Thực dụng là gì? Vì sao lối sống thực dụng ngày càng "lên ngôi"?

VOH - Chúng ta hẳn đã nghe nhiều về lối sống thực dụng. Thế nhưng, thực dụng là gì và người như thế nào được gọi là người thực dụng?

Có không ít người cho rằng, nhiều người trẻ hiện nay “tài giỏi, năng động, nhạy bén hơn nhưng họ cũng thực dụng, tính toán nhiều hơn”. Vậy thực dụng là gì, cùng VOH tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Thực dụng là gì?

Thực dụng có thể hiểu là một thuộc tính của hành động, sản phẩm hoặc phương pháp có tính ứng dụng cao, có giá trị thiết thực và mang lại lợi ích thực tế. Đây là một từ ghép được ghép lại với nhau bởi hai từ đơn “thực” và “dụng”. Trong đó:

  • “Thực”: Mang ý nghĩa là thực tại, hiện thực, hiện tại, điều gì đó có thực.
  • “Dụng”: Mang ý nghĩa là sử dụng, dùng, dùng để làm gì đó…

Tính thực dụng của một sản phẩm, một phương pháp hay hành động sẽ được đánh giá dựa trên khả năng sử dụng hiệu quả tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa công việc. Điều này giúp con người tiết kiệm được thời gian, năng lượng và tăng tính hiệu quả trong công việc.

Thực dụng là gì? 1
Như thế nào được gọi là "thực dụng" - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nếu cụm từ “thực dụng” dùng cho con người, tức “người thực dụng” lại mang một hàm nghĩa không mấy tích cực. Người thực dụng được hiểu là những người có suy nghĩ thiêng về vật chất nhiều hơn, luôn nhắm đến những thứ có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt cho bản thân, không quan tâm đến những mặt khác hoặc người khác.

Những người sống thực dụng thường coi trọng của cải vật chất hơn các giá trị tinh thần. Họ ưu tiên những mối quan hệ có lợi cho mình trước và tìm kiếm những giá trị lợi ích từ các mối quan hệ xung quanh. Từ đó, biến mình thành kẻ sống ích kỷ trong mắt người khác.

Lối sống thực dụng trong xã hội hiện đại

Cùng với sự phát triển như vũ bão của xã hội hiện đại, nhiều người cho rằng giới trẻ hiện nay “giỏi hơn, năng động, nhạy bén hơn nhưng họ cũng thực dụng, tính toán hơn thế hệ cha anh trước kia”.

Khi chúng ta đang sống một cuộc sống đầy sự biến động phức tạp và một môi trường có nhiều cơ hội thách thức, để dấn thân và hòa mình vào giai đoạn hội nhập quốc tế, văn hóa đa dạng với sự pha trộn của hai mặt tốt - xấu. Sức hút của đồng tiền cùng lối sống hào nhoáng đã tác động rất lớn vào tư tưởng của nhiều người, kích thích lối sống vật chất khiến họ chỉ biết đến tiền tài, của cải và lợi ích cho chính bản thân họ.

Rất nhiều người trẻ mong muốn có được lợi ích, tiền bạc, giàu sang nhưng lại không muốn đánh đổi bằng lao động chân chính nên họ bất chấp mọi thứ để có được điều mình mong muốn một cách nhanh nhất và trong thời gian sớm nhất.

Ngày nay, chúng ta có thể có thể bắt gặp những người đi theo chủ nghĩa thực dụng ở mọi tầng lớp xã hội và bất kỳ ngành nghề nào. Lối sống thực dụng, ích kỷ núp bóng dưới nhiều hình thức và ngày càng trở nên phổ biến hơn, diễn biến phức tạp hơn. Nó cũng là “cha đẻ” của rất nhiều “căn bệnh” nguy hại khác như: tham nhũng, quan liêu…

Biểu hiện của người thực dụng

Những người có lối sống thực dụng rất dễ nhận biết, vì họ luôn đặt cái tôi của mình lên cao nhất, luôn lấy giá trị vật chất, tiền bạc làm thước đo, những giá trị tinh thần bị xem nhẹ vì chúng không mang lại lợi ích cho họ.

Thực dụng là gì? 1
Người thực dụng luôn xem trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần - Ảnh: Internet

Trong đời sống, người thực dụng thường không thích làm những công việc lao động chân tay. Lời nói của họ luôn có sự toan tính, hành động nhỏ nhen, suy nghĩ xấu xa. Chỉ cần đạt được mục đích họ có thể đánh đổi mọi thứ, kể cả đó là những người thân quen nhất.

Trong tình yêu, người thực dụng thường thích yêu những người giàu có vì thứ họ xem trọng là tiền bạc, vật chất. Chỉ cần đó là một anh chàng/cô nàng có quyền thế, xe hơi, nhà lầu,… thì họ sẽ tìm mọi cách để tiếp cận để hòng chiếm được số vật chất đó. Cái họ hướng đến không phải là những giá trị tình cảm tốt đẹp mà họ đi theo cách lừa đảo, “biến” cái của người khác trở thành của mình.

Trong công việc, người theo chủ nghĩa thực dụng thường thích tiếp cận với những người mang lại lợi ích cho mình. Họ sẵn sàng bày ra các thủ đoạn để có thể tạo dựng được lòng tin, sau đó lợi dụng sự tin tưởng để giúp bản thân có được sự thăng tiến trong sự nghiệp.

Và để có thể hiểu rõ hơn đâu là một người có lối sống thực dụng, chúng ta có thể dựa vào một số đặc điểm sau:

  • Người thực dụng xem vật chất là thứ quan trọng nhất trên đời.
  • Họ xem "tiền" là công cụ duy nhất và tốt nhất để giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
  • Thích tiếp cận những người có thể đem đến lợi ích cho mình.
  • Để đạt được mục đích sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào.

Xem thêm:
Đạo đức là gì? Khái niệm chuẩn mực đạo đức xã hội là gì?
Tư tưởng là gì? Những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại
Lòng trắc ẩn là gì? Cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn cho con trẻ

Sự khác nhau giữa sống thực dụng và sống thực tế

Thực tế và thực dụng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, và chúng cũng được dùng để chỉ các khía cạnh khác nhau của cuộc sống cũng như cách tiếp cận của con người.

Nếu như thực dụng là biểu hiện của sự tính toán một cách quá mức, luôn hướng đến cái lợi của mình, quên bẵng cái lợi của người khác thì thực tế nhẹ nhàng hơn khi có sự cân bằng giữa mình và người khác nhưng có chú ý đến những gì cụ thể và hiệu quả mà không quá lãng mạn, xa vời...

Thực dụng là gì? 2
Thực tế và thực dụng là hai khái niệm mà ranh giới của chúng rất mong manh - Ảnh: Internet

Mặc dù vậy, xã hội ngày nay vẫn có rất nhiều người đang sống thực dụng nhưng lại nghĩ rằng bản thân là người thực tế. Để biết thực dụng và thực tế khác nhau thế nào, cùng đến bảng so sánh sau đây:

Lối sống thực dụng

  • Chỉ quan tâm lợi ích trước mắt, dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích.
  • Nghĩ bản thân là số 1, muốn được tôn thờ, cung phụng như “ông chúa, bà hoàng”
  • Coi thường người khác.
  • Luôn tìm cách tiếp cận những mối quan hệ “lắm tiền nhiều của”.
  • Lúc đối phương thành công thì lợi dụng, khi đối phương thất bại thì rời bỏ.
  • Luôn dùng tiền để giải quyết vấn đề.

Lối sống thực tế

  • Quan tâm đến lợi ích trước mắt, lâu dài. Tìm cách phát triển bản thân để đạt được lợi ích đó.
  • Tự tin vào năng lực bản thân nhưng vẫn biết khiêm tốn và tôn trọng người khác.
  • Có ý chí vươn lên bằng khả năng của mình.
  • Kết bạn với người phù hợp, xây dựng mối quan hệ bằng tình cảm chân thành và cùng nhau phát triển.
  • Tôn trọng đối phương ngay cả khi họ thành công hay thất bại.
  • Sử dụng tiền một cách khéo léo, biết làm chủ đồng tiền.
  • Luôn biết trân trọng những mối quan hệ có được. Chỉ rời đi khi mối quan hệ không còn khả năng cứu vãn.

Tại sao không nên sống thực dụng?

Thực dụng là lối sống chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân, tôn thờ vật chất và xem nhẹ những giá trị tinh thần. Lối sống này có thể mang đến nhiều tác hại “ngầm” mà chúng ta không nhận thấy được ở hiện tại, nhưng về lâu dài nó có thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ và xấu xa hơn.

Một số lý do để bạn không nên học và tiếp cận lối sống thực dụng:

  • Người thực dụng có thể khiến bản thân trở thành một kẻ vô trách nhiệm, thờ ơ với mọi thứ và mọi người xung quanh, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân.
  • Người thực dụng về lâu dài sẽ mất đi những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, tình cảm lành mạnh. Thay vào là đó những mối quan hệ đầy sự toan tính, dối trá, trục lợi.
  • Không còn niềm tin với nhau, dù đó là người thân hay bạn bè.
  • Nhân cách con người dần bị tha hóa, chạy theo những lợi ích phù phiếm, xa rời mục tiêu phấn đấu.

Cần hiểu rằng, khi xã hội ngày càng phát triển sẽ là bước đệm để chủ nghĩa thực dụng len lỏi vào suy nghĩ và hành động của không ít cá nhân. Điều này sẽ là tiền đề cho nhiều “ung nhọt” khác hình thành. Để khắc phục lối sống thực dụng, bản thân mỗi người cần phải biết tự kiểm điểm bản thân, sống hài hòa với cộng đồng vì một đất nước văn minh, giàu đẹp.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.

Bình luận