Tất tần tật 8 cách chữa viêm da cơ địa tại nhà

(VOH) - Viêm da cơ địa gây da khô, nứt nẻ, xuất hiện mụn nước, ngứa ngáy,…khiến người bệnh khó chịu và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vậy có cách nào chữa viêm da cơ địa hiệu quả không?

1. Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa là bệnh mãn tính tiến triển từng đợt, thường bắt đầu ở trẻ nhỏ với đặc điểm là ngứa và có tổn thương dạng chàm. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng.

Viêm da cơ địa gây ra những triệu chứng khó chịu như da khô, bong tróc, nứt nẻ, xuất hiện mụn nước, ngứa ngáy liên tục,…khiến người bệnh khó chịu và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. 

Do ngứa, gãi nhiều nên da người bệnh thường dày. Khi càng ngứa, người bệnh càng gãi sẽ khiến cho tình trạng viêm da trở nên nặng hơn và có nguy cơ bội nhiễm vi trùng. 

tat-tan-tat-cach-chua-viem-da-co-dia-tai-nha-va-thuoc-dung-voh-1

Viêm da cơ địa gây ra triệu chứng rất khó chịu (Nguồn: Internet)

2. Cách chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa

Hiện nay, việc chẩn đoán viêm da cơ địa không khó khăn, bác sĩ có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng và nồng độ IgE trong máu tăng cao.

2.1 Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng lâm sàng gồm có: da khô, ban đỏ ngứa, mụn nước tiết dịch, da dày thâm, các vết nứt da gây đau,…Bác sĩ có thể quan sát và thăm hỏi bệnh nhân để chẩn đoán.

2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

Thực hiện xét nghiệm phát hiện tăng nồng độ IgE trong huyết thanh, thượng bì có xốp bào xen kẽ với hiện tượng á sừng, trung bì có sự xâm nhập của bạch cầu lympho, mono, dưỡng bào, có hoặc không có các tế bào ái kiềm. 

2.3 Chẩn đoán xác định

Dựa vào tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka.

Tiêu chuẩn chính:

  • Ngứa.
  • Viêm da mạn tính và tái phát.
  • Hình thái và vị trí thương tổn điển hình: Trẻ em thì chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi; trẻ lớn và người lớn thì dày da, Lichen vùng nếp gấp.
  • Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh cơ địa dị ứng.

Các tiêu chuẩn phụ:

  • Khô da.
  • Viêm môi, chàm vú, vảy phấn, nếp ở cổ.
  • Đục thủy tinh thể.
  • Viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát.
  • Chàm ở bàn tay.
  • Tăng IgE trong huyết thanh…

Để chẩn đoán xác định cần phải có hơn hơn hoặc bằng 3 tiêu chuẩn chính và hơn hoặc bằng 3 tiêu chuẩn phụ.

3. Cách chữa viêm da cơ địa tại nhà

Ở những trường hợp bệnh mới phát triển, chưa gây tổn thương nghiêm trọng đến làn da thì người bệnh có thể chữa viêm da cơ địa tại nhà bằng các cách sau:

3.1 Chườm lạnh để giảm ngứa và sưng viêm

Ngứa và gãi nhiều sẽ làm tổn thương da. Để giảm nguy cơ gãi ngứa bạn có thể chườm lạnh lên vùng da tổn thương trong khoảng 10 – 20 phút. 

Cách thực hiện: Sát trùng da, sau đó dùng gạc thấm nước mát vô trùng và đắp lên vùng da tổn thương khoảng 10 – 20 phút. Thực hiện 3 – 4 lần/ ngày.

3.2 Tắm lá chè xanh (trà xanh)

Lá chè xanh có chứa đến 6 lại catechin và polyphenol, trong đó phải kể đến epicatechin gallate (ECG) và epigallocatechin gallate (EGCG) có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Các thành phần này giúp cải thiện làn da, giảm mức độ tổn thương và hạn chế ảnh hưởng của tia cực tím từ mặt trời. Bên cạnh đó, lá trà xanh còn có đặc tính chống viêm. Vì vậy, tắm lá chè xanh có thể giảm tình trạng ngứa ngáy, kích ứng và sưng viêm do viêm da cơ địa.

Bạn chỉ cần dùng 1 nắm lá chè tươi cho vào nồi nấu sôi, sau đó đổ ra thau, pha thêm nước lạnh sao cho nước vừa đủ ấm thì lấy nước tắm. Thực hiện cách này 3 – 4 lần/ tuần.

3.3 Bôi gel nha đam

Nếu da bị khô, bạn có thể tiến hành dưỡng ẩm cho da bằng cách bôi gel nha đam. Khi tăng độ ẩm cho da sẽ giảm tình trạng ngứa ngáy, bong tróc và phục hồi tổn thương. 

Với nha đam, bạn gọt bỏ phần vỏ, rửa sạch mủ rồi dùng muỗng cạo lấy phần gel trong suốt, sau đó pha thêm với mật ong. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn thì dùng hỗn hợp gel này bôi lên vùng da bị viêm. Để yên khoảng 20 phút để các thành phần tinh chất trong hỗn hợp thẩm thấu vào da và phát huy công dụng. 

tat-tan-tat-cach-chua-viem-da-co-dia-tai-nha-va-thuoc-dung-voh-2

Bôi gel nha đam để tăng độ ẩm cho da (Nguồn: Internet)

3.4 Bổ sung thực phẩm giàu vitamin

Ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị tại chỗ, bạn có thể giảm nhẹ và kiểm soát triệu chứng của viêm da cơ địa bằng cách bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin để dưỡng da từ bên trong.

Một số vitamin cần thiết cho da như:

  • Vitamin C: Vitamin C giúp tăng sinh collagen, elastin và đẩy lùi các tế bào sắc tố melanin. Các thực phẩm giàu vitamin C gồm cà chua, cam, quýt, lựu,…
  • Vitamin E: Vitamin E là thành phần có tác dụng dưỡng ẩm da và chống oxy hóa. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin E như bơ, dầu ô liu, mật ong,…sẽ giúp giảm tình trạng da khô, dày sừng,…
  • Vitamin nhóm B: Nhóm vitamin này có tác dụng chống oxy hóa, giảm khô da, bong tróc,…Các thực phẩm giàu vitamin nhóm B là nấm, rau bina, hạt mè, đậu xanh, yến mạch,…

3.5 Tắm bột yến mạch giúp giảm ngứa 

Bột yến mạch chứa saponin có tác dụng làm sạch da dịu nhẹ mà không gây kích ứng hay mẩn đỏ như các loại xà phòng thông thường. Bên cạnh đó nguyên liệu này còn chứa hàm lượng kẽm dồi dào, giúp sát trùng và ức chế vi khuẩn gây hại. Vì vậy, bạn có thể tắm bột yến mạch để cải thiện triệu chứng viêm da cơ địa.

Cách thực hiện: Pha nước tắm có độ ấm thích hợp, sau đó cho 2 – 3 thìa bột yến mạch vào khuấy đều. Dùng nước này tắm trực tiếp, sau đó dùng nước sạch để loại bỏ yến mạch còn dính trên da.

3.6 Dùng lá trầu không

Lá trầu không cũng chứa hàm lượng polyphenol dồi dào, trong đó phải kể đến catalase và superoxide effutase. Các thành phần này có tác dụng kích thích sản sinh collagen và tăng tốc độ chữa lành vết thương ở da và mô mềm.

Ngoài ra, tinh dầu Eugenol trong lá trầu không còn có khả năng kháng khuẩn và sát trùng. Do đó, người bệnh viêm da cơ địa có thể sử dụng lá trầu không để giảm triệu chứng. 

Cách thực hiện: Lấy lá trầu không rửa sạch, vò nát, sau đó đun sôi với 2 lít nước. Dùng nước này để ngâm và rửa vùng da bị viêm da cơ địa. 

3.7 Sử dụng máy tạo ẩm

Sử dụng máy tạo độ ẩm để hạn chế tình trạng thoát hơi nước trên da, giảm hiện tượng khô ráp và nứt nẻ.

3.8 Dùng mật ong nguyên chất

Mật ong có chứa các lợi khuẩn, giúp tăng hệ miễn dịch của da, từ đó giảm nhẹ tình trạng viêm, đỏ, ngứa ngáy và làm mờ các vết thâm sạm. Ngoài ra, mật ong còn có tác dụng dưỡng ẩm, cân bằng độ pH trên da, chống oxy hóa và tăng tốc độ phục hồi các mô da tổn thương.

Nếu bị viêm da cơ địa thì bạn có thể dùng mật ong nguyên chất thoa lên vùng da bị tổn thương, để khoảng 15 phút sau đó rửa lại bằng nước ấm và lâu khô.

Ngoài những phương pháp trên thì người bị viêm da cơ địa cần chú ý uống đủ nước để duy trì cơ thể khỏe mạnh và cân bằng nồng độ điện giải. Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp giữ ẩm cho da, giảm tình trạng da nứt nẻ, khô ráp và ngứa ngáy.

Lưu ý: Các phương pháp chữa viêm da cơ địa tại nhà cần được thực hiện trong thời gian dài, kiên trì mới mang lại hiệu quả vì các thành phần dược tính trong các nguyên liệu sử dụng khá thấp. Bên cạnh đó, khi thực hiện phải đảm bảo mọi nguyên vật liệu đều vô trùng để tránh bội nhiễm thêm.

4. Thuốc trị viêm da cơ địa

Một số loại thuốc được dùng trong điều trị viêm da cơ địa gồm có:

  • Corticoid: Đây là loại thuốc có hiệu quả và được sử dụng nhiều trong điều trị viêm da cơ địa, tuy nhiên, thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu dùng lâu dài. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Có thể sử dụng mỡ kháng sinh hoặc mỡ corticoid có thêm kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.
  • Đắp dung dịch Jarish, thuốc tím 1/10.000, nước muối sinh lý.
  • Làm ẩm da bằng urea 10%, petrolatum đối với vùng da bị khô.
  • Thuốc bạt sừng bong vảy như mỡ salicyle 5%, 10%, mỡ goudron,…
  • Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus nồng độ 0.03 – 0.1%.
  • Thuốc kháng histamin chống ngứa.

tat-tan-tat-cach-chua-viem-da-co-dia-tai-nha-va-thuoc-dung-voh-3

Dù thuốc bôi hay thuốc uống thì cũng cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Như vậy, có nhiều cách chữa viêm da cơ địa từ phương pháp tại nhà đến việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Để mang lại hiệu quả, người bệnh nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, dù là các biện pháp tại nhà thì cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia da liễu.