Chờ...

Những tác dụng của nhân sâm trong Y học hiện đại và cổ truyền

(VOH) - Nhân sâm là loại thảo dược quý hiếm giúp dưỡng sinh, trường thọ trong suốt nhiều thập kỷ. Thế nhưng, dù những tác dụng của nhân sâm là cực tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng được.

Từ xưa đến nay, nhân sâm luôn được xem là vị thuốc đại bổ, đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng phẩm của Đông y (Sâm, Nhung, Quế, Phụ), bởi có thể giúp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ....

1. Tìm hiểu về nhân sâm

Nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng (nhân sâm châu Á) và panax quinquefolius (nhân sâm Hoa Kỳ), là một loài thực vật có hoa trong Họ Cuồng. Đây là một trong bốn loại thuốc quý của Đông Y đã được sử dụng từ hàng ngàn năm trước.

Các bộ phận của cây nhân sâm phân làm nhiều loại: đại vĩ sâm là củ rễ chính, trung vĩ sâm là thân rễ phụ, tế vĩ sâm hoặc nhân sâm tu là những rễ bám nhỏ. Các loại này đều được dùng, ngay cả lá và cuống rễ cũng được sử dụng với những tính chất chỉ định cụ thể.

tac-dung-cua-nhan-sam-voh-0
Nhân sâm đã được sử dụng trong y học hàng ngàn năm qua (Nguồn: Internet)

Nhân sâm phân bố ở nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Vùng Viễn Đông Nga, Vùng Bắc Mỹ (Hoa Kỳ) nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, có tên chung là Sâm Cao Ly.

Hiện nay, nhân sâm có thể được sử dụng dưới nhiều dạng như nhân sâm tươi tươi, nhân sâm khô, bạch sâm, chiết xuất, dung dịch, viên nang, viên nén, soda, trà hoặc sử dụng làm mỹ phẩm. Điển hình nhất chính là hồng sâm – một sản phẩm được làm ra từ nhân sâm.

2. Tác dụng của nhân sâm trong Y học hiện đại

Theo Y học hiện đại, nhân sâm Hoa Kỳ và nhân sâm Châu Á có sự khác nhau về nồng độ của các hợp chất hoạt tính nhưng những hợp chất quan trọng như ginsenosides và gintonic, glycosid, acid amin, phenol, flavonoid, phytosterol, các loại đường và sinh tố, acid nicotinic; các khoáng chất Na, K, Ca, Mg, Mn, Fe, Cu, Zn, G, đều có đủ và cung cấp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Dưới đây là một số tác dụng của nhân sâm đã được khoa học ghi nhận bao gồm: 

2.1 Giúp giảm viêm

Một trong những tác dụng của nhân sâm là giúp giảm viêm nhờ chứa chất chống oxy hóa mạnh.

Một số nghiên cứu ghi nhận, chiết xuất nhân sâm và hợp chất ginsenoside có thể ức chế tình trạng viêm và tăng khả năng chống oxy hóa trong tế bào. (1)

Ngoài ra, thông qua một số nghiên cứu các nhà khoa học cho rằng, nhân sâm có thể giúp giảm stress oxy hóa bằng cách tăng hoạt động của enzym chống oxy hóa. (2)

2.2 Có lợi cho chức năng não bộ

Nhân sâm có tác dụng cải thiện chức năng của não như tâm trí, hành vi và tâm trạng.

Một số thành phần trong nhân sâm như ginsenosides và hợp chất K, có thể bảo vệ não chống lại các tổn thương do gốc tự do gây ra (3) (4) (5), giúp cải thiện tinh thần và sự bình tĩnh.

Hơn nữa, các nghiên cứu khác cũng đã phát hiện những tác động tích cực của nhân sâm đến chức năng và hành vi của não ở những người mắc bệnh Alzheimer. (6) (7)

2.3 Cải thiện chứng rối loạn cương dương

Một tác dụng của nhân sâm đối với nam giới đã được ghi nhận là khả năng hỗ trợ cải thiện những rắc rối về sức khỏe tình dục, điển hình là chứng rối loạn cương dương.

Các hợp chất trong nhân sâm có thể bảo vệ chống lại stress oxy hóa trong các mạch máu và mô ở dương vật, từ đó giúp phục hồi chức năng bình thường (8) (9). Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra nhân sâm có thể thúc đẩy sản xuất oxit nitric – hợp chất giúp cải thiện sự thư giãn ở dương vật và tăng cường lưu thông máu trong cơ dương vật.

2.4 Tăng cường hệ thống miễn dịch

Nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể là một trong những tác dụng của nhân sâm.

Có một số bằng chứng cho thấy, một loạt chiết xuất nhân sâm Hoa Kỳ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh ở người lớn,

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

2.5 Tăng năng lượng

Nhân sâm đã được chứng minh là có thể giúp chống lại sự mệt mỏi và tăng cường năng lượng cho cơ thể, có thể giúp những bệnh nhân đang ốm yếu và những người đang hoạt động thể chất nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

2.6 Giảm lượng đường trong máu

Nhân sâm dường như có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở cả những người bị bệnh tiểu đường.

tac-dung-cua-nhan-sam-voh-1
Nhân sâm có thể có tác dụng kiểm soát đường huyết ổn định (Nguồn: Internet)

Các nghiên cứu cho thấy, nhân sâm có tác dụng cải thiện chức năng tế bào tuyến tụy, thúc đẩy insulin và tăng cường hấp thu đường huyết trong các mô (10). Hơn nữa, chiết xuất nhân sâm còn giúp tăng cường chất chống oxy hóa làm giảm các gốc tự do trong tế bào của người mắc bệnh tiểu đường (11).

2.7 Có tiềm năng chống lại bệnh ung thư

Một tác dụng khác của nhân sâm là có thể giúp ích trong việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Hợp chất ginsenosides trong nhân sâm có tác dụng giảm viêm và chống lại sự oxy hóa trong cơ thể, điều này có thể giúp ngăn chặn quá trình sản xuất và tăng trưởng tế bào bất thường.

Một nghiên cứu quan sát cũng ghi nhận, những người dùng nhân sâm có thể ít mắc một số loại ung thư như: ung thư miệng, thực quản, dạ dày, gan và phổi hơn những người không dùng. (12)

Ngoài ra, nhân sâm còn có tác dụng cải thiện sức khỏe ở những bệnh nhân đang hóa trị, giúp giảm tác dụng phụ và tăng cường tác dụng ở một số loại thuốc điều trị.

3. Công dụng của nhân sâm trong các bài thuốc Đông y

Trong Đông y, nhân sâm vốn được coi là một vị thuốc quý được sử dụng trong nhiều thế kỷ.

Với vị ngọt hơi đắng, tính hơi ôn, nhân sâm thường được dùng để bồi bổ nguyên khí, cố thoát, sinh tân, phục mạch, an thần ích trí. Được dùng trị chứng chân khí suy kém, mạch yếu, tim loạn nhịp, cơ thể mới ốm dậy, mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, kém ăn, suy giảm trí nhớ, căng thẳng thần kinh, nóng trong người, háo khát, đái tháo, sinh lý yếu, trẻ nhỏ gầy yếu, chậm lớn.

Một số bài thuốc từ nhân sâm được ứng dụng trong y học cổ truyền:

3.1 Bài thuốc ích khí cứu thoát khi bệnh nặng

Tác dụng của nhân sâm sẽ phát huy hiệu quả trong trường hợp bệnh nặng, bệnh dài ngày, ra máu nhiều dẫn đến hôn mê, mạch đập chậm muốn ngừng.

Với cách làm đơn giản, bạn chỉ cần chưng cách thuỷ nhân sâm, rồi dùng để uống trong ngày, bệnh sẽ mau khỏi. Hoặc bạn có thể kết hợp nhân sâm với phụ tử, đem sắc uống, giúp trị các chứng hư thoát nguy kịch kèm ra mồ hôi lạnh toát, rã rời chân tay.

3.2 Bài thuốc bổ phổi dịu hen

Bài thuốc từ nhân sâm còn có tác dụng trị các chứng hư ho hen, thở gấp hiệu quả. Bạn chỉ cần chuẩn bị nhân sâm và hồ đào, đem sắc đặc thành thuốc, dùng để uống trong ngày là được.

3.3 Bài thuốc kiện tỳ cầm tiêu chảy

tac-dung-cua-nhan-sam-voh-2
Đông y sử dụng nhân sâm để cải thiện tình trạng tiêu chảy (Nguồn: Internet)

Người suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, hay dẫn đến tiêu chảy kéo dài đều có thể sử dụng bài thuốc từ nhân sâm. Bạn chỉ việc đem sắc nhân sâm, bạch truật, bạch linh và cam thảo thành thuốc uống, sử dụng trong ngày.

3.4 Bài thuốc sinh tân chỉ khát

Bên cạnh đó, tác dụng của nhân sâm còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh nhiệt làm khô tân dịch, đái tháo đường làm họng khô miệng khát. Bạn chỉ cần sử dụng nhân sâm (tốt nhất nên dùng đẳng sâm), kết hợp với mạch đông và ngũ vị tử, đem sắc uống, sẽ giúp tình hình bệnh cải thiện.

Xem thêm: 4 loại nước thanh nhiệt bạn nên uống ngay để không lo nóng trong người, khô họng, tiểu ít

4. Dùng nhiều nhân sâm có tốt không?

Nhân sâm dường như an toàn và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nguy hiểm nào. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng nhân sâm, đó là:

  • Những người dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khi sử dụng nhân sâm để đảm bảo lượng đường không xuống quá thấp.
  • Người đang sử dụng thuốc chống đông máu cũng cần thận trọng khi sử dụng nhân sâm.
  • Phụ nữ mang thai, mẹ cho con bú và trẻ em không được khuyến cáo dùng nhân sâm vì thiếu các nghiên cứu về độ an toàn.
  • Người bụng thường xuyên bị đầy trướng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Người bị nôn mửa, trào ngược dạ dày, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.
  • Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu mà muốn dùng sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Không dùng nhân sâm vào buổi tối để tránh gây mất ngủ.

Lưu ý: Không dùng lô sâm (đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn. Không dùng đồng thời nhân sâm với củ cải (la bạc) hay vị lê lô, ngũ linh chi và dùng để pha trà đặc uống.

5. Một số cách bổ sung nhân sâm vào chế độ ăn uống

Nhân sâm có thể được tiêu thụ theo nhiều cách. Một số cách dùng nhân sâm phổ biến là:

  • Pha nhân sâm thành trà uống
  • Nhân sâm tán thành bột pha với nước đun sôi uống
  • Thái nhân sâm thành lát mỏng và ngậm tan
  • Nấu cháo nhân sâm
  • Nhân sâm hấp gừng
  • Nhân sâm hầm thịt gà
  • Rượu nhân sâm

Tuy nhiên khi sử dụng nhân sâm cần lưu ý, đã có bằng chứng cho thấy dùng nhân sâm kéo dài có thể làm giảm hiệu quả của nó đối với cơ thể. Do đó, để nhận được lợi ích tối đa từ củ nhân sâm, bạn nên uống nhân sâm theo chu kỳ 2 – 3 tuần, sau đó ngưng 1 -2 tuần trước khi bắt bầu một chu kỳ mới.

Như vậy, nhân sâm là một loại dược liệu đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Những tác dụng của nhân sâm đã được ghi nhận trong y học hiện đại lẫn y học cổ truyền. Do nhân sâm có thể được tiêu thụ theo rất nhiều cách khác nhau, vì thế nếu muốn tăng cường cơ thể hay để cải thiện một vấn đề sức khỏe nào đó thì nhân sâm chắc chắn là một lựa chọn rất đáng để thử.