Trong cuộc sống, ta sẽ gặp rất nhiều người bạn tưởng như thân thiết nhưng càng tiếp xúc ta lại càng cảm thấy tư tưởng giữa mình và họ quá khác nhau. Đây là minh chứng cho câu nói “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” mà người xưa hay nói. Vậy “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” nghĩa là gì, cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
“Đạo bất đồng bất tương vi mưu” là gì?
“Đạo bất đồng bất tương vi mưu” là một câu nói nổi tiếng với nhiều cách hiểu khác nhau:
- Ý nghĩa đầu tiên: Những người không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau mưu cầu sự nghiệp.
- Ý nghĩa thứ hai: Nếu đã có tư tưởng, quan niệm khác nhau thì không thể cùng nhau bàn luận, trao đổi.
- Ý nghĩa thứ ba: Nghề nghiệp khác nhau thì khó mà ngồi cùng nhau đàm đạo.
Mặc dù câu nói “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” có thể diễn giải theo nhiều cách hiểu khác nhau, song tựu chung lại ý nghĩa chính của nó vẫn là dùng để ám chỉ những người không cùng chí hướng thì không thể ngồi đàm đạo, mưu tính cùng nhau. Có miễn cưỡng thì sự cũng không thành, thậm chí còn đem đến tổn thương cho nhau.
Như thế nào là không cùng chí hướng?
Dân gian truyền tai nhau về một câu chuyện xảy ra ở thời Đông Hán. Đồn rằng, vào thời ấy có hai người bạn chí thân tên là Quản Ninh và Hoa Hâm. Hôm nọ, khi cả hai đang cuốc đất trồng rau thì cuốc được một thỏi vàng.
Quản Ninh nhìn thấy thỏi vàng nhưng lại không màng đến nó, tiếp tục công việc cuốc đất của mình. Hoa Hâm thấy thỏi vàng thì liền nhặt lên xem một chút rồi mới ném xuống đất.
Vài ngày sau, khi cả hai đang cùng ngồi đọc sách trong phòng, ngoài đường có tiếng ồn ào, chiêng trống náo nhiệt. Quản Ninh nghe thấy nhưng giả “mắt mờ tai điếc”, tiếp tục đọc sách. Trong khi Hoa Hâm lại đứng ngồi không yên, cuối cùng cũng bỏ sách chạy xem náo nhiệt.
Quản Ninh lúc này nhận thấy Hoa Hâm không phải người cùng chung chí hướng với mình nên đã dùng một con dao nhỏ cắt đôi chiếc chiếu mà hai người ngồi chung. Từ đó về sau, Quản Ninh cũng không còn xem Hoa Hâm là bạn.
Cổ ngữ có câu: “Nhân các hữu chí, bất năng cường miễn”, hay trong Sử ký cũng có viết: “Yến tước an tri hồng hộc chi chí”, đều là những câu nói mang ý tứ “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”.
Mỗi người sống trên đời đều có chí hướng riêng của mình, cũng sẽ không hiểu được hết chí hướng của người khác. Và nếu đã là người không cùng chí hướng, "tam quan" (thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan) không hợp thì sẽ rất khó trở thành những người bạn thực sự của nhau.
Ví dụ, một người kính sợ thiên lý, một người lại sùng bái uy quyền, chính là thế giới quan bất hòa. Một người tin tưởng lương tri, một người truy cầu vật chất, đó là giá trị quan bất hòa. Một người thích sống cuộc đời bình dị, một người thích chức trọng quyền cao, đó là nhân sinh quan bất hòa.
Hai kiểu người này rõ ràng có “tam quan” không tương đồng, mà “tam quan” lại chính là trở ngại lớn nhất giữa người và người. Những người có “tam quan” khác nhau, cách họ bàn luận chủ đề, lý giải sự tình cũng sẽ không giống nhau. Nếu chỉ giao tiếp thoáng qua thì không sao, còn nếu tập trung bàn luận sẽ dễ đi đến sự nhàm chán, thậm chí có thể vì không hiểu mà làm tổn thương nhau.
Người cùng chí hướng là gì?
Nếu như câu nói “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” dùng để nói về những người không cùng chí hướng, vậy như thế nào mới được gọi là người cùng chung chí hướng?
Chung chí hướng có thể hiểu là sự đồng lòng, đồng điệu trong suy nghĩ và hành động để đạt được mục tiêu chung. Trong Kinh dịch có câu: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", câu nói mang ý nghĩa những âm thanh giống nhau sẽ tạo nên sự cộng hưởng, những hương vị giống nhau sẽ tạo nên sự hòa hợp, hay những sự vật cùng loại sẽ cảm ứng được nhau.
Ngoài ra, Kịch dịch. Hệ từ thượng cũng có viết: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, có nghĩa là những thứ cùng loại thường sẽ tụ về chung một chỗ.
Nhiều câu nói của cổ nhân xưa đều nhấn mạnh rằng, những người có chung chí hướng, tính cách riêng có sự tương đồng thì mới có thể tụ hợp, chung sống cùng nhau lâu dài.
Và rõ ràng, điều cốt lõi của những người được xem là tri kỷ của nhau cũng là vì họ có chí hướng giống nhau, lập trường giống nhau và quan điểm giống nhau, mà theo như theo cách cổ nhân hay nói, bạn bè chân chính là người “đồng tâm, đồng đạo”.
“Đạo bất đồng bất tương vi mưu” tiếng Trung
“Đạo bất đồng bất tương vi mưu” tiếng Trung được viết là: “道不同,不相为谋”.
Tạm dịch: Không cùng một trình độ tu Đạo thì tâm cảnh cũng khác nhau xa.
Nguồn gốc câu nói “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”
Câu nói “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” có xuất xứ trong Luận Ngữ (Chương Vệ Linh Công). Đây là lời dạy của Khổng Tử, nguyên văn như sau 子曰:”道不同,不相为谋” (Tử viết: Đạo bất đồng bất tương vi mưu).
Khi xét câu nói ấy theo ý nghĩa: Khi sự thấu hiểu về Đạo khác nhau thì cách nhìn cũng khác nhau. Ta lại nhớ đến một câu chuyện giữa Khổng Tử và Lão Tử, hai bậc Thánh nhân trong lịch sử.
Chuyện kể rằng, vào một ngày năm 538 TCN, Khổng Tử đã đi đến nước Chu để xin thọ giáo Lễ Nhạc. Lão Tử khi thấy Khổng Tử từ ngàn dặm xa xôi đi tới thì vô cùng vui mừng.
Còn Khổng Tử khi nhìn thấy Lão Tử liền than thở đã học Đạo suốt 27 năm nhưng vẫn chưa đắc Đạo. Lão Tử nghe xong liền nói, nếu Đạo là một thứ gì đó hữu hình, con người có thể nhìn thấy, cầm nắm thì đã lấy nó đem dâng, tặng, truyền thụ cho người khác. Thế nhưng, Đạo vốn là vô hình, chỉ có cảm nhận. Nếu không thể nhận thức chuẩn xác về Đạo thì sẽ không thể chạm đến Đạo.
Sau khi đàm đạo về Đạo, Lão Tử đã đưa Khổng Tử đến gặp Trường Hoành - một người rất am hiểu về lý luận âm nhạc.
Sau khi được Trường Hoành dạy về Nhạc luật, Nhạc lý, tham quan lễ tế thần, khảo sát nơi truyền giáo, tìm hiểu lễ nghi trong miếu,… Khổng Tử cũng đành cáo biệt. Lão Tử đưa tiễn ra ngoài công quán có lời tặng:
“Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, lý do người ấy gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay mỉa mai cái xấu của người khác; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, lý do người ấy gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người khác. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn, mong ông nhớ kỹ”.
Khổng Tử bái lạy nói: “Đệ tử nhất định ghi nhớ trong lòng!”
Khi đi đến bến sông Hoàng Hà, Khổng Tử nhìn thấy sóng nước cuồn cuộn, khi thế như mã đằng phi, tiếng vang như hổ gầm sấm dậy, bất giác cảm thán: “Nước sông chảy suốt đêm ngày không ngừng nghỉ. Sinh mệnh con người cũng vậy, không biết nhân sinh sẽ chảy đến đâu”.
Nghe vậy, Lão Tử liền nói: “Con người sinh ra trên đời theo lẽ tự nhiên. Chết cũng tự nhiên, sống trên đời thuận theo lẽ tự nhiên. Có như vậy thì bản tính mới không loạn. Không thuận theo tự nhiên, bận bịu chìm đắm trong nhân và nghĩa, bản tính luôn bị gò bó, trói buộc, khó có thể thảnh thơi. Trong đầu lúc nào cũng canh cánh suy nghĩ về công danh, tâm vì thế mà bất an, mưu lợi trong tâm, chỉ rước thêm phiền não”.
Lão Tử nói tiếp: “Không tranh giành với người đời, thì trong thiên hạ không có ai có thể tranh cùng, đây là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo; Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ ngược lại, là giỏi tìm chỗ đứng vậy.
Ở nơi không trung nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể đo biết được, là vực sâu vậy. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân vậy. Tròn ắt sẽ quay, vuông ắt sẽ gãy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, là giỏi giữ chữ tín vậy.
Cho nên bậc Thánh giả tùy thời mà thi hành, bậc hiền giả tùy tình hình sự việc mà thay đổi. Bậc Trí giả vô vi mà trị, bậc Đạt giả thuận theo Trời mà sinh”.
Khổng Tử sau khi cảm tạ lời dặn dòn, bèn cáo biệt Lão Tử, bước lên xe với sự lưu luyến mà đi về hướng nước Lỗ.
Sau khi trở về, suốt 3 ngày liền Khổng Tử không nói một lời. Tử Công lấy làm lạ, mới hỏi sự tình, Khổng Tử liền đáp:
“Nếu ta gặp một người có tư tưởng phóng khoáng giống chim bay, ta có dùng luận điểm sắt như mũi tên, ngắm bắn chuẩn xác và chế phục người khác. Nếu tư tưởng của đối phương như một con hươu có thể chạy, ta có thể dùng chó săn để săn đuổi đến cùng khiến người đó phải khuất phục trước luận điểm của ta. Nếu tư tưởng của đối phương như một con cá bơi trong nước, ta sẽ dùng móc câu để bắt cho được.
Thế nhưng, nếu đối phương có suy nghĩ, tư tưởng như một con rồng du ngoạn ở nơi quá hư hoặc, vô ảnh vô hình không thể chạm tới, ta sẽ chẳng thể nào bắt được.
Ta đã gặp được Lão Tử, cảnh giới tư tưởng của ông ấy chẳng khác gì con rồng quá đỗi hư không kia, ông ấy đã khiến ta nói không thành lời, lỡ mở miệng mà không thể rút lại được, khiến tâm, thần của ta bất định, không biết ông ấy rốt cuộc là người hay là thánh. Lão Tử, quả thực là thầy của ta!”
Đó phải chăng chính là sự khác nhau giữa một bậc Giác Giả độ nhân và một nhà tư tưởng của nhân gian. Cái gọi là “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”, chính là tình huống như thế này.
Đương nhiên, “Đạo” ở đây không phải chỉ con đường hay đường đi mà nó mang hàm nghĩa rộng lớn, chỉ chí hướng, tư tưởng, quan niệm, học thuật, chủ trương, truy cầu, tín ngưỡng… của mỗi người.
Những câu nói hay trong Luận Ngữ của Khổng Tử
“Đạo bất đồng bất tương vi mưu” là một câu nói nổi tiếng trong Luận Ngữ của Khổng Tử. Ngoài câu nói ấy, Luận Ngữ của Khổng Tử còn chứa đựng rất nhiều câu nói được xem là tinh hoa của trí tuệ, chỉ cần đọc một lần cũng đủ để thọ ích cả đời.
- “Nhân vô viễn lự, ắt hữu cận ưu” (Người không lo xa, ắt có buồn gần). Ý nghĩa: Người không suy nghĩ cho tương lai, ắt sẽ có ưu sầu ngay trước mặt.
- “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Cái mình không muốn, chớ làm cho người). Ý nghĩa: Điều mà mình không muốn thì cũng không được áp đặt lên người khác.
- “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (Ôn cái cũ mà biết điều mới, thì có thể làm thầy được rồi). Ý nghĩa: Thường xuyên ôn tập những tri thức đã học, từ đó có thể thu được tri thức thâm sâu hơn, mới hơn, như vậy có thể làm thầy được rồi.
- Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã” (Trong bốn biển, đều là anh em). Ý nghĩa: Trời đất rộng lớn, đi đến đâu cũng có bạn bè.
- “Đức bất cô, tất hữu lân” (Có đức thì không cô độc, ắt có người gần gũi). Ý nghĩa: Người có đạo đức sẽ không bị cô lập, ắt sẽ có người thân thiết gần gũi.
- “Tâm tư nhi hậu hành” (Suy nghĩ 3 lần rồi mới hành động). Ý nghĩa: Gặp sự việc luôn luôn suy nghĩ 3 lần, sau đó mới hành động.
- “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính” (Không ở vị trí đó thì không bàn về việc của vị trí đó). Ý nghĩa: Không ở trên vị trí đó thì không được xem xét sự việc của vị trí đó.
- “Vãng giả bất khả giá, lai giả do khả truy” (Cái đã qua không thể thay đổi được, cái sắp tới thì có thể). Ý nghĩa: Những việc đã qua không thể vãn hồi được, nhưng những việc sắp tới thì có thể thay đổi.
- “Tri chi vi tri chi, bất chi vi bất tri, thị trí dã” (Biết là biết, không biết là không biết, đó là trí tuệ vậy). Ý nghĩa: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới là có trí tuệ.
Có thể thấy “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” của Khổng Tử luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, thời đại nào. Có thể vì một lý do nào đó mà họ đi cùng ta trên cùng một con đường, nhưng nếu đã không cùng chung chí hướng thì trước sau gì cũng sẽ đường ai nấy bước. Thế nên mới nói: “Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen”.
Theo dõi VOH - Sống đẹp để biết đâu là những cổ mỹ từ hay làm lay động lòng người nhé!