Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'

VOH - Đến nay, những câu tục ngữ mà ông bà ta đúc kết còn nguyên giá trị. ‘Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’ là một ví dụ như vậy.

Từ xa xưa ông bà ta đã thường dùng những câu tục ngữ để đúc kết lại kinh nghiệm của mình và truyền lại cho thế hệ con cháu. Nằm trong kho tàng quý báu đó, câu tục ngữ 'Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống' đại diện cho 4 yếu tố quan trọng mà chúng ta cần lưu ý khi làm nông nghiệp.

Tục ngữ là tài sản quý giá mà chúng ta được kế thừa

Theo định nghĩa chính xác, tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn một ý nghĩa mang nội dung nhận xét quan hệ xã hội, truyền đạt kinh nghiệm sống, đưa ra bài học luân lý hay phê phán sự việc.

Không quá khi nhận xét rằng, tục ngữ chính là một “tác phẩm văn học” hoàn chỉnh vì nó mang trong người ba chức năng cơ bản của văn học gồm chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ và chức năng giáo dục.

Để hiểu rõ hơn những sự tinh túy của tục ngữ, chúng ta sẽ đi vào phân tích câu tục ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đây là một kinh nghiệm trồng trọt được lưu truyền lại và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Xem thêm:
360 câu ca dao dân ca Việt Nam hay nhất từ 3 miền đất nước
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
200 câu thành ngữ hay về cuộc sống mà bạn dùng hằng ngày

"Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" nghĩa là gì? 

Câu tục ngữ "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống" muốn thể hiện kinh nghiệm trồng lúa nước nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. “Nước”, “phân”, “cần” và “giống” là 4 yếu tố quan trọng, không thể thiếu khi canh tác. Chúng ta hãy cùng phân tích ý nghĩa để hiểu rõ hơn về câu tục ngữ này.

‘Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống’ có nghĩa là gì? 1

"Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống" có nghĩa là gì? - Ảnh: Internet

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống"

  • “Nhất nước”: Để canh tác, chúng ta phải có nguồn nước tưới tiêu. Nước là yếu tố quan trọng nhất, được ông cha ta đặt lên hàng đầu. Tương tự như việc chúng ta ăn uống hằng ngày để có năng lượng sống, nước chính là thứ mà cây trồng cần nhất.
  • “Nhì phân”: Thực tế, chỉ nước thôi là không đủ để cung cấp chất dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển, chống lại sâu hại và dịch bệnh. Tuy nhiên, phân bón phải được bón đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời vụ thì mới cho ra được kết quả tốt. Đồng thời, chúng ta cũng không được lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hay là thuốc tăng trưởng để kích thích cây trồng. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng.
  • “Tam cần”: Tiếp theo là “cần” trong cần cù, cần mẫn, chuyên cần. Tức là cần phải có sức lao động và sự chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ của người nông dân thì cây trồng mới có thể phát triển, cho kết quả tốt. Mở rộng ra, yếu tố lao động còn cần có chuyên môn và kinh nghiệm, lao động có kỹ thuật càng cao thì kết quả cho ra càng chất lượng.
  • “Tứ giống”: Cuối cùng là hạt giống. Chất lượng hạt giống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây trồng sau này. Hạt giống có khỏe thì cây mới có điều kiện để phát triển. Người nông cần cần phải dựa trên yêu cầu và mục đích của mình để tiến hành chọn lựa hạt giống sao cho phù hợp.

Mối quan hệ giữa “nước”, “phân”, “cần” và “giống”

Đây là 4 yếu tố bổ trợ cho nhau và không thể tách rời. Giả sử, bạn có chăm chỉ, cần cù đến đâu, có tưới tiêu và bón phân như thế nào mà hạt giống bạn chọn có vấn đề thì mấy tháng trời bỏ ra xem như công cốc.

Tương tự, bạn có hạt giống tốt, có tưới tiêu hằng ngày, tích cực chăm bẵm, nhưng nếu bạn không bón phân thì cây lúa cũng èo uột thiếu sức sống và rất dễ chết. Như vậy, để có được mùa màng bội thu thì vẫn nên kết hợp cả 4 yếu tố trên.

‘Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống’ có nghĩa là gì? 2

Câu tục ngữ: "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống" đúc kết kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp quý báu của ông cha ta - Ảnh: Internet

Tuy vậy, tầm quan trọng của “nước”, “phân”, “cần” và “giống” có cố định không? Điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi ở các vùng đất và khí hậu khác nhau thì các yếu tố ưu tiên cũng sẽ thay đổi.

Câu tục ngữ "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống" vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay

Người ta thường nói, vật đổi sao dời, vậy thì liệu câu nói có từ ngàn xưa có còn giữ được vẹn nguyên giá trị của nó? Câu trả lời là có, nhưng chưa đủ.

Ngày nay, diện tích đất canh tác ngày càng ít đi, nhân lực canh tác cũng giảm dần. Vậy nên đòi hỏi cần có phương pháp tối ưu hơn cho việc tiếp tục trồng trọt, và một yếu tố nữa ra đời, đó chính là công nghệ - kỹ thuật. Với sự hỗ trợ của máy móc và thiết bị chúng ta có thể can thiệp một cách có hiệu quả vào quá trình canh tác.

‘Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống’ có nghĩa là gì? 3

Áp dụng vào tình hình thực tế hiện nay, câu tục ngữ "Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống" vẫn đúng nhưng chưa đủ - Ảnh: Internet

Chúng ta sử dụng xe kéo, máy cày để tăng năng suất lao động đồng thời giảm đi sức lực và thời gian. Tương tự, việc áp dụng các phương pháp khoa học, tác động lên hạt giống, cải tiến giống, tạo ra nhiều giống mới cho năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn.

Nhưng nói đến cùng, không thể phủ nhận được kinh nghiệm quý báu từ câu tục ngữ “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”.

Cũng nhờ đó mà người đời sau mới phát huy và đưa ngành nông nghiệp nước nhà vươn ra tầm quốc tế. Chúng ta cần phải ghi nhớ ý nghĩa và lời răn dạy từ các câu tục ngữ một cách có chọn lọc và linh hoạt. Biến những kinh nghiệm quý báu đó thành nền tảng để phát triển ở cả hiện tại lẫn tương lai.

Xem thêm:
200+ câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ, thơ nói về trồng trọt
86 bài thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ về con cò
Top bài thơ, ca dao tục ngữ về con trâu gắn liền với người nông dân

Một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ liên quan đến kinh nghiệm nhà nông 

Sau khi tìm hiểu về câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” chắc hẳn chúng ta phần nào đó cũng thấy được kinh nghiệm của ông cha ta. Sau đây là một số câu tục ngữ, thành ngữ và ca dao liên quan đến kinh nghiệm trồng trọt mà các bạn có thể tham khảo thêm.

  1. Tấc đất tấc vàng.
  2. Nhất thì nhì thục.
  3. Cấy tháng chạp, đạp không đổ.
  4. Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa.
  5. Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn.
  6. Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn.
  7. Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền.
  8. Bao giờ đom đóm bay ra
    Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng.
  9. Lúa chiêm đào sâu chôn chặt
    Lúa mùa vừa đặt vừa đi.
  10. Lúa chiêm lấp ló đầu bờ 
    Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.
  11. Muốn ăn lúa tháng Năm,
    Trông trăng rằm tháng Tám.
  12. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
    Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
  13. Muốn ăn lúa tháng Mười,
    Trông trăng mùng tám tháng Tư.
  14. Đất màu trồng đậu trồng ngô
    Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn.
  15. Thiếu tháng hai mất cà,
    Thiếu tháng ba mất đỗ.
  16. Thiếu tháng tám mất hoa ngư,
    Thiếu tháng tư mất hoa cốc.
  17. Tháng giêng trồng trúc,
    Tháng lục trồng tiêu.
  18. Tỏ trăng mười bốn được tằm
    Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa chiêm.
  19. Mưa tháng bảy gãy cành trám
    Nắng tháng tám rám cành bưởi.
  20. Trăng mờ tốt lúa nỏ
    Trăng tỏ tốt lúa sâu.
  21. Tháng giêng rét đài
    Tháng hai rét lộc
    Tháng ba rét nàng Bân.
  22. Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen.
    Trồng tre đất sỏi, trồng tỏi đất bồi.
    Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân.
    Đất thiếu trồng dừa,đất thừa trồng cau.
  23. Tháng chạp là tháng trồng khoai 
    Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ ruộng ra
    Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng.

Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị của các câu ca dao, tục ngữ nói chung và câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nói riêng. Qua đó chúng ta có thể áp dụng cho các dự án trồng trọt hoặc đơn giản chỉ là chăm sóc vườn rau nhỏ ở nhà.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận