Trà bồ công anh có tác dụng gì cho sức khỏe?

(VOH) – Không chỉ mang đến những bông hoa bồ công anh trắng tinh nhẹ bay trong gió, cây bồ công anh còn là cây thảo dược quý, cung cấp thân, lá cùng rễ để làm nguyên liệu điều chế trà bồ công anh.

Bồ công anh thuộc nhóm cây thân thảo, không đòi hỏi điều kiện chăm sóc ngặt nghèo, sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu lạnh nên tại Việt Nam ta, loài cây này được trồng phổ biến ở Đà Lạt hay các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, hầu hết các bộ phận của cây đều “chắt chiu” vô vàn chất dinh dưỡng quý giá và có thể được dùng để pha trà bồ công anh.

1. Uống trà bồ công anh có tác dụng gì với sức khỏe?

Trà bồ công anh thơm thơm, đắng nhẹ và ngọt hậu được đánh giá là thứ trà thảo mộc độc đáo, mang đến nhiều dưỡng chất quan trọng như chất chống oxy hóa taraxacin, các nhóm vitamin (đặc biệt là vitamin B) cùng hàng loạt khoáng chất. Vì thế, duy trì uống trà bồ công hợp lý, khoa học giúp bạn nhận được những lợi ích sức khỏe tuyệt vời sau:

1.1 Thanh nhiệt giải độc

Theo phân tích của y học cổ truyền, lá bồ công anh được xếp vào nhóm thảo dược có tính hàn mát, thường xuất hiện trong các bài thuốc giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể. Do đó, nếu cơ thể bạn đang có dấu hiệu bị nóng trong, nổi mụn nhọt thì bên cạnh uống đủ lượng nước hàng ngày, hãy tham khảo bổ sung thêm trà bồ công anh.

tra-bo-cong-anh-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-0
Trà bồ công anh hỗ trợ thanh nhiệt giải độc (Nguồn: Internet)

1.2 Uống trà bồ công anh lợi sữa sau sinh

Tình trạng tắc tia sữa hay sữa chưa “kịp về” xuất hiện khá phổ biến trong những ngày đầu sau sinh ở các chị em phụ nữ. Lúc này cùng với việc chườm ấm bầu ngực, cho em bé bú đều đặn,…các chuyên gia sản khoa cũng khuyến khích mẹ bầu kết hợp uống trà bồ công anh để thúc đẩy thông tuyến sữa.

Xem thêm: 6 cách chữa tắc tia sữa đơn giản tại, giúp mẹ không còn đau đớn

1.3 Tốt cho xương khớp

Phần thân và lá của cây bồ công anh là hai bộ phận có “hội tụ” lượng lớn khoáng chất rất cần thiết cho hệ vận động. Theo đó, uống trà bồ công anh sẽ giúp bạn chủ động hấp thu thêm canxi, photpho hay magie – các thành tố quan trọng tham gia hình thành tế bào xương mới, tăng kết nối khớp xương và củng cố hệ xương khớp khỏe mạnh, dẻo dai.

1.4 Trà bồ công anh có tác dụng giảm cân

Một số nghiên cứu nhận thấy rằng uống trà bồ công anh có tác dụng hỗ trợ giảm cân cũng như kiểm soát cân nặng tương đối hiệu quả. Hoạt chất taraxacin – yếu tố tạo nên vị đắng của trà bồ công khi cơ thể sẽ ức chế lipase ở tuyến tụy, nhầm hạn chế hấp thu chất béo xấu vào cơ thể, giảm tỉ lệ tăng cân và béo phì.

Xem thêm: 7 căn bệnh có thể xuất phát từ bệnh béo phì, hầu hết là bệnh mãn tính nguy hiểm

1.5 Phòng chống nhiễm trùng tiểu

Nhờ có đặc tính hàn mát và lợi tiểu nên tác dụng của trà bồ công anh trong việc phòng chống nhiễm trùng tiểu được đánh giá khá cao. Ngoài ra, chất đắng taraxacin từ bồ công anh cũng có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh, góp phần ngăn chặn vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiểu (thường gặp ở nữ giới), đồng thời kích thích bài tiết nước tiểu đều đặn, giảm chứng bí tiểu hay tiểu rắt.

tra-bo-cong-anh-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-1
Trà bồ công anh là trà thảo dược giúp phòng chống nhiễm trùng tiểu ở nữ giới (Nguồn: Internet)

1.6 Duy trì sự tỉnh táo, minh mẫn

Thay vì tìm đến cà phê hay các thức uống chứa chất kích thích khác để lấy lại sự tỉnh táo thì trà bồ công anh là gợi ý lý tưởng hơn rất nhiều. Tinh chất tự nhiên từ rễ bồ công anh sẽ “thức tỉnh” não bộ, giúp bạn tập trung trở lại, ngăn cản cơn buồn ngủ tới “làm phiền”.

Xem thêm: 12 cách giúp bạn vượt qua cơn buồn ngủ khi bắt đầu làm việc

1.7 Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Tác dụng của trà bồ công anh đối với việc ngăn ngừa ung thư tới nay vẫn đang được các chuyên gia y tế nghiên cứu sâu rộng hơn. Tuy vậy nhờ có khả năng tăng bài tiết độc tố nên công dụng bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh ung thư của loại trà này đang được kì vọng rất nhiều.

2. Gợi ý cách pha trà bồ công anh

Nếu bạn tự trồng cây bồ công anh tại nhà thì hãy thu hái và tự pha chế một ly trà bồ công anh để thưởng thức xem sao nhé. Dưới đây xin gợi ý cho bạn 4 cách pha trà bồ công anh cực kì đơn giản:

2.1 Trà bồ công anh từ lá

tra-bo-cong-anh-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-2
Trà bồ công anh từ lá cây giàu dưỡng chất (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Lá bồ công anh: 4 – 5 lá
  • Nước đun sôi: 700ml – 1 lít

Cách pha trà bồ công anh từ lá

  • Rửa sạch lá bồ công anh, để ráo nước và cắt nhỏ. Sau đó đem phơi nắng khoảng 1 – 2 ngày, lá héo lại là được.
  • Xếp lá bồ công anh vào bình, từ từ rót nước sôi vào và hãm trà trong khoảng 10 – 15 phút là có thể dùng.

2.2 Trà hoa bồ công anh

tra-bo-cong-anh-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-3
Trà hoa bồ công anh thơm dịu (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Hoa bồ công anh (khi còn vàng):  3 – 4 bông
  • Nước đun sôi: 500 – 700ml
  • Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê

Cách làm trà hoa bồ công anh

  • Rửa sạch hoa bồ công anh, để thật ráo nước nước. Nhẹ nhàng xếp hoa vào bình trà.
  • Đun sôi nước rồi rót vào bình trà, hãm trà hoa bồ công anh từ 10 – 15 phút.
  • Khi dùng có thể thêm chút mật ong để tăng vị ngọt và thơm cho trà.

Xem thêm: 6 cách làm trà hoa hồng ngát hương, giàu dưỡng chất – giúp bạn ‘đẹp như hoa’ và khỏe hơn mỗi ngày

2.3 Trà bồ công anh từ rễ

tra-bo-cong-anh-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-4
Trà bồ công anh hãm từ rễ cây hơi đắng nhẹ và ngọt hậu (Nguồn: Internet)
  • Nguyên liệu
  • Rễ cây bồ công anh
  • Nước đun sôi: 1 lít  

Cách pha trà bồ công anh từ rễ

  • Khi cây đã cho hoa và lá nhiều, bạn có thể đào lấy rễ cây để hãm trà.
  • Rửa sạch rễ, cắt thành các khúc nhỏ và đem nướng ở mức 200 độ C trong khoảng 1 tiếng hoặc đem phơi nắng từ 3 – 4 ngày.
  • Đun sôi nước, thả rễ bồ công anh vào đun cùng trong khoảng 10 – 15 phút là được.

2.4 Trà bồ công anh túi lọc

Trà bồ công anh túi lọc là một lựa chọn khá phổ biến dành cho ai không có điều kiện tự trồng cây bồ công anh tại nhà. Sản phẩm này thường bao gồm đầy đủ các bộ phận của cây, từ lá, thân tới rễ, đã được phơi, rang sấy khô và cất trữ được trong khoảng 3 tháng.

Tuy nhiên nếu muốn sử dụng trà bồ công anh túi lọc, hãy tìm kiếm và lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín, sản xuất theo quy trình an toàn để tránh mắc phải những rủi ro sức khỏe.

tra-bo-cong-anh-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-5
Trà bồ công anh túi lọc tiện lợi, được sử dụng khá phổ biến (Nguồn: Internet)

3. Hướng dẫn cách uống trà bồ công anh đúng cách

Để hấp thu hiệu quả những dưỡng chất từ trà bồ công anh, bạn cần “nằm lòng” một số lưu ý cách uống trà bồ công anh đúng cách sau đây:

3.1 Không nên uống quá nhiều

Dù trà bồ công anh mang tới nhiều lợi ích sức khỏe nhưng bạn tuyệt đối không nên lạm dụng và uống quá nhiều. Tốt nhất mỗi lần chỉ nên dùng từ 150 – 200ml trà bồ công anh, uống khoảng 1 – 2 lần trong tuần là hợp lý.

3.2 Nên uống trà bồ công anh vào lúc nào?

Uống trà bồ công anh vào lúc bụng không quá đói hoặc quá no sẽ giúp cải thiện sức khỏe hữu hiệu nhất. Theo đó, bạn nên uống trà sau bữa sáng hoặc bữa ăn trưa, hạn chế dùng nhiều vào buổi tối vì dễ làm gián đoạn giấc ngủ.

3.3 Đối tượng nào nên hạn chế uống trà bồ công anh

Trà bồ công anh dịu thơm và khá dễ uống, song nếu bạn thuộc một trong các đối tượng dưới đây thì cân nhắc hạn chế sử dụng trà:

  • Có tiền sử dị ứng phấn hoa hoặc hoa bồ công anh.
  • Đang trong thời kì mang thai, đặc biệt là ở kì tam cá nguyệt thứ nhất.
  • Cơ thể hàn nhiệt, dễ bị lạnh bụng và tiêu chảy.
  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
  • Đang sử dụng thuốc đặc trị liên quan tới các bệnh lý như huyết áp hay tim mạch.

3.4 Tác dụng phụ có thể xảy ra

Mặc dù bồ công anh an toàn với nhiều người, tuy nhiên sẽ có một số người có thể bị dị ứng với loại hoa này khi chạm vào hoặc ăn phải. Bồ công anh được phát hiện có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, cipro và lithium.

Nếu đang sử dụng bất kỳ toa thuốc nào để trị bệnh thì cần phải ý kiến bác sĩ trước khi uống trà bồ công anh.

4. Cách làm trà bồ công anh tại nhà

Hiện nay trà bồ công anh rất dễ tìm và được bày bán ở nhiều nơi. Nhưng bạn cũng có thể tự làm trà công anh tại nhà chỉ cần đảm bảo hoa bồ công anh được trồng kỹ lưỡng, không xử lý bằng bất kỳ hóa chất nào trước khi thu hoạch.

Tốt nhất nên thu hoạch bồ công anh khi chúng còn non, sau khi thu hoạch thì cần làm sạch và xử lý những chất bẩn trên cây. Phần cần chế biến là rễ và thân cây thì bạn nên dùng nước nóng rửa thật sạch xong để ráo nước.

Phần rễ thì thái thành từng lát theo chiều ngang rồi cho vào máy sấy khô, còn phần thân thì đem đi phơi trong bóng râm cho đến khi khô thì đem cả 2 cho vào hủ thủy tinh để bảo quản.

Mỗi lần sử dụng bạn cần dùng 1 - 2 muỗng cà phê trà khô nấu với nước nóng tầm 2 -3 phút là tắt bếp để nguội khoảng 60 -- 80 độ C là có thể dùng được. Để trà dễ uống, thơm ngon thì bạn cũng có thể kết hợp trà với các loại như hoa hồng, lá sen, rau ngô và trà xanh.

Hy vọng rằng những thông tin về trà bồ công anh được chia sẻ trong bài viết trên đây phần nào đã giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng và cách dùng trà thật khoa học, hợp lý. Hãy lưu lại cũng như ghi nhớ thực hiện để bảo vệ sức khỏe nhé!