Hạt đậu trắng chỉ mới xuất hiện trong ẩm thực Việt khoảng một vài năm trở lại đây. Thế nhưng có thể bạn chưa biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, đậu trắng đã được nghiên cứu rất sâu về mọi mặt: thực vật học, thành phần hóa học và mang đến rất nhiều những lợi ích cho sức khỏe con người.
Tên gọi đậu trắng có thể khiến chúng ta nhầm lẫn giữa hai loại đậu gồm đậu trắng mắt đen (đậu trắng mắt cua, đậu trắng hạt nhỏ) và đậu trắng tây hạt to. Điều này là bởi hương vị cũng như thành phần dinh dưỡng của chúng khá tương đồng nhau. Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hạt đậu trắng mắt cua nhé.
1. Đậu trắng là đậu gì?
Đậu trắng - đậu mắt đen hoặc đậu mắt cua do ở rốn hạt có chấm đen giống mắt con cua, là đậu có màu trắng ngà, to bằng hoặc hơn hạt đậu đen, đậu đỏ một chút. Theo các tài liệu ghi chép, loại đậu này có tên khoa học là Vigna unguiculata. Subsp V.u.unguiculata, họ đậu Fabaceae, vốn được canh trồng đầu tiên tại Ấn Độ, sau đó “nhập cư” vào khắp các gia châu Á và thậm chỉ tới cả châu Mỹ.
2. Tác dụng của đậu trắng với sức khỏe
Hạt đậu trắng vốn không phải là thực phẩm có giá thành đắt đỏ và ngày nay cũng rất dễ dàng để tìm mua được. Bổ sung hạt đậu độc đáo này vào thực đơn sẽ giúp bạn hấp thu thêm nhiều dưỡng chất quan trọng, tăng cường sức khỏe và cải thiện một số vấn đề thường gặp sau:
2.1 Hỗ trợ giảm cân
Nhờ giàu hàm lượng chất xơ hòa tan, protein và ít calo nên thêm đậu trắng vào chế độ ăn giảm cân là sự lựa chọn phù hợp sẽ giúp giảm cân hiệu quả.
Protein có khả năng làm giảm mức độ ghrelin, đây là một loại hormone gây ra cảm giác đói trong cơ thể. Còn đối với chất xơ hòa tan sẽ có dạng đặc, di chuyển qua đường tiêu hóa giúp cho cơ thể cảm thấy no lâu hơn.
Ngoài ra những người đang giảm cân mà ăn đậu trắng thường xuyên sẽ phần nào giảm nguy cơ tăng mỡ bụng và béo phì so với người không ăn.
2.2 Chống bệnh tiểu đường
Đậu trắng thuộc nhóm thực phẩm cung cấp đa dạng và dồi dào khoáng chất, trong đó phải kể đến dưỡng chất rất cần thiết cho người bệnh tiểu đường đó là magie. Theo đó, magie sẽ tác động tới quá trình sản xuất insulin ở tuyến tụy, tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển hóa đường glucose vào máu và duy trì đường huyết ổn định.
Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn
2.3 Tốt cho tiêu hóa
Lượng chất xơ trong đậu trắng rất cao, và chất xơ chính là chất có thể giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong đậu trắng có thể hoạt động như một prebiotic, giúp kích thích sự phát triển các vi khuẩn có lợi trong đường ruột và làm cho đường ruột thêm phần khỏe mạnh. Ngoài ra những lợi khuẩn này còn có khả năng làm giảm viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm mức cholesterol xấu.
2.4 Tác dụng của đậu trắng ngăn ngừa lão hóa
Trong thành phần dinh dưỡng của đậu trắng chứa nhiều chất oxy hóa, điển hình như isoflavone. Lúc này, các hoạt chất đi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò chống lại gốc tự do phá hoại cơ thể, giúp làm chậm tiến trình lão hóa và ngăn ngừa ung thư một cách tự nhiên.
2.5 Tăng cường sức khỏe tim mạch
Việc bổ sung đậu trắng vào thực đơn hàng ngày là một cách giúp cho trái tim của bạn luôn được khỏe mạnh và giảm các yếu tố gây ra bệnh về tim.
Như đã chia sẽ, ăn đậu trắng làm giảm cholesterol xấu (LDL) trong máu và giảm mức cholesterol toàn phần, vì đây là hai yếu tố dễ gây ra bệnh tim.
Đặc biệt, đậu trắng rất ít calo, vì thế nên bổ sung loại thực phẩm này mỗi tuần sẽ làm giúp giảm đáng kể lượng chất béo trung tính, áp lực máu lên thành mạch và giảm các dấu hiệu viêm nhiễm.
3. Đậu trắng nấu gì ngon?
Vốn chỉ có màu trắng ngà không mấy bắt mắt nên thoạt nhìn các món ăn từ đậu trắng có lẽ bạn sẽ cảm thấy ít hấp dẫn. Tuy nhiên đừng vì vậy mà vội bỏ qua nhé, bởi hương vị thơm bùi và béo ngậy của đậu trắng sẽ khiến bạn mê mẩn đấy.
Theo đó, chế biến đậu trắng tương đối dễ dàng, dù là với món mặn hay món ngọt. Hãy thử “biến tấu” với một vài gợi ý đơn giản dưới đây xem sao nhé:
- Sữa đậu trắng
- Salad đậu trắng
- Cháo đậu trắng
- Súp đậu trắng
- Chè đậu trắng
- Xôi đậu trắng
- Mứt đậu trắng
Xem thêm: Tổng hợp 11 công thức ‘trợ giúp’ bạn vào bếp khi chưa biết đậu trắng nấu gì ngon
4. Một số cách dùng đậu trắng làm thuốc trong Đông y
Bên cạnh việc chế biến các món ngon từ đậu trắng để làm phong phú hơn thực đơn của bữa cơm hàng ngày, chúng ta cũng có thể tận dụng một số bài thuốc Đông y từ hạt đậu này nhằm bồi bổ sức khỏe.
Cụ thể, Đông y gọi đậu trắng là bạch tiểu đậu, là vị thuốc có tính bình, vị cam, không độc, bổ được 5 tạng, ấm áp tràng vị, có ích cho 12 kinh mạch, thường dùng điều chế các món ăn bài thuốc quan trọng như:
- Trị chứng “Đậu sởi”: Đậu trắng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu vàng (đậu nành) mỗi thứ 50g, sao vàng, sắc kỹ, mỗi ngày 1 thang, uống thay nước, uống liền trong 3 ngày có thể giúp ngừa và trị được các chứng sởi, đậu.
- Chữa tăng huyết áp: Dùng 100g tỏi ta, 100g đậu trắng cùng với 2 lít nước. Tỏi bóc vỏ rửa sạch, đậu vo sạch, cho cả hai vào 2 lít nước ninh nhừ tới khi còn xâm xấp (1/8 lượng ban đầu) thì cho vào rây chắt lấy nước uống hết một lần, có thể ăn luôn cả hạt đậu và tỏi đã nhừ. Mỗi tháng uống 1 lần, người bệnh nặng (huyết áp từ 180/100 trở lên) có thể uống 2 lần/tháng. Nên uống khi nước còn ấm và trước bữa ăn khoảng 1 – 2 giờ cho khỏi ngán khi đến bữa cơm.
- Thức uống dinh dưỡng 7 ngày: Chuẩn bị đậu xanh, đậu nành, đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen và đường. Các loại đậu rang sấy khô, nghiền bột. Mỗi ngày pha 40g vào 120ml nước nóng hay lạnh. Khuấy đều uống liền sẽ có tác dụng cân bằng nguyên khí, ngăn ngừa loãng xương.
Lưu ý: Các bài thuốc từ đậu trắng chỉ mang tính bổ trợ, có thể cải thiện sức khỏe ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Vì vậy bạn tuyệt đối không dùng thay thế cho thuốc đặc trị và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về liều lượng phù hợp.
5. Những lưu ý an toàn cần biết khi ăn đậu trắng
Mặc dù đậu trắng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng để không gặp các tác dụng phụ hay những rủi ro sức khỏe, bạn cần chú ý các khuyến cáo an toàn sau đây:
5.1 Ngâm rửa trước khi nấu
Việc ngâm và nấu đậu trước khi ăn còn có thể làm giảm hàm lượng axit phytic và raffinose – các chất kháng dinh dưỡng dễ làm cản trở sự hấp thu các khoáng chất như magie, sắt, canxi,... Tốt nhất hãy ngâm đậu trắng trong 6 tiếng rồi tiến hành nấu đậu từ 45 phút tới 1 tiếng để hạt chín mềm.
5.2 Không ăn quá nhiều
Những tác dụng của đậu trắng chỉ phát huy hiệu quả khi chúng ta biết cách sử dụng đúng liều lượng và khoa học. Lời khuyên là chỉ nên dùng từ 150 – 200g đậu mỗi lần, khoảng 1 – 2 lần trong tuần, tránh “ăn cố” vì có thể rơi vào tình trạng đầy bụng khó tiêu.
5.3 Tránh dùng khi có tiền sử dị ứng
Cho đến nay các trường hợp dị ứng đậu trắng có tỉ lệ xảy ra rất thấp cũng như rất hiếm gặp, song nếu bạn từng có tiền sử dị ứng các loại đậu thì cần cẩn trọng theo dõi sức khỏe và thăm khám chuyên khoa.
Xem thêm: Sốc phản vệ do dị ứng xử trí tại nhà bằng cách nào?
6. Thành phần dinh dưỡng của đậu trắng
Đậu trắng có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là rất giàu vitamin. Theo bảng Thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế, các chất dinh dưỡng có trong 100g đậu trắng gồm có:
- Nước: 14 g
- Năng lượng: 327 KCal
- Carbohydrate (đạm): 53.8 g
- Chất béo: 2.1 g
- Chất xơ: 3.6 g
- Protein: 23.2 g
- Canxi: 160 mg
- Sắt: 6.8 mg
- Photpho: 514 mg
- Vitamin C: 3 mg
- Vitamin B1: 0.54 mg
- Vitamin B2: 0.18 mg
- Vitamin PP: 2.1 µg
- Vitamin B5: 0.7mg
- Vitamin B6: 0.39mg
- Folate: 394 µg
Nhìn chung, đậu trắng là thực phẩm rất bổ dưỡng, nếu được sử dụng đúng cách, hợp lý trong thực đơn dinh dưỡng thì loại đậu này sẽ giúp cải thiện sức khỏe rất hữu hiệu đấy!