Dạy trẻ học nói là một điều rất thú vị đối với các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con trưởng thành. Tuy nhiên, không phải đứa bé nào đến thời điểm cũng sẽ nói ‘líu lo’ mà có những đứa trẻ dù đã đến tuổi biết nói, bé vẫn không chịu nói chuyện hoặc nói rất ít.
Và nếu chẳng may, con của bạn gặp phải tình trạng bị chậm nói thì việc nhận ra những dấu hiệu từ sớm để có những phương pháp dạy con hiệu quả sẽ giúp cha mẹ cải thiện được tình trạng trẻ chậm nói.
1. Tại sao trẻ chậm nói?
Chậm nói là một biểu hiện không bình thường ở trẻ. Vì thế, cha mẹ cần phát hiện sớm để có thể can thiệp kịp thời. Bởi lẽ, não của trẻ thường phát triển nhanh nhất ở giai đoạn trước 3 tuổi, sau đó chậm hơn từ 3 – 6 tuổi. Sau 6 tuổi, các can thiệp tập nói sẽ có những hạn chế nhất định.
Thông thường có 2 nhóm nguyên nhân khiến trẻ chậm nói bao gồm nguyên nhân về tâm lý và nguyên nhân thực thể.
Nguyên nhân thực thể: Xuất phát từ những vấn đề về các bộ phận, cơ quan trong cơ thể, đảm nhận trách nhiệm phát âm mũi, họng, lưỡi... hoặc các cơ quan giữ vai trò chỉ huy ngôn ngữ như não hoặc các trục trặc tại não (khiếm khuyết trong sự phát triển não bộ, viêm màng não, dị tật bẩm sinh...) khiến trẻ chậm nói.
Nguyên nhân tâm lý: Trẻ em chậm nói có thể do bị cú sốc tâm lý hoặc do gia đình bỏ bê, không quan tâm đến bé. Cưng chiều bé quá mức cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, lười nói.
Trẻ chậm nói có thể xuất phát từ nguyên nhân thực thể hoặc do tâm lý (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, nếu trẻ gặp vấn đề về thính giác, đặc biệt là nhiễm trùng tai – một loại nhiễm trùng mạn tính làm ảnh hưởng đến thính giác, thì trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, bắt chước cũng như sử dụng ngôn ngữ.
Phân biệt sự khác nhau giữa ‘khả năng nói’ và ‘khả năng ngôn ngữ’
- Khả năng nói: Là việc thể hiện một ngôn ngữ và phát âm (nói đúng các âm và từ). Khi trẻ chậm nói, bé có thể sử dụng một số từ, cụm từ để thể hiện ý tưởng nhưng... rất khó để hiểu được.
- Khả năng ngôn ngữ: Là khả năng sử dụng một hệ thống biểu đạt và tiếp nhận thông tin, theo một cách có nghĩa. Khả năng ngôn ngữ của bé bao gồm cả dùng ngôn ngữ để thể hiện, dùng ngôn ngữ cơ thể và sau này là viết. Khi trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, bé có thể phát âm các từ tốt nhưng chỉ có thể ghép 2 từ vào với nhau.
2. Những mốc phát triển kỹ năng nói ở trẻ cần lưu ý
Độ tuổi phát triển kỹ năng nói và ngôn ngữ có thể khác nhau ở mỗi bé, nhưng đây là những mốc thời gian ở bản trong quá trình lớn lên của trẻ có liên quan đến kỹ năng tập nói cha mẹ cần lưu ý:
2.1 Trước 12 tháng tuổi
Vào khoảng 9 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu biết ghép các âm với nhau, thanh điệu cũng thay đổi đa dạng. Có thể nói vài từ như: ba ba, ma ma... (mặc dù không hiểu nghĩa). Khi gần 1 tuổi, trẻ có thể nói được những từ liên quan đến môi trường xung quanh bằng cách chú ý đến âm thanh và bắt đầu nhận biết tên của một số đồ vật thông thường như chai, kẹo, cái ti – bình sữa...
Nếu bé chăm chú quan sát nhưng không phản ứng với âm thanh vào độ tuổi này thì thính giác bé có thể gặp vấn đề, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám.
2.2 Từ 12 – 15 tháng tuổi
Khi bé nằm trong khoảng tháng tuổi này, bé đã phát triển được một hệ thống các âm thanh khá đa dạng. Bé thường bập bẹ bắt chước theo những từ dễ phát âm như như: bé, quả bóng... bé cũng có thể nói được một số câu đơn giản như 'cho con đồ chơi'....
2.3 Từ 18 – 24 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, vốn từ của bé đang trên đà phát triển nhanh chóng, bé biết khoảng 50 – 75 từ và bắt đầu biết xâu chuỗi chúng lại với nhau thành cụm từ. Một đứa trẻ 2 tuổi có thể nhận biết được những đồ vật thông thường ở ngoài hoặc trong bức ảnh. Chẳng hạn, trẻ có thể chỉ ra mắt, tai, mũi khi bạn hỏi và bé cũng có khả năng hiểu được những yêu cầu mà bạn đưa ra.
2.4 Từ 2 – 3 tuổi
Các bậc phụ huynh sẽ ‘choáng’ với tốc độ phát triển ngôn ngữ của bé trong giai đoạn này. Vốn từ của bé sẽ phát triển đến mức độ không thể đếm được số từ vựng. Lúc này, bé có thể kết hợp chúng lại với nhau để tạo thành câu.
Khi được 3 tuổi, sự hiểu biết của bé cũng sẽ tăng lên. Bé có thể hiểu được các yêu cầu tương đối phức tạp từ người lớn như: ‘ Cho quả bóng này vào góc nhà’ hay ‘đặt cái đó lên bàn đi con’... Lúc này, bé đã có khả năng nhận ra màu sắc và hiểu các câu miêu tả, ví dụ như: to – nhỏ, cao – thấp...
3. Dấu hiệu trẻ chậm nói cần nhận biết và cách điều trị
Với những mốc phát triển kỹ năng nói như trên, nếu bé nhà bạn đang chậm hơn so với tiến trình hoặc bạn nghi ngờ bé bị chậm nói thì tốt nhất là nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Nếu nhận thấy trẻ chậm nói nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra (Nguồn: Internet)
Một số dấu hiệu giúp mẹ nhận biết:
- Trẻ không phản ứng lại với giọng nói hay âm thanh to khi trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi.
- Trẻ 12 tháng tuổi vẫn chưa biết dùng các ký hiệu, ví dụ như dùng ngón trỏ chỉ 1 đồ vật hoặc vẫy tay để chào tạm biệt.
- Tới 18 tuổi, trẻ vẫn thích dùng ngôn ngữ ký hiệu hơn là nói.
- Khi trẻ 24 tháng tuổi, chỉ có thể bắt chước cách nói hoặc hành động từ người lớn.
- Chưa nói được các từ đơn khi đã 2 tuổi
- Không nói được những câu đơn giản khi đã 3 tuổi.
Khi đưa bé đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ năng nói và ngôn ngữ của trẻ thông qua bài kiểm tra chuyên biệt. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ trao đổi với cha mẹ về tình trạng bệnh lý của trẻ và đề nghị các cách điều trị cụ thể.
4. Cách dạy trẻ chậm nói dành cho cha mẹ
Cùng với những cách điều trị từ chuyên gia về ngôn ngữ thì sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc dạy trẻ chậm nói là một phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng của con. Một số cách để khuyến khích trẻ chậm nói phát triển kỹ năng nói mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà như:
- Dành nhiều thời gian nói chuyện với con. Khi con còn nhỏ, bạn có thể nói chuyện, hát và yêu cầu bé bắt chước âm thanh, cử chỉ đó.
- Gọi tên mọi thứ xung quanh trẻ một cách chính xác, ngắn gọn để trẻ có thể nhận thức và ghi nhớ.
- Không bắt chước ngôn ngữ của bé vì bé thường không phát âm chuẩn, nói ngọng, lịu... Nếu người lớn bắt chước cách nói của con trong quá trình dạy trẻ chậm nói có thể sẽ khiến trẻ nói sai, nói ngọng nhiều và lâu hơn.
- Mẹ có thể sử dụng những tình huống hàng ngày để cải thiện khả năng ngôn ngữ cho con. Ví dụ: nói tên của những món ăn mà bé nhìn thấy, giải thích với con rằng bạn đang làm gì lúc nấu ăn (luộc rau, nấu cơm, kho thịt) hoặc có thể hỏi con rằng con đang nghe âm thanh gì khi mẹ dọn dẹp, nấu ăn?...
Việc phát hiện ra sự chậm nói ở trẻ là điều rất cần thiết. Cha mẹ cần nhận biết sớm để có thể dạy trẻ bị chậm nói phát triển kỹ năng nói một cách kịp thời để đạt hiệu quả cao. Hi vọng với những phương pháp trên, tình trạng trẻ chậm nói sẽ dần được cải thiện để trẻ hòa nhập với mọi người xung quanh.