Đăng nhập

Năm 2021, dự báo các ngành hàng sẽ phục hồi

(VOH) - Một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh hiện nay liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm, nội dung số cũng tăng mạnh…

Nhờ sức chống chịu và thích ứng tốt, hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp các ngành hàng ở TPHCM nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã nỗ lực vượt khó khăn.

Những cơ hội mới đến từ các nền tảng số, phát triển hạ tầng năng lượng, đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng các hiệp định thương mại…

Kinh tế Internet là một điểm sáng trong bức tranh đại dịch tối tăm mà Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Trong đó, có một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm, nội dung số cũng tăng mạnh… Năm 2021, các doanh nghiệp kỳ vọng đại dịch sớm qua đi, các ngành hàng sẽ có sự phục hồi và bứt phá.

Theo Tổng Cục Hải quan, giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2020 đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ, giảm 13% so với năm 2019. Tuy vậy, dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng năm 2020 đều đã tăng trưởng khá.

Điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường này. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Úc tăng rất mạnh trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu vào thị trường này đạt gần 58 triệu đô la Mỹ, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành hàng rau quả.

Việt Nam và Úc là đối tác thương mại thông qua Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Newzeland có hiệu lực từ năm 2010 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018.

Nhờ các hiệp định này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Úc được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang đến những cơ hội và thách thức nào?

Việt Nam - EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do: Doanh nghiệp cần làm gì để khai thác hiệu quả?

Xuất khẩu hàng rau quả, nông sản của Việt Nam khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc công ty Vina T&T Group, năm 2021, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực.

Đặc biệt, khi tham gia Hiệp định RCEP, cả Việt Nam, Trung Quốc và 13 quốc gia còn lại đều mở cửa thị trường cho nhau. RCEP được cho là mở ra cơ hội cho hàng rau quả có thế mạnh của Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc. Theo lộ trình RCEP, Trung Quốc sẽ xóa bỏ gần 91% thuế quan cho Việt Nam, còn Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 86% thuế quan cho Trung Quốc.

Năm 2021, Tập đoàn Vina T&T đặt chỉ tiêu tăng trưởng từ 15 - 20% so với năm qua. Để hoàn thành mục tiêu này, công ty sẽ mở rộng sang các thị trường mới trong khu vực châu Âu hay 15 nước đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tập đoàn Vina T&T cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu những lô hàng với ưu đãi thuế quan vào thị trường EU từ tháng 8/2020 theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Nguyễn Đình TùngXem toàn màn hình
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám Đốc công ty Vina T&T Group nhận định, năm 2021, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực.

Ông Tùng chia sẻ, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, kiểm soát tốt, xuất khẩu, làm ăn buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, ngân hàng và nhà nước để xây dựng một nền nông nghiệp thực sự bền vững. Theo ông Tùng, hiện chúng ta đã có rất nhiều công cụ là các hiệp định, do đó, nên tận dụng để kết nối thị trường. Đồng thời, cũng cần sự thay đổi lớn về cả tư tưởng của người trồng và cả doanh nghiệp.

Ông Tùng cho biết thêm, thị trường xuất khẩu năm 2021 đối với mặt hàng nông sản vẫn là lợi thế của Việt Nam. Thị trường sẽ đổ dồn vào những doanh nghiệp có nền tảng bền vững hơn, từ đó, doanh nghiệp mới có nguồn lực quảng bá cho sản phẩm của nông sản Việt Nam nhiều hơn. Các thị phần nông sản trên thế giới còn rất nhiều, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn.

Nhiều triển vọng cho xuất khẩu trái cây Việt Nam

Ông Phạm Quốc Bảo - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Sao Nam – chuyên cung cấp các giải pháp bảo quản hàng hóa, nông sản sau thu hoạch cũng nhìn nhận, năm 2021, Việt Nam đã ký các hiệp định, thị trường mở rộng ra rất lớn, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các vùng trồng, các tiêu chuẩn để đảm bảo xuất khẩu.

“Là một doanh nghiệp bảo quản, chúng tôi mong được phục vụ nhiều khách hàng hơn. Khi dịch được kiểm soát, thị trường nông sản sẽ mở rộng hơn rất nhiều”, ông Bảo nói.

VietGap, GlobalGap, xuất khẩu trái cây
Rau quả, nông sản của Việt Nam tươi ngon đạt chuẩn VietGap, GlobalGap

Ở lĩnh vực cà phê, hiện sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 3 tỷ đô la Mỹ.

Với vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thailand…

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xuất khẩu cà phê năm 2020 vẫn đạt gần 3 tỷ đô la Mỹ.

Thị trường cà phê nội địa phát triển mạnh với sự có mặt của khoảng 300.000 quán cà phê trên cả nước, trong đó nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê Việt được người tiêu dùng ưa thích.

“Xuất khẩu cà phê 2021 tương lai cũng gặp nhiều khó khăn do đại dịch toàn cầu ảnh hưởng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên chắc chắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu trong các hiệp định với 27 nước châu Âu sẽ tạo ra số lượng xuất khẩu tăng cao so với năm 2020”, ông Hải kỳ vọng.

Đầu năm 2021, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao

Những ngày đầu năm 2021, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, không chỉ mang lại triển vọng sáng cho ngành bán lẻ trong quý đầu năm, mà nhiều ý kiến nhận định, ngành này thực sự có cơ hội tăng trưởng.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, nếu thị trường phục hồi nhanh và mạnh, ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam có khả năng sẽ lấy lại được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao.

“Chúng tôi tin tưởng với ngành chế biến lương thực thực phẩm và các thị trường được thực thi các FTA mới này, sẽ là điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp phát triển rất tốt cho các doanh nghiệp sản xuất của mình, nâng sản lượng của sản phẩm lên và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của thế giới”, bà Chi bày tỏ.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cầu của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và ASEAN, những thị trường này hiện đang chiếm tới gần 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành chế biến lương thực thực phẩm hiện có hơn 5.500 cơ sở sản xuất, trong đó có hơn 2.400 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TPHCM. Thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỉ lệ cao nhất 35% trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng.

Giữa đại dịch toàn cầu, tình hình của Việt Nam tương đối ổn định. Thực thi các Hiệp định tự do thế hệ mới đã ký kết, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến lương thực thực phẩm đang nâng giá trị của sản phẩm của mình lên theo đúng tiêu chuẩn để vào được thị trường châu Âu. Đây là một ngách rất lớn cho các doanh nghiệp…

Với các hiệp định đã ký kết, cùng với sự cải cách mạnh mẽ của Chính phủ và nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp ở các ngành hàng, tin rằng các doanh Việt Nam sẽ có một năm vượt khó khăn, bứt phá đầy ứng tượng.

Bình luận