Giải thích thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” có ý nghĩa gì?

VOH - “Qua sông thì phải lụy đò”, câu thành ngữ này có ý nghĩa gì và có còn phù hợp với quan niệm của con người trong thời đại hiện nay không?

Mượn câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò”, người xưa đã phản ánh một hiện thực, một vấn đề thường gặp trong cuộc sống đồng thời nhắc nhở chúng ta cách sống, cách làm người. Cùng VOH giải thích “Qua sông thì phải lụy đò” là gì để hiểu được ý nghĩa và những bài học sâu sắc từ lời dạy được lưu truyền hàng ngàn năm này.

Giải thích “Qua sông thì phải lụy đò” nghĩa là gì?

Muốn “Qua sông thì lụy đò” hay muốn “Qua sông thì phải lụy thuyền” là quan niệm và đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Ngoài câu thành ngữ trên, trong văn học dân gian cũng có câu ca dao “lụy đò” như: 

Cách sông nên phải lụy đò

Tối trời nên phải lụy o bán dầu.

hay

Vì sông nên phải lụy đò

Vì chiều tối phải lụy cô bán hàng

Vì tình nên phải đa mang

Vì duyên thiếp biết quê chàng ở đây.

Bến sông, con đò, thuyền được nhắc đến trong những câu thành ngữ, ca dao trên đều là hình ảnh gắn liền với ký ức của người Việt về một thời gian khó. Ông cha ta đã rất khéo léo trong việc dùng chúng để phản ánh một hiện tượng, thể hiện cái nhìn, quan điểm của mình. Vì vậy, cũng giống như các câu thành ngữ khác, khi giải thích “Qua sông thì phải lụy đò” chúng ta cần quan tâm đến cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” 1
Con sông, con đò là những hình ảnh được khắc sâu trong tâm thức của người Việt - Ảnh: Internet

Xưa kia, khi việc đi lại còn khó khăn, phương tiện di chuyển còn ít con người thường bị lệ thuộc khá nhiều. Như muốn đi qua sông, người ta phải nhờ cậy vào người lái đò. Từ “lụy” trong “Qua sông thì phải lụy đò” chính là mang ý nghĩa nhờ vả, nương tựa, cầu cạnh, quỵ lụy. Còn ý nghĩa của cả câu thành ngữ này là khi gặp khó khăn, hoạn nạn, cần sự giúp đỡ của người khác phải đối xử tốt, phải chiều theo người đó đôi khi là hạ mình năn nỉ, nhẫn nhục, chịu đựng, lệ thuộc.

Sự quỵ lụy, cầu cạnh ấy đã từng được đề cập trong một số câu thành ngữ, tục ngữ như:

  • Gục đầu vai vế
  • Lót đó luồn đây
  • Ôm chân nấp bóng
  • Ra bẩm vào báo
  • Vào luồn ra cúi
  • Chạy như chạy chánh tổng
  • Chua chẳng khỏi chanh, xanh chẳng khỏi chàm
  • Luồn thì luồn cửa tiền cửa hậu, chẳng ai luồn bờ giậu chó chui

Trong cuộc sống, việc xin sự giúp đỡ từ người khác không phải là chuyện hiếm cũng không phải là chuyện xấu. Trên thực tế, chúng ta cũng có thể bắt gặp hoặc trải qua những tình huống buộc phải hạ mình để nhờ vả. Đối xử tốt với người đã giúp đỡ mình là điều hiển nhiên, điều nên làm. Cho nên đến nay, trên một phương diện nhất định lời dạy từ câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” vẫn có ý nghĩa.

Tuy nhiên, thiện - ác, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực luôn song hành. Bên cạnh những mục đích, những việc chính đáng, “lụy đò” cũng có thể bị biến tướng, dẫn đến những hiện tượng tiêu cực. Chính vì vậy, hiểu đúng “Qua sông thì phải lụy đò” nghĩa là gì rất quan trọng. Những bài học được rút ra từ câu thành ngữ này cũng sẽ giúp con người tự hoàn thiện bản thân và hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Thuyền theo lái gái theo chồng’
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Đứng mũi chịu sào’ nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ nói đến điều gì?

“Qua sông thì phải lụy đò” và bài học về sự giúp đỡ

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” 2
Ai cũng có lúc cần được giúp đỡ - Ảnh: Internet

Mỗi con người là một cá thể độc lập nhưng chúng ta sẽ không thể sống mà không có sự kết nối với những cá thể khác trong xã hội. Mối liên hệ này được xây dựng và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong đó có sự hỗ trợ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Như trong câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò”, khi con người còn nghèo khó, phương tiện đi lại thiếu thốn, muốn qua sông chỉ có cách nương nhờ người lái đò. Cuộc sống vốn dĩ không bằng phẳng, chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách mà đôi khi bạn không thể tự mình vượt qua. Cho nên xin sự giúp đỡ hay giúp đỡ người khác được xem là cần thiết và nên làm.

Lòng biết ơn trong “Qua sông thì phải lụy đò”

Mỗi sự giúp đỡ dù là nhỏ nhất đều chứa đựng tấm lòng, ơn nghĩa của người khác. Vì vậy, câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” còn là lời nhắn nhủ con người phải ghi nhớ, biết ơn, trân trọng và trả ơn người đã giúp mình. Vô ơn, lợi dụng, phản bội sẽ khiến bạn khó lấy lại lòng tin và tình cảm của mọi người. Hơn hết, không ai muốn giúp đỡ người không có đạo đức, không hiểu cách đối nhân xử thế.

Con người phải có ý chí, không nên dựa dẫm vào người khác

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” 3
Ai cũng cần phải rèn luyện tính độc lập, tự chủ, không ỷ lại vào người khác - Ảnh: Pixabay

Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết và giúp đỡ người khác nếu có thể. Nhưng không nên dựa dẫm, ỷ lại vào lòng tốt của người khác hay dung túng, chủ động để người khác lệ thuộc vào mình. Quỵ lụy, dựa dẫm làm thui chột ý chí, khả năng tự lập, tự lực cánh sinh, làm mất lòng tự trọng cũng như khả năng phát triển, tự hoàn thiện của con người. 

Khi việc hạ mình năn nỉ, dựa dẫm vào người khác trở thành thói quen, con người dễ bị lệ thuộc thậm chí có hành vi tiêu cực. Chính vì vậy, trước khi nhờ vả người khác, bạn nên cân nhắc đến khả năng của bản thân và cố gắng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, hãy đặt lòng tốt đúng chỗ, sử dụng lòng tốt đúng thời điểm và giúp đỡ người thực sự cần.

Xem thêm:
55 ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng biết ơn, nhớ ơn
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người
20 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về tính tự lập, tự chủ

Những câu thành ngữ, tục ngữ về giúp đỡ con người

Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu thương con người. Điều này không chỉ thể hiện trong cuộc sống mà còn được phản ánh trong văn học. Những câu thành ngữ, tục ngữ  trong văn học dân gian chính là minh chứng rõ ràng nhất.

  1. Lá lành đùm lá rách
  2. Chị ngã em nâng
  3. Có thuỷ có chung
  4. Tay thầy tay thợ
  5. Nhường cơm sẻ áo
  6. Tắt lửa tối đèn
  7. Thừa bát gạt xuống mâm
  8. Tương thân tương ái
  9. Một miếng khi đói bằng gói khi no
  10. Bán anh em xa mua láng giềng gần
  11. Khó giúp nhau mới thảo, giàu trừ nợ không ơn
  12. Xui nhau làm phúc, không ai giục nhau đi kiện
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” 4
Ảnh: Freepik

Những câu tục ngữ, thành ngữ về biết ơn

Lòng biết ơn tạo nên những giá trị sống tích cực và làm nên vẻ đẹp nhân cách cho con người. Bàn về vấn đề này, ông cha ta đã có rất nhiều lời dạy ý nghĩa, bao gồm cả hàm ý nhắc nhở lẫn phê phán. 

Thành ngữ, tục ngữ về lòng biết ơn

  1. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư
  2. Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi
  3. Sống tết, chết giỗ
  4. Chín chữ cù lao
  5. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
  6. Oán thì trả oán, ân thì trả ân
  7. Con có cha mẹ đẻ, không ai ở lỗ nẻ mà lên
  8. Ghi lòng tạc dạ

Thành ngữ, tục ngữ phê phán thói vô ơn

  1. Vong ân bội nghĩa
  2. Khỏi vòng cong đuôi
  3. Được chim bẻ ná, được cá quên nơm
  4. Ăn cháo đá bát
  5. Ăn cá bỏ lờ
  6. Tham vàng bỏ ngãi
  7. Thôi chay thì thầy đi đất
  8. Vay mật trả gừng
  9. Vay ơn nhất thời, đòi oán tam đại
  10. Ăn cơm nhà Phật, đốt râu thầy chùa
  11. Ơn bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi

STT muốn qua sông thì phải lụy đò

Từ câu thành ngữ “Muốn qua sông thì phải lụy đò”, giới trẻ đã sáng tạo ra khá nhiều câu nói, STT hài hước mang tính chất giải trí. Dưới đây là một số ví dụ do VOH tổng hợp.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” 5
Ảnh: Freepik
  1. Qua sông chưa chắc cần đò
    Ngày nay đã có cầu to rất nhiều.
  2. Qua sông thì phải lụy đò
    Chưa qua đã sợ đắm đò là sao?
  3. Qua sông thì phải lụy đò.
    E sợ đuối nước nên chẳng lụy ai.
  4. Qua sông đâu cứ phải đò
    Chỉ cần cái tui nilon to chui vào.
  5. Qua sông thì phải lụy đò
    Nếu mà không lụy sẽ cho chết chìm (trượt).
  6. Qua sông thì phải lụy đò
    Lần đầu không biết thì dò cho ra.
  7. Qua sông thì phải lụy thuyền
    Mình ở đất liền sao phải lụy ai.

“Qua sông thì phải lụy đò” không chỉ phản ánh hiện thực xã hội xưa mà còn dạy cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc trong cuộc sống. Tùy vào quan niệm và cách tiếp cận mà mỗi người sẽ có lý giải riêng song hy vọng phần giải thích của VOH đã giúp bạn hiểu được phần nào ý nghĩa của câu thành ngữ này.

Đừng quên theo dõi và cập nhật các bài viết mới nhất của chuyên mục Thường thức để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị bạn nhé!

Bình luận