Có rất nhiều em bé sơ sinh thường khóc gồng cứng người, có khi lại khóc không ngừng khiến các mẹ hốt hoảng vì sợ có ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con yêu. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Nhi khoa thì đây là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và hầu như đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua với những lý do khác nhau và mức độ không giống nhau.
1. Nguyên nhân khiến bé hay gồng cứng người
Bé có thể bị tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là các nguyên nhân như:
1.1 Do tác động từ bên ngoài
Nguyên nhân đầu tiên có thể khiến bé gồng cứng người lúc bình thường hoặc đang khóc là do tác động từ các tác nhân bên ngoài. Có thể tiếng ồn xung quanh, ánh sáng, chỗ nằm không được thoải mái, hay do trẻ bị đói, buồn tiểu, muốn đi nặng hoặc quần áo, tã bị ướt khiến bé khó chịu.
Chính những tác động này sẽ khiến bé gồng cứng người và khóc thét lên. Do đó, mẹ nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tìm hiểu những nguyên nhân khác.
1.2 Do sinh lý của trẻ
Việc trẻ hay gồng cứng người có thể là một hiện tượng bình thường, vì đây là biểu hiện sinh lý tự nhiên do hoạt động thần kinh cơ ở trẻ. Thông thường, các bé hay gồng cứng người trong vòng 3 – 5 phút rồi tự hết.
Trẻ sơ sinh gồng mình phần lớn là biểu hiện sinh lý tự nhiên do hoạt động thần kinh cơ ở trẻ (Nguồn: Internet)
Trong trường hợp trẻ sơ sinh gồng cứng người trong thời gian dài, kèm theo đó là bé khóc nhiều, nôn mửa, thậm chí bé chậm phát triển so với tiêu chuẩn, bú kém thì mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
1.3 Do trẻ thiếu canxi
Thiếu canxi cũng là một trong những lý do khiến bé hay gồng cứng người mà mẹ cần phải quan tâm.
Chúng ta đều biết, canxi là một trong những chất thiết cho sự phát triển của sơ sinh và trẻ nhỏ. Canxi đóng vai trò trong việc dẫn truyền thần kinh. Trẻ bị thiếu canxi có thể sẽ làm giảm tần suất làm việc của hệ thần kinh, dẫn đến việc năng suất hoạt động thần kinh sẽ tụt xuống hoặc bị rối loạn. Do đó, hiện tượng bé gồng cứng người có thể do hệ thần kinh của bé bị rối loạn mà nguyên nhân là do tình trạng thiếu canxi gây ra.
1.4 Một số bệnh lý khác
Bé hay gồng cứng người có thể xuất phát từ một bệnh lý nào đó, chẳng hạn như chứng động kinh, rối loạn tính co cơ,..
Ngoài ra, làn da của trẻ rất mỏng manh, nhạy cảm, dó đó nếu xuất hiện một số vấn đề về da như bị ngứa, tổn thương hoặc côn trùng cắn... cũng có thể khiến bé khó chịu, gồng cứng người để phản ứng lại cảm giác ngứa, khó chịu đó.
2. Mẹ cần làm gì khi thấy bé hay gồng cứng người?
Mẹ cần quan sát mức độ, thời gian, biểu hiện kèm theo khi trẻ gồng mình để dánh giá tình trạng của bé (Nguồn: Internet)
Mẹ nên quan sát trẻ thường xuyên để xem mức độ trẻ gồng mình nhiều hay ít, nhanh hay lâu, gồng đơn giản hay kèm theo các biểu hiện khó chịu nào không. Sau đó những việc tiếp theo mẹ cần làm là:
- Kiểm tra các tác nhân từ bên ngoài như: chỗ ngủ con có thoải mái không, ánh sáng có ổn không, xung quanh có ồn ào hay không...
- Mẹ tiếp tục kiểm tra xem con có thoải mái với loại tã lót, quần áo đang sử dụng hay không và liệu da con có đang bị tổn thương hay ngứa ngáy gì không.
- Nếu bé hay gồng cứng người thì mẹ nên nghĩ đến việc cho bé tắm nắng để bổ sung vitamin D và canxi. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tư vấn bác sĩ về những loại thực phẩm chức năng, viên uống bổ sung dành cho đúng lứa tuổi này.
- Nếu tình trạng trẻ gồng cứng người tiếp tục kéo dài, cộng thêm việc trẻ cứ khóc mãi, hay nôn mửa, chậm phát triển, các mẹ nên mang trẻ đi khám càng sớm càng tốt để biết được nguyên nhân thật sự của tình trạng này là gì.
Trên đây là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé hay gồng cứng người cùng những cách khắc phục tại nhà, hy vọng đã mang đến cho mẹ những thông tin hữu ích. Nếu mẹ cảm thấy lo lắng và muốn xác định chính xác bản chất hiện tượng gồng cứng người của con mình là do đâu thì mẹ cũng có thể đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa khám và xác định lại toàn bộ vấn đề có liên quan.