11 tác dụng của rau mầm - ‘hóa giải nỗi oan’ dễ gây ngộ độc

(VOH) – Tuy chỉ mới là những ‘mầm non’ mới nhú, bé xíu nhưng hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng của rau mầm với sức khỏe thì cực kì quý giá đấy nhé!

Trong những năm trở lại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh khu vườn “mini” tại các hộ gia đình – không gian tự gieo trồng và thu hoạch các loại rau xanh cho bữa ăn hàng ngày. Theo đó, các giống rau mầm trở thành một trong những lựa chọn khá lý tưởng, với ưu điểm dễ trồng cùng thời gian phát triển ngắn.

1. Rau mầm là gì?

Rau mầm là tên gọi chung để chỉ giai đoạn cây còn non và mới mọc mầm khoảng 5 – 10 ngày, với kích thước tương đối nhỏ, chỉ cao khoảng 5 – 10cm nhưng thân cây cực kì mọng nước. Lúc này, thay vì để cây tiếp tục phát triển, chúng ta có thể thu hái rau mầm rồi dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn hoặc ăn trực tiếp.

Bạn có thể lựa chọn giống rau mầm thuộc họ Cải, họ Đậu hay mầm rau muống, mầm hướng dương,…để trồng tại nhà với kĩ thuật canh trồng đơn giản.

11-tac-dung-cua-rau-mam-hoa-giai-noi-oan-de-gay-ngo-doc-voh-0
Sau khi gieo hạt khoảng 5 - 10, chúng ta có thể thu hoạch các loại rau mầm (Nguồn: Internet) 

2. Tác dụng của rau mầm với sức khỏe

Mỗi loại rau mầm sẽ có hương vị độc đáo riêng cùng đôi chút khác biệt về thành phần dinh dưỡng, song nhìn chung, tác dụng của rau mầm với sức khỏe vẫn luôn được đánh giá cao. Cụ thể như:

2.1 Hình thành và phục hồi cơ bắp

Sau khi trải qua quá trình ngâm và nảy mầm, lượng chất đạm (protein) được tìm thấy trong các loại rau mầm đều vô cùng dồi dào. Theo đó, chất dinh dưỡng này góp phần quan trọng trong quá trình cung cấp năng lượng hoạt động, đồng thời hỗ trợ hình thành cũng như phục hồi cơ bắp.

2.2 Kiểm soát lượng đường trong máu

Một số nghiên cứu nhận thấy rằng chất chống oxy hóa sulphoraphanes trong rau mầm, đặc biệt là rau mầm bông cải xanh có khả năng giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát nồng độ đường huyết ở người bị bệnh đái tháo đường loại 2. Do đó, tác dụng của rau mầm rất tốt đối với việc cân bằng lượng đường trong máu.

Xem thêm: 4 loại thực phẩm rẻ tiền, dễ tìm được ví như nguồn ‘insulin tự nhiên’ điều trị tiểu đường

2.3 Tác dụng của rau mầm cải thiện tiêu hoá

Có thể nói, tuy là rau mầm nhưng vẫn đảm bảo cung cấp hàm lượng lớn chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, enzyme amylase trong rau mầm thường cao hơn những loại thực phẩm khác, giúp ích cho việc chuyển hóa carbohydrate thành đường và năng lượng.

2.4 Ngăn ngừa thiếu máu

Kết hợp linh hoạt rau mầm trong các bữa ăn hàng ngày cũng là cách chúng ta chủ động ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra. Lúc này, cơ thể hấp thu thêm lượng vitamin C từ rau, thúc đẩy chuyển hóa vi chất sắt tham gia sản sinh tế bào hồng cầu, hỗ trợ vận chuyển oxy đi nuôi tế bào để duy trì sự sống.

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

2.5 Cân bằng nội tiết tố

Tác dụng của rau mầm giúp mất cân bằng nội tiết tố – một trong những nguyên nhân gây rụng tóc, nhất là ở phụ nữ. Đặc biệt, trong một nghiên cứu nhận thấy rằng, rau mầm đậu tương (đậu nành) có chứa hai hoạt chất là phytoestro-genistein và daidzein nhiều hơn hàng chục lần so với hạt đậu tương, khi vào cơ thể sẽ hoạt động như một nội tiết tố đặc biệt.

11-tac-dung-cua-rau-mam-hoa-giai-noi-oan-de-gay-ngo-doc-voh-1
Rau mầm đậu nành giúp cân bằng nội tiết tố (Nguồn: Internet)

2.6 Tác dụng của rau mầm củng cố hệ vận động

Không chỉ chứa đa dạng chất chống oxy hóa, các loại rau mầm còn mang tới khá nhiều khoáng chất cần thiết cho hệ vận động, điển hình như magie, phopho hay mangan. Những dưỡng chất này khi vào cơ thể có nhiệm vụ tăng kết nối tế bào xương, hình thành xương mới, từ đây củng cố xương khớp chắc khỏe.

Xem thêm: ‘Khám phá’ đặc điểm và vai trò của chất khoáng – dưỡng chất quan trọng ‘bậc nhất’ với cơ thể

2.7 Bảo vệ tim mạch

Rau mầm được xếp vào nhóm thực phẩm khá lành mạnh đối với sức khỏe hệ tuần hoàn và tim mạch. Trong rau mầm chứa omega-3 – nhóm axit béo gần như không thể “vắng mặt”  giúp giảm thiểu lượng cholesterol xấu bám dính trên thành mạch, hạn chế tối đa hiện tượng kết dính tiểu cầu và dự phòng tắc nghẽn mạch máu.

2.8 Tăng cường hệ thống miễn dịch

Nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào nên tác dụng của rau mầm tăng cường chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, đồng thời xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

2.9 Cải thiện thị lực

Bên cạnh vitamin C, rau mầm cũng rất giàu vitamin A, giúp cải thiện sức khỏe và tầm nhìn của mắt. Vitamin A sẽ đảm nhiệm vai trò sản sinh sắc tố võng mạc, bảo vệ giác mạc không bị tổn thương và giảm tỉ lệ mắc thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể sớm.

Xem thêm: 9 thực phẩm tốt cho mắt, bổ mắt bạn nên ăn từ bây giờ

2.10 Làm đẹp da

Tác dụng của rau mầm còn được kể đến với khả nặng làm chậm quá trình lão hóa và nuôi dưỡng làn da. Điều này là bởi vitamin C có trong loại rau mầm sẽ “góp sức” sản xuất ra collagen, tăng sức đàn hồi cho làn da, giúp cho bạn có một làn da trẻ trung, sáng mịn. 

2.11 Tác dụng của rau mầm kích thích mọc tóc

Rụng tóc là một rối loạn xảy ra khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc, có thể dẫn đến hói hoặc mảng hói, khiến bạn mất tự tin. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được khắc phục nếu bạn thường xuyên ăn rau mầm. Bởi lượng vitamin C dồi dào trong rau mầm giúp phá hủy các gốc tự do, từ đó giảm lượng tóc gãy rụng và kích thích tóc mọc nhanh hơn.

3. Rau mầm làm món gì ngon?

Vốn có đặc tính như các loại rau xanh thông thường nên rau mầm cũng được chế biến thành vô vàn món ăn thơm ngon, thanh mát. Chưa hết, rau mầm làm món canh, món gỏi hay món xào đều ngon hết ý.

11-tac-dung-cua-rau-mam-hoa-giai-noi-oan-de-gay-ngo-doc-voh-2
Rau mầm được dùng làm nguyên liệu của khá nhiều món ngon (Nguồn: Internet)

Trong đó nhất định phải kể tới những cái tên như:

  • Rau mầm xào thịt bò
  • Salad rau mầm trộn sốt mè rang
  • Salad rau mầm chay nấm
  • Rau mầm cuộn cá
  • Canh rau mầm
  • Gỏi rau mầm chua cay

Xem thêm: Đâu cần ‘đắn đo’ rau mầm làm món gì ngon khi có 9 công thức này!

4. Một số lưu ý khi lựa chọn giống rau mầm

Để có thể thưởng thức trọn vẹn món ngon từ rau mầm cũng như hấp thu hiệu quả các chất dinh dưỡng, điều quan trọng bạn cần thực hiện đó là lựa chọn giống rau mầm an toàn và chế biến khoa học, đúng cách. Dưới đây là những lưu ý nên chú ý thực hiện đúng khi bổ sung rau mầm vào thực đơn:

  • Khi tự trồng rau mầm tại nhà, bạn nên mua những hạt giống biết chắc chắn là ăn được rau mầm, không nên thử nghiệm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
  • Chỉ nên sử dụng các loại rau mầm đã được nghiên cứu chứng minh là ăn được như rau mầm củ cải trắng, mầm lạc, đậu tương, súp lơ, rau muống...
  • Không chọn mua rau có độc tố khi có những biểu hiện như màu sắc lạ hay lá đã ngả vàng, thân, lá rau to xanh bất thường và quá bóng mượt hoặc gốc mọc ra rễ mới. 
  • Rau mua về nên sử dụng ngay nếu cần bảo quản phải để trong hộp nhựa hoặc nilon khô ráo, thoáng khí ở nhiệt độ 4 - 5 độ C, tối đa 3 - 4 ngày.
  • Trước khi sử dụng nên rửa thật kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ vi khuẩn, sau đó ngâm thêm trong nước muối loãng 10 - 15 phút để loại bỏ hóa chất. 
  • Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người miễn dịch yếu càng không nên ăn sống loại rau này.

5. Tác hại của rau mầm khi dùng không đúng cách

Nhìn chung rau mầm là loại lau rau xanh khá lành tính, các tác hại của rau mầm phần lớn thường xảy ra khi chúng ta lựa chọn loại rau mầm không phù hợp hoặc không bảo quản, sơ chế đúng cách.

  • Trong mầm khoai tây và mầm của các loại dưa dây có chứa độc chất là alkaloid solanine, có thể gây ra triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Chuyên gia khuyến cáo không nên ăn rau mầm của đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim, bởi hàm lượng lớn glucozid sinh axit cyanhydric khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, gây ngộ độc, nôn mửa tương tự như trong măng và sắn.
  • Nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn từ việc sử dụng rau mầm không được bảo quản đúng cách hay lượng phân bón đã thấm vào rau mầm trong quá trình trồng trọt.

6. Thành phần dinh dưỡng của rau mầm

Mặc dù được canh tác trong thời gian ngắn, nhưng rau mầm được đánh giá là có giá trị dinh dưỡng gấp nhiều lần so với rau trưởng thành. Trong rau mầm chứa nhiều loại vitamin thiết yếu (vitamin B, C, E…), amino axit và chất xơ cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao. 

Ngoài ra, rau mầm cũng chứa enzym tiêu hóa và một số thành phần cao cấp nhất của chất chống oxy hóa. 

Tự trồng hoặc tìm mua các loại rau mầm đều giúp bạn có thêm một loại nguyên liệu rau xanh giàu dinh dưỡng, dễ dàng “biến hóa” thành nhiều món ăn hấp dẫn. Chỉ cần nhớ áp dụng đúng các lưu ý an toàn trong bài viết trên đây thì tác dụng của rau mầm mang tới cho sức khỏe là vô cùng to lớn đấy!