Chúng ta có cảm giác dường như tiếng lóng của thế hệ gen Z xuất hiện mỗi ngày trên Internet. Có những từ ngữ thoạt nghe rất kỳ lạ, chẳng hạn như cụm từ “xịt keo” mới xuất hiện cách đây không lâu, nhưng lại trở thành một hiện tượng thịnh hành trên mạng xã hội. Hãy cùng VOH khám phá ý nghĩa “xịt keo” là gì cũng như cập nhật cách giao tiếp thú vị của gen Z.
“Xịt keo” là gì?
Ngày xưa, nếu như ai đó nói “xịt keo” chúng ta sẽ hiểu ngay là đang nói về một hành động xịt keo lên tóc (một loại mỹ phẩm dùng để tạo kiểu cho tóc) để giúp tóc giữ nếp cứng khi tạo kiểu. Trong Từ điển tiếng Việt cũng có giải thích: “keo” là danh từ chỉ chất dính, loại chất này dùng để dán, gắn. Trong khi đó: “xịt” là động từ chỉ hành động phun mạnh thành tia, thành luồng.
Thế nhưng ngày nay, cụm từ “xịt keo” đã được các bạn trẻ gen Z biến tấu theo một cách hiểu khác. Theo đó “xịt keo” hay "xịt keo cứng ngắc" là tiếng lóng chỉ trạng thái bị sốc, ngỡ ngàng, ngạc nhiên hoặc biểu thị sự ngượng ngùng đến mức không nói nên lời hoặc phản ứng lại.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên, cụm từ “xịt keo” liền trở nên viral khắp mọi nơi, các bạn trẻ đua nhau bắt trend làm clip trên nhiều nền tảng TikTok, Facebook, Instagram… Thậm chí, nhiều người còn dùng nó như một từ thông dụng để bình luận về những tình huống khiến người trong cuộc phải “đứng hình”.
Cụm từ “xịt keo”, “xịt keo cứng ngắc” có từ đâu?
Mặc dù xuất hiện rộng rãi trên mọi mặt trận nhưng ít ai biết rằng “xịt keo” là một trong những meme nổi tiếng của Á hậu Mai Ngô, khi cô đảm nhận vai trò Huấn luyện viên cho thí sinh tham dự cuộc thị Hoa hậu chuyển giới Việt Nam (Miss International Queen VietNam).
Trong một tập phát sóng của chương trình “Miss International Queen Vietnam”, Á hậu Mai Ngô đã gây ấn tượng mạnh với những biểu cảm như “đứng tim, chết lặng, cứng mặt, đơ cả người” trước màn trình diễn của thí sinh trong đội của mình.
Chính những biểu cảm thú vị và bất lực trong quá trình dẫn dắt thí sinh của Á hậu Mai Ngô đã trở thành nguồn cảm hứng cho việc tạo ra meme “xịt keo cứng ngắc” và lan tỏa trên mạng xã hội.
Về sau, cụm từ này trở nên phổ biến với những video ngắn ghi lại khoảnh khắc bị “xịt keo cứng ngắc” do bất ngờ.
Clip "em nấu cơm, anh rửa bát" gây sốt cộng đồng mạng - Clip Phạm Trần Phương Nhi
Những biểu cảm “đứng hình” hay “cứng họng không thể đáp lại được” của người bị “xịt keo” đã tạo ra hiệu ứng hài hước và truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng mạng.
Xem thêm:
Dĩa huông là gì? Giải thích ý nghĩa của cụm từ dĩa huông
"Cơm chó" là gì? Ý nghĩa cụm từ "ăn cơm chó" trên facebook, tiktok là gì?
Giải ngố là gì? Cách dùng từ "Giải ngố" phù hợp với hoàn cảnh
“Xịt keo”, “mãi keo”, “keo lỳ” và những tiếng lóng của giới trẻ
Gen Z cực kỳ sáng tạo, họ yêu thích những gì độc đáo, mới lạ và mạng xã hội chính là nơi để các bạn trẻ đạo ra những sự độc - lạ của mình. Trong năm 2023, đã có rất nhiều câu nói, cụm từ hot trend được gen Z tạo ra và viral khắp mạng xã hội. Ngoài cụm từ “xịt keo” thì dưới đây là một số tiếng lóng được gen Z sử dụng thường xuyên trong giao tiếp.
- Mãi keo: Dĩnh mãi vào nhau. Đây cụm từ dùng để chỉ tình cảm gắn bó giữa 2 hay nhiều người với nhau.
- Keo lỳ: Nhìn mê và muốn cắn. Cụm từ được sử dụng khi nhìn vào một thứ gì đó khiến người ta mê mẩn, không muốn rời mắt.
- Chả quyên: Sự mặn mà và ngọt ngào.
- Tái châu (đọc lái của từ tái chanh): Ngây thơ.
- Sin lũi: Xin lỗi. Một cách đọc chệch dễ thương, tạo không khí thoải mái khi trò chuyện.
- Kiwi Kiwi: Mang ý nghĩa tương tự như “mlem mlem”. Dùng để nói nói về đồ ăn, thức uống.
- Phanh xích lô: Tiếng lóng dùng để chỉ hành động hôn nhau.
- Chằm Zn: Trầm cảm.
- Ét-o-ét: Là cách phát âm của SOS - từ dùng để thông báo tình huống khẩn cấp, cần sự giúp đỡ.
- Xu cà na: Tiếng lóng dùng để chỉ những điều đen đủi, xui xeo, những điều không mong muốn.
- Khum: Có nghĩa là không. Đây là cách đọc chệch để tạo sự dễ thương trong cuộc trò chuyện.
Thời đại Internet bùng bổ cùng với sự phát triển công nghệ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa đã tạo điều kiện cho gen Z khám phá và sáng tạo ngôn ngữ theo cách riêng của mình. Ngôn ngữ gen Z được tạo ra nhằm mục đích giải trí, giúp cuộc trò chuyện trở nên vui vẻ và thoải mái hơn.
Chúng ta không nhất thiết phải học theo những ngôn ngữ gen Z nhưng việc biết thêm một tiếng lóng mới của các bạn trẻ sẽ giúp tăng khả năng hòa nhập với một thế hệ đầy sự năng động và sáng tạo.
Trên đây là ý nghĩa về “xịt kẹo” là gì - cụm từ “gây bão” thời gian qua trên mạng xã hội. Hy vọng những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về từ lóng “xịt keo” được giới trẻ sử dụng thịnh hành hiện nay.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.