Cách bế trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chuẩn theo từng giai đoạn

( VOH ) - Xương của trẻ sơ sinh rất mềm vì thế cha mẹ cần tuyệt đối chú ý khi bế trẻ để tránh gây tổn thương cho bé. Dưới đây là những cách bế trẻ sơ sinh mà bất cứ cha mẹ nào cũng cần biết.

Trong quá trình phát triển của trẻ, xương cột sống là một trong những bộ phận cần được chăm sóc và bảo vệ. Bởi cột sống của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất mềm, nếu mẹ mắc bất cứ một sai lầm nào cũng sẽ dễ dàng gây bệnh gù lưng, cong vẹo cột sống... gây ảnh hưởng tới vóc dáng và thể chất của bé.

1. Cách bế trẻ sơ sinh đúng cách cha mẹ nên học hỏi

Bế trẻ sơ sinh đúng cách là một trong những hành động thể hiện sự yêu thương của cha mẹ dành cho bé. Đồng thời, ẵm bế trẻ trên tay cũng là cách giúp bé cảm thấy an toàn và được che chở.

Dưới đây là những tư bế trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đúng cách mà các ông bố, bà mẹ đều nên nhớ:

1.1. Trẻ từ sơ sinh - 2 tháng tuổi

Cách bế trẻ sơ sinh đến 2 tháng tuổi đúng cách chính là nên bế trẻ theo tư thế nằm ngang, hạn chế thấp nhất tư thế bế thẳng lưng (bế vác vai). Mẹ nên đặt đầu bé ở phía bên tay trái, tay còn lại sẽ đỡ phần lưng và mông hoặc bế theo chiều ngược lại.

Ở giai đoạn này, chiều dài đầu của bé chiếm khoảng ¼ tổng chiều dài toàn thân nên khi bế, trọng lượng của toàn bộ phần đầu sẽ dồn áp lực xuống xương cột sống. Vì thế khi bế trẻ, cha mẹ cần lưu ý điều này.

1.2. Trẻ từ 2 – 3 tháng tuổi

Khi bé đã được 2 – 3 tháng tuổi, mẹ có thể bế trẻ theo hướng nghiêng hoặc thẳng đứng (bế vác). Ở cách bế này mẹ sẽ dùng một tay để giữ phần đầu và cổ của bé, tay còn lại sẽ giữ mông bé, mẹ nên áp ngực bé và vào vai của mẹ.

cach-be-tre-so-sinh-va-tre-nho-chuan-theo-tung-giai-doan-voh

Trẻ được 2 – 3 tháng tuổi mẹ có thể bế trẻ theo hướng nghiêng hoặc thẳng đứng (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên cần nhớ rằng, dù trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất thích bế vác nhưng mẹ cũng nên hạn chế việc bế bé thẳng đứng quá lâu.

1.3. Trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, mẹ có thể bế bé thẳng đứng nhiều hơn so với những tháng trước. Thay vì áp ngực bé vào vai mẹ thì mẹ có thể xoay lưng bé về phía mẹ để bé có thể thoải mái quan sát, thỏa mãn được sự tò mò về thế giới xung quanh.

1.4. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên

Với những em bé từ 6 tháng tuổi trở lên thì cơ thể bé cũng đã dần trở nên cứng cáp hơn, cách bế cũng đa dạng và phong phú hơn. Vì thế, mẹ có thể thoải mái hơn trong việc bế bé.

Các cách bế thông thường sẽ là bế thẳng lưng, bế bé nằm ngang hoặc bế cắp nách (nên áp dụng khi bé gần 1 tuổi)... tùy theo sở thích của bé.

2. Một số lưu ý khi bế trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Khi muốn bế bé lên các mẹ hãy cẩn thận và nhẹ nhàng trong việc nâng đầu, đặc biệt là khu vực trước và sau thóp trẻ sơ sinh.
  • Tuyệt đối không rung lắc trẻ sơ sinh hoặc bế xốc bé lên một cách mạnh bạo vì có thể làm bé bị vẹo cổ và gây ra các tật ở xương cổ sau này.
  • Cần phải rửa tay trước khi bế trẻ để phòng tránh lây bệnh cho trẻ, vì cơ thể trẻ còn rất nhạy cảm và dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập.
  • Khi bế trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ người lớn nên tháo hết phụ kiện trên tay và cổ để tránh làm trầy xước làn da mỏng manh của bé trong lúc ẵm, bế.

Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là việc không hề đơn giản, nhất là với những người lần đầu làm cha mẹ. Hi vọng, những chia sẻ về cách bế trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong từng giai đoạn trên sẽ giúp các mẹ có thể dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bé yêu.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái