Vì sao nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?

VOH -  Dân gian vẫn thường lưu truyền nhau câu nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” nhằm thể hiện tầm quan trọng của ngày lễ này trong đời sống tâm linh người Việt.

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, nên ông bà ngày xưa có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Hãy cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn lý do vì lại có câu nói này trong bài viết dưới đây.

Vì sao “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?

Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên) là một trong 3 ngày rằm lớn trong năm ở nước ta. Thế nhưng lý do vì sao ông bà ta lại nói: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” thì không phải ai cũng rõ.

Vì sao nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”? 1
Câu nói người xưa: "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng"  - Ảnh: Internet

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới theo lịch Âm (“Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm”).

Nói về nguồn gốc ngày Tết Nguyên Tiêu thì trong dân gian có rất nhiều giai thoại khác nhau được lưu truyền. Có truyền thuyết cho rằng, sau ngày Rằm tháng Giêng, công việc đồng áng của người nông dân sẽ bắt đầu, vì thế trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, thần linh và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lại có tích khác kể, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo.  Nhiều người tin rằng Rằm tháng Giêng là đêm Phật giáng lâm nên các chư Tăng sẽ tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp.

Dù kinh điển Phật giáo không nói đến ngày Rằm tháng Giêng nhưng đa số người dân lựa chọn ngày này để đi chùa lạy Phật, cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.

Với những người theo đạo Phật, Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với Rằm tháng Tư (lễ Phật Đản) và Rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan) nhưng lại trùng với Tết Nguyên Tiêu (lễ Thượng Nguyên) trong dân gian, cộng thêm cái không khí ngày xuân vẫn còn, rất thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm.

Do sự lan tỏa trong cộng đồng nên đã từ rất lâu trong dân gian hình thành nên câu thành ngữ quen thuộc : “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”.

Như vậy, câu nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” có thể xuất phát từ quan niệm coi trọng những cái “đầu tiên” của người Việt (Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm). Sau đó, qua quá trình tiếp thu và dung nạp các nền văn hóa, tôn giáo nên được gắn thêm nhiều ý nghĩa mới.

Mặt khác, Rằm tháng Giêng đến ngay lúc những ngày Tết cổ truyền vừa kết thúc, mà trong dân gian lại có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, với dư âm của dịp Tết cho nên ý nghĩa của nó lại càng được chú trọng đề cao.

Xem thêm:
Cúng rằm tháng Giêng trước được không?
Tháng Giêng ngày Rằm 15 kiêng gì?
Tết Nguyên Tiêu đếm ngược còn bao nhiêu ngày?

Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt

Trước đây, lễ Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết muộn bởi sau Tết Nguyên đán nhiều gia đình vẫn tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người làm ăn xa cũng thường ở nhà đến qua ngày Rằm tháng Giêng mới đi… Vì vậy, trong tâm thức nhiều người Việt, Rằm tháng Giêng ý nghĩa không khác gì ngày Tết cổ truyền.

Vì Rằm tháng Giêng là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm, cũng như truyền thuyết dân gian kể rằng vào thời điểm trăng mọc của tháng Giêng, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, những ai thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.

Các chư Tăng, Phật tử, người dân vào ngày này sẽ lên chùa dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách. Nhiều chùa chiền vào ngày Rằm tháng Giêng cũng lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu an lành, hạnh phúc.

Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt làm cho không gian thờ cúng vào ngày Rằm 15 tháng Giêng càng thêm linh thiêng.

Vì sao nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”? 2
Rất nhiều người thường sẽ đi chùa cầu bình an vào ngày Rằm tháng Giêng - Ảnh: Internet

Phong tục đẹp của người Việt vào ngày Rằm tháng Giêng

Vào ngày Rằm tháng Giêng, phần lớn mọi người thường sẽ đi chùa lễ Phật hoặc đến các đền miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.

Các gia đình cũng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng chay hoặc mặn, đứng trước bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công ơn của ông bà, tổ tiên, nguồn cội.

Theo phong tục truyền thống trước đây, đêm 15 tháng Giêng, khắp nơi sẽ treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng. Hiện nay, dù một số hoạt động vào ngày 15/1 âm lịch đã được lược bỏ rất nhiều, song phong tục cúng Rằm tháng Giêng hay đi chùa vào ngày rằm lại là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chính những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày Rằm tháng Giêng đem lại đã trở thành hành trang để con người có thể vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, vui tươi và tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất. 

Bình luận