Chờ...

Lá mơ có tác dụng gì đối với sức khỏe?

(VOH) - Nhiều người thường chỉ biết lá mơ là một loại rau gia vị ăn kèm với nhiều món ăn, tuy nhiên, trong y học lá mơ còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Vậy lá mơ có tác dụng gì?

Lá mơ lông được xem là loại rau gia vị ăn kèm với thịt giả cầy, gỏi cá, nem thính,… Ngoài ra, nó còn có tác dụng chữa bệnh mà ít ai biết đến.

1. Lá mơ là gì ?

Lá mơ hay mơ tam thể, mơ lông, bổ thượng hoàng, mơ tròn... tên khoa học là paederia, là loại thực vật có hoa trong họ Thiến thảo.

Đây là một loại dây leo nhánh tròn có lông. Lá to, một mặt lá màu tía, một mặt màu xanh, có phiến xoan tim, gốc hình tim, mặt dưới ửng tím đỏ, có lông mịn. Hoa trắng miệng tím nhạt. Quả hình cầu có đài màu vàng.

tac-dung-cua-la-mo-voh-0
Lá mơ lông có tác dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Mơ lông có tinh dầu rất hăng, có mùi disunfua cacbon, có 2 chất ancaloit paderin và một chất kết tinh ở dạng kim nhỏ - chất vô định hình, hơi tan trong rượu amylic, clorofom và benzen. Đây không chỉ là một loại rau ăn kèm mà còn là vị thuốc hay và tác dụng của lá mơ lông còn chữa nhiều loại bệnh khác nhau.

Ngoài ra, còn có một loại mơ lông có màu xanh, tên khoa học là Paedriafoetida L., thuộc họ cà phê. Đây là dây leo bằng thân quấn. Lá mỏng, mọc đối. Hoa màu tím nhạt, không uống. Quả gần giống hình tròn. Toàn dây khi vò ra có mùi thối.

2. Lá mơ có tác dụng gì?

Trong Y học cổ truyền, lá mơ lông có vị đắng, tính mát. Tác dụng của lá mơ giúp nhuận gan, giải nhiệt, mạnh tỳ vị, tiêu thực, sát khuẩn, chữa phong tê thấp, tẩy giun, giải độc,…nhưng thông dụng nhất vẫn là giải quyết các bệnh về đường tiêu hóa.

Chính vì thế, người ta thường dùng lá mơ lông để chữa các chứng phong thấp, đau nhức, đau bụng, kiết lỵ, phù thũng, đầy bụng, chậm tiêu, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, cam tích, gan, lách sưng to, trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), mụn nhọt mọc ở lưng, bạch đới, tổn thương do trật đả...

Theo kinh nghiệm dân gian, lá mơ lông có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn và có thể trị các bệnh về đường tiêu hóa rất tốt. Liều dùng 20 – 30g/ ngày.

Nếu ăn ít và sử dụng lá mơ như một loại rau thơm ăn kèm thì thì lá mơ có thể giúp thanh nhiệt và chống dị ứng. Người xưa thường dùng lá mơ ăn kèm với gỏi cá, nem thính... và đặc biệt là thịt chó.

3. Một số bài thuốc từ lá mơ lông theo dân gian

Có thể thấy, lá mơ không chỉ là một loại rau ăn kèm mà còn là vị thuốc hay có chứa nhiều công dụng tốt và chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Dưới đây là một số cách dùng lá mơ để phòng và trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian:

3.1 Bệnh khớp ở người già

Người già thường bị phong thấp, nhức mỏi khi thời tiết thay đổi. Dưới đây là 3 cách chữa bệnh từ lá mơ có thể giúp giảm đau hiệu quả:

  • Cách 1: Lá mơ lông sắc lấy nước uống, có thể lấy cả thân cây đều được.
  • Cách 2: Giã dập lá mơ rồi cho vào tách, đổ nước sôi, hãm như trà. Sau đó, rót nước ra một cái cốc và cho thêm rượu vào để uống. Rượu có tác dụng dẫn thuốc chạy khắp cơ thể giúp giảm đau nhanh hơn.
  • Cách 3: Băm nhỏ cả cây gồm thân và lá mơ, sau đó phơi khô. Dùng 1kg lá mơ khô ngâm với 2 lít rượu, ngâm trong 10 ngày là uống được. Rượu này có thể uống trong hoặc xoa ngoài. Mỗi ngày uống 1 đến 2 ly.

Xem thêm: 6 nhóm thực phẩm người bệnh phong thấp nên tránh để giúp bảo vệ sức khỏe

3.2 Chữa sôi bụng, ăn khó tiêu

tac-dung-cua-la-mo-voh-1
Lá mơ có thể giúp chữa đầy bụng, khó tiêu (Nguồn: Internet)

Lấy một nắm lá mơ tươi, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát lấy nước uống. Ăn uống liền trong 2 – 3 ngày sẽ có kết quả.

3.3 Chữa chứng kiết lỵ

Lá mơ lông vốn có công dụng sát khuẩn, diệt khuẩn lỵ amip và simela là hai vịkhuẩn gây tình trạng kiết lỵ cho những người mắc bệnh.

Do đó, khi bị kiết lỵ bạn có thể dùng khoảng 30g lá mơ xay nhuyễn, trộn với một quả trứng gà, thêm vài hạt muối, đánh đều và dàn mỏng trên lá chuối, gói lại rồi lót thêm một lớp lá chuối nữa. Tiếp tục đặt trên chảo, rang hoặc nướng cho chín thì ăn (không dùng dầu, mỡ để rang). Ăn liên tục 2 - 3 ngày giúp cải thiện tình trạng.

3.4 Trị đau bụng

Dùng 20 – 30g lá mơ tươi, rửa sạch, ăn sống hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Uống hoặc ăn liên tục nhiều ngày sẽ khỏi.

3.5 Trị giun kim và giun đũa

Một số thành phần trong lá mơ lông có thể có tác động đến ký sinh trùng đường ruột. Vì thế trong dân gian thường sử dụng lá mơ lông để trị giun kim và giun đũa.

Dùng 50g lá mơ giã nhỏ, cho thêm tí muối vào ăn sống hoặc vắt lấy nước uống. Uống liền 3 buổi sáng vào lúc bụng còn đói thì giun sẽ ra.

3.6 Chữa cảm lạnh

Hấp chín khoảng 25 lá mơ tươi để ăn hoặc ăn sống lá mơ tươi cũng có tác dụng chữa cảm lạnh.

3.7 Làm lành vết thương

Dùng một nắm lá mơ tươi xay thật mịn và đắp vào vết thương.

3.8 Chữa thấp khớp, bí tiểu

Dùng lá mơ tươi khoảng 15 – 60g, đun sôi trong nước, gạn bỏ xác lá và uống nước, ngày uống một lần.

3.9 Tác dụng của lá mơ chữa co giật

Nghiền nát khoảng 15 – 60g lá mơ tươi, thêm 1 bát nước ấm và một tí muối, khuấy đều và lọc lấy nước để uống trước bữa tối.

3.10 Trị ho

Một trong những tác dụng của lá mơ lông là trị ho. Tinh dầu sulfur dimethyl disulphide có trong lá mơ sẽ đóng vai trò như một thang thuốc bổ điều trị ho triệt để chỉ với vài ngày ăn lá mơ được nấu chín hoặc thậm chí ăn sống.

Trong dân gian dùng lá mơ lông 150g, bách bộ, cỏ mần trầu, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi vị 250g, cam thảo dây 150g, trần bì 100g, gừng 50g, đường kính vừa đủ. Cho vào 6 lít nước, trộn lẫn nguyên liệu rồi đun sôi còn 1 lít. Chia nước ra uống ngày 2 – 3 lần.

3.11 Chữa phong tê thấp

tac-dung-cua-la-mo-voh-2
Dùng lá mơ chữa phong tê thấp (Nguồn: Internet)

Khi bị đau nhức xương khớp, cảm giác nặng nề, bức rức bạn có thể dùng lá mơ vừa uống vừa xoa bóp theo cách sau:

  • Bài thuốc uống: Cả lá và dây tươi cắt nhỏ, mỗi đoạn chừng 1 - 2cm, sao vàng. Mỗi lần dùng 50g, sắc với 200ml, còn 100ml, chia đều uống 3 lần trong ngày, liên tục 10 - 15 ngày.
  • Bài thuốc xoa bóp: Cả lá và thân mơ tươi thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, ngâm trong rượu (trên 40 độ) lắc đều mỗi ngày. Xoa vào các vùng đau nhức.

3.12 Bài thuốc sử dụng lá mơ kết hợp với các vị thuốc khác

  • Bệnh lỵ amip: Lá mơ lông tươi 50g, cỏ nhọ nồi tươi 150g, lá đại thanh (lá bọ mẩy) 30g, hạt cau (khô, sao vàng) 16g, bách bộ 12g, vỏ cây đại (cạo bỏ vỏ ngoài, sao vàng) 8g. Sắc uống, ngày một thang, uống 3 lần, sau bữa ăn 30 phút đến 1 giờ. Uống liên tục 2 tuần.
  • Bệnh lỵ trực khuẩn: Có thể dùng lá mơ lông, lá trâu cổ (lá vẩy ốc), mỗi vị 20g; lá lốt, nụ sim, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc dùng lá mơ lông, cỏ sữa mỗi vị 30g; hạt cau, măng cụt (vỏ quả) mỗi vị 10g; thổ phục linh, bạch thược mỗi vị 6g. Uống mỗi ngày một thang, dưới  dạng thuốc sắc, cũng có thể tán bột, uống 3 lần trong ngày, mỗi lần 10 - 12g. Khi uống thuốc, kiêng ăn các thức ăn tanh, sống, lạnh.
  • Trường hợp mắc lỵ lâu ngày, có thể dùng rễ mơ lông, cỏ seo gà (cây phượng vĩ thảo), mã đề, mỗi vị 20g, sao qua, sắc uống ngày một thang, uống liền 2 - 3 tuần.
  • Chữa ho gà cho trẻ em: Lá mơ lông 150g; bách bộ, rau má, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, cỏ mần trầu, mỗi vị 250g; trần bì 100g, cam thảo dây 150g, gừng tươi 50g. Thuốc sắc đặc, thêm đường dưới dạng sirô, ngày uống 2 - 3 lần, tùy theo tuổi. (Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, mỗi lần uống 5 – 10ml. Trẻ từ 1 – 2 tuổi, mỗi lần uống 10ml, ngày uống 4 lần).

4. Bà bầu ăn lá mơ được không?

Lá mơ trong Đông y được xem là loại lá lành tính và an toàn, trong y học hiện đại cũng ghi nhận đây là loại lá có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Vì thế, bà bầu có thể ăn lá mơ trong thai kỳ.

Một số lợi ích bà bầu sẽ nhận được khi ăn lá mơ là:

  • Giảm đầy hơi, khó tiêu
  • Chữa tiêu chảy, kiết lỵ
  • Tẩy giun

Xem thêm: Bà bầu ăn lá mơ như thế nào tốt cho sức khỏe?

5. Những món ngon từ lá mơ

Lá mơ không chỉ phổ biến trong y học dân gian mà còn rất được ưu chuộng trong ẩm thực. Lá mơ có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng cho gia đình.

tac-dung-cua-la-mo-voh-3
Lá mơ phổ biến trong ẩm thực (Nguồn: Internet)

5.1 Trứng chiên lá mơ

Nguyên liệu

  • Lá mơ: 50g
  • Trứng gà: 4 quả
  • Hành tím: 10g
  • Hạt nêm: 5g
  • Hạt tiêu xay nhuyễn: 2g
  • Dầu ăn: 10g

Cách chế biến món trứng chiên lá mơ

  • Rửa sạch lá mơ, thái nhỏ. Hành tím băm nhỏ.
  • Đập 4 quả trứng gà vào tô, cho lá mơ đã thái nhỏ vào cùng hành tím, hạt tiêu xay nhuyễn, hạt nêm, rồi đánh tan hỗn hợp.
  • Bắt chảo trên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng. Sau đó cho hết hỗn hợp trứng vào, dàn đều trên mặt chảo. Chiên trứng cho chín đều hai mặt là xong.

5.2 Cá kho lá mơ

Nguyên liệu

  • Cá chép (hoặc cá rô, cá mè, cá trắm,…) tùy theo sở thích
  • Bột nghệ
  • Ớt, gừng
  • Lá mơ
  • Gia vị: đường, mắm, muối, hạt nêm

Cách chế biến món cá kho lá mơ

  • Cá mua về, làm sạch bên trong cá, móc bỏ những phần không ăn được. Sau đó chà rửa cùng với muối để loại bỏ lớp nhầy và tanh, rồi rửa sạch lại với nước, để ráo.
  • Thả cá lên một cái chảo đã có sẵn dầu ăn. Rán đều hai mặt cá để phần da và thịt săn chắc lại, làm như vậy cá khi kho sẽ ngon hơn.
  • Bạn xếp cá vào nồi, cho thêm lá mơ vào, rắc thơm bột nghệ, gừng, ớt, nêm nếm các loại gia vị cho phù hợp với khẩu vị của nhà bạn. Trộn đều nồi cá lên để cá ngấm gia vị đều hơn.
  • Cho thêm nước sôi vào, đun cá đến khi cạn nước, lưu ý là nhớ trở các mặt cá nhẹ tay để tránh làm nát nồi cá.
  • Bạn múc cá và lá mơ ra đĩa, ăn kèm với cơm trắng.

5.3 Cá rô đồng nướng cuốn lá mơ

Nguyên liệu

  • Cá rô to: 4 con
  • Lá mơ: 200g
  • Tỏi: 1 củ
  • Ớt: 2 quả
  • Gừng: 1 củ
  • Bánh đa cuốn (bánh cuốn)
  • Rau thơm các loại: 200g
  • Gia vị thông dụng

Cách làm cá ngô đồng nướng cuốn lá mơ

  • Cá rô sơ chế sạch (để nguyên cả phần vảy cá bên ngoài), khứa (cắt) vài đường trên thân cá rồi đem nướng trên bếp than. Cá chín thì trở mặt cho chín đều hai bên rồi bỏ riêng ra đĩa.
  • Lá mơ, tía tô, kinh giới đem rửa sạch rồi để riêng
  • Ớt, tỏi, gừng và dưa chuột đem rửa sạch, thái nhỏ rồi cho riêng ra từng chén.
  • Làm nước chấm: Cho 2 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt cùng với ớt, tỏi và gừng vào giã cho thật nhuyễn rồi cho khoảng 4 muỗng nước mắm ngon, ½ muỗng nước chanh và 2 muỗng nước lọc vào khuấy đều.
  • Bày cá rô ra đĩa, cho thêm rau sống và các loại rau cuốn khác ra, khi ăn thì gắp cá cuốn cùng các lá và dùng với nước mắm chấm.

6. Những lưu ý khi dùng lá mơ lông

Khi dùng lá mơ trong ẩm thực làm thuốc bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Khi dùng lá mơ tươi giã lấy nước, bạn cần rửa lá mơ thật sạch và rửa qua nước đun sôi để nguội để đảm bảo vệ sinh.
  • Lá mơ có tác dụng tiêu hủy protein nên thường được ăn kèm với các món ăn nhiều chất đạm như thịt chó, gỏi,…để giảm cảm giác đầy bụng, nóng bụng, khó tiêu. Vì vậy, khi ăn các món ăn nhiều đạm bạn nên ăn lá mơ kèm theo.
  • Khi áp dụng một số bài thuốc từ lá mơ để chữa bệnh, bạn cần được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn cụ thể để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

7. Dinh dưỡng của lá mơ lông

Thành phần dinh dưỡng trong 100g lá mơ lông như sau: 

  • Nước: 86,1g
  • Calo: 27 KCal
  • Protein: 3,9g
  • Chất bột đường: 2,9 g
  • Chất xơ: 5,1g
  • Canxi: 211mg
  • Photpho: 3mg
  • Vitamin C: 75mg
  • Betacaroten: 330 ug

Trên đây đã phần nào giải đáp những tác dụng của lá mơ mang lại cho sức khỏe, tuy nhiên khi dùng các bài thuốc từ lá mơ lông để chữa bệnh thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.