"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai

VOH - Mặc dù từ "thảo mai" được sử dụng nhiều nhưng không phải ai cũng định nghĩa được. Vậy "thảo mai" nghĩa là gì?

"Em làm gì đã có người yêu, em còn đang sợ ế đây này…". Câu thoại nổi tiếng đã trở thành trend thời gian qua là của nhân vật Nguyệt (do nữ diễn viên Hà Hương thủ vai) trong bộ phim Phía trước là bầu trời. Nguyệt được đánh giá là một trong những "thánh thảo mai" nổi tiếng trên màn ảnh. Từ cái liếc mắt đầy ngoa ngoắt ẩn sau nụ cười tươi như ánh Mặt trời khi mẹ người yêu chặt cá bắn vào mình, cho đến những lần thả thính kinh điển một tay 3 anh khiến cư dân mạng quỳ rạp thán phục.

"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai 1
Pha liếc mắt đầy ngoa ngoắt "thương hiệu" của Nguyệt thảo mai - Ảnh: Internet

Mặc dù nhắc đến nhân vật Nguyệt, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến từ "thảo mai". Nhưng để định nghĩa được đầy đủ thì không phải ai cũng làm được. Vậy thực chất "thảo mai" là gì? Hãy cùng VOH khám phá trong bài viết sau. 

"Thảo mai" là gì?

Từ "thảo mai" có nghĩa là gì?

Nhiều người cho rằng, "thảo mai" là từ Hán Việt, được ghép bởi từ "thảo" (với các nghĩa “cỏ”, “viết sơ lược”, “tìm xét, trị tội”) và "mai" (với các nghĩa “chôn”, “cất giấu” hay chỉ “cây mơ”). 

Tuy nhiên, chuyên gia ngôn ngữ, PGS.TS. Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, "thảo mai" không phải là một từ Hán Việt. Từ này được định nghĩa là khéo ăn nói, thường không thật lòng để làm vui lòng hoặc để đánh lừa người khác, nói về một người con gái nào đó, không dành để nói về đàn ông. 

Ví dụ: Cô nàng này thảo mai lắm, không chơi được đâu. 

"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai 2
Ảnh: Pinterest

Nguồn gốc của từ "thảo mai"

Ít ai biết rằng, "thảo mai" không có trong từ điển. Có thể tra cứu trong Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học năm 1999 và nhiều tài liệu khác cũng không hề có từ này. Vậy từ "thảo mai" có nguồn gốc từ đâu? 

Theo Chuyên gia ngôn ngữ, PGS.TS. Phạm Văn Tình, hiện nay có nhiều hướng cắt nghĩa từ "thảo mai", nhưng có một hướng thuyết phục bắt nguồn từ câu chuyện ở Tuyên Quang.

Theo đó, một cô gái tên là Mẫu Thoải kết duyên cùng viên quan tên là Kính Xuyên, con vua. Khi Kính Xuyên đi vắng một thời gian, Mẫu Thoải ở nhà chăm chỉ may vá, nhưng vô tình để kim khâu đâm vào tay gây chảy máu. Lúc này, Mẫu Thoải đã lấy tấm vải lụa trắng để thấm vết máu. Thế nhưng, tiểu thiếp của Kính Xuyên tên là Thảo Mai đã sẵn lòng đố kỵ với Mẫu Thoải nên dựng chuyện rằng, bà đã gian díu với người đàn ông khác, thậm chí còn cắt máu ăn thề, tư tình với người kia. Kính Xuyên nghe vậy tin ngay, bèn sai người đóng cũi, nhốt Mẫu Thoải bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. May mắn, bà được Liễu Nghị cứu giúp. 

Từ câu chuyện trên có thể thấy, từ "thảo mai" xuất phát từ tên của một con người có thực với tính cách giả tạo. Trong quá trình sử dụng, "thảo mai" dần trở thành tính từ ám chỉ những người có tính cách tương tự. 

Ngoài cách giải thích trên, nhiều người cho rằng, từ "thảo mai" xuất phát từ một câu ca dao được lưu truyền như sau:

"Thảo mai rao bán chỉ vàng

Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh."

Từ câu ca dao trên có thể thấy, cô gái ban đầu rêu rao bán chỉ vàng nhưng lúc sau lại bán chỉ xanh. Ý nghĩa câu trên nhằm châm biếm những người có tính cách giả dối, lừa lọc, không trung thực. 

Dù có nguồn gốc như thế nào thì từ "thảo mai" ngày nay được sử dụng để chỉ những hành động mang tính giả tạo, không thành thật với cảm xúc, gượng gạo thiếu tự nhiên. Đôi khi từ này còn được dùng với tính chất trêu đùa. Vì vậy, tùy từng hoàn cảnh mà có cách hiểu sao cho phù hợp. 

"Thảo mai" tiếng Anh là gì?

Để chỉ một con người giả tạo, thảo mai, bạn có thể sử dụng từ "phony (noun/adj)".

Ví dụ: She’s a phony.
Tạm dịch: Cô gái ấy thảo mai ghê.

"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai 3
Ảnh: Canva

Xem thêm:
"U là trời" là gì mà lại trở thành hot trend, viral khắp mạng xã hội?
“You don’t hợp with me” là gì mà gen Z đua nhau “bắt trend”?
'Tới công chuyện' - câu nói hot trend khuấy đảo cộng đồng mạng

Dấu hiệu nhận biết người thảo mai bạn cần chú ý

Người có tính cách thảo mai thường đeo mặt nạ ngây thơ, nhưng ẩn sau đó, họ rất sắc sảo, có chiến lược và đôi khi giỏi thao túng. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết người thảo mai. 

Khen người khác quá mức

Cho dù không thực sự có ý muốn khen ngợi nhưng người thảo mai sẵn sàng nói ra những lời sáo rỗng, không chân thành, thậm chí là giả tạo để làm vui lòng người nghe. 

Nói xấu sau lưng người khác

Bạn có thể nhận thấy một vài người ở trước mặt thì luôn ngọt ngào, khen ngợi người khác. Nhưng khi có cơ hội, họ sẵn sàng đưa ra những nhận xét gay gắt, nói xấu sau lưng. Và khi bị bắt gặp, họ luôn tỏ ra vô tội và tìm cách bào chữa. 

Hay phản ứng thái quá

Người thảo mai thường tỏ vẻ quá đam mêquan tâm đến một số vấn đề hoặc cá nhân nhất định. Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận thấy nhiều động cơ khác ẩn đằng sau và luôn có sự tính toán. 

Chỉ tốt với người mang lại lợi ích cho bản thân

Người thảo mai sẽ chỉ đối tốt và tỏ ra hiểu chuyện với người mà họ cho là "có ích" như sếp, con ông cháu cha, đồng nghiệp có tầm ảnh hưởng... để đạt được mục tiêu cá nhân. Còn đối với những người nằm ngoài "vòng tròn lợi ích", họ hoàn toàn không để tâm đến.

Yêu thích "drama"

Những người thảo mai thường tỏ ra yếu đuối, làm nũng, dễ bị tổn thương, thậm chí là đóng vai nạn nhân. Đây là sở trường của họ nhằm thu hút sự chú ý của người khác. 

"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai 4
Ảnh: Pinterest

Xem thêm:
"Cà nhính" là gì mà khiến dân mạng thi nhau bắt trend TikTok
Gwenchana là gì mà “hot” rần rần trên TikTok, Facebook?
Nguồn gốc và ý nghĩa “giận tím người” - cụm từ từng "gây bão" mạng

Làm thế nào để "né" loại người sống thảo mai, hai mặt?

Trong mối quan hệ giữa người với người luôn tồn tại hiện tượng song hành đó là thật và giả. Có lúc, thật và giả rõ ràng, dễ nhận biết, nhưng cũng có lúc lẫn lộn, phức tạp, khó nhận biết. Và với những người thảo mai, ngoài việc tinh ý phát hiện, bạn cần khéo léo xử lý tình huống.

Tránh chỉ trích, ứng xử bình thường nhưng cần thận trọng

Cách đầu tiên để đối phó với người sống thảo mai là hãy ứng xử như bình thường nhưng cần thận trọng. 

Hãy nhớ rằng, những người này có sở trường là nhạy bén với cảm xúc của người khác. Do đó, thay vì cắt đứt ngay lập tức, hãy giữ mọi thứ ở thế cân bằng để dễ làm việc hoặc tương tác khi cần thiết. Đồng thời tế nhị từ chối những đề xuất không phù hợp và tăng cường sự cảnh giác.

Giữ khoảng cách

Sống giữa đám đông nhưng lại bị tách biệt và cô độc là nỗi sợ hãi của nhiều người, nhất là những người thảo mai luôn tỏ ra hòa nhã, thân thiện.

Việc tránh xa họ không đồng nghĩa với việc bạn ghét họ hay cố tình cô lập họ mà là để bảo vệ bản thân mình. Thành ngữ Việt Nam có câu: “Đi với Phật (hay Bụt) mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Giữ khoảng cách với những người có tính xấu là biện pháp giúp bạn sống tốt hơn trong mọi mối quan hệ. 

Vì vậy, tùy vào mức độ thân thiết của mối quan hệ mà bạn nên giữ khoảng cách cần thiết. 

Ưu tiên bản thân

Hãy thử tưởng tượng, một người luôn ngọt ngào, khen ngợi trước mặt bạn nhưng lại quay ra nói xấu, bàn tán sau lưng. Chắc chắn điều này sẽ khiến bạn bị tổn thương, thậm chí là hoài nghi bản thân.

Bạn sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người. Việc bạn nên làm là mặc kệ họ, tập trung vào công việc và phát triển bản thân. Kết quả xuất sắc sẽ là sự trả thù ngọt ngào nhất dành cho những kẻ muốn dìm người khác xuống. 

"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai 5
Ảnh: Pinterest

Giao tiếp tốt có phải là thảo mai? 

Điểm chung giữa thảo mai và giao tiếp khéo léo là dễ lấy lòng người khác thông qua cách nói chuyện, cử chỉ hay hành động. Tuy nhiên, ranh giới của hai kiểu giao tiếp này là gì? Làm thế nào để phân biệt?

Trước hết, những người giao tiếp tốt thường chân thành, sẵn sàng chia sẻ mạng lưới mối quan hệ của mình với mọi người. Họ không lo sợ khi thấy người khác gặt hái được lợi ích, bởi hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất tầm quan trọng của việc xây dựng và mở rộng mối quan hệ. 

Tiếp đến là sự tôn trọng dành cho mọi người. Nếu người giỏi giao tiếp không có sự phán xét hay phân biệt thì người có tính thảo mai lại phân biệt rõ ràng giữa đối tượng "có ích" và không.

Cuối cùng là cảm giác mang lại cho người đối diện. Người thảo mai "ngụy trang" bản chất ích kỷ, thiếu trung thực của bản thân bằng những lời nói tâng bốc, khéo léo. Trong khi đó, người giao tiếp tốt lại hành động xuất phát từ tinh thần "win - win" (đôi bên cùng có lợi), do đó, cảm giác mà họ mang đến sẽ rất khác biệt. 

Xem thêm:
“Mơi” là gì mà trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội?
Ý nghĩa của cụm từ "Mãi đỉnh", "Đỉnh kout" trên MXH Facebook, TikTok là gì?
Giải ngố là gì? Cách dùng từ "Giải ngố" phù hợp với hoàn cảnh

Có thể bạn chưa biết: Thảo mai còn là tên loại thuốc trị táo bón

Ngoài nghĩa chỉ người con gái lươn lẹo, không thật lòng, "thảo mai" còn là tên một vị thuốc trong Đông y, có thể hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, ho phế quản và chứng táo bón. 

Loại quả này có màu đỏ, hình dạng giống tim gà, cùi mềm. Bên trong quả nhiều nước, có vị chua ngọt và giàu dinh dưỡng. 

"Thảo mai" là gì? Dấu hiệu nhận biết người thảo mai 6
Quả thảo mai - Ảnh: Vnexpress 

Hy vọng qua bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: "Thảo mai là gì?". Nhìn chung, tính cách thảo mai sẽ hữu ích trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ là một phương pháp giao tiếp bền vững. Chỉ có sự chân thành, thấu cảm và trung thực mới là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đáng tin cậy. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận