Câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” phê phán những người chỉ biết chạy theo những giá trị bên ngoài mà không coi trọng những giá trị nội tại. Quan điểm này có còn đúng trong xã hội hiện nay không? Cùng VOH giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” là gì để hiểu thêm những bài học nhân sinh mà ông cha ta gửi gắm.
“Tốt mã giẻ cùi” là gì?
Từ xa xưa, con người đã có sự bàn luận về giá trị của vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong. Câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” là một trong những câu thành ngữ thể hiện rõ ràng quan điểm của cha ông về vấn đề này.
“Tốt mã giẻ cùi” hay “Giẻ cùi tốt mã” là câu thành ngữ nói đến quan niệm về cái đẹp trong xã hội. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê giải thích ý nghĩa từng từ ngữ như sau:
- “Giẻ cùi”: Loài chim lớn hơn chim sáo, mỏ đỏ, chân đỏ, đuôi dài, màu lông hơi xanh có đốm trắng, hót không hay.
- “Mã”: Bộ dạng, vẻ bên ngoài của con người. Như vậy, “tốt mã” là có ngoại hình, vẻ ngoài đẹp, bắt mắt.
Chim giẻ cùi là loài chim mang vẻ đẹp tuyệt mỹ với bộ lông sặc sỡ và đuôi dài thướt tha. Dân gian còn gọi chúng với cái tên mỹ miều là phượng hoàng đất, chim loan, chim loan phượng,...
Tuy đẹp như thế nhưng loài chim giẻ cùi chỉ biết kêu thứ âm thanh khó chịu, chói tai và hay bắt chước loài chim khác chứ không có tiếng hót cho riêng mình. Đặc biệt, giẻ cùi là loài chim ăn tạp khi ngoài một số loại hạt, quả, chúng săn cả rắn, rết, chuột, cóc, ếch nhái, côn trùng,...
Trong dân gian, có những câu ca dao, tục ngữ nói về thói ăn tạp của loài chim này như:
- “Bọ nẹt đã có giẻ cùi”
- “Giẻ cùi tốt mã dài đuôi
Hay ăn cứt chó, ai nuôi giẻ cùi.” - “Giẻ cùi tốt mã dài lông
Bên ngoài hào nhoáng bên trong ra gì.”
Như vậy, câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” hay “Giẻ cùi tốt mã” có ý muốn ám chỉ những người chỉ có hình thức trau chuốt bên ngoài mà bên trong thì rỗng tuếch, không có tài năng gì, giống như loài chim giẻ cùi chỉ đẹp chứ hót không hay.
“Tốt mã giẻ cùi” trong tiếng Trung là gì?
Trong tiếng Trung, câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” là 华而不实 /huá ér bù shí/: Hoa nhi bất thực (Hoa đẹp nhưng không cho quả).
Câu thành ngữ này mang ý nghĩa miêu tả một người có bề ngoài đẹp đẽ, bên trong rỗng tuếch, không có thực lực.
Bài học từ câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” là gì?
Theo quan niệm của người xưa, Chân - Thiện - Mỹ là ba giá trị phổ quát mà con người nên hướng tới để trở nên toàn vẹn. Chân (sống đúng) và Thiện (sống tốt) là hai yếu tố thuộc về giá trị bên trong, Mỹ (cái đẹp) là yếu tố bên ngoài. Như vậy, giá trị bên trong được ưu tiên lên hàng đầu, tiếp đó mới đến nhan sắc. Đây cũng là quan điểm của người xưa khi đánh giá một con người chính là luôn lấy vẻ đẹp của tâm hồn làm gốc, làm giá trị cốt lõi.
Như đã giải nghĩa, câu thành ngữ "Tốt mã giẻ cùi" mang hàm ý phê phán những ai chỉ chú trọng đến vẻ ngoài mà quên đi việc bồi dưỡng cho tâm hồn. Vẻ đẹp bên ngoài chỉ thật sự có giá trị khi bạn sở hữu cả nét đẹp bên trong. Đây mới là vẻ đẹp lâu bền và tồn tại mãi với thời gian.
Vẻ đẹp nội tâm thể hiện qua cách mà bạn cư xử, những việc tốt đẹp mà bạn làm, kiến thức mà bạn tích lũy. Điều này là nét thu hút vô hình và mạnh mẽ nhất đối với những người mà bạn tiếp xúc. Nhan sắc sẽ giúp bạn có được ấn tượng ban đầu, nhưng vẻ đẹp từ trong tâm hồn mới là thứ giúp người khác muốn ở bên cạnh bạn dài lâu.
Như vậy, câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” không chỉ phê phán những ai chỉ coi trọng mỗi vẻ ngoài mà còn là bài học nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của vẻ đẹp tâm hồn. Dù ở thời đại nào, đừng quá mải mê chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài mà quên những nền tảng cốt lõi của chính mình.
Từ bài học câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” mang đến, mỗi người chúng ta nên tự thân hoàn thiện trí tuệ, nhân phẩm, cốt cách mỗi ngày. Hãy sống đúng, sống đẹp ngay từ trong suy nghĩ và hành động để được mọi người xung quanh yêu mến và kính trọng.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Vàng thật không sợ lửa” nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ruột để ngoài da" nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho'
Ý nghĩa của "Tốt mã giẻ cùi" trong xã hội hiện nay
Trong xã hội hiện đại và phát triển như ngày nay, con người không chỉ chú trọng ăn no, mặc ấm mà đã quan tâm hơn về việc ăn ngon, mặc đẹp. Yếu tố ngoại hình dần được chú trọng hơn. Vậy liệu rằng câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” còn đúng trong đời sống ngày nay nữa hay không?
Vẻ bề ngoài quan trọng, nhưng không quyết định tất cả
Thực tế cho thấy, chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của ngoại hình. Vẻ đẹp bên ngoài sẽ mang đến cho con người sự tự tin, nổi bật và nhanh chóng thu hút sự chú ý của người khác. Trong một vài lĩnh vực, ngành nghề trong cuộc sống, người sở hữu ngoại hình đẹp sẽ có một lợi thế lớn.
Tuy nhiên, giá trị của câu thành ngữ “Tốt mã giẻ cùi” vẫn không hề mai một trong đời sống hiện đại ngày nay. Vẻ đẹp ngoại hình có thể mang tới cơ hội cho bạn. Tuy nhiên, để giữ được cơ hội đó và có được những cơ hội tiếp theo thì vẫn phụ thuộc vào thực lực, tài năng và những giá trị phẩm chất của mà bạn có.
Hãy thường xuyên nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn
Dung mạo bên ngoài là cái đầu tiên mà ta tiếp xúc và có ấn tượng trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng ấn tượng bởi dung mạo dù tốt đến mấy cũng dễ bị xóa mờ nếu thiếu vẻ đẹp bên trong. Vẻ đẹp bên ngoài chỉ để chúng ta ngắm nhìn, còn vẻ đẹp xuất phát từ nội tâm phong phú, trái tim thiện lương và kiến thức uyên bác mới là vẻ đẹp khiến cho người ta yêu mến, cảm phục và trân quý.
Nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn là việc mà bạn cần phải làm thường xuyên. Tâm hồn đẹp giúp bạn biết yêu thương con người, yêu cuộc sống này hơn. Hãy là người sống nhân ái, bao dung, biết quan tâm và chia sẻ với người khác, sống có ý chí với hoài bão trong sáng, luôn hướng tới những điều thiện, không ngừng học hỏi, nỗ lực hoàn thiện phấn đấu bản thân mỗi ngày.
Khi chăm sóc tốt cho bản thân từ hình thức bên ngoài đến nội tâm bên trong, cuộc sống của bạn sẽ thú vị, hạnh phúc hơn và giúp bạn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác.
Vẻ đẹp lý tưởng chính là đẹp người - đẹp nết
Trong cuộc sống thực tế, sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên ngoài và bên trong là điều lý tưởng. Sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn sẽ giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn trong mắt người khác. Bạn nên cân nhắc và phát triển cả hai khía cạnh để thực sự đạt được sự cân bằng và hài lòng trong cuộc sống. Hãy chăm chút ngoại hình trong khả năng có thể và luôn luôn làm giàu đẹp tâm hồn của chính mình.
Như vậy, trong xã hội hiện nay, giá trị của vẻ đẹp hình thức cũng là điều quan trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không quan tâm, bỏ qua giá trị của những nét đẹp tâm hồn. Việc cân bằng và tìm cách cải thiện, chăm chút cho cả hai phương diện bên ngoài và bên trong sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, thành công hơn.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Cha chung không ai khóc” nói về tình trạng gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn” có nghĩa là gì?
Giải thích ý nghĩa câu ngạn ngữ ‘Một lần bất tín vạn sự bất tin’ nói đến điều gì?
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ca ngợi nét đẹp bên trong
Bên cạnh câu thành ngữ "Tốt mã giẻ cùi", cha ông ta đã đúc kết những bài học nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của vẻ đẹp trong tính cách, tâm hồn thông qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ sau:
1. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Ý nghĩa: Phẩm chất bên trong tốt đẹp vẫn hơn là vẻ bên ngoài sáng láng. Đánh giá một con người, nên quan tâm đến phẩm chất hơn ngoại hình của họ.
2. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Ý nghĩa: Vẻ bề ngoài có thể không đẹp nhưng có nội tâm sâu sắc vẫn hơn bề ngoài đẹp đẽ mà nội tâm rỗng tuếch chẳng có gì.
3. Xấu chữ nhưng lành nghĩa.
Ý nghĩa: Vẻ bên ngoài không đẹp, nhưng bản chất thì tốt đẹp.
4. Xanh vỏ, đỏ lòng.
Ý nghĩa: Diện mạo con người bên ngoài lạnh lùng nhưng bên trong ấm áp.
5. Xấu mã, có duyên thầm.
Ý nghĩa: Vẻ bên ngoài không đẹp đẽ, bóng bẩy nhưng nội tâm duyên dáng, phong phú.
6. Yêu vì nết, chẳng chết vì người.
Ý nghĩa: Tính nết quan trọng hơn là diện mạo bề ngoài. Cái duyên, cái phẩm chất bên trong quyết định giá trị của con người chứ không phải hình thức bề ngoài.
7. Chùa rách, Bụt vàng.
Ý nghĩa: Vẻ bề ngoài xấu xí, tồi tàn nhưng bên trong lại chứa đựng những giá trị tốt đẹp, quý giá.
8. Cái nết đánh chết cái đẹp.
Ý nghĩa: Người có diện mạo xinh đẹp mà tính cách xấu xa thì không được ai yêu quý.
9. Người xấu duyên lặn vào trong, bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.
Ý nghĩa: Không nên vội đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Có những người ngoại hình không bắt mắt nhưng nội tâm phong phú, tính cách tốt đẹp.
“Tốt mã giẻ cùi” là câu thành ngữ vô cùng giá trị trong việc khuyên bảo con người coi trọng nội dung của sự vật, con người. Hy vọng với phần giải thích của VOH về câu thành ngữ "Tốt mã giẻ cùi" là gì, bạn đã có thể hiểu được những lời răn dạy của ông cha ta, đồng thời áp dụng chúng vào cuộc sống.
Đừng quên cập nhật những kiến thức bổ ích tại VOH Sống đẹp.