Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đầu ti bị thụt mẹ phải làm sao?

(VOH) – Đầu ti bị thụt là tình trạng đầu vú bị thụt vào bên trong bầu vú, có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 bên ngực và thường gây nhiều khó khăn trong việc cho con bú, đặc biệt là với trẻ sơ sinh.

Thụt đầu ti được định nghĩa là tình trạng một phần hoặc toàn bộ núm vú bị tụt vào trong tuyến vú gây khó khăn trong việc cho con bú. Không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng đây lại là vấn đề khiến nhiều mẹ sau sinh cảm thấy khó chịu, vì thấy con cứ ‘nút ti’ mãi nhưng sữa thì lại không ra ‘đã miệng’.

1. 3 cấp độ đầu ti bị thụt mẹ nên biết

Để xác định được tình trạng thụt đầu ti, mẹ hãy đứng trước gương, cởi áo ngực, đặt ngón tay cái và ngón trỏ ở 2 bên quầng vú sau đó nhấn vào khoảng 2.5cm dưới đầu ti. Thực hiện nhẹ nhàng và quan sát phản ứng của núm ti để đánh giá độ thụt. Theo đó, tình trạng thụt đầu ti được chia thành 3 cấp độ: 

  • Cấp độ 1: Đầu ti nhô ra dễ dàng khi mẹ nhấn nhẹ phần quầng vú và khi thả tay ra nó vẫn ở nguyên vị trí đó chứ không thụt lại ngay lập tức. Ở cấp độ này mẹ vẫn có thể cho con bú dù "núi đôi" nhìn không được thẩm mỹ. Ngực mẹ không có hoặc có ít xơ nang ở cấp độ này.
  • Cấp độ 2: Đầu ti vẫn nhô ra khi mẹ nhấn nhưng không được dễ dàng lắm và chúng sẽ thụt lại vào ngay khi mẹ ngừng ấn. Núm ti thụt ở cấp độ 2 sẽ gây khó khăn khi mẹ cho con bú. Ở cấp độ này mẹ có thể có một lượng xơ nang nhỏ và ống dẫn sữa cũng sẽ bị thụt vào.
  • Cấp độ 3: Đầu ti bị thụt vào hoàn toàn và không phản ứng lại với các tác động của mẹ cũng như không thể kéo ra. Đây là cấp độ nặng nhất vì ngực sẽ có rất nhiều xơ nang và ống dẫn sữa bị thụt vào nhiều. Ngực mẹ cũng có thể bị tấy đỏ hay nhiễm trùng ở cấp độ này và sẽ không thể cho con bú.

dau-ti-bi-thut-me-phai-lam-sao-voh

Tình trạng đầu ti bị thụt được chia thành 3 cấp độ (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân khiến đầu ti bị thụt vào trong

Đầu ti có nhiều dạng khác nhau. Các dạng cơ bản nhất gồm: Đầu ti ngắn, đầu ti lồi và đầu ti bị thụt. Vì thế, phần lớn trường hợp đầu ti thụt không phải là bất thường mà đó chỉ là một biến thể của dạng chuẩn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do:

  • Sự ngắn của các ống tuyến sữa, thiếu sản và thiếu hụt các tổ chức liên kết tuyến vú.
  • Sự teo các tổ chức tuyến vú và tổ chức liên kết tuyến vú sau sinh.
  • Do viêm nhiễm, khối u tuyến vú gây co kéo làm ngắn các ống tuyến vú.

Một số trường hợp phụ nữ có đầu ti bị thụt là dấu hiệu của bệnh lý. Cụ thể:

  • Phụ nữ trên 50 tuổi, thấy quầng vú bị biến dạng, núm vú không nhô ra như bình thường hay thụt vào trong thì có thể đang bị nhiễm trùng, bệnh Paget nhũ hoa hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư.
  • Nếu núm vú bị thụt kèm theo tiết dịch trắng đục, hơi xanh hay đen. Hoặc núm vú không bị thụt nhưng bị mềm, bị đỏ hay dày lên thì đây có thể là dấu hiệu của chứng bệnh giãn ống tuyến vú.
  • Phụ nữ trong và sau thời gian cho con bú, nếu vùng vú có khối u bị chảy mủ mỗi khi ấn vào hoặc bị trầy xước, đồng thời cũng bị sốt nhẹ thì các mẹ cũng nên đi khám vì có thể đó là dấu hiệu của bệnh áp-xe vú.

Những trường hợp này cần phải được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe.

3. Đầu ti bị thụt làm sao cho con bú?

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp mẹ hoàn toàn có thể nuôi còn bằng sữa mẹ cho dù đầu ti bị thụt vào trong, tất nhiên quá trình cũng trả qua nhiều trở ngại như:

  • Bé khó bú sữa mẹ: Vì đầu ti quá phẳng hay bị tụt vào bên trong nên bé khó ngậm núm ti đúng cách, khó lấy được lượng sữa cần thiết để phát triển.
  • Dễ bị tắc sữa: Đầu ti bị thụt càng sâu thì khả năng gây tắc nghẽn dòng sữa chảy của mẹ càng nhiều. Tình trạng tắc tia sữa dễ khiến mẹ bị đau nhức và bị viêm ngực.

dau-ti-bi-thut-me-phai-lam-sao-1-voh

Đầu ti bị thụt sẽ gây khó khăn cho bé trong quá trình bú sữa mẹ (Nguồn: Internet)

Vì thế, để đảm bảo bé vẫn được bú đủ sữa mẹ trong trường hợp đầu ti mẹ hơi bất thường một chút thì mẹ nên thực hiện theo cách sau đây:

  • Tư thế bú đúng ở bé: Miệng bé phải mở rộng và ôm quầng vú mẹ chứ không chỉ ngậm mỗi đầu ti.
  • Cách mẹ cho con bú: Đặt bé đối diện với một bên ngực mẹ, sao cho mũi (hoặc môi trên) của con đối diện với đầu ti của mẹ. Đợi đến khi bé mở miệng to (mẹ có thể nhẹ nhàng cọ đầu “ti mẹ” lên môi của bé để kích thích bé mở miệng), mẹ nhanh chóng đưa miệng con vào bầu vú mẹ.

4. Hướng dẫn cách kéo đầu ti ra ngoài

Với những trường hợp đầu ti bị thụt cấp độ 1 (tình trạng nhẹ), mẹ có thể áp dụng một số mẹ sau để kéo đầu ti ra ngoài.

  1. Mỗi lần tắm rửa, mẹ dùng tay se đầu ti vào kéo dài ra để làm giãn các ống sữa bị tắc.
  2. Mặc áo ngực vừa phải sẽ giúp các mô mỡ quanh ngực thúc cho đầu ti thay đổi vị trí, dịch chuyển ra ngoài nhiều hơn.
  3. Sử dụng máy hút sữa hoặc dụng cụ kéo núm ti bị thụt để giúp cho đầu ti nhô ra và kéo ngực ngược về phía sau, giúp bé yêu dễ tìm thấy đầu ti hơn trong khi bú.
  4. Áp dụng phương pháp “làm mềm bằng áp lực ngược" (Reverse pressure softening): Dùng các ngón tay đã được cắt móng thật ngắn nhấn nhẹ và chắc tay quanh quầng vú ngay dưới đầu ti và đếm đến 50.

Trong những trường hợp đầu ti bị thụt vào ở cấp độ 2 hoặc cấp độ 3 thì mẹ nên đến gặp bác sĩ có chuyên khoa để tìm hiểu các phương pháp điều trị phù hợp. Sẽ có những cách chữa trị nhẹ nhàng cho một số trường hợp nhưng đôi khi phẫu thuật lại là giải pháp tốt nhất.

Bình luận