Từng ở thời "hoàng kim" khi thống trị bảng xếp hạng hot trend chỉ sau chưa đầy 24h, trend "đúng nhận sai cãi" được hàng loạt TikToker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cover lại. Vậy cụm từ này có nguồn gốc từ đâu và mang ý nghĩa gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu qua bài viết sau!
Tìm hiểu về cụm từ hot trend "Đúng nhận, sai cãi"
Các nền tảng mạng xã hội như "lên đồng" khi liên tục xuất hiện các clip liên quan đến trend "đúng nhận, sai cãi", khiến nhiều người tự hỏi, do đâu mà 4 chữ này trở nên hot đến vậy.
"Đúng nhận, sai cãi" nghĩa là gì?
Cụm từ này được hiểu là khi người nói phát ngôn một điều gì đó, nếu đúng thì người nghe công nhận. Ngược lại, nếu sai, người nghe cần phản biện ngay.
Mục đích của câu nói "đúng nhận, sai cãi" là tranh luận, bàn cãi đúng sai, phải trái giữa những người trong cuộc.
Nguồn gốc của trend bổ cau đúng nhận, sai cãi
Đây là câu nói cửa miệng của cô đồng online T.H. mỗi khi thực hiện quá trình "xem bói" cho người khác bằng cách bổ cau. Người này sẽ nói về quá khứ, người thân, hoàn cảnh của người muốn xem mở đầu bằng câu nói: "Bổ quả cau của con ra...". Sau đó để xác nhận những lời mình nói ra có đúng hay không, cô đồng sẽ hỏi "đúng nhận sai cãi", "đúng nhận sai cãi giúp cô"..., ý muốn nếu cô nói sai thì cần phản bác lại.
Tuy nhiên, với tốc độ nói nhanh như ánh sáng thì người nghe chỉ biết đứng hình, chóng mặt, mấy ai còn đủ tỉnh táo để nhận định đúng sai, chứ nói gì đến việc "cãi"?!
Ngoài ra, những lời người này "phán" đều khẳng định chắc nịch về các sự việc diễn ra trong gia đình của người xem, tuy nhiên lại mang tính chất gần như... hiển nhiên và chung chung như:
"Đời không lo chết đói, làm đủ ăn đủ mặc, cứ chết mai ra kia vớ được cái cọc, có người chôn cất cho không phải lo.
Cuộc đời anh vào sinh ra tử, chết đi sống lại cũng có rồi. Không có các cụ nhà mình đỡ cho thì...
Bản số tử vi cung mệnh của chị cho thấy trong nhà công to việc lớn việc gì cũng đến tay, trong đời sống vợ chồng thì có xô vỡ, đôi khi khóc đêm một mình không ai thấu hiểu."
Vì thế, "đúng nhận, sai cãi" như một câu khẳng định của cô đồng này mà thôi.
"Đúng nhận, sai cãi" tiếng Anh là gì?
Trong tiếng Anh, "đúng nhận, sai cãi" được dịch là: "If it's true then admit it. If it's false then deny it!" hoặc "Admit if it's right. Deny if it's wrong".
Xem thêm:
"Ní" là gì? Tại sao giới trẻ lại chuộng từ "ní"?
"Yang lake" là gì? Có đáng sợ như lời "thiên hạ" đồn?
"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai
Giới trẻ Việt đu trend "đúng nhận sai cãi"
Sau khi các clip của cô đồng T.H. lan truyền trên mạng xã hội, cư dân mạng đã "chế" lại màn "xem bói online" này chủ yếu để cà khịa bói toán mê tín dị đoan.
Thay vì "bổ quả cau...", họ đã thay bằng những loại hoa quả khác như dưa chuột, dưa hấu, lê, mít, thanh long, nho... Mỗi clip lại nói về các tình huống "dở khóc dở cười" khác nhau như: "gia chủ hao tài tốn của, mỗi lần đi mua đồ phải trả tiền", "gia đình không có anh thì có chị, không có anh chị thì có em, không có em thì là con một", "gia đình nhiều thành viên nhiều tính cách khác nhau nhưng người sinh ra bác là mẹ bác", "tương lai chưa tới sao biết đúng biết sai", "đúng nhận, sai khỏi cãi"...
Bên cạnh nền tảng TikTok, nhiều dòng trạng thái trên Facebook cũng áp dụng trend này để tăng tính hài hước và tương tác cho bài đăng.
Trend "đúng nhận, sai cãi": Đùa vui hay mê tín dị đoan?
Những clip về màn "xem bói online" của cô đồng bổ cau lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem. Đi kèm với đó là những clip "ăn theo" trào lưu này. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều người lo lắng bởi sẽ tuyên truyền mê tín dị đoan đến nhiều người, nhất là giới trẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, đây là một hiện tượng mê tín dị đoan cần phải lên án. "Nó có những yếu tố để khẳng định, thứ nhất có người hành nghề và tự nhận hành nghề. Thứ hai có vật hành nghề, đó là quả cau. Thứ ba là có lời phán. Thứ tư kêu gọi khách, những người mê tín vào để đặt lịch... Như vậy là không những hành nghề mà còn tuyên truyền mê tín dị đoan".
"Có thể nói, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo "điều này điều kia" dưới góc độ thần thánh đã tồn tại từ rất lâu rồi. Và như với cô đồng này thì thấy toàn nói dựa, nói nước đôi, phán những điều không có căn cứ. Dân gian cũng nói rồi "thầy bói nói dựa", sau đó phán tùy theo từng người muốn gì và rất giỏi biến báo, cốt để đẩy người xem bói vào tình thế bị động để mình hành nghề", ông Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.
Vì vậy, mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội nên tỉnh táo, chọn lọc và tiếp nhận những nội dung hay, bổ ích. Trong đó, chúng ta cần trang bị tri thức, kỹ năng, sự hiểu biết toàn diện để phân biệt đúng bản chất của sự việc, nhận biết được đâu là tín ngưỡng và đâu là hành vi mê tín dị đoan. Từ đó tránh rơi vào "bẫy" của những chiêu trò lừa đảo, phạm pháp "núp bóng" tâm linh.
Được biết, cô đồng "đúng nhận, sai cãi" đã bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người nói rằng, cô đồng này "xem được" cho cả thiên hạ nhưng không xem được cho mình.
Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh từ các clip "rác" trên mạng xã hội. Đồng thời cảnh báo về hành vi lợi dụng tâm linh, khai thác yếu tố lòng tin, sự yếu đuối của con người để hành nghề mê tín dị đoan nhằm trục lợi.
"Đúng nhận, sai cãi" đã trở thành "miếng hài" được giới trẻ phóng tác, lồng ghép vào các nội dung thú vị. Hầu hết các video này đều nhằm mục đích châm biếm, không cổ xúy thói mê tín dị đoan. Mặc dù mang lại nhiều tiếng cười cho người xem, nhưng các video vẫn chứa đựng những ý nghĩa sâu cay giúp trend này được nhiều người đón nhận.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.