“Bách chiến bách thắng” có nghĩa là gì?

VOH – Thành ngữ “Bách chiến bách thắng” không chỉ mô tả những chiến thắng liên tiếp, ẩn dụ cho sự bất bại mà còn mang đến cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc.

Đứng trước những thử thách hay mục tiêu của mình, ai cũng mong làm đâu thắng đó, “Bách chiến bách thắng”. Thế nhưng bạn có biết, ngay trong câu thành ngữ quen thuộc này, người xưa đã gửi gắm nhiều lời khuyên giúp chúng ta giành được thành công trong cuộc sống?

Hãy cùng VOH tìm hiểu “Bách chiến bách thắng” là gì, có ý nghĩa gì trong bài viết sau.

“Bách chiến bách thắng” nghĩa là gì?

“Bách chiến bách thắng” là thành ngữ gốc Hán (百戰百勝) có nghĩa là trận chiến nào cũng thắng; đánh trăm trận, trăm lần thắng; đánh đâu thắng đó, không có đối thủ. Câu thành ngữ này chỉ việc luôn luôn chiến thắng, làm việc gì thành công việc đó đồng thời ẩn dụ cho việc giỏi chiến đấu, không có đối thủ xứng tầm.

Giải thích chi tiết ta có:

  • Bách: có nghĩa là trăm, chỉ số lượng nhiều
  • Chiến: cuộc chiến, trận chiến hay thách đấu, thi đua
  • Bách: trong câu thành ngữ này chữ bách thứ hai nhấn mạnh ý nghĩa về số lượng, tức nhiều lần
  • Thắng: chiến thắng
quang-minh-chinh-dai-la-gi-voh
Ý nghĩa thành ngữ "Bách chiến bách thắng" - Ảnh: Canva

“Bách chiến bách thắng” thường được dùng để miêu tả một người, một đội hoặc tổ chức giỏi chiến đấu, có năng lực mạnh. Trong mọi trận đấu, cuộc tranh đua hay trước những thử thách, họ luôn thành công, giành được phần thắng, không đối thủ nào có thể địch lại.

Ngoài ý nghĩa nói trên, thông qua câu thành ngữ “Bách chiến bách thắng”, người xưa còn muốn ca ngợi tài năng, bản lĩnh, sự kiên trì, kiên định, lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của con người cũng như những thành công, chiến thắng vượt trội, liên tục.

Đặt câu với thành ngữ “Bách chiến bách thắng”

  • Phạm Ngũ Lão được gọi là vị tướng “Bách chiến bách thắng” vì trận đánh nào ông cũng giành chiến thắng.
  • Anh ấy là một vị lãnh đạo tuyệt vời, “Bách chiến bách thắng”, không có một dự án nào mà không giành được phần thắng.
  • Đội tuyển bóng đá của chúng ta đã chứng minh rằng họ là một đội tuyển “Bách chiến bách thắng” khi đánh bại mọi đối thủ trong giải đấu năm nay.
  • Nhân viên của tôi luôn có doanh số cao nhất, họ được mệnh danh là những chiến binh “Bách chiến bách thắng” của công ty.

Bài học từ thành ngữ “Bách chiến bách thắng”

“Bách chiến bách thắng” không chỉ đơn thuần là câu thành ngữ mô tả việc chiến thắng, thành công liên tục của một cá nhân hay đội nhóm, tổ chức… mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ về chuyện thành – bại ở đời.

Bài học về thành công

  • Để thành công, chúng ta phải có quyết tâm, kiên trì, không nên gặp khó là nản, gặp khó là bỏ cuộc. Nỗ lực không ngừng nghỉ là yếu tố then chốt, đưa chúng ta đạt được hoặc đến gần hơn với mục tiêu của mình.
  • Tự tin và bản lĩnh giúp chúng ta dám đối mặt, thử sức với những thử thách đồng thời giữ vững lập trường, đứng vững trước áp lực. Đây là những phẩm chất cần thiết, giúp con người làm gì cũng thành, “Bách chiến bách thắng”.
  • Để chiến thắng, con người cần có lòng dũng cảm (vượt qua nỗi sợ hãi, chấp nhận thử thách, rủi ro…) và tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại.
  • Cần học hỏi và hoàn thiện bản thân không ngừng để nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức nhằm duy trì vị trí tiên phong. Thành công liên tục phản ánh năng lực, chiến lược vượt trội nhưng thế giới luôn thay đổi, con người cần cải thiện và tối ưu không ngừng.
  • Nỗ lực không ngừng sẽ được đền đáp xứng đáng. Thông qua câu thành ngữ “Bách chiến bách thắng”, ông cha ta cũng khuyến khích con người cống hiến để có thể nhận được thành công liên tiếp trong tương lai.
quang-minh-chinh-dai-bai-hoc-voh
Thành ngữ "Bách chiến bách thắng" đem lại nhiều bài học ý nghĩa về thành công - Ảnh: Canva

Mặt trái của “Bách chiến bách thắng”

Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của sự quyết tâm, kiên trì, tự tin, lòng dũng cảm, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu… trong việc giành chiến thắng, thành công, người xưa còn muốn nhắc nhở chúng ta một số điều sau.

  • “Bách chiến bách thắng” có thể tạo ra áp lực lớn khiến con người lo sợ thất bại, rơi vào căng thẳng. Chúng ta cần nhận thức được điều này để tự điều chỉnh hoặc biến nó thành động lực.
  • Thành công liên tục dễ thể khiến con người trở nên kiêu ngạo, chìm đắm trong cảm giác chiến thắng từ đó đánh mất sự khiêm tốn, chính trực thậm chí cả tinh thần phấn đấu.
  • Thành công liên tục không xấu nhưng thất bại cũng là một phần tất yếu của cuộc sống, mang lại cho con người nhiều bài học đáng giá. Một người “Bách chiến bách thắng”, chưa từng thất bại có thể thiếu kinh nghiệm ứng phó với khó khăn đồng thời không có cơ hội học hỏi, phát triển, hoàn thiện bản thân nhờ những trải nghiệm đó.

Tóm lại, “Bách chiến bách thắng” có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Hiểu rõ ý nghĩa và hai mặt của câu thành ngữ này sẽ giúp chúng ta ứng dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn.

Thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa “Bách chiến bách thắng”

Tục ngữ, thành ngữ Việt Nam có một số câu nói cùng ý nghĩa hoặc trái nghĩa với “Bách chiến bách thắng”. Muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau.

  1. Vạn sự như ý: mọi việc đều như ý muốn.
  2. Công thành danh toại: cả công danh lẫn sự nghiệp đều thành đạt như mong muốn.
  3. Mã đáo thành công: câu chúc may mắn, thành công trong mọi việc.
  4. Chết đầu nước: thất bại ngay từ khi bắt đầu.
  5. Buôn thua bán lỗ: làm ăn thất bại.
thanh-ngu-tuc-ngu-thanh-cong-that-bai-voh
Một số câu thành ngữ bàn về thành - bại trong cuộc sống - Ảnh: Canva

Thành ngữ, tục ngữ về thành công, thất bại trong cuộc sống

Kinh nghiệm sống của người xưa vô cùng phong phú, đa dạng. Điều này được thể hiện qua nhiều phương diện, trong đó có số lượng tục ngữ, thành ngữ bàn về thành công và thất bại trong cuộc sống.

Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu và chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa do VOH tổng hợp.

  1. Bất phân thắng bại: ngang tài ngang sức, không phân được thắng thua.
  2. Thắng không kiêu, bại không nản: khuyên con người thắng thì cũng nên giữ sự khiêm tốn, thất bại thì không nản lòng, cần kiên trì, kiên nhẫn.
  3. Thất bại là mẹ thành công: nhờ có thất bại mà có kinh nghiệm để thành công, khuyên con người không nên thoái chí, bỏ cuộc.
  4. Thua keo này bày keo khác: khi gặp thất bại không nên nản lòng, bỏ cuộc mà hãy tìm kiếm cơ hội, thử sức thêm.
  5. Được làm vua, thua làm giặc: trong một cuộc tranh chấp, kẻ thắng có được tất cả, người thua phải chịu kém.
  6. Tốc chiến tốc thắng: đánh nhanh thắng nhanh.
  7. Trâu mạnh trâu được, cổ mạnh cỏ được: kẻ nào mạnh thì thắng
  8. Tự lực cánh sinh: tự vươn lên trong cuộc sống, giành được thắng lợi bằng thực lực của mình.
  9. Có chí thì nên: có ý chí, hoài bão, kiên trì ắt thành công.
  10. Làm ruộng có năm, chăn tằm có lứa: chỉ việc làm ăn có lúc thành có lúc bại.
  11. Năm cơm bảy cháo: chỉ người đã từng thất bại, thành công nhiều lần.
  12. Cà cuống chết đến đít còn cay: kẻ ngoan cố, bảo thủ cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai của mình.
  13. Được ăn cả, ngã về không: thành công thì được tất, thất bại thì mất hết.
  14. Trèo cao ngã đau: tham vọng càng nhiều, khi thất bại càng đau khổ, cay đắng.

“Bách chiến bách thắng” không chỉ là lời ca ngợi những chiến công, thành công mà còn là tấm gương, nguồn cảm hứng và động lực để mỗi người chinh phục các mục tiêu, thử thách trong cuộc sống. Song trước đó, chúng ta cần hiểu được ý nghĩa và những lời nhắn nhủ của người xưa trong câu thành ngữ này.

Hy vọng phần giải thích của VOH đã giúp bạn có được những bài học đáng giá và hữu ích cho hành trình của mình.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức để cập nhật thêm nhiều bài viết hay.

Bình luận