Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng’ nói đến điều gì?

VOH - Người ta vẫn thường nói “Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng” bởi sự soi mói của người thân nhà chồng từng khiến không ít cô con dâu phải rơi nước mắt. Vậy liệu câu nói đó có còn chính xác

Câu tục ngữ “Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng” khiến bao bạn đọc đồng cảm bởi xưa nay, mối quan hệ giữa nàng dâu và nhà chồng vẫn luôn là vấn đề có nhiều điều để nói. Hãy cùng tìm hiểu về câu nói này và sự thật đằng sau chúng nhé!

Ý nghĩa câu tục ngữ “Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng”?

giac-ben-ngo-khong-bang-ba-co-ben-chong-voh-1

Mỗi người con Việt Nam chắc chắn không còn xa lạ với giặc Ngô, chúng được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử nước nhà bởi sự hung hãn, độc ác. Khi khi nói đến giặc phương Bắc nhân dân ta đều gọi là giặc Ngô. 

“Bà cô bên chồng” là một cách nói hài hước để chỉ em gái, chị gái của chồng. Nhắc đến hai từ “bà cô” ai ai cũng ngầm hiểu đó là những người rất khó tính, khó chiều chuộng, đặc biệt rất hay soi xét với nàng dâu mới về nhà. Từ “bà cô bên chồng” cũng được dùng để nhắc đến những người phụ nữ bên nội đã lớn tuổi mà chưa lấy chồng. 

Vận dụng lối nói so sánh, câu tục ngữ “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” cho bạn đọc thấy được vất vả của những cô gái mới về làm dâu nhà chồng trong thời xưa, nhiều trường hợp phải chịu sự soi mói, khắt khe không chỉ đến từ mẹ chồng mà còn đến từ chị, em gái nhà chồng, những “bà cô bên chồng”.

Sở dĩ ví “bà cô bên chồng” đáng sợ như “giặc Ngô” là bởi thay vì yêu thương, giúp đỡ nàng dâu mới thì đôi khi họ lại xét nét, bắt nạt thậm chí là thêu dệt những điều không hay khiến mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn. Thực trạng này diễn ra khá nhiều vào thời xưa khi tất cả các thế hệ ông bà, cha mẹ, các con cháu trong gia đình ở chung sẽ sinh ra mâu thuẫn, đó cũng là lý do khiến người đời muốn nhắc nhở những cô dâu mới về nhà chồng.

Tại sao cần xây dựng mối quan hệ “chị dâu em chồng” lành mạnh, tốt đẹp?

giac-ben-ngo-khong-bang-ba-co-ben-chong-voh-2

Trong mối quan hệ tình cảm gia đình, dù là con dâu hay con đẻ cũng cần phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Sự ganh ghét, đố kỵ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn khó giải quyết bằng lời.

Quan hệ giữa chị dâu/ em dâu với em chồng/ chị chồng không chỉ là mối quan hệ giữa hai người mà còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hay quan hệ vợ chồng. Những mâu thuẫn nhỏ sẽ tích tụ dần và phát triển thành những vấn đề lớn hơn. Vì vậy, có thể nói muốn gia đình ấm êm, hạnh phúc thì trước hết các mối quan hệ trong gia đình phải hòa thuận, bền chặt. 

Người con dâu giỏi giang, dũng cảm, biết kính trên nhường dưới sẽ được bố mẹ và chị em chồng tin cậy, yêu mến… Những nàng dâu thật lòng yêu quý em gái, chị gái chồng, bao dung độ lượng, chắc chắn sẽ nhận lại về những tình cảm trân quý như vậy. 

Rất nhiều cô em gái chồng vì thấy chị dâu ít tuổi hơn mình mà coi thường, bắt nạt, khiến bản thân mang điều tiếng xấu, trở thành “bà cô” khó tính trong nhà. Thế nên, nhớ tình cảm gia đình là trân quý nhất, để từ đó mỗi cô gái hãy đối đãi với chị em dâu trong nhà đúng mực nhé. 

Mỗi cô con dâu trước khi bước chân vào nhà chồng đều là cô con gái cưng của gia đình, bởi vậy thông cảm và thấu hiểu cho chị em dâu trong nhà sẽ giúp mỗi cô gái thêm gắn bó khăng khít với gia đình, biết trân trọng, thương yêu bố mẹ, anh chị em của mình. 

Câu tục ngữ “Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng” với hình tượng cô em chồng cay nghiệt, thích soi mói đã dần trở thành câu chuyện quá khứ khi ngày nay rất nhiều những câu chuyện về tình cảm thân thiết giữa chị em chồng và em dâu, người chị dâu hiền lành, đảm đang, và cô em chồng luôn sẵn lòng giúp đỡ chị. 

Xem thêm: 
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con dại cái mang’ nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Trâu buộc ghét trâu ăn’ là gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cháu bà nội tội bà ngoại’ là gì?

Làm gì để hóa giải mối quan hệ xấu giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng?

Cuộc sống ngày càng hiện đại, mối quan hệ giữa chị chồng và em dâu cũng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn có một số ít cô con dâu và “bà cô chồng” do chưa biết cách nhường nhịn, lắng nghe đối phương nên dẫn tới những tình huống dở khóc dở cười. 

Khi sống chung trong một gia đình, mâu thuẫn chắc chắn là điều không thể tránh khỏi, bởi vậy khi gặp khó khăn cả hai hãy cùng ngồi xuống cùng tìm cách giải quyết. Đừng chọn cách im lặng mà hãy nói ra những suy nghĩ của mình theo hướng nhẹ nhàng nhất. Chỉ cần đôi bên học cách thấu hiểu, lắng nghe đối phương thì những mâu thuẫn giữa chị dâu, em chồng sẽ được giải quyết rất nhanh chóng. 

Suy cho cùng, chị dâu sẽ là người sống chung với bố mẹ và anh em nhà nội, nếu các cô em gái chồng cư xử thô lỗ, người chịu thiệt thòi không ai khác ngoài chính gia đình mình.

Không chỉ với em chồng, những nàng dâu cũng cần học cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, họ hàng nhà chồng. Khi mới về làm dâu, hãy bỏ cái tôi của bản thân xuống, trò chuyện, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ mẹ chồng. 

Những điều chưa biết thẳng thắn học hỏi, điều gì bản thân biết thì chủ động chia sẻ với tâm thế bình tĩnh, nhẹ nhàng. Nếu có xung đột, các nàng dâu cũng nên học cách đối mặt, giải quyết thẳng thắn, tuyệt đối không nên giấu kín trong lòng, đẩy xung đột lên cao hơn. Làm được như vậy thì ắt hẳn nỗi lo “Giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng” sẽ vơi đi nhiều, quan hệ giữa nàng dâu với nhà chồng cũng trở nên hòa hợp hơn.

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về nàng dâu trong gia đình

Từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa chị dâu, em chồng hay mẹ chồng nàng dâu luôn là chủ để được nhiều người quan tâm. Câu chuyện đó đã được phản ánh nhiều trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ lưu truyền đến tận ngày nay. 

  1. Lựa được con dâu, sâu con mắt.
  2. Nuôi dâu thì dễ, nuôi rể thì khó.
  3. Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.
  4. Miếng trầu nên dâu nhà người (miếng trầu thành dâu nhà người).
  5. Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng.
  6. Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở yêu nhau bao giờ.
  7. Trước làm nàng dâu, sau mới làm mẹ chồng.
    giac-ben-ngo-khong-bang-ba-co-ben-chong-voh-3
  8. Làm dâu cha mẹ chồng có chừng, có đỗi
    Làm dâu em chồng có nhiều nỗi đắng cay.
  9. Trời mưa ướt lá đài bi
    Con mẹ, mẹ xót, xót gì con dâu!
  10. Áo dài năm nút hở bâu
    Để coi người nghĩa làm dâu thế nào.
  11. Lồng cồng như mẹ chồng xới xôi
    Bát đầy thì ít, bát vơi thì nhiều.
  12. Cơm nhà ăn ngon, con nhà dễ khiến
    Ba bà bốn truyện kháo chuyện nàng dâu.
  13. Bà già mặc áo bông chanh
    Ngồi trong đám hẹ nói hành nàng dâu.
  14. Má đừng khắc bạc con dâu
    Còn để cái đức về sau cho con má nhờ.
  15. Mẹ chồng nàng dâu,
    Chủ nhà, người ở, khen nhau bao giờ.
  16. Mẹ chồng dữ, mẹ chồng chết,
    Nàng dâu có nết, nàng dâu chừa.
  17. Bố chồng là lông con phượng,
    Mẹ chồng là tượng mới tô,
    Nàng dâu mới về là bồ đựng chửi.
  18. Uổng tiền mua giống mía sâu
    Để dành đi cưới con dâu mà nhờ.
  19. Con dâu tôi dại lại khờ
    Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần
    Nấu canh như thể xà bần
    Bữa mặn bữa lạt, không lần nào ngon
    Làm bánh, nắn cục nắn hòn
    Bỏ vô mà hấp chẳng còn chút nhưn
    May áo rồi lại may quần
    Tra khuy lộn ngược sau lưng vá quàng
    Đi chợ phải thói ăn hàng
    Mua ba đồng mắm chợ tan mới về
    Về nhà rồi đi ngồi lê
    Cửa nhà dơ dáy chắng hề quét lau
    Nuôi heo sợ tốn cám rau
    Tới mùa gặt hái giả đau ở nhà!

“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” là câu tục ngữ lâu đời phản ánh mối quan hệ giữa chị dâu và em chồng trong xã hội ngày xưa. Ở cuộc sống hiện đại, mối qua hệ đó đã bớt phần căng thẳng, song mỗi chúng ta vẫn nên học học cách thông cảm, thấu hiểu cho đối phương. 

Bình luận