Lễ Tạ ơn (tên tiếng Anh: Thanksgiving) là một ngày lễ chính thức được tổ chức hằng năm chủ yếu ở Mỹ, Canada, một số đảo ở vùng Caribe… Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada. Không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc thể hiện lòng thành kính với Thiên Chúa, mà lễ Tạ ơn còn là dịp sum vầy của các thành viên trong gia đình và gắn kết tình cảm con người với nhau.
Lễ Tạ ơn là gì?
Lễ Tạ ơn là ngày nào?
Ngày lễ Tạ ơn không cố định mà sẽ được thay đổi tùy theo từng năm và được tính như sau:
- Tại Canada, người dân sẽ mừng ngày lễ Tạ ơn sớm hơn các nước khác, thường rơi vào thứ Hai, tuần thứ hai của tháng 10.
- Tại Mỹ, lễ Tạ ơn được tổ chức vào thứ Năm, tuần thứ tư của tháng 11.
Lễ Tạ ơn 2024 ngày mấy?
Năm nay, lễ Tạ ơn (Hoa Kỳ) sẽ diễn ra vào Thứ Năm, ngày 28 tháng 11.
So sánh lễ Tạ ơn của Mỹ và Canada
Lễ Tạ ơn của Mỹ và Canada có những điểm tương đồng và khác biệt.
Lễ Tạ ơn tại Canada | Lễ Tạ ơn tại Mỹ | |
Thời gian tổ chức | Thứ Hai, tuần thứ hai của tháng 10 | Thứ Năm, tuần thứ tư của tháng 11 |
Thời gian nghỉ | 3 ngày | 4 ngày |
Quy mô | Không phải ngày lễ quốc gia, chỉ chính thức tại 1 số bang phía bờ Đại Tây Dương | Được công nhân là ngày lễ chính thức trên 50 bang của nước Mỹ |
Ý nghĩa | Tạ ơn Chúa vì vụ mùa bội thu | Tạ ơn Thiên Chúa và lòng quảng đại của người bản địa |
Món ăn | Món bánh Bí đỏ của Canada thường cay hơn bởi có gừng, đinh hương và quế | Món bánh Bí đỏ của Mỹ ngọt hơn vì người Mỹ ưa thích vị ngọt |
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Tạ ơn
Nguồn gốc ngày lễ Tạ ơn
Vào thế kỷ 16 - 17, trong cuộc Cải cách Tin Lành, một số người theo Công giáo và Thanh giáo tại Anh đã bị hoàng đế lúc bấy giờ bắt cải đạo để theo tôn giáo của ông ta. Tuy nhiên, những người này không chấp nhận và bị giam vào ngục. Sau một thời gian, vị hoàng đế truyền họ lại và hỏi lẫn nữa nhưng họ vẫn không đồng ý. Lúc này, hoàng đế đã ra điều kiện, nếu không cải đạo thì phải rời khỏi nước Anh.
Những người này di cư đến Hà Lan sinh sống. Do không thể hòa nhập ở nơi này và lo sợ con cháu bị mất gốc, một số nhóm người quyết định đến Tân Thế Giới (Châu Mỹ) sinh sống trên con thuyền Mayflower, và sau này thường được gọi là Người hành hương (Pilgrims).
Họ đặt chân đến Thuộc địa Plymouth thuộc vùng Tân Anh (New England) khi đang mùa đông. Một nửa trong số họ đã không qua khỏi vì đói và lạnh. Đến mùa xuân, họ may mắn gặp được những người thổ dân da đỏ tốt bụng đã cho họ ít lương thực, dạy họ cách sinh tồn cũng như cách trồng hoa màu, săn bắt,...
Khi đã tự lo được cho bản thân, người Pilgrims đã tổ chức buổi tiệc để tạ ơn Chúa Trời đã cho họ sống đến ngày hôm nay; đồng thời, mời những người da đỏ cùng nhau ăn uống vui vẻ.
Về sau, mỗi năm, con cháu người Pilgrims đều tổ chức lễ Tạ ơn để cảm ơn cho những điều tốt đẹp đã đến với cuộc sống.
Lễ Tạ ơn đầu tiên được tổ chức khi nào?
Hiện nay, ngày và nơi diễn ra lễ Tạ ơn đầu tiên vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Theo BBC History Magazine, lễ Tạ ơn truyền thống đầu tiên của Mỹ được tổ chức vào năm 1621 tại thuộc địa Plymouth ở Massachusetts khi những người hành hương Anh chia sẻ bữa ăn với những người da đỏ bản địa, để tỏ lòng biết ơn họ và mừng vụ mùa đầu tiên ở vùng đất mới.
Tuy nhiên, nhà sử học người Mỹ Michael Gannon đã bác bỏ điều này. Ông cho rằng, lễ Tạ ơn đầu tiên ở Bắc Mỹ thật ra đã có từ nửa thế kỷ trước đó tại bang Florida. Theo đó, vào ngày 8/9/1565, sau một buổi lễ tôn giáo, những người Tây Ban Nha đã chia sẻ một bữa ăn chung với bộ lạc địa phương.
Ý nghĩa của lễ Tạ ơn
Ban đầu, lễ Tạ ơn có ý nghĩa cảm tạ Thiên Chúa đã che chở, giúp đỡ người dân có cuộc sống no đủ và an lành.
Đến giữa thế kỷ 19, cuộc nội chiến Mỹ trở nên căng thẳng, lễ Tạ ơn được tổ chức như để vận động xây dựng tình đoàn kết giữa các công dân.
Hiện nay, lễ Tạ ơn được xem là ngày đoàn tụ, sum họp của các thành viên trong gia đình. Trên bàn tiệc, mọi thành viên sẽ nắm lấy tay nhau, nhắm mắt và thầm cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ một năm đầy phước lành, cũng như cầu nguyện cho một năm mới bình an, may mắn.
Các món ăn trong ngày lễ Tạ ơn
Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với một buổi tiệc tối cùng gia đình và bạn bè với nhiều món ăn đa dạng.
Gà tây đút lò
Có thể nói, gà tây đút lò là món ăn biểu tượng của ngày lễ Tạ ơn. Sau khi sơ chế sạch sẽ rồi bỏ chân và đầu, đầu bếp sẽ nhồi khoai tây, cà rốt, trứng, các loại hạt,... vào bên trong gà tây, tiếp đến phết một lớp mật ong hoặc rượu vang, nhằm tạo màu vàng đẹp mắt cùng hương vị hấp dẫn sau khi nướng.
Gà tây có thể thêm hoặc không thêm thịt giăm-bông, ngỗng và vịt hoặc turducken (hay còn gọi là món nướng ba con chim, là món ăn bao gồm một con gà lấy xương ra hết, nhồi vào một con vịt, rồi lại nhồi tiếp vào một con gà tây).
Đến nay, nguồn gốc của món ăn này vẫn còn gây tranh cãi. Một số giả thuyết cho rằng, món gà tây có liên quan đến Nữ hoàng Anh. Theo đó, trong thế kỷ 16, một đội tàu chiến của Tây Ban Nha đã chìm trên đường đến tấn công Anh. Trong lúc đang ăn tối, nữ hoàng Elizabeth nhận được tin này thì vui mừng đến mức đã yêu cầu phục vụ thêm một con ngỗng quay.
Các nhà sử học lại cho rằng, những người định cư đầu tiên ở Mỹ đã lấy cảm hứng từ sự kiện này và quay một con gà tây thay cho ngỗng.
Còn theo một giả thuyết khác, món gà tây xuất hiện trong lễ Tạ ơn là do vào thời kỳ đó, có nhiều gà tây hoang ở Bắc Mỹ.
Theo trang History, có một sự thật thú vị là vào lễ Tạ ơn đầu tiên năm 1961, người da đỏ đã giết 5 con nai để làm quà cho những người mới đến định cư. Do đó, thịt nai rất có thể đã được dùng trong suốt ngày lễ thời điểm đó.
Stuffing
Stuffing là một loại nhân nhồi không thể thiếu cho món gà tây đút lò hoặc ăn cùng một số món chính khác trong ngày Lễ Tạ Ơn. Món ăn này có nhiều cách chế biến khác nhau.
Stuffing có thể được chế biến từ bánh mì, cần tây cắt nhỏ, cà rốt, hành tây và cây xô thơm nhồi bên trong gà tây rồi đem đi nướng. Đôi khi là nấm, rau củ, vụn bánh mì, thịt xông khói,... xếp chồng lên nhau rồi phủ lên trên một lớp giấy bạc và đem đi đút lò…
Bánh bí đỏ (Pumpkin pie)
Thu hoạch bí ngô diễn ra vào cuối năm. Người phương Tây thường sử dụng nguyên liệu này để chế biến nên các món ăn trong lễ Tạ ơn.
Món bánh bí ngô là món tráng miệng truyền thống trong ngày lễ này với hương vị ngọt dịu, vừa béo vừa bùi.
Phần đế bánh chủ yếu làm từ bột, bơ và sữa, được nướng xốp giòn. Phân nhân là bí đỏ đặc mịn, trộn chung với kem sữa và được nướng cùng với quế, gừng, đinh hương, nhục đậu khấu... Khi phục vụ, mỗi lát bánh sẽ kèm chút kem tươi được đánh bông và rắc thêm ít bột quế.
Bánh khoai tây thịt bò - La tourtiere
Đây là món bánh mặn truyền thống trong ngày lễ Tạ ơn của Canada được chế biến theo kiểu bánh pie khá cầu kỳ. Bánh khoai tây thịt bò thường gồm một lớp vỏ khoai tây giòn rụm bên ngoài, kết hợp cùng hương vị đậm đà của thịt bò hoặc thịt bê bằm bên trong rất kích thích vị giác.
Khoai tây nghiền
Sau món gà đầy chất đạm, khoai là món ăn giàu tinh bột giúp cân bằng bữa ăn. Khoai tây sau khi luộc chung với tỏi sẽ thêm bơ, sữa,... rồi nghiền nhuyễn. Ngoài ra, bạn có thể thêm một ít thịt hun khói tùy theo khẩu vị.
Các hoạt động thú vị trong ngày lễ Tạ ơn
Bên cạnh những món ăn hấp dẫn, ngày lễ Tạ ơn còn có nhiều hoạt động thú vị và đặc biệt.
Xá tội gà tây
Xá tội gà tây là một hoạt động truyền thống diễn ra vào mỗi dịp lễ Tạ ơn tại Nhà Trắng (Mỹ). Trong ngày này, 2 chú gà tây sau khi được “ân xá” sẽ đưa về trang trại, sống hết “quãng đời” còn lại của mình.
Đa số người Mỹ cho rằng, Tổng thống George HW Bush là tổng thống Mỹ đầu tiên thực hiện nghi thức này. Tuy nhiên, theo Nhà Trắng, truyền thống này có từ thời Tổng thống Lincoln, khi con trai ông là Tad cầu xin ông viết một lời xá tội dành cho con gà tây sắp được dùng trong bữa ăn của gia đình ông, vì cho rằng nó cũng có quyền được sống. Ông Lincoln đã chiều lòng con trai và con gà tây đã sống.
Diễu hành Macy's
Diễu hành Thanksgiving Macy’s diễn ra từ năm 1924 nhưng bị gián đoạn trong 3 năm từ năm 1942 - 1944 do Thế chiến II. Cuộc diễu hành này được phát trực tiếp trên đài NBC, do chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy's tổ chức, đi qua quãng đường 4km ở trung tâm New York. Điểm nhấn của cuộc diễu hành này chính là các bóng bay khổng lồ với nhiều hình thù nhân vật hoạt hình và động vật.
Ngày diễn ra các cuộc thi đấu bóng bầu dục
Bóng bầu dục là một phần quan trọng trong ngày lễ Tạ ơn tại Mỹ và Canada.
Theo đó, năm 1934, G.A. Richards - người dẫn dắt đầu tiên của đội bóng bầu dục Detroit Lions, đại học Detroit, Mỹ đã tổ chức tại sân vận động của mình trận đấu bóng bầu dục đầu tiên giữa 2 đội Chicago Bears và Detroit Lions vào ngày Lễ Tạ Ơn. Trận đấu này đã được đài NBC phát sóng toàn quốc, thu hút nhiều người theo dõi. Từ đó đến nay, việc xem bóng bầu dục tại nhà trở thành một truyền thống trong ngày lễ Tạ ơn. Đồng thời, đội Detroit Lions mỗi năm vào cũng luôn thi đấu 3 trận trưa - chiều - tối trong ngày lễ đặc biệt này.
Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) là một ngày lễ lớn với nhiều hoạt động truyền thống. Đây cũng là dịp để nhắc nhở mọi người về giá trị của tình yêu thương và sự đoàn kết trong xã hội.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.