Giải thích thành ngữ “Hữu danh vô thực” có nghĩa là gì?

VOH - Chỉ có danh tiếng chứ không có thực lực, chỉ có vẻ bề ngoài hào nhoáng chứ thực chất bên trong chẳng có gì, “Hữu danh vô thực” dùng để chỉ những người như vậy.

Cuộc sống tồn tại rất nhiều nghịch lý, sự việc đi ngược lại với logic thông thường. Thậm chí, trong cùng một vấn đề, ở cùng một con người chúng ta có thể bắt gặp những điểm trái ngược, trong ngoài bất nhất khó có thể giải thích. “Hữu danh vô thực” cũng là một trong số đó.

Thông qua câu thành ngữ này người xưa đã phơi bày một phần hiện thực cũng như bày tỏ quan điểm của mình. Vậy “Hữu danh vô thực” có ý nghĩa gì, hãy cùng VOH giải thích và tìm hiểu trong bài viết sau.

Giải thích “Hữu danh vô thực” là gì?

“Hữu danh vô thực” là một thành ngữ bắt nguồn từ tiếng Hán (有名无实). Trong đó, “hữu danh” là có tiếng tăm, nổi tiếng, nổi danh, “vô thực” có thể hiểu là không có thực, không tồn tại cái cốt lõi, bản chất.

Như vậy, “Hữu danh vô thực” là câu nói dùng để chỉ việc có danh tiếng bề ngoài, có tiếng tăm nhưng lại không hề có thực chất. Ví như người được ca ngợi tài giỏi nhưng lại không có năng lực, tài năng; có địa vị nhưng không có quyền lực hay khả năng điều hành…

Nói cách khác, danh tiếng trong trường hợp này chỉ là danh tiếng hão, danh tiếng ảo còn thực tế thì chẳng có gì và cũng không tốt đẹp như vậy. Câu thành ngữ “Hữu danh vô thực” chính là đề cập đến sự đối lập giữa vẻ ngoài hào nhoáng, tốt đẹp với cái thực chất trống rỗng ở bên trong.

Giải thích “Hữu danh vô thực” có nghĩa là gì? 1
"Hữu danh vô thực" là câu thành ngữ mang hàm ý châm biếm, mỉa mai - Ảnh: Canva

Trong từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, chúng ta cũng có thể bắt gặp những câu nói mang ý nghĩa tương tự như “Có tiếng không có miếng”, “Thùng rỗng kêu to”…

“Hữu danh vô thực” và “Hữu thực vô danh”

Khi giải thích và bàn về thành ngữ “Hữu danh vô thực”, chúng ta cũng thường nghe thấy một trường hợp khác, ấy là “Hữu thực vô danh”. 

Mang ý nghĩa trái ngược, “Hữu thực vô danh” được dùng để chỉ việc có thực lực, có tài năng nhưng không có danh tiếng, không được công nhận, ca ngợi hay được biết đến. So với kiểu người chỉ có “danh” chứ không có “thực”, người “hữu thực” cũng ít thấy và ít gặp hơn.

Xem thêm:
Trung thực là gì? Trung thực có giúp cuộc sống trở nên tốt hơn
Sĩ diện là gì? Vì sao nói "người càng bất tài càng sĩ diện hão"?
Thực dụng là gì? Vì sao lối sống thực dụng ngày càng "lên ngôi"?

Mặt trái của “Hữu danh vô thực”

Đọc thành ngữ “Hữu danh vô thực”, chúng ta có thể nhận ra hàm ý chê bai, phê phán của người xưa rất rõ ràng. Sở dĩ vậy là do những mặt trái, những tác hại mà vấn đề này mang lại.

Theo đuổi danh tiếng, quyền lực một cách mù quáng

“Hữu danh vô thực” có thể khiến con người bất chấp tất cả để tạo dựng cho mình một hình thức đẹp đẽ mà bỏ quên những giá trị ở bên trong. Khi tiếng tăm, quyền lực được đề cao quá mức, người ta dễ bị ngộ nhận, ảo tưởng về chính bản thân mình.

Giải thích “Hữu danh vô thực” có nghĩa là gì? 2
Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều người chỉ mải mê theo đuổi hoặc chuộng cái "danh" mà không chú ý đến cái thực chất ở bên trong - Ảnh: iStockPhoto

Hạ thấp thực lực, trí tuệ, đạo đức của con người

“Thổi phồng” giá trị của danh tiếng đồng nghĩa với việc khiến năng lực, trí tuệ, đạo đức bị hạ thấp, xem nhẹ. Điều này dẫn đến việc người có thực lực, có tâm huyết đóng góp, cống hiến không nhận được sự công nhận xứng đáng.

Đánh mất lòng tin, niềm tin, hy vọng

Sự tồn tại của những người, những sự việc… “Hữu danh vô thực” khiến sự công bằng, minh bạch và những giá trị tốt đẹp trong xã hội bị ảnh hưởng. Khi cái “danh” được chuộng hơn, đề cao hơn cái “thực” thì con người sẽ dần mất niềm tin, động lực để phấn đấu và cống hiến. Điều này không có lợi đối với cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Học được gì từ thành ngữ “Hữu danh vô thực”?

“Danh” xứng với “thực”

Hình thức, vẻ bề ngoài hay danh tiếng, địa vị… có thể khiến bạn cảm thấy tự tin, vui vẻ hơn. Nhưng chúng thường không bền vững cũng không thể giúp bạn chống đỡ cho sự rỗng tuếch ở bên trong.

Người ta có thể gây ấn tượng cho người khác trong phút chốc bằng sự tốt đẹp, hào nhoáng ở bên ngoài. Tuy nhiên, để thuyết phục, để đi cùng nhau và tạo ra những giá trị tốt đẹp, có ích phải là năng lực, phẩm chất thực sự.

Danh tiếng được xây dựng mà không có thực chất thì cũng không thể lâu dài, không khiến người khác ngưỡng mộ, tôn trọng. Lại nói, nếu cứ mải mê theo đuổi cái “danh” thì lâu dần chính bạn cũng sẽ lãng quên cái “thực” và bị rơi vào ảo tưởng.

Cho nên, “danh” phải xứng với “thực”. Người đã đạt được những thành tựu nhất định, có tiếng tăm cũng không nên tự mãn, kiêu ngạo hay chìm đắm trong danh vọng. Cần phải tỉnh táo, cố gắng học hỏi, rèn luyện, phấn, nâng cao thực lực… của bản thân. Ấy mới là con đường đúng đắn, là cách để đảm bảo sự công bằng trong xã hội.

Giải thích “Hữu danh vô thực” có nghĩa là gì? 3
Đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài có thể dẫn đến những sự hiểu lầm - Ảnh: Unsplash

Không đánh giá người khác thông qua danh tiếng, vẻ ngoài

Từ câu thành ngữ “Hữu danh vô thực”, có thể thấy việc đánh giá người khác thông qua vẻ bề ngoài, danh tiếng, chức vụ… hoàn toàn có thể dẫn đến những sự sai lầm, hiểu nhầm. Không chỉ đánh giá sai năng lực của người chỉ có “danh”, chúng ta còn dễ bỏ qua những người có năng lực thực sự, đáng được khuyến khích, công nhận.

Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi người nên có tư duy phản biện, biết cách chọn lọc thông tin và học cách nhìn sự việc hiện tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Tránh để bản thân trở thành đối tượng bị lợi dụng bởi những người chỉ có “danh” mà không có “thực”.

Xem thêm:
Ca dao tục ngữ về lười biếng - Đầu đời biếng nhác, cuối đời bết bát!
23 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về ý chí nghị lực con người
45 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng tự trọng, tự tôn, nhân phẩm, nhân cách con người

Thành ngữ, tục ngữ chỉ sự đối lập trong cuộc sống

Không chỉ có con người, trong cuộc sống chúng ta cũng có thể bắt gặp rất nhiều sự đối lập trong một việc, hiện tượng nào đó. Điều này đã được ông cha ta tổng kết và phản ánh qua một số câu thành ngữ, tục ngữ sau.

1. Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi

2. Chửi chó, mắng mèo

3. Đá gà, đá vịt

4. Không có tinh lại có tướng

5. Mặt sứa, gan lim

6. Màu mỡ riêu cua

7. Miệng cọp gan thỏ

8. Một tấc đến trời

9. Nam mô một bồ lấy bốn, người ta đã khốn lại còn nam mô

10. Sáo mượn lông công

Giải thích “Hữu danh vô thực” có nghĩa là gì? 4
Một số câu tục ngữ, thành ngữ hay của ông cha ta - Ảnh : Canva

11. Thật thà ma vật không chết

12. Tiếng cả, nhà không

13. Tốt mã giẻ cùi

14. Khoác áo thầy tu

15. Thằng chột làm vua xứ mù

16. Tẩm ngẩm tầm ngầm, đá ngầm chết voi

17. Bùa không hay, hay về chú

18. Chưa nặn bụt đã nặn bệ

19. Bè ta, gỗ chú nó

20. Sáo mượn lông công

21. Trong đóm ngoài đuốc

22. Có đỏ mà nỏ có thơm

23. Cùng nước khác lọ

24. Phường chèo dạ nhịp

25. Quyền giả vạ thật

26. Giàu ruộng đợ, nợ ruộng thuê

27. Đầu môi chót lưỡi

“Hữu danh vô thực” dùng để chỉ việc có “danh” mà không có “thực”. Mong rằng phần giải của VOH Sống đẹp đã giúp bạn hiểu được ý nghĩa cũng như những bài học từ câu thành ngữ này.

Bình luận