Chờ...

11 tác dụng của đậu rồng mà nhiều người ít để ý

(VOH) – Với đậu rồng, nhiều người thích ăn sống hoặc luộc sơ vì rất giòn và ngon. Đậu rồng giàu chất dinh dưỡng và những tác dụng của đậu rồng với sức khỏe cũng rất nhiều.

Đậu rồng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế, nhiều người thường dùng đậu rồng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon.

1. Đậu rồng là gì?

Đậu rồng (hay còn gọi là đậu khế, đậu xương rồng, đậu bốn gốc...) có tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus, có nguồn gốc từ châu Phi, Ấn Độ và được trồng khá phổ biến ở Đông Nam Á.

Đậu rồng là loài cây thân thảo, leo giàn nhờ phần củ khá khỏe và ăn sâu xuống lòng đất. Hoa đậu rồng màu tím hoặc trắng. Trái đậu rồng có màu xanh mướt hoặc hơi ngả vàng, có độ dài trung bình khoảng 6cm, chia thành 4 phần với 4 cánh có hình răng cưa độc đáo. Bên trong quả là các hạt.

tac-dung-cua-dau-rong-voh-0

Ăn đậu rồng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Đậu rồng giàu chất dinh dưỡng và tất cả các bộ phận của cây đều có thể ăn được chứ không riêng gì quả đậu đậu rồng non. Chẳng hạn, lá đậu rồng có thể ăn như rau bina, hoa trộn với món salad, củ có thể ăn sống hoặc nấu chín. Hạt được sử dụng theo cách tương tự như đậu nành.

2. Tác dụng của đậu rồng tốt như thế nào?

Đậu rồng chứa nhiều vitamin, canxi, sắt và các thành phần phần có lợi cho cơ thể. Do đó, ăn đậu rồng thường xuyên không chỉ cung cấp các dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể mà còn có thể giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh.

Một số tác dụng của đậu rồng tốt cho sức khỏe mà bạn không thể bỏ qua như:

2.1 Tốt cho xương khớp

Đậu rồng có hàm lượng canxi rất cao, vì thế ăn đậu rồng sẽ có tác dụng tốt cho hệ xương khớp. Sự có mặt của canxi sẽ giúp sản xuất và “bảo trì” hệ thống xương, từ đó phòng ngừa loãng xương.

Ngoài ra, những người bị viêm khớp cũng nên thường xuyên đậu rồng. Lý do là vì thành phần mangan trong đậu rồng có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp, nhờ khả năng kích thích sản xuất enzyme SOD – một loại enzyme nếu bị thiếu hụt sẽ làm tăng nguy cơ viêm khớp.

2.2 Tăng sức đề kháng

Hàm lượng vitamin C trong đậu rồng được đánh giá khá cao cho nên một trong những tác dụng của đậu rồng là giúp xây dựng khả năng miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thêm đậu rồng vào khẩu phần ăn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.

2.3 Giảm đau đầu và đau nửa đầu

Giảm nguy cơ đau đầuđau nửa đầu cũng là một trong những tác dụng của đậu rồng. Do đậu rồng có chứa chất tryptophan nên có thể cải thiện được các vấn đề liên quan đến căng thẳng.

Ngoài ra, ăn đậu rồng còn giúp hỗ trợ quá trình tổng hợp serotonin tăng lên, từ đó giúp giảm đau cũng như các triệu chứng liên quan như khó tiêu và nhạy cảm ánh sáng.

2.4 Hỗ trợ giảm cân

Đậu rồng chứa hàm lượng chất xơ dồi dào nhưng lại là thực phẩm ít calo, vì thế ăn đậu rồng sẽ giúp hỗ trợ giảm cân, làm cơ thể cảm thấy no hơn, kiểm soát cơn thèm ăn và làm dịu cơn đói.

2.5 Tốt cho mắt

Một trong những tác dụng của đậu rồng mang lại cho sức khỏe là bổ sung hàm lượng vitamin B1 cho cơ thể. Đây là loại vitamin có tác dụng ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến thị lực như chứng chứng đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

tac-dung-cua-dau-rong-voh-1
Đậu rồng vitamin B1 có lợi cho sức khỏe đôi mắt (Nguồn: Internet)

Đồng thời ăn đậu rồng thường xuyên cũng giúp cải thiện cơ và tín hiệu thần kinh, giúp ích cho việc kết nối giữa mắt và não.

2.6 Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Đậu rồng được xem là một trong những thực phẩm có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhờ có chứa canxi và vitamin D. Sự kết hợp của hai chất này có thể giúp tăng cường sự chuyển hóa glucozo và sự bài tiết insulin, từ đó làm giảm lượng đường trong máu hiệu quả.

Hơn thế, việc thêm đậu rồng trong các bữa ăn giúp cũng có thể hỗ trợ cân bằng chỉ số đường huyết thông qua sự ảnh hưởng sâu sắc đến tế bào tuyến tụy – tế bào chịu trách nhiệm tiết insulin.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

2.7 Xây dựng cơ bắp

Đậu rồng chứa nhiều protein có lợi các cơ bắp phát triển mạnh và hồi phục các cơ yếu trong cơ thể. Ăn đậu rồng thường xuyên sẽ mang lại một cơ thể khỏe mạnh hơn.

2.8 Kiểm soát bệnh hen suyễn

Một tác dụng của đậu rồng không thể bỏ qua là khả năng kiểm soát chứng bệnh hen suyễn bằng cách cung cấp một lượng lớn magie cho cơ thể giúp điều hòa nhịp thở, thư giãn các cơ phế quản. Những người mắc bệnh hen suyễn mãn tính ăn đậu rồng rất có lợi cho sức khỏe và cải thiện tình trạng khó thở.

2.9 Điều trị thiếu hụt chất dinh dưỡng

Thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể sẽ gây hại cho sức khỏe, đậu rồng là thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên như vitamin, các khoáng chất sắt, canxi, đồng, photpho, magie và mangan. Việc bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn uống hằng ngày sẽ phần nào bù đắp sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.

2.10 Thay thế protein động vật

Đậu rồng là một trong các loại đậu có chứa hàm lượng protein rất cao và có thể thay thế cho protein từ động vật. Do đó, ăn đậu rồng tốt cho người ăn chay và có thể giúp phòng bệnh suy dinh dưỡng.

2.11 Ngăn ngừa lão hóa sớm, đẹp da

Đậu rồng là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn chặn màng tế bào khỏi bị tấn công bởi các gốc tự do gây ra. Nhờ vậy, ăn đậu rồng có tác dụng ngăn ngừa tình trạng lão hóa như nám, đồi mồi hay vết nhăn.

Ngoài ra, đậu rồng cũng chứa nhiều vitamin C và tiền vitamin A có khả năng bảo vệ làn da khỏi nếp nhăn, ngăn ngừa sự lão hóa sớm. Không những thế, vitamin C còn giúp sản sinh lượng collagen cho da, giúp hỗ trợ duy trì và cải thiện sức khỏe cho làn da của bạn.

3. Bà bầu ăn đậu rồng có tác dụng gì?

Đậu rồng tươi là một trong những nguồn cung cấp folate (hay axit folic) tuyệt vời, đây là một trong những chất thiết yếu giúp tổng hợp DNA và phân chia tế bào. Cung cấp folate đầy đủ cho cơ thể trong thời gian mang thai sẽ giúp ngăn ngừa được khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

tac-dung-cua-dau-rong-voh-2
Đậu rồng tốt cho sức khỏe mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, chất sắt có trong đậu rồng cũng rất có lợi vì nó giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, hệ xương khớp. Đồng thời, ăn đậu rồng cũng giúp ngăn ngừa thiếu máu thai kỳ và phục hồi sức khỏe.

Xem thêm: Tìm lời giải đáp “bà bầu ăn đậu rồng được không?”

4. Đậu rồng nấu gì ngon?

Những tác dụng của đậu rồng không chỉ giúp chữa bệnh mà loại thực phẩm này còn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đậu rồng có thể làm được nhiều món ăn ngon góp phần cho bữa cơm gia đình thêm phần đa dạng và ngon miệng.

Dưới đây là một vài gợi ý món ăn ngon được nấu chung với đậu rồng mà bạn nên thử: 

  • Đậu rồng xào thịt bò
  • Đậu rồng xào tỏi
  • Đậu rồng xào trứng
  • Gỏi đậu rồng
  • Canh chua đậu rồng

Xem thêm: 'Bí kíp' có ngay 7 món ăn từ đậu rồng giúp chị em không còn băn khoăn đậu rồng nấu gì ngon?

5. Ăn nhiều đậu rồng có tốt không?

Đậu rồng tốt cho sức khỏe, nhưng một số người vẫn còn băn khoăn ăn đậu rồng nhiều có tốt hoặc đậu rồng có kỵ với thực phẩm nào không? Thực tế, đậu rồng là thực phẩm lành tính và dễ ăn, bạn có thể kết hợp đậu rồng với nhiều loại thực phẩm khác mà không gây ra các vấn đề gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, có một số đối tượng cần đặc biệt thận trọng khi ăn đậu rồng, đó là:

  • Người có tiền sử dị ứng với cây họ Đậu
  • Người bị thiếu men G6PD trong cơ thể
  • Người bị sỏi đường tiết niệu do oxalate

6. Lưu ý khi mua và bảo quản đậu rồng

tac-dung-cua-dau-rong-voh-3
Đậu rồng cần được bảo quản tốt để có thể giữ được độ giòn ngon (Nguồn: Internet)

Để đảm bảo độ ngon, ngọt cho trái đậu rồng, khi mua và bảo quản đậu rồng mọi người cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Mua đậu rồng nên lựa trái đậu tươi, không héo, thân cứng, chắc và không có những đốm nâu trên trái.
  • Trước khi ăn cần rửa sạch, để ráo nước, cắt bỏ cuống.
  • Để bảo quản tốt nên cho đậu rồng vào túi giấy gói kín, để trong ngăn mát tủ lạnh và chỉ nên để tối đa trong khoảng 2 ngày.

7. Thành phần dinh dưỡng của đậu rồng

Lá đậu rồng là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin C, vitamin A và rất nhiều những khoáng chất tuyệt vời. Theo các chuyên gia, trong 100g lá đậu rồng tươi sẽ mang đến hàm lượng dinh dưỡng sau:

  • Carbohydrate: 41.7g
  • Chất xơ: 25.9g
  • Protein: 29.6g
  • Canxi: 440mg
  • Sắt: 13.4mg
  •  Magiê: 179mg
  • Mangan: 3.7mg
  • Phốt pho: 451mg
  • Kali: 977mg
  • Natri: 38mg
  • Kẽm: 4.48mg
  • Thiamine: 1.03mg
  • Niacin: 3.09mg
  • Folate: 45µg

Nhìn chung, đậu rồng là loại thực phẩm có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Nhưng để phát huy tối đa các tác dụng của đậu rồng mang lại cho sức khỏe thì bạn nên có chế độ ăn uống phù hợp và chỉ ăn trong một giới hạn cho phép để tránh gặp các rủi ro không mong muốn.