Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Tốt khoe xấu che”

VOH - “Tốt khoe xấu che” là một trong những thành ngữ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để biểu đạt các hiện tượng trong đời sống xã hội.

Văn học dân gian Việt Nam là một kho tàng tri thức phong phú, để lại nhiều kinh nghiệm và triết lý sống đã được tiền nhân đúc kết. Ngoài những câu thành ngữ còn nguyên giá trị, vẫn có những câu không còn phù hợp với thời đại, hoặc có những ưu nhược điểm khác nhau. “Tốt khoe xấu che” là một ví dụ điển hình. Tại sao lại nói như vậy? Hãy cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây!

“Tốt khoe xấu che” có ý nghĩa gì?

Trước hết, “tốt khoe” tức là biểu dương, ca ngợi, phổ biến, nhân rộng những phẩm chất tốt, việc làm tốt. Còn “xấu che” là xử lý kín đáo những điều chưa tốt. Như vậy, ý nghĩa câu thành ngữ “tốt khoe xấu che” là nên thu xếp những việc xích mích nội bộ một cách kín đáo, không nên để lộ ra ngoài. 

Ngoài ra, một số câu thành ngữ khác có nội dung tương tự như “Tốt khoe xấu che”: 

  • Tốt thì khoe, xấu thì che. 
  • Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại.
  • Tốt phô ra, xấu xa đậy lại.
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Tốt khoe xấu che” 1
Ảnh: Pinterest

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Rán sành ra mỡ’ nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ruột để ngoài da" nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Ăn ốc nói mò” là gì

Tính hai mặt của “tốt khoe xấu che” 

Lối tư duy “tốt khoe xấu che” hiện nay tồn tại song song ưu và nhược điểm tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. 

Như đã nói ở trên, “tốt khoe” tức là ca ngợi cái hay, cái đẹp, nhưng nếu quá liều lượng, không phù hợp với hoàn cảnh sẽ trở nên lố bịch. Tiếc thay, cuộc sống không thiếu những hành vi “tốt khoe” kiểu này. “Bệnh” thành tích trong ngành giáo dục chính là một kiểu “khoe ảo”...

Còn “xấu che” cơ bản là có hại. Việc che giấu khuyết điểm, thiếu sót của bản thân, của tập thể… chỉ phù hợp với cách làm việc đối phó, “chữa cháy”, có thể vượt qua vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài sẽ gặp rắc rối lớn. Đồng thời, lối sống này còn khiến con người trở nên tự cao tự đại, chối bỏ trách nhiệm, dần đánh mất đi sự khiêm tốn vốn có.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể mà nó lại có mặt tích cực. “Xấu che” là nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật giao tiếp hay phong cách thời trang. Chẳng hạn như một cô gái lựa chọn áo có thiết kế tay loe rộng để "giấu tiệt" đi bắp tay to, đây được gọi là cách ăn mặc “tốt khoe xấu che”. 

Nhìn chung, “tốt khoe xấu che” xuất phát từ tâm lý ngại chia sẻ cái chưa tốt, ngại mổ xẻ cái sai của nhau. Rõ ràng cách làm này chỉ có lợi về mặt hình thức, để đối phó cho qua chuyện. Nhưng xét cho cùng, “tốt khoe xấu che” về lâu dài không thể hiện giá trị lợi ích, gây ngộ nhận về tiêu chuẩn chung, góp phần khuyến khích lối sống phô trương, chạy theo hình thức. Vì vậy, ông bà ta mới có câu: “Giấy không gói được lửa” hay “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. 

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Tốt khoe xấu che” 2
Không khó để nhận ra nhiều nhược điểm của lối tư duy “tốt khoe xấu che” - Ảnh: Pinterest

Tâm lý “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” trong xã hội hiện đại

Tư tưởng “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy điệm” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, hình thành nên lối tư duy không phù hợp với sự phát triển của thời đại. Dưới đây là một số ví dụ điển hình trong xã hội hiện nay. 

Trong kinh doanh

Bán hàng theo tâm lý “tốt khoe xấu che” nhằm đánh bóng sản phẩm và nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên không khó để nhận ra nhiều nhược điểm của cách làm này. 

Ví dụ: Ở hàng bán tôm trong chợ, người bán thường lựa những con tôm to và tươi đặt lên trên khay đựng. Khi có khách mua, họ xạo tay xuống dưới vớt lên cân, trộn lẫn trong đó là những con tôm ươn hoặc có kích thước bé hơn. 

Hay tại một cửa hàng trái cây, các loại quả đều được đóng gói đẹp mắt, còn nguyên tem, mã vạch, mặt trên sản phẩm còn tươi. Nhưng khi khách hàng mở ra sử dụng thì phát hiện mặt dưới của một vài quả đã hỏng. 

Những trường hợp trên không hiếm gặp trong cuộc sống hàng ngày, khiến người tiêu dùng thất vọng, "quay lưng" với cửa hàng/thương hiệu/doanh nghiệp. 

“Tốt khoe xấu che” tức là chất lượng hàng hóa không đồng đều. Trong bất kỳ một lĩnh vực nào, sản phẩm tạo ra có chất lượng không đồng đều thì không thể coi là tốt, là thành công được. 

Hiện nay, có rất nhiều thương hiệu khác nhau, mức độ cạnh tranh cao. Khách hàng hoàn toàn có quyền không chọn mua sản phẩm của bạn nếu lần mua trước đó khiến họ không hài lòng. Ngoài ra, khách hàng tiềm năng có thể căn cứ vào đánh giá của người tiêu dùng trước để quyết định nên mua hay không. Như vậy, cửa hàng/doanh nghiệp vận hành theo lối tư duy trên sẽ bị giảm uy tín, mất khách hàng và khó trụ vững trong thương trường. 

“Bệnh” thành tích

Biểu hiện của “bệnh” thành tích là che giấu khuyết điểm, chạy theo thành tích, “đánh bóng” tên tuổi… Căn bệnh trầm kha này đã có từ lâu, phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến “bệnh” thành tích chính là lối tư duy “tốt khoe xấu che”. 

Điển hình là trong ngành giáo dục, ở các cấp học, báo cáo thi đua và thực tế hoàn toàn khác nhau. Chất lượng không phải là thành tích. Vì vậy, không thể khoe chất lượng dựa vào “điểm cao”. Việc chỉ chú trọng vào tỷ lệ học sinh khá giỏi tạo nên chất lượng giáo dục “ảo”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến động cơ học tập của học sinh và công tác giảng dạy của giáo viên. 

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Tốt khoe xấu che” 3
Bệnh thành tích trong giáo dục - Ảnh: Báo Lao Động

"Bệnh" đổ thừa

"Bệnh" đổ thừa bắt nguồn từ việc sợ bị chê cười. Thế nên, họ luôn viện cớ đổ lỗi cho người khác, không dám nhìn nhận bản thân chưa tốt, ngại nhận sai, ngại bị “mổ xẻ” lỗi sai. Từ đó hình thành nên lối sống vô trách nhiệm, không dám đối diện với cái dở, cái xấu của bản thân.

Trên mạng xã hội

Hàng loạt trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, Youtube, X (Twitter)... đã và đang chi phối mạnh mẽ đời sống, tình cảm, tác động đến đạo đức, lối sống, phong cách thẩm mỹ của con người. 

Ở đời “tốt khoe xấu che” là sự thường. Không ai ngăn cản việc chia sẻ cuộc sống đời thường, trang phục, vật dụng đắt tiền… nếu những hình ảnh đó không đi ngược lại thuần phong mỹ tục, không ảnh hưởng không gian văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên bên cạnh cái khoe "nhẹ nhàng", thể hiện niềm tự hào chính đáng, lại có cái khoe của kẻ hãnh tiến xu thời, khoa trương quá đáng, thậm chí là phản cảm.

Từ muôn thuở, người đời vẫn yêu và ca ngợi cái đẹp. Tuy nhiên, hiện nay, không khó để bắt gặp những những hình ảnh “khoe thân” trên mạng xã hội khiến người xem đi từ “bỏng mắt”, sốc đến nổi giận. Ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm mong manh hơn cả sợi tơ. Những người tạo ra những bộ ảnh đó có thể vịn vào chính “sợi tơ” ấy để bảo vệ chính kiến của mình. Nhiều người cho rằng, đó là quyền của họ, họ không phạm luật, cũng không làm điều gì ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Tư duy “có body (thân thể) đẹp thì show (khoe)” ngày càng bị biến tướng, trở thành trào lưu thiếu văn hóa, lệch chuẩn. 

Hay vào tổng kết cuối năm, phụ huynh lại đưa hình ảnh bảng điểm và giấy khen của con em mình lên mạng xã hội. Đây là điều không khó hiểu và không ai cấm, nhưng quá lạm dụng sẽ vô tình tạo áp lực cho chính con mình và những đứa trẻ khác; đẩy nhiều học sinh, phụ huynh có con chưa đạt được kết quả cao rơi vào tình trạng áp lực, so bì, ngậm ngùi. Ngoài ra, nhiều cha mẹ chưa lưu ý đến vấn đề che đi thông tin cá nhân của con trên bảng điểm, giấy khen, lớp học... Chính điều này đã “giúp” kẻ xấu dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của trẻ, vô tình là lỗ hổng để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Đói cho sạch, rách cho thơm’ nói lên điều gì
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Có thực mới vực được đạo’ là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ muốn nhắc nhở điều gì?

Thay đổi tư duy “tốt khoe xấu che” 

Nhiều người cho rằng, nên thay đổi tư duy “tốt khoe xấu che” thành “trong ngoài tốt đều”, hoặc “tốt khoe ra, xấu xa dọn cho sạch” để mau tiến bộ. Bởi cái xấu khoe ra không phải lúc nào cũng có hại. Nếu tất cả chúng ta dũng cảmquyết tâm đối mặt thì cái xấu chắc chắn sẽ bị loại bỏ.

Để làm được điều này đòi hỏi ý chí, kiên quyết đưa ra ánh sáng những cái sai, cái chưa tốt. Tiếp đến cần có góc nhìn cởi mở, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi và cùng nhau đưa ra giải pháp thích hợp. 

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Tốt khoe xấu che” 4
"Khoe" cái xấu không phải lúc nào cũng có hại nếu ta dũng cảm đối mặt và tìm ra phương pháp giải quyết đúng đắn - Ảnh: Pinterest

Như vậy, câu “tốt khoe, xấu che” của người Việt có tính hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực, tùy thuộc vào hoàn cảnh và cách sử dụng. Trên thực tế, không có ai hoàn hảo cả. Việc nhận thức và khắc phục khuyết điểm sẽ giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.