Tác dụng của vitamin B4 đối với cơ thể là gì?

(VOH) -  Vitamin B4 là một chất rất cần thiết cho sức khỏe, nhưng nó lại không phải là một nhánh trong vitamin nhóm B. Vậy vitamin B4 là gì, có tác dụng gì và bổ sung chúng bằng cách nào?

Có thể bạn từng nghe nhắc đến nhiều loại vitamin nhóm B như: vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6 hay B12... nhưng lại rất ít khi nghe nói về vitamin B4? Thực chất, vitamin B4 không còn được gọi là vitamin nữa vì chúng không còn phù hợp với định nghĩa chính thức về vitamin.

1. Vitamin B4 là gì?

Vitamin B4 thực ra là chất adenine tan trong nước, một thành phần tạo nên nhân của tế bào. Adenine đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng trong cơ thể, tổng hợp protein và các quá trình hóa học đi kèm.

Ngoài ra, nó là một thành phần đặc biệt quan trọng của cả DNA và RNA, là các axit nucleic cung cấp thông tin di truyền của cơ thể.

tac-dung-cua-vitamin-b4-doi-voi-co-the-la-gi-voh-0
Vitamin B4 có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ thể (Nguồn: Internet)

Vitamin B4 cũng giữ một nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh, ngăn chặn sự thoái hóa và đột biến của tế bào. Đồng thời ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do và giúp làm chậm quá trình lão hóa diễn ra trong cơ thể.

Nếu không có vitamin B4, sự hình thành tế bào và sự phát triển lành mạnh của các mô cơ thể có thể bị suy giảm, gây ra hội hội chứng viêm đa dây thần kinh. Cùng với đó, hệ thống miễn dịch dễ bị tổn hại, cản trở khả năng cơ thể chống lại virus và nhiễm trùng.

2. Vitamin B4 có tác dụng gì?

Mặc dù không phải là một “vitamin thực thụ” nhưng vitamin B4 rất quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của cơ thể cũng như sức khỏe toàn diện. Cung cấp đầy đủ vitamin B4 cho cơ thể sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích như:

  • Tăng khả năng tạo ra bạch cầu cho cơ thể. Vitamin B4 vốn được gọi là “vitamin của bạch cầu” nhờ có tác dụng kích thích quá trình tạo bạch cầu.
  • Cho phép ADN và ARN lưu trữ cũng như truyền tải thông tin gen. Trong ADN, vitamin B4 gắn với thymine có tác dụng giữ ổn định cấu trúc ADN.
  • Hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa năng lượng, không làm cản trở các hoạt động trong cơ thể.

Cơ thể nếu được cung cấp đủ vitamin B4 sẽ giúp giảm bớt một số tình trạng sức khỏe như: mất ngủ, thiếu máu, đau đầu, cholesterol cao, khó tiêu, sỏi mật, nếp nhăn, mụn trứng cá, v.v., v.v. Sự thiếu hụt vitamin này có thể gây ra rối loạn da, rối loạn máu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu cơ và tâm trạng chán nản.

Với trẻ nhỏ, vitamin B4 nằm trong nhóm các dưỡng chất quan trọng giúp trẻ ăn ngon, khỏe mạnh, hạn chế bệnh còi xương. Trẻ em thiếu vitamin B4 rất dễ mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), gây ảnh hưởng đến khả năng học tập vào giao tiếp.

Xem thêm: Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ - Những dấu hiệu không thể bỏ qua

3. Những thực phẩm giàu vitamin B4

Thực phẩm giàu vitamin B4 nên là một phần của chế độ ăn uống hàng ngày của bạn để giúp giảm bớt nguy cơ thiếu hụt vitamin B4. Dưới đây là một số thực phẩm giàu vitamin B4 mà bạn có thể sử dụng:

3.1 Mật ong nguyên chất

Mật ong nguyên chất là một nguồn cung cấp vitamin B4 dồi dào và cũng có giá trị dinh dưỡng cao hơn mật ong đã qua chế biến. Sử dụng mật ong thay đường là một cách để giúp bạn “nạp” vitamin B4 vào cơ thể.

3.2 Bánh mì nguyên cám

tac-dung-cua-vitamin-b4-doi-voi-co-the-la-gi-voh-1
Bánh mì nguyên cám chứa nhiều vitamin B4 (Nguồn: Internet)

Bánh mì nguyên cám cũng giúp cung cấp nhiều vitamin B4 cho cơ thể. Ngoài ra, các dưỡng chất thiết yếu như carbohydrate và các khoáng chất như sắt, selen cũng rất có lợi cho sức khỏe của mô.

3.3 Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều vitamin nhóm B, bao gồm cả vitamin B4. Bạn có thể sử dụng yến mạch, lúa mì, lúa mạch, gạo, ngô... trong chế độ ăn uống hàng ngày để cung cấp carbohydrate cho cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng. Phần ngoài cùng của hạt, cám và mầm cũng chứa nhiều các vitamin và khoáng chất.

3.4 Đinh hương

Đinh hương là một loại gia vị phổ biến trong ẩm thực và nó cũng rất giàu vitamin B4. Đinh hương không chỉ là loại gia vị nêm nếm món ăn mà còn có thể giúp bạn giảm chứng buồn nôn và phòng ngừa bệnh tiểu đường.

3.5 Táo

Táo cũng là một nguồn giàu vitamin B4 để bạn có thể sử dụng. Không những thế, ăn một quả táo mỗi ngày còn giúp bạn ngăn ngừa bệnh Alzheimer và các vấn đề về dạ dày, táo bón, tiểu đường và rối loạn gan.

3.6 Dâu tây

Dâu tây là loại trái cây giàu dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và vitamin B4 của dâu tây có thể khả năng tăng cường sức khỏe. Tiêu thụ dâu tây thường xuyên sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ.

Xem thêm: Mê dâu tây như ‘điếu đổ’ nhưng bạn đã hiểu hết công dụng, mẹo mua ‘đâu trúng đó’ và ăn sao cho tốt hay chưa?

3.7 Cà chua

Trong quả cà chua chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, trong đó có cả vitamin B4. Ăn cà chua sẽ giúp bạn giảm huyết áp, tốt cho sức khỏe dạ dày, giúp giảm bệnh tiểu đường, các vấn đề về da và nhiễm trùng đường tiết niệu.

3.8 Hạt thì là Ba Tư

Hạt thì là Ba Tư (hay còn gọi là hạt Caraway) là một nguồn rất giàu vitamin B4 và các khoáng chất tuyệt vời như sắt, đồng, canxi, kali, magie và mangan.

3.9 Ớt chuông

Ở chuông là một trong những thực phẩm giàu vitamin B4 và các thành phần hoạt tính khác, có thể giúp giảm đau đầu, đau lưng, ung thư, lão hóa, các vấn đề về dạ dày và bệnh tiểu đường.

3.10. Gừng

Củ gừng chứa khá nhiều vitamin B4, chất chống oxy hóa, có thể ngăn ngừa đột quỵ, đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

4. Những lưu ý khi bổ sung vitamin B4

Để phát huy tối đa hiệu quả mà vitamin B4 mang lại cho cơ thể thì khi sử dụng cần lưu ý một số vấn đề sau:

Liều lượng cần bổ sung vitamin B4 cho cơ thể khoảng từ 300 - 350 mg/ ngày và đối với các trường hợp mắc bệnh Alzheimer thì cần bổ sung nhiều hơn.

  • Không nên bổ sung quá mức, nếu bổ sung nhiều quá sẽ gây các dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.

Như vậy, vitamin B4 không được xem như một loại vitamin hoàn chỉnh, song chúng lại là chất không thể thiếu trong hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn thể cung cấp vitamin B4 cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày từ các loại rau củ quả và trái cây tươi.