Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”

VOH - Trong khi hầu hết mọi người đều hiểu đúng, dùng đúng nghĩa bóng câu thành ngữ “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” thì nghĩa đen của nó lại gây ra nhiều tranh cãi.

“Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” là câu thành ngữ quen thuộc với nhiều người với nghĩa bóng là sự “tự do vô kỷ luật” của con cái (hoặc cấp dưới) khi cha mẹ (hoặc cấp trên) đi vắng. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là về mặt nghĩa đen, hình thức câu thành ngữ lại gây ra nhiều tranh cãi. Cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa cũng như những điểm “vô lý” gây ra sự tranh cãi trong câu thành ngữ trên là gì nhé!

Nghĩa đen câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” là gì?

Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam rất phong phú về từ ngữ và có sự thâm thúy về nội dung, chẳng hạn như câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” dưới đây.

Thành ngữ “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” được chia làm 2 vế câu, vế đầu tiên là cụm từ “Vắng chủ nhà” và vế thứ hai là “Gà mọc đuôi tôm”. Nghĩa đen của cả câu thành ngữ nói lên cảnh tượng: Ngày xưa những người nông dân thường hay nuôi ổ. Sau khi nở, gà con theo gà mẹ kiếm ăn. Khoảng hơn 1 tháng sau nở, lông cánh gà con phát triển. Cái đuôi gà cũng dài, chìa ra, khum khum giống cái đuôi con tôm.

Thời điểm chiếc đuôi gà giống với hình đuôi (con) tôm cũng là lúc (theo bản năng), gà mẹ xui đuổi, bắt đàn con tự lập. Nếu con gà nào (do thói quen) chạy theo sẽ bị gà mẹ mổ đuổi chí chóe.

Thế nhưng, chỉ cần vài ngày làm quen, gà con đã mạnh dạn. Chúng vẫn giữ thói quen đi ăn theo bầy và rất hiếu động. Chúng chui luồn mọi ngóc ngách, bới móc từ ngoài vườn đến trong nhà; từ gầm giường, xó tủ đến bồ thóc, thúng gạo… làm mọi thứ đảo lộn tứ tung.

Giải thích ý nghĩa câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” 1
"Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm" là một trong những câu thành ngữ quen thuộc của người dân Việt - Ảnh: Internet

Câu thành ngữ  “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” được hình thành dựa trên những giai đoạn đặc biệt của các sự vật, hiện tượng để khi đặt cạnh nhau có thể dùng cái này liên tưởng, so sánh với cái kia. Ông bà ta có thể đã ví von lũ trẻ con khi “vắng chủ nhà” (gia đình - cha mẹ) và “gà mọc đuôi tôm” có điểm giống nhau là đều nghịch ngợm, phá phách, tha hồ trêu trọc, đánh đấm nhau mà không sợ bị ai trách mắng, quở phạt.

Cho nên câu thành ngữ này có thể được diễn giải: Tình trạng (trẻ) vắng chủ nhà (thì cũng giống như) gà con (giai đoạn) mọc đuôi tôm. Và ở khía cạnh nghĩa đen có thể hiểu là: Trẻ con nghịch ngợm, phá phách nhất khi cha mẹ vắng nhà; gà con quấy phá nhất ở giai đoạn “mọc đuôi tôm”, tách mẹ.

“Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” - nghĩa bóng và thông điệp

Dựa trên nghĩa đen, câu thành ngữ “Vắng chủ nhà mọc đuôi tôm” về sau được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là dùng để ám chỉ những hành động, việc làm quá tự do vô kỷ luật khi không có sự quản lý, giám sát của người đứng đầu.

Với trẻ nhỏ, hầu như tất cả các đứa trẻ thỉnh thoảng đều khó chịu hoặc vòi vĩnh. Những hành vi quậy phá hoặc ngỗ ngược ấy kéo dài có thể gây ra nhiều rắc rối cho gia đình hoặc cộng đồng.

Hành vi phá phách khiến trẻ khó lòng kết bạn và có thể làm ảnh hưởng đến những mối quan hệ tình cảm trong gia đình. Nếu không được giáo dục đúng cách, trẻ dễ gặp phải những rắc rối ở trường học, với luật pháp, trong công ăn việc làm và trong việc tạo dựng gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội sau này.

Với người lớn, vô kỷ luật là một hành vi không tốt và cần được lên án mạnh mẽ. Người vô kỷ luật dễ làm mất đi niềm tin của mọi người, mất đi sự tôn trọng từ người khác. Đồng thời, một người thiếu kỷ luật cũng dễ dẫn đến sự mất hiệu suất và không đạt được mục tiêu. Điều này về lâu dài sẽ gây ra hậu quả xã hội như tăng cường sự bất ổn và sự mất trật tự xã hội.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" là gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ "Năng nhặt chặt bị" khuyên chúng ta điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Cá mè một lứa' nói đến điều gì?

Những ý kiến xoay quanh câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”

Khác với hầu hết những câu thành ngữ trong kho tàng thành ngữ Việt Nam, điểm gây tranh cãi trong câu thành ngữ "Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm" không nằm ở mặt ý nghĩa mà lại ở hình thức câu chữ.

Sự vô lý trong câu thành ngữ khiến cho nhiều người nghi ngờ tính chính xác của văn bản, từ đó đưa ra những sự thay đổi hình thức câu như: Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, sục niêu tôm hoặc vọc niêu cơm, mọc râu tôm, vọc mang tôm... để nghe cho có lý.

Từ điển Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (nhóm Vũ Dung) giải thích: “Vắng chủ nhà gà sục niêu tôm” hoặc “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” là đúng. Ý nghĩa câu này là: Khi không có người cai quản, dễ làm bậy, tha hồ tự do thoải mái; Không có người quản lý, mọi việc đều lộn xộn lung tung.

Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) cho rằng: “Chúa vắng nhà gà vọc niêu tôm (hoặc gà mọc đuôi tôm)” là câu thành ngữ dùng để chê những kẻ làm liều khi không có người cai quản.

Tục ngữ Mường Thanh Hóa (Cao Sơn Hải) đưa ra dị bản: “Vắng chủ nhà gà vọc mang tôm”. Còn cuốn Tục ngữ Việt Nam (nhóm Chu Xuân Diên) ghi nhận cả hai dị bản: “Vắng chúa nhà, gà vọc viêu tôm (hoặc mọc đuôi tôm).

Giải thích ý nghĩa câu “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” 2
Thành ngữ "Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm" gây nhiều tranh cãi về hình thức câu chữ - Ảnh: Internet

Và khi đem câu “Vắng chủ nhà” thì gà “mọc đuôi tôm” hay “vọc niêu tôm”, ra phân tích tính hợp lý về mặt hình thức câu chữ, nghĩa đen thì đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra để giải giải thích xung quanh vấn đề này.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng “Gà mọc đuôi tôm” tức chỉ những con gà con được nuôi khoảng 1 tháng, chiếc đuôi của chúng bắt đầu nhú lên khum khum lại giống hệt đuôi (con) tôm. Đây là lúc gà con tập tành việc “tự lực cánh sinh”. Nếu con nào vẫn chạy theo gà mẹ sẽ bị mẹ gà đánh đuổi, mổ thật mạnh. Sự hỗn loạn này được cho là giống với cảnh “vắng chủ nhà” nên hai vế được đặt cùng nhau.

Nhóm ý kiến thứ hai lại nói “Gà mọc đuôi tôm” vốn là đọc trại từ “Gà vọc niêu tôm”, tức là khi thấy chủ nhà nhà đi vắng, gà tranh thủ “vọc niêu tôm”. Nhưng điều bất hợp lý ở đây là “niêu tôm” lại không phải là món ăn yêu thích của gà.

Nhóm ý kiến thứ ba thì giải thích “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” là sự kết hợp giữa hai câu “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu cơm” và câu “Gà mọc đuôi tôm”. Theo thời gian hai cầu này bị sử dụng lẫn lộn tạo ra dị bản như hiện nay.

Chúng ta biết rằng, thành ngữ là những câu nói có bao hàm ẩn dụ, dù muốn diễn đạt bất kỳ một nghĩa bóng nào thì về nghĩa đen và trên trục kết hợp (syntagmatic axis), các từ của nó cũng phải tương thích về ngữ nghĩa để trình bày sự việc hoặc hiện tượng đúng với thực tế khách quan.

Những câu như “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, “Dốt đặc cán mai”, “Dùi đục chấm mắm cáy”… đều là những thành ngữ có nghĩa bóng nhưng về nghĩa đen thì thành tố của chúng cũng là những từ ngữ tương thích về ngữ nghĩa để diễn đạt những hiện tượng, sự việc đúng với thực tế.

Do đó, hiện nay khi chưa tìm được cách giải thích nào hợp lý cho việc “gà mọc đuôi tôm” thì những dị bản khác như “gà vọc niêu tôm”, “gà vọc niêu cơm”… đều có thể chấp nhận được. Bởi dù về mặt hình thức chúng khác nhau nhưng nghĩa bóng vẫn là dùng để ám chỉ tất cả những hành động, việc làm quá tự do phóng túng, khi không có sự hiện diện, cai quản của người đứng đầu.

Trên đây là những chia sẻ về câu thành ngữ “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Hy vọng sau khi đọc những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu thành ngữ này. Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận