1. Kefir là gì?
Kefir là một thức uống lên men từ sữa, được làm từ hạt kefir. Hạt kefir không phải là hạt ngũ cốc, mà là các khuẩn lạc của nấm men và vi khuẩn axit lactic, có bề ngoài giống như súp lơ. Các vi sinh vật trong hạt kefir lên men đường trong sữa, sản phẩm của quá trình này là kefir.
Kefir được sử dụng đầu tiên ở các vùng Đông Âu và Tây Nam Á. Cái tên này có nguồn gốc từ từ keyif trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là "cảm thấy tốt".
2. Cách làm kefir tại nhà
Kefir có cách làm rất đơn giản, bạn có thể dễ dàng tự làm bằng các dụng cụ có sẵn trong nhà.
2.1 Chuẩn bị
- 1lít sữa nguyên chất (số lượng sữa tùy vào số lượng mẻ kefir mà bạn muốn làm).
- 1-2 thìa hạt kefir.
- 2 bình thủy tinh thể tích hơn 1 lít.
- 1 cái bát lớn.
- 1 tấm vải mỏng hoặc khăn giấy, 1 dây cao su.
- 1 cái rây lọc.
2.2 Quy trình
- Bước 1
Làm sạch dụng cụ bằng xà bông thông thường (tránh dùng xà bông kháng khuẩn).
- Bước 2
Cho 1-2 thìa hạt Kefir vào một bình thủy tinh chứa 1 lít sữa. Chừa 2-3 cm khoảng trống gần miệng bình. Đậy bình bằng một vài lớp khăn giấy, hoặc một lớp vải mỏng. Cố định bằng dây cao su để ngăn không cho bọ hoặc bụi xâm nhập.
- Bước 3
Đặt bình thủy tinh ở nơi tối, môi trường 18-29 độ C trong 24 giờ. Đến khi kefir hơi đặc và có mùi lên men là được.
Lưu ý: Nếu kefir của bạn đã tách thành váng sữa có màu vàng nhạt trông như nước, thì cũng đừng lo lắng. Bạn chỉ cần giảm thời gian lên men hoặc dùng nhiều sữa hơn vào lần sau.
- Bước 4
Đặt rây lọc trên miệng bát, đổ kefir đã hoàn thành vào để lọc lấy hạt kefir.
Lưu ý: không dùng thìa đè hạt kefir.
- Bước 5
Rửa sạch bình thủy tinh mà bạn vừa đổ kefir ra, cho lại hạt kefir và 1 lít sữa vào và bắt đầu mẻ mới.
- Bước 6
Cho kefir thành phẩm vừa thu được vào lọ, đậy kín. Bảo quản trong tủ lạnh, để sử dụng trong khoảng 2 tuần.
Có thể tái sử dụng hạt kefir vô thời hạn để làm những mẻ kefir tiếp theo, bằng cách lặp lại các bước trên. Bạn có thể làm mẻ kefir mới khoảng 24 giờ một lần. Nếu không muốn làm liên tục, có thể tạm dừng việc làm kefir bằng cách, cho hạt kefir vào một cốc sữa mới và cất trong tủ lạnh.
Có thể làm kefir bằng nước cốt dừa, nhưng hạt kefir sẽ phát triển kém hơn trong môi trường này. Do đó, giữa các mẻ kefir với nước cốt dừa, cần thay thế một mẻ kefir với sữa để hạt kefir không bị giảm chất lượng.
Xem thêm: 10 lợi ích khi dùng sữa chua mỗi ngày và những lưu ý đặc biệt khi dùng
3. Công dụng của kefir đối với sức khỏe
Kefir không chỉ là thức uống thơm ngon, mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Bổ sung vào thực đơn 1 cốc kefir mỗi ngày để nhận được những lợi ích tuyệt vời sau:
3.1 Bổ sung probiotic
Probiotic là một nhóm các vi khuẩn có lợi. Kefir là nguồn lợi khuẩn rất phong phú và đa dạng với 61 chủng vi khuẩn và nấm men.
Probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, tăng dung nạp lactose. Từ đó ngăn ngừa đầy bụng, khó tiêu và cả hội chứng ruột kích thích.
Sữa chua là thực phẩm chứa probiotic được biết đến nhiều nhất, nhưng kefir thực ra còn có nhiều probitic hơn.
3.2 Kháng khuẩn mạnh
Kefir có tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng, nhờ chứa lợi khuẩn Lactobacillus kefiri. Lợi khuẩn này chỉ có ở trong kefir. Nó ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, bao gồm Salmonella, Helicobacter pylori và E. coli.
Ngoài ra, kefiran - một loại carbohydrate có trong kefir, cũng có đặc tính kháng khuẩn.
3.3 Cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ loãng xương
Loãng xương là sự suy thoái của mô xương, làm tăng đáng kể nguy cơ gãy xương. Đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe của xương và làm chậm sự tiến triển của bệnh loãng xương.
Kefir không chỉ là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời mà còn là nguồn vitamin K2 - đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa canxi.
3.4 Bảo vệ chống lại ung thư
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Probiotics trong các sản phẩm sữa lên men có thể giúp giảm sự phát triển của khối u, bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của bạn.
Một nghiên cứu cho thấy, kefir làm giảm 56% số lượng tế bào ung thư vú ở người, trong khi sữa chua chỉ làm giảm 14%.
Xem thêm: Cảnh báo viêm loét dạ dày tái phát - con đường nhanh nhất dẫn đến ung thư dạ dày
3.5 Chứa ít lactose
Thực phẩm từ sữa thông thường có chứa một loại đường tự nhiên gọi là lactose. Nhiều người không thể tiêu hóa lactose. Tình trạng này gọi là không dung nạp lactose.
Vi khuẩn trong kefir biến lactose thành axit lactic, vì vậy nó có lượng lactose thấp hơn nhiều so với sữa. Ngoài ra, nó cũng chứa các enzyme có thể giúp phá vỡ đường lactose.
Do đó, những người không dung nạp lactose thường có thể uống kefir mà không gặp vấn đề gì.
3.6 Cải thiện các triệu chứng dị ứng và hen suyễn
Những người có hệ thống miễn dịch quá nhạy cảm thường dễ bị dị ứng, có thể gây ra các bệnh như hen suyễn. Kefir đã được chứng minh là ngăn chặn các phản ứng viêm liên quan đến dị ứng và hen suyễn.
4. Giá trị dinh dưỡng của kefir
Kefir là một thức uống chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, giàu canxi, protein và vitamin B.
Giá trị dinh dưỡng trong 175 ml kefir | |
Thành phần | Hàm lượng |
Năng lượng | 100 calo |
Carbohydrate | 7–8 gam |
Chất béo | 3–6 gam |
Protein | 4 gam |
Canxi | 10% RDI |
Phốt pho | 15% RDI |
Vitamin B12 | 12% RDI |
Vitamin B2 | 10% RDI |
Magiê | 3% RDI |
Một lượng lớn vitamin D và vitamin K2 |
Các phiên bản kefir không sữa có thể được làm bằng nước dừa, nước cốt dừa hoặc các chất lỏng ngọt khác. Chúng sẽ không có cùng thành phần dinh dưỡng như kefir làm từ sữa.
Kết luận
Kefir là một loại thực phẩm lên men tốt cho sức khỏe với độ đặc sánh tương tự như sữa chua. Nó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, hỗ trợ các vấn đề tiêu hóa, cải thiện sức khỏe của xương và thậm chí có thể chống lại ung thư. Hãy thử bắt đầu làm kefir ngay hôm nay để thưởng thức đồ uống bổ dưỡng, ngon miệng này nhé!