danh ngôn bất hủ của các vĩ nhân, nhân vật lịch sử
Những câu nói về tâm đức khiến ta phải suy ngẫm - Hơn thua, danh lợi để được gì?
Hạnh phúc ở đâu, bình yên ở đâu? - Những câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp ta giải mã điều đó!

8. Những câu nói giản dị của Bác Hồ về sống cần kiệm

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - đã để lại cho chúng ta những bài học còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và mãi về sau, trong đó, có những câu nói vừa giản dị vừa ý nghĩa của Bác Hồ về sống cần kiệm. 

  1. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.... Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ. Việc đáng làm trong 1 giờ, mà kéo dài 2, 3 giờ, là xa xỉ. Hao phí vật liệu, là xa xỉ. Ăn sang mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ... Vì vậy xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào.
  2. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc, nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm.
  3. Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.
  4. Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.
  5. Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức.
Câu nói hay của Bác Hồ 14
  1. Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào.
  2. Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được sự liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối.
  3. Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ.
  4. Chí công vô tư là khi làm việc gì cũng không nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì nên đi sau, nghĩa là đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
  5. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ… Nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta.

Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng dân tộc Việt Nam. Người là tượng đài hùng vĩ, bất tử trong lòng mỗi con người Việt Nam. Những câu nói hay của Bác Hồ chính là kho báu vô giá của toàn thể dân tộc, dù thời gian có trôi bao xa thì những lời dạy ấy vẫn vẹn nguyên giá trị như thuở ban đầu.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet