Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tiết lệ 10 công dụng của đậu que với sức khỏe ít ai biết tới

(VOH) – Được biết đến là rau quả thân thuộc, nhưng có lẽ công dụng của đậu que đối với sức khỏe lại ít ai hiểu rõ. Vì vậy đừng vội bỏ qua bài viết dưới đây để khám phá thêm về loại đậu này nhé!

Giống như đậu bắp, đậu đũa hay đậu ván,…đậu que cũng “góp mặt” khá phổ biến trong nhiều món ăn của ẩm thực Việt, nổi bật nhất là những món xào đậm đà. Tuy nhiên không chỉ đơn thuần là một nguyên liệu chế biến, đậu que còn mang đến nguồn chất dinh dưỡng rất phong phú, tốt cho sức khỏe nữa đấy!

1. Đậu que là đậu gì?

Đậu que, đậu ve hay đậu cô ve (còn gọi là: đậu a-ri-cô-ve do biến âm từ tiếng Pháp: haricot vert), thuộc họ Đậu, có danh pháp khoa học là Phaseolus vulgaris.

Hầu hết các giống đậu này có quả dài từ 8 – 20 cm, rộng từ 0,6 – 1 cm, đầu nhọn dài, hình kim.  Lá cây thuộc loại lá kép lông chim, mặt lá bằng phẳng, hơi nhám, có thể ăn như một loại rau xanh. Hoa đậu que là hoa lưỡng tính, có nhiều màu như trắng ngà, hồng, đỏ hoặc tím.

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-0
Bên cạnh đậu que xanh, còn có đậu que vàng và đậu que tím (Nguồn: Internet)

Hiện nay nhờ có nhiều cải tiến trong nghiên cứu giống, bên cạnh đậu que xanh thì loại đậu que vàng (đậu cô bơ) hay đậu que tím cũng đang được canh trồng, phát triển rộng rãi hơn.

2. Công dụng của đậu que với sức khỏe

Bổ sung lượng hợp lý và chế biến đậu que đúng cách sẽ mang đến cho bạn những lợi ích sức khỏe tuyệt vời dưới đây:

2.1 Kích thích tiêu hóa

Đậu que được xếp vào nhóm rau xanh cung cấp hàm lượng chất xơ tương đối dồi dào và rất cần thiết cho hoạt động hấp thu, chuyển hóa thực phẩm của hệ tiêu hóa. Theo đó, chất xơ sẽ thúc đẩy nhu động ruột, tăng cường hấp thu nước làm mềm phần và đẩy nhanh chất thải qua đường ruột, hạn chế chứng táo bón.

2.2 Ngăn ngừa ung thư

Một số nghiên cứu thành phần dinh dưỡng nhận thấy rằng, công dụng của đậu que với việc phòng ngừa ung thư là vô cùng khả quan. Đậu que có chứa hoạt chất chống oxy hóa mạnh nhóm flavonoid, có khả năng chặn đứng tiến trình oxy hóa của tế bào, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

2.3 Cung cấp protein

Có thể nói nhờ thuộc họ Đậu nên đậu que cũng được đánh giá là thực phẩm rất giàu protein, góp phần tăng cường năng lượng hoạt động cho cơ thể. Đặc biệt hơn nữa, protein còn trực tiếp tham gia hình thành và sửa chữa các mô tế bào, là thành tố thiết yếu đảm bảo các phản ứng sinh hóa của cơ thể diễn ra hiệu quả.

2.4 Tốt cho hệ thần kinh

Trong đậu que có chứa đa dạng các vitamin nhóm B, điển hình phải kể đến vitamin B1, vitamin B9 hay vitamin B12. Đây đều là những dưỡng chất đảm nhiệm rất nhiều vai trò quan trọng trong hệ thần kinh, giúp ức chế sản sinh, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và lo âu vô cùng hữu hiệu.  

2.5 Giúp xương chắc khỏe hơn

Các khoáng chất như canxi, photpho hay magie được tìm thấy trong đậu que với liều lượng khá lớn, chúng sẽ trực tiếp tham gia cấu thành nên tế bào xương mới, duy trì hệ vận động dẻo dai, giảm thiểu tối đa tình trạng loãng xương sớm. Song song đó, lượng vitamin K chứa trong đậu que cũng giúp thúc đẩy quá trình phát triển của xương, giúp xương chắc khỏe.

Xem thêm: Top 15 loại thực phẩm ăn vào là khỏi lo đau nhức xương khớp

2.6 Bảo vệ tim mạch

Tăng cường hấp thu thêm chất xơ từ rau xanh nói chung, đậu cove nói riêng là cách bạn có thể chủ động thực hiện để bảo vệ một trái tim khỏe mạnh. Chất xơ sẽ kết dính với mảng cholesterol bám ở thành mạch, đào thải chúng ra ngoài, từ đây hỗ trợ giảm huyết khối trong tế bào và ngăn ngừa cục máu đông ở động mạch.

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-1
Đậu que là một thực phẩm khá lành mành (Nguồn: Internet)

2.7 Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chia sẻ rẳng công dụng của đậu que rất lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Chúng chứa rất ít tinh bột, là loại thực phẩm lý tưởng trong chế độ ăn kiêng cho người mắc bệnh này.

Việc thêm đậu que vào chế độ ăn ít đường của bạn giúp giảm lượng đường trong máu. Thậm chí, như đã chia sẻ đậu que cũng có thể giúp phòng ngừa những biến chứng liên quan đến tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường là gì và tất tần tật những điều bạn cần biết?

2.8 Cải thiện thị lực

Hàm lượng vitamin A trong đậu que rất “đáng nể”, tương đương với hơn 23% nhu cầu hàng ngày của cơ thể và vô cùng cần thiết cho sức khỏe của đôi mắt. Ngoài ra, hoạt chất lutein và zeaxanthin từ đậu que còn đóng vai trò lớn trong việc ngăn ngừa thoái hoá điểm vàng ở người cao tuổi (AMD) và bệnh đục thủy tinh thể.

2.9 Kiểm soát cân nặng

Đậu que chứa ít calo, có thể bổ sung thực phẩm trong chế độ ăn giảm cân, nhờ lượng calo thấp nên giúp ích cho việc kiểm soát cân nặng dễ dàng.

Xem thêm: Điểm danh 15 thực phẩm giảm cân ăn thả ga mà không sợ béo

2.10 Thúc đẩy hệ miễn dịch

Theo phân tích dinh dưỡng, bên cạnh vitamin A, vitamin B, đậu que còn đem tới lượng vitamin C tương đương với 27% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Nhóm vitamin này sẽ tham gia sản sinh tế bào bạch cầu trung tính cùng các oxy phản ứng, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể.

3. Bà bầu ăn đậu que được không?

Với nguồn chất dinh dưỡng phong phú cùng các công dụng quý giá giúp cải thiện sức khỏe như đã phân tích trên đây, đậu que cũng được xếp vào nhóm thực phẩm khá lành mạnh dành cho phụ nữ mang thai.

Theo đó, bà bầu vẫn ăn đậu que được nhưng nên ăn với lượng vừa phải, kết hợp xen kẽ với các nhóm rau củ quả khác, nhằm đảm bảo đa dạng hương vị cũng như hấp thu đầy đủ dưỡng chất hơn.

Xem thêm: Bà bầu ăn đậu que được không? 8 điều 'hé lộ' khiến mẹ bất ngờ

4. Gợi ý món ngon từ đậu que (đậu cô ve)

Vốn có đặc tính khá tương đồng với các loại rau xanh nên luộc đậu que là phương pháp chế biến đơn giản và dễ dàng nhất. Tuy nhiên, nếu muốn bữa cơm “thu hút” hơn thì lời khuyên là bạn nên kết hợp đậu que làm nguyên liệu của một số món ăn sau:

4.1 Đậu que xào thịt bò

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-2
Đậu que xào thịt bò đậm đà (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu que: 300g
  • Thịt bò: 150g
  • Tỏi
  • Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu

Cách làm đậu que xào thịt bò

  • Tước bỏ xơ dọc theo thân đậu que, sau đó đem rửa sạch và ngâm với nước muối loãng trong khoảng 20 – 30 phút. Vớt ra để ráo nước, thái xéo mỏng hoặc để nguyên tùy ý.
  • Rửa sạch thịt bò rồi đem thái lát mỏng, ướp với chút gia vị để khi xào thịt sẽ thấm vị.
  • Băm nhỏ tỏi, phi thơm, cho thịt bò vào đảo sơ trước, khi thịt bắt đầu chín săn lại thì chút ra để riêng.
  • Tiếp đến cho đậu que vào xào, đảo đều tay để đậu chín đều rồi trút lại thịt bò vào, nêm lại gia vị, đảo thêm khoảng 2 – 3 phút thì tắt bếp.

Xem thêm: Với cách này bạn chỉ cần 'liếc sơ' cũng có thể nhận biết thịt bò thật hay giả

4.2 Trứng chiên đậu que

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-3
Trứng chiên đậu que độc đáo (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu que: 150g
  • Trứng gà: 1 – 2 trái
  • Hành tím
  • Hành lá
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu  

Cách làm trứng chiên đậu que

  • Tước bỏ phần xơ của đậu que, sau đó đem rửa sạch và ngâm nước muối loãng khoảng 20 phút. Khi ráo nước, cắt đậu que thành các hình tròn nhỏ.
  • Đập trứng vào tô, trút đậu que vào, thêm chút hành lá cắt nhỏ, nêm gia vị rồi đánh thật đều tay.
  • Phi thơm hành tím, cho trứng vào chiên vàng đều và thưởng thức.

Xem thêm: List 14 món ngon từ trứng gà ăn hoài không ngán

4.3 Đậu que xào lòng gà

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-4
Đậu que xào lòng gà "đưa cơm" (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu que: 300g
  • Bộ lòng gà: 1 bộ
  • Hành tím
  • Hành lá
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu

Cách làm đậu que xào lòng gà

  • Ngắt bỏ xơ dọc theo thân của quả đậu que, rồi đem ngâm rửa sạch. Đợi khô ráo nước thì đem thái đậu thành các lát miếng xéo mỏng.
  • Rửa sạch bộ lòng gà, thái các bộ phận thành miếng mỏng vừa ăn, ướp với chút gia vị.
  • Phi thơm hành tím, cho lòng gà vào xào chín trước rồi trút ra để riêng.
  • Tiếp đến cho đậu que vào xào chín, khi đậu dần chín mềm thì trút lòng gà vào lại, đảo thêm khoảng 2 – 3 phút thì cắt hành lá vào và tắt bếp.

4.4 Salad đậu que

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-5
Salad đậu que ngầy ngậy (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu que: 300g
  • Tương miso: 2 thìa cà phê
  • Mè trắng
  • Đậu hũ: 1 – 2 bìa
  • Đường cát trắng
  • Nước tương

Cách làm salad đậu que

  • Ngắt bỏ xơ của đậu que rồi ngâm rửa sạch, sau đó vớt để ráo và đem luộc chín.
  • Tiến hành làm sốt trộn salad gồm tương mè trắng, đậu hũ nghiền nhuyễn, 2 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê nước tương, cho đậu que vừa luộc vào trộn thật đều.
  • Rắc thêm chút mè trắng lên và thưởng thức món ăn.

4.5 Đậu que xào trà khô

Đậu que kết hợp với các lá trà đã sao khô thơm phưng phức tưởng như chẳng mấy liên quan nhưng lại hứa hẹn mang một “làn gió mới” cho các món xào từ đậu que. Đậu que giòn giòn ngọt ngọt, quyện với lá trà ngạt ngào, không đắng, đơn giản mà rất bổ dưỡng.

Xem thêm: Đậu que xào trà khô, bạn từng thử qua món ăn lạ miệng này chưa?

5. Những lưu ý an toàn cần biết khi ăn đậu que

Đậu que có trở thành một nguyên liệu ẩm thực bổ dưỡng hay không phần lớn cũng phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng và chế biến. Do đó, để đảm bảo có thể tận dụng hiệu quả những công dụng của đậu que với sức khỏe, hãy chú ý một số khuyến cáo sau:

5.1 Chọn quả đậu que tươi ngon

Giống như lựa chọn bất cứ loại rau củ quả nào, với đậu que, yếu tố tươi ngon luôn cần được xem xét tới. Hãy chọn quả đậu que còn nguyên vẹn, không bị thâm, héo, phần hạt bên trong không bị lòi ra. Đặc biệt, nên chọn quả có thích vừa phải, không cần quá dài hay “mập mạp”.

tiet-le-10-cong-dung-cua-dau-que-voi-suc-khoe-it-ai-biet-toi-voh-6
Chọn đậu que chất lượng, tươi ngon (Nguồn: Internet)

5.2 Ngâm rửa sạch

Để loại bỏ tối đa các chất kích thích, thuốc trừ sâu còn tồn đọng trong đậu que khi canh trồng, tốt nhất hãy rửa và ngâm kĩ càng với nước muối loãng trước khi đem chế biến.

5.3 Hạn chế ăn quá nhiều

Nên kết hợp đa dạng nhiều loại rau xanh, tránh tập trung ăn quá nhiều đậu que. Theo đó, mỗi tuần chỉ ăn từ 1 – 2 bữa và 300 – 500g mỗi bữa là hợp lý.

6. Thành phần dinh dưỡng của quả đậu que

Thành phần dinh dưỡng Hàm lượng
Nước 80 g
Năng lượng

73 KCAL

306 KJ

Protein 5 g
Glucid 13,3 g
Celluloza 1 g
Tro 0,7 g
Calci 26 mg
Sắt 0,7 mg
Magiê 26 mg
Mangan 0.5 mg
Phospho 122 mg
Kali 254 mg
Natri 96 mg
Kẽm 0,01 mg
Đồng 90 μg
Vitamin C 25 mg
Vitamin B1 0,34 mg
Vitamin B2 0,19 mg
Vitamin PP 2,6 mg
Beta-caroten 180 μg

Biết thêm về công dụng của đậu que với sức khỏe nên có lẽ phần nào bạn cũng hiểu được lý do vì sao loại đậu này thường có mặt trong bữa cơm hàng ngày của chúng ta rồi nhỉ. Hãy sử dụng và chế biến các món ăn ngon từ đậu que thật đúng cách để cải thiện sức khỏe tốt nhất nhé!