Chờ...

Hâm sữa mẹ đúng cách là như thế nào để không bị mất chất?

Đối với sữa được bảo quản trong tủ lạnh, việc hâm nóng trước khi cho bé uống là điều cần thiết. Có nhiều cách hâm nóng sữa mẹ nhưng không phải cách nào cũng giữ được dinh dưỡng hoàn hảo cho bé.

Sau 6 tháng thai sản, với những phụ nữ đi làm bắt buộc phải xa con để trở lại với công việc, không muốn con bị thiếu sữa mẹ nên các chị em thường hút sữa trữ đông lạnh để ở nhà cho bé bú.

Sữa mẹ nếu được bảo quản đúng cách và trong môi trường phù hợp sẽ có thể để được trong thời gian khá lâu. Chẳng hạn, có thể để sữa trong môi trường bình thường khoảng 4 tiếng, để trong ngăn mát được từ 5 – 24 tiếng, ở ngăn đông lạnh sẽ sử dụng trong khoảng 2 tuần và nếu ở tủ trữ đông thì thời gian tối đa sẽ khoảng 6 tháng.

1. Cách hâm sữa mẹ đúng cách

Thông thường, các mẹ thường sẽ để sữa mẹ vào ngăn mát hoặc ngăn đá để có thể bảo quản sữa được lâu hơn.

1.1 Cách hâm sữa mẹ để ngăn đá

Nếu muốn hâm nóng sữa mẹ để ngăn đá thì mẹ cần thực hiện theo các cách sau đây:

  • Cách 1: Xả nước rã đông sữa

Để hâm nóng sữa mẹ từ trạng thái đông đá, mẹ bắt đầu bằng cách xả bịch sữa đông dưới vòi nước mát. Bước xả nước này rất cần thiết để đảm bảo sữa được rã đông một cách từ từ, không làm hỏng các dưỡng chất trong sữa. Sau đó, khi sữa đã không còn đông đá, mẹ hãy tăng nhiệt độ nước để làm ấm dần sữa.

Lý do bé thích bú sữa mẹ trực tiếp vì sữa luôn ấm như cơ thể mẹ, mang lại cảm giác thân thuộc, do đó, 37 độ C sẽ là nhiệt độ chuẩn khi hâm sữa. Tuy nhiên, nếu bé kén ăn thì mẹ nên hâm ấm sữa mẹ trước khi cho bé uống. Với những trường hợp, mẹ đã để sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát từ hôm trước và sữa đã tan hết đá thì mẹ chỉ cần xả bịch sữa với vòi nước ấm là được.

cach-ham-sua-me-dung-cach-la-nhu-the-nao-de-khong-bi-mat-chat-voh

Sữa để trong tủ lạnh trước khi sử dụng cần phải được hâm nóng (Nguồn: Internet)

  • Cách 2: Ngâm sữa vào nước ấm

Một trong những cách hâm sữa mẹ khi rã đông chính là đặt bịch sữa vào một tô nước ấm. Mẹ cần đảm bảo nước không quá nóng vì nhiệt độ cao có thể khiến lượng sữa mẹ trở nên quá nóng, làm mất chất dinh dưỡng trong sữa và gây bỏng cho bé khi uống. Ngược lại, nếu nước không đủ nóng thì sẽ không đủ sức làm tan và ấm sữa cho bé.

Lưu ý: Mẹ không nên để nước rò rỉ vào phía trong bịch sữa. Ngoài ra với một bịch sữa đang còn đông đá, mẹ sẽ cần vài chục phút để đưa sữa từ trạng thái đông lạnh về bằng nhiệt độ bình thường. Trong khi với sữa đã được làm tan đá thì chỉ cần vài phút là đủ.

  • Cách 3: Cách hâm sữa mẹ bằng máy

Thông thường, mỗi loại máy hút sữa sẽ có chi tiết kỹ thuật khác nhau. Một số loại máy hâm sữa sẽ làm nóng sữa trực tiếp trong nước, trong khi một số loại khác lại dùng hơi nước. Vì thế, mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Để hâm sữa mẹ bằng máy, mẹ chỉ cần đặt bình sữa vào khoang hâm nóng cho nước vào đến vạch đánh dấu, cắm điện và vặn nút điều khiển đến mức nóng cần thiết. Khi đạt đến nhiệt độ cần thiết, mẹ có thể để máy tự động chuyển sang chế độ giữ ấm và cho bé uống sữa khi đến cữ.

1.2 Cách hâm sữa mẹ để ngăn mát

Đối với những loại sữa được để ở ngăn mát, khi làm nóng mẹ chỉ cần để bịch sữa vào nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40 độ C cho đến khi sữa đạt đến nhiệt độ phù hợp cho bé uống là được.

Lưu ý: Khi sữa mẹ đã được lấy ra khỏi ngăn mát để sử dụng mẹ không nên dùng tiếp nếu còn dư, vì thế mẹ nên chú ý chỉ lấy vừa đủ lượng sữa bé cần dùng.

2. Một số lưu ý khi hâm nóng sữa mẹ

Không hâm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc dùng lò vi sóng vì nhiệt độ cao sẽ khiến sữa quá nóng gây bỏng cho bé khi uống. Ngoài ra, việc sử dụng lò vi sóng để hâm nóng sữa mẹ cũng sẽ làm mất đi một phần chất đạm cũng như các vitamin thiết yếu, gây hao hụt lượng dưỡng chất quý báu trong sữa mẹ.