Hướng ngoại là gì? Người hướng ngoại và hướng nội khác nhau như thế nào?

(VOH) – Thuật ngữ hướng ngoại đang được giới trẻ quan tâm và sử dụng rất nhiều để mô tả tính cách của một cá nhân nào đó. Vậy đã bao giờ các bạn thắc mắc, hướng ngoại là gì hay chưa?

Nếu như bạn là người hay quan tâm đến tìm hiểu và khám phá các khía cạnh liên quan đến con người, chắc hẳn bạn đã từng nghe về thuật ngữ hướng ngoại. Để tìm hiểu chi tiết hơn về khái niệm hướng ngoại là gì, chúng ta cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

1. Hướng ngoại là gì? 

Hướng ngoại (extrovert) là một trong những đặc điểm tính cách được đề cập trong Big Five personality traits - mô hình 5 tính cách lớn. Trong đó, tính cách hướng ngoại thường có xu hướng hướng ra bên ngoài, tức hướng ra các mối quan hệ xã hội, các tình huống yêu cầu tương tác xã hội. Nhìn chung, người hướng ngoại dễ bị kích động, hòa đồng, nói nhiều, quyết đoán, dễ thể hiện cảm xúc, tận hưởng cảm giác sôi động, có nhiều mối quan hệ xã hội và thích được ở bên người khác hơn là ở một mình. 

Hướng ngoại là gì? Người hướng ngoại và người hướng nội khác nhau như thế nào? 1
Người hướng ngoại thường tận hưởng cảm giác ở bên người khác hơn là ở một mình

Vào những năm đầu thế kỷ 20, Carl Jung đã đưa ra khái niệm về hướng ngoại và hướng nội. Trong đó, người hướng ngoại được đặc trưng bởi tính cách hướng ngoại, phản ứng nhanh với người khác, năng động, năng nổ và đưa ra quyết định nhanh chóng. 

Xem thêm: Tầm quan trọng của rèn luyện tư duy sáng tạo bạn đã biết chưa?

2. Đặc điểm của người hướng ngoại

Với nguồn năng lượng hướng ra bên ngoài, những người hướng ngoại sẽ có những đặc điểm, biểu hiện hành vi thường thấy như sau.

2.1 Thích tương tác xã hội

Những người hướng ngoại thường rất tận hưởng cảm giác được hoà mình vào đám đông, được trò chuyện và tương tác với tất cả mọi người. Đôi khi, họ rất thích được trở thành một phần quan trọng trong đám đông, điều này kích thích cảm giác thích thú của họ. Thông thường, người hướng ngoại không ngần ngại khi bước vào một mối quan hệ xã hội mới và các hoạt động tương tác xã hội mới.

2.2 Không thích hoặc rất ít khi ở một mình

Như đặc điểm vừa được trình bày về hướng ngoại, người hướng ngoại thường không tận hưởng cảm giác ở một mình. Họ cần tương tác để gia tăng năng lượng cho bản thân, cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Do đó, bạn sẽ rất ít khi thấy người hướng ngoại ở một mình.

Hướng ngoại là gì? Người hướng ngoại và người hướng nội khác nhau như thế nào? 2
Người hướng ngoại rất thích các hoạt động tương tác xã hội

Kể cả sau một ngày mệt mỏi, người hướng ngoại cảm thấy việc ở một mình không hề giúp họ phục hồi năng lượng, mà họ cần ở bên người khác và có những tương tác xã hội để cảm thấy tràn đầy năng lượng trở lại.

2.3 Có nhiều bạn bè và không ngại giao lưu

Người hướng ngoại có nhiều bạn bè nhờ nhu cầu tương tác xã hội thật nhiều của họ. Họ cũng không ngại giao lưu bởi những hoạt động này khiến họ cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng.

Hướng ngoại là gì? Người hướng ngoại và người hướng nội khác nhau như thế nào? 3
Người hướng ngoại thường tạo ấn tượng là người sôi nổi và hòa đồng

Thông qua những đặc điểm này, chúng ta thường thấy người hướng ngoại là những người cực kỳ sôi nổi, vui vẻ và hòa đồng, luôn tạo cảm giác thân thiện với mọi người ngay trong lần đầu gặp mặt.

Xem thêm: Người cầu toàn có dễ thành công trong công việc không?

2.4 Thẳng thắn, đôi khi hơi bốc đồng

Người hướng ngoại thường có xu hướng nói ra tất cả những gì mà họ nghĩ ngay lúc đó mà không ngại bất kỳ một ai, cũng không lo ngại bất kỳ hậu quả nào. Đặc điểm này của người hướng ngoại đôi khi được đánh giá là quá thẳng thắn, thậm chí họ còn có thể bị cho rằng hơi bốc đồng và thiếu tinh tế.

2.5 Thích lãnh đạo

Bởi người hướng ngoại có xu hướng thích kết nối và giao lưu với thật nhiều người cũng như có nhiều năng lượng và sức sống nên họ thường ưa thích vị trí là người dẫn đầu, người lãnh đạo trong một hội nhóm, tổ chức... Những tố chất của người hướng ngoại giúp họ có thể dễ dàng trở thành người chỉ huy tài năng. Tuy nhiên, người hướng ngoại cũng cần cân bằng trong cách làm việc để không trở thành một kẻ nắm quyền độc đoán.

Xem thêm: Bạn là người sống theo lý trí hay cảm xúc?

3. Hướng ngoại và hướng nội

Phần đầu bài viết đã đưa cho các bạn cái nhìn tổng quan về hướng ngoại là gì và những đặc điểm tiêu biểu người hướng ngoại. Tuy nhiên, các bạn cũng thường được nghe tới một khái niệm vừa gắn bó chặt chẽ vừa trái ngược với khái niệm hướng ngoại. Đó là hướng nội (introvert). Để có cái nhìn rõ nét hơn về sự giống và khác nhau giữa hai khái niệm này, các bạn hãy tiếp tục theo dõi phần tiếp theo nhé.

Hướng nội thường được coi là trái ngược lại với những biểu hiện của hướng ngoại. Nghĩa là người hướng nội cực kỳ tận hưởng cảm giác ở một mình, và đây là cách thức mà họ tái tạo lại năng lượng bản thân. Nói một cách khái quát, người hướng nội thường tập trung cảm xúc, mối quan tâm hướng vào trong hơn. Thông thường, người hướng nội thường nội tâm, có vẻ điềm tĩnh và chắc chắn hơn người hướng ngoại.

Hướng ngoại là gì? Người hướng ngoại và người hướng nội khác nhau như thế nào? 4
Người hướng nội cần thời gian ở một mình để lấy lại năng lượng

Tuy nhiên, không phải người hướng nội là sẽ từ chối những hoạt động, tương tác xã hội. Người hướng nội được chia thành nhiều loại, và có những người hướng nội cực kỳ giỏi trong việc trở nên sôi nổi, năng động và có rất nhiều mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, điểm khác biệt là khi năng lượng trở nên cạn dần, người hướng nội cần có không gian một mình để sạc lại năng lượng cho bản thân.

Các nhà tâm lý học đã khẳng định rằng, mỗi con người đều có cả hai đặc điểm hướng nội và hướng ngoại. Tùy vào mỗi cá nhân mà đặc điểm nào có xu hướng nổi trội và mạnh mẽ hơn mà thôi. Đây cũng là lý do mà vì sao chúng ta thậm chí có cả những cụm từ như hướng ngoại nội tâm, hướng ngoại cô độc hay sống hướng nội nhưng đôi khi cũng thích hướng ngoại…

Xem thêm: Cái tôi là gì ? Bạn đã hiểu rõ về 'cái tôi' của mình chưa?

4. Ưu nhược điểm của người hướng nội và người hướng ngoại

4.1 Ưu điểm và nhược điểm của người hướng nội

4.1.1 Độc lập 

Những người hướng nội thường có xu hướng tận hưởng không gian ở một mình và họ thường làm việc rất hiệu quả khi công việc không yêu cầu quá nhiều kết nối và giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, sự độc lập này nếu không được điều tiết, cân bằng cũng có thể trở thành khuyết điểm của người hướng nội. Khi đó, sự độc lập sẽ trở thành sự tự cô lập của người hướng nội với tất cả các mối quan hệ xã hội xung quanh. 

4.1.2 Cẩn trọng

Người hướng nội thường có xu hướng cẩn trọng với mọi tình huống, thách thức mới vừa được đặt ra. Điều này giúp người hướng nội có cơ hội để xem xét và đánh giá toàn diện vấn đề một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành một rào cản ngăn người hướng nội trong việc dám thực hiện, dám bắt đầu và chấp nhận thất bại.

4.1.3 Nhạy cảm

Nhạy cảm vừa là một món quà vừa là một điều mà người hướng nội cho rằng đó là khuyết điểm. Sự nhạy cảm giúp người hướng nội trở nên tinh tế và có khả năng khiến người đối diện cảm thấy dễ chịu khi trò chuyện cùng. Tuy nhiên, sự nhạy cảm đồng thời cũng khiến người hướng nội trở nên phóng đại những chi tiết nhỏ nhặt và không cần thiết.

Xem thêm: Những danh ngôn hay về sự quan tâm sẻ chia với người khác

Hướng ngoại là gì? Người hướng ngoại và người hướng nội khác nhau như thế nào? 5
Người hướng nội hay người hướng ngoại đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định

4.2 Ưu điểm và nhược điểm của người hướng ngoại

4.2.1 Có nhiều mối quan hệ xã hội

Với tính cách và năng lượng tràn trề, người hướng ngoại thường có rất nhiều mối quan hệ xã hội và cũng rất dễ dàng làm quen với những mối quan hệ mới. Điều này là một lợi thế của người hướng ngoại, nhưng nó cũng có nhược điểm là những mối quan hệ của người hướng ngoại khó có thể trở thành mối quan hệ ý nghĩa và sâu sắc.

4.2.2 Không sợ rủi ro

Trái ngược với người hướng nội, người hướng ngoại không ngại ngần mỗi khi phải đương đầu với mọi khó khăn và thách thức. Thay vào đó, họ có xu hướng ngay lập tức lao mình vào những vấn đề đó để tìm ra cách giải quyết. Đi cùng với lợi thế này, người hướng ngoại được cho là có nhược điểm không suy nghĩ, tư duy thấu đáo trước khi nhìn nhận vấn đề, dễ dẫn tới những sai lầm và những hành động hấp tấp, bộp chộp.

4.2.3 Tận hưởng cảm giác có nhiều bạn bè

Những người hướng ngoại khó có thể chịu được cảm giác không có bạn bè ở bên cạnh. Họ luôn tận hưởng năng lượng mà bạn bè mang lại và việc ở cạnh bạn bè sẽ mang lại cảm hứng rất lớn cho người hướng ngoại. Tuy nhiên việc không thể hưởng cảm giác tĩnh lặng và ở một mình cũng khiến người hướng ngoại khó có thể tận hưởng được cảm giác bình yên.

Thông qua bài viết này, chúng ta đã cùng giải mã khái niệm hướng ngoại là gì và hiểu rõ hơn về những đặc điểm của người hướng ngoại và người hướng nội. Mong rằng các bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề này để thêm hiểu bản thân cũng như hiểu mọi người xung quanh.

Nguồn ảnh: Internet