Hiểu nghề trước khi chọn ngành

(VOH) - Cùng với nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng trong năm 2023, cánh cửa vào giảng đường đại học đối với thí sinh có thể nói là vô cùng rộng mở.

Điều quan trọng là làm sao thí sinh chọn được một ngành học, trường học phù hợp ngay từ đầu.

“Định vị bản thân mình - định vị ngành nghề - định vị thị trường lao động” là những lời khuyên mà Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM dành cho thí sinh năm nay, đồng thời có những định hướng cụ thể các bước trong quá trình giúp thí sinh định vị ngành nghề phù hợp.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM

Nghe Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên tư vấn

Thời điểm tháng 2, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023. Theo đó, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau: kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; học bạ trung học phổ thông; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ; xét tuyển kết hợp giữa các phương thức với nhau.

Các phương thức xét tuyển hiện nay của các trường là hoàn toàn độc lập, nhưng khi vào học là học chung với nhau, chương trình đào tạo như nhau, hưởng thụ các giá trị như nhau và giá trị bằng như nhau. Cho nên, các bạn học sinh an tâm có thể lựa chọn một trong các phương thức hoặc nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển của mình.

Trên thực tế, việc bước chân vào giảng đường đại học không còn quá khó khăn như trước đây. Điều quan trọng là làm sao các bạn chọn được một ngành học, trường học phù hợp. Để chọn ngành học phù hợp, các bạn cần phải định vị bản thân mình, định vị ngành nghề, định vị thị trường lao động.

Định vị bản thân

Có thể thông qua một số công cụ như làm trắc nghiệm MBTI (trắc nghiệm tính cách), hoặc trắc nghiệm Holland để định vị bản thân.

Các bạn có thể tham chiếu từ thầy cô, anh chị, ba mẹ, chuyên gia, những người đang làm trong lĩnh vực ngành nghề đó để đánh giá về bản thân bạn như thế nào một cách khách quan, để các bạn nhìn nhận bản thân mình, xem mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì, sự phù hợp như thế nào.

Các bạn có thể thông qua sự trải nghiệm bằng cách quan sát, tiếp xúc, phân tích để xem bản thân mình có mục tiêu như thế nào, tính cách ra sao, phẩm chất thế nào để có thể chọn ngành nghề một cách phù hợp nhất.

Đọc thêm: Muốn làm trong lĩnh vực xây dựng đường băng, ga hàng không thì học ngành gì?

Định vị ngành nghề

Mỗi ngành nghề sẽ có những tố chất, yêu cầu đòi hỏi, cho nên các bạn cần tìm hiểu kỹ về những ngành nghề này.

Ví dụ, bạn chọn ngành Quản trị kinh doanh. Đây là ngành đòi hỏi bạn phải có sự năng động, nhạy bén, giao tiếp tốt, tư duy nhạy bén, khả năng ra quyết định, khả năng đàm phán thương lượng.

Các bạn là những người có khả năng phân tích đánh giá, nhạy bén về hoạt động kinh tế kinh doanh. Còn nếu bạn chọn những ngành liên quan đến kế toán, tài chính ngân hàng thì bạn cũng phải là người yêu thích con số, tính toán cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, trung thực, khả năng phân tích và đánh giá.

Như vậy, mỗi ngành nghề sẽ có những tố chất đòi hỏi phù hợp. Cho nên các bạn phải tìm hiểu rất kỹ những hào quang cũng như khoảng lặng của ngành nghề.

Đọc thêm: Ngành học nào hiện chỉ có một trường đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo?

Định vị thị trường lao động

Các bạn cần định vị được thị trường lao động bởi vì hiện nay, các bạn học một ngành nhưng ra trường có thể làm nhiều nghề khác nhau. Cần định vị xem công việc ấy, ngành nghề ấy khi bạn tốt nghiệp ra trường thì xu hướng nghề nghiệp sẽ như thế nào trong 5, 10 hay 20 năm tới.

Và để chọn trường phù hợp, thí sinh cần nghiêm túc tìm hiểu kỹ về trường: môi trường học tập, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, uy tín của trường trong cộng đồng xã hội. Các bạn có thể tìm hiểu về vị trí của trường, học phí, hoạt động sinh viên, hoạt động gắn kết với doanh nghiệp.

Đọc thêm: Kỹ thuật ô tô - ngành học nhiều tiềm năng phát triển

Định vị điểm chuẩn, điểm sàn

Kế đến, thí sinh tìm hiểu về điểm chuẩn, điểm sàn của những ngành các năm trước, để từ đó đưa ra kế hoạch, chiến lược học tập để đạt được kết quả cao nhất trong đợt tuyển sinh năm nay.

Thí sinh có thể tìm hiểu về thông tin tuyển sinh các trường qua nhiều kênh khác nhau: website các trường, sinh viên hoặc cựu sinh viên trường, các thầy cô, trên các phương tiện truyền thông uy tín…