Tác dụng của cam thảo và những lưu ý quan trọng cần biết khi dùng

(VOH) - Cam thảo là một dược liệu Đông y khá quen thuộc, nó xuất hiện trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Vậy tác dụng của cam thảo là gì và vì sao nó xuất hiện thường xuyên trong các bài thuốc Đông y?

Cam thảo là một loại dược liệu quen thuộc trong các bài thuốc Đông y xưa. Không những thế, nhiều người còn sử dụng cam thảo để làm thức uống hàng ngày và tạo hương vị cho nhiều loại bánh kẹo, đồ uống và thuốc.

1. Cam thảo là gì?

Cam thảo (hay còn gọi là cam thảo bắc), có tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis, là một loài thực vật có hoa bản địa châu Á. 

tac-dung-cua-cam-thao-voh-0
Cam thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc (Nguồn: Internet)

Cam thảo là loại cây lâu năm. Sau 3-4 năm thì sẽ được thu hoạch vào cuối thu. Thu hái vào mùa đông khi cây đã tàn lụi. Bộ phận thường dùng của cây cam thảo là thân và rễ. Có thể dùng ở dạng bột mịn hoặc dạng sống (sinh thảo) hay dạng tẩm mật (chích thảo).

Cây cam thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện nay nó được di thực trồng ở nhiều nơi khác nhau. Đây là loại cây quen thuộc, tuy nhiên, rất ít người trồng tại nhà, khi muốn sử dụng, chúng ta thường phải đến các hiệu thuốc để mua. Tại Việt Nam, dược liệu cam thảo chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.

2. Tác dụng của cam thảo đối với sức khỏe

Rất nhiều người hiện nay sử dụng cam thảo nhưng lại không biết cam thảo có tác dụng gì? Thực tế, cam thảo là dược liệu rất thông dụng trong Đông y và Tây y. Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, tác dụng của cam thảo là giúp bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, điều hòa các vị thuốc.

Trong các nghiên cứu y học hiện đại thì phát hiện, thành phần chủ yếu có trong cam thảo là Saponin steroid và flavonoid. Với những thành phần này, tác dụng của cam thảo có thể kể đến như:

2.1 Hỗ trợ cải thiện tình trạng da

Rễ cam thảo có tác dụng hỗ trợ cải thiện các tình trạng da. Trong rễ cam thảo chứa hơn 300 hợp chất, một số chất trong đó tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus mạnh mẽ.

Do đó, người ta thường sử dụng chiết xuất cam thảo để điều trị các loại bệnh về da, chẳng hạn như mụn trứng cábệnh chàm.

2.2 Giảm trào ngược axit dạ dày và khó tiêu

Một trong những tác dụng của cam thảo là giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu của chứng trào ngược dạ dày, đau bụng và ợ chua.

2.3 Hỗ trợ điều trị loét dạ dày tá tràng

Trong rễ cam thảo có chứa chất glycyrrhizin có tác dụng giúp điều trị loét dạ dày tá tràng. Do đó, sử dụng cam thảo hoặc chiết xuất từ rễ cam thảo có thể sẽ giúp bảo vệ cơ thể chống lại những vết loét này tốt hơn.

2.4 Làm dịu các triệu chứng bệnh hô hấp trên

Do có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn nên rễ cam thảo có tác dụng làm dịu các triệu chứng bệnh hô hấp trên.

Đặc biệt, một số nghiên cứu trên động vật còn ghi nhận, chiết xuất glycyrrhizin trong rễ cam thảo có thể giúp làm giảm cơn hen suyễn.

Xem thêm: Hen suyễn và những điều cần biết

2.5 Giảm sâu răng

tac-dung-cua-cam-thao-voh-1
Rễ cam thảo có thể giúp chống lại vi khuẩn gây sâu răng (Nguồn: Internet)

Một tác dụng khác của rễ cam thảo là giúp chống lại vi khuẩn có thể gây sâu răng. Súc miệng bằng nước cam thảo hoặc ngậm kẹo mút không đường có chứa rễ cam thảo sẽ làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn streptococcus mutans – nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng.

2.6 Có thể có đặc tính chống ung thư

Cam thảo chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng chống lại sự oxy hóa và chống viêm, vì thế nhiều người tin rằng cam thảo có tác dụng chống lại một số loại ung thư. Tuy nhiên, vì nghiên cứu chỉ giới hạn trong ống nghiệm và động vật nên vẫn chưa thể chứng minh tính chính xác tác dụng của cam thảo trong việc chống lại ung thư.

2.7 Giúp giảm stress

Thành phần saponin steroid trong cam thảo có tác dụng tương tự như “thần dược” cortisol của Tây y, có thể giúp giữ nước trong cơ thể, giảm lượng nước tiểu, tăng huyết áp. Tuy nhiên, do tính chất giữ nước nên nếu dùng cam thảo một thời gian dài dễ gây phù.

Một số nghiên cứu còn cho thấy cam thảo có thể trị được bệnh Addison (suy tuyến thượng thận), hỗ trợ trị bệnh tiểu đường, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm các triệu chứng mãn kinh, tăng khả năng miễn dịch, giảm cân và giải độc gan.

3. Cam thảo có tác dụng gì trong các bài thuốc Đông y?

Cam thảo là vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc Đông y. Nguyên nhân là do nó có tác dụng điều hòa các vị thuốc lại với nhau, đồng thời đưa các vị thuốc đến mô đích, giúp các vị thuốc tương tác tốt với nhau.

Trong các phương thuốc cổ truyền, cam thảo thường giữ vai trò là tá dược, nghĩa là nó có tác dụng dẫn thuốc vào kinh. Rất hiếm khi người ta sử dụng cam thảo một cách độc lập để chữa một loại bệnh nào đó, phần lớn sẽ được kết hợp với các vị thuốc khác để thành một bài thuốc.

Chính vì những lý do này mà trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh khác nhau thường xuyên xuất hiện dược liệu cam thảo.

Xem thêm: Thuốc Đông y - vốn nhiều ưu điểm nhưng dễ bị ngộ độc khi dùng, vì sao?

4. Tác hại của cam thảo khi dùng quá nhiều

Rễ cam thảo thường được công nhận là an toàn để sử dụng trong thực phẩm. Việc sử dụng các chất bổ sung và trà từ rễ cam thảo trong thời gian ngắn cũng được cho là an toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng cam thảo với liều lượng lớn chúng có thể tạo ra những tác dụng phụ không mong muốn:

4.1 Gây bất thường hormone

Dùng cam thảo với liều lượng lớn có thể dẫn đến tích tự glycyrrhizin trong cơ thể.

Glycyrrhizin nếu được bổ sung với lượng hợp lý sẽ rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu cơ thể được cung cấp quá nhiều khiến nồng độ glycyrrhizin tăng cao sẽ dẫn đến sự bất thường hormone cortisol (hormone gây căng thẳng). Đồng thời cũng sẽ gây ra sự mất cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể.

tac-dung-cua-cam-thao-voh-2
Không nên lạm dụng cam thảo trong ăn uống và điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Thậm chí, nếu dùng rễ cam thảo với liều lượng lớn và lâu dài còn có thể gây ra một số triệu chứng như: huyết áp cao, yếu cơ, nhịp tim bất thường, mức kali thấp. Trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến suy thận, suy tim sung huyết.

4.2 Không tốt cho phụ nữ mang thai và mẹ cho con bú

Tiêu thụ nhiều cam thảo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của trẻ. Lý do là vì chất glycyrrhizin trong cam thảo nếu tồn đọng quá nhiều có thể gây suy giảm trí nhớ sau này.

4.3 Có thể gây tương tác thuốc

Rễ cam thảo có thể tương tác với một số loại thuốc, do đó nếu bạn đang sử dụng một trong các loại thuốc sau đây cần tránh sử dụng những sản phẩm từ rễ cam thảo:

  • Thuốc huyết áp
  • Thuốc làm loãng máu
  • Thuốc giảm cholesterol
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc tránh thai dựa trên estrogen
  • Thuốc chống viêm không chứa steroid

Ngoài ra, các trường hợp viêm thận có các biểu hiện phù mí mắt, tiểu ít hoặc trường hợp viêm gan, xơ gan đã có biểu hiện phù nề thì không nên dùng cam thảo, người bị táo bón mạn tính do đại tràng thực nhiệt, hoặc người cao tuổi,…cũng nên hạn chế dùng rễ cam thảo.

5. Có nên dùng cam thảo như một loại nước uống giải nhiệt?

Nhiều người hiện nay sử dụng cam thảo như một loại nước uống giải nhiệt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu sử dụng cam thảo không đúng cách hoặc dùng quá thường xuyên không những không mang đến lợi ích sức khỏe mà có có thể gặp phải những tác dụng phụ từ cam thảo.

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh dùng cam thảo kết hợp với nhân trần pha thành nước uống, bởi theo Đông y sự kết hợp này có thể gây tăng huyết áp. Cam thảo có vị ngọt, tính chất giữ nước, trong khi nhân trần có vị đắng và cay, tính hàn, tính chất đào thải. Do đó, nếu uống nhân trần kết hợp với cam thảo sẽ gây tương tác thuốc, không tốt cho sức khỏe nếu dùng lâu dài.

Bên cạnh đó, uống quá nhiều nước cam thảo sẽ khiến gan và mật hoạt động quá mức gây tổn thương gan, mật, mất cân bằng và sinh bệnh tật.

6. Phân biệt cam thảo bắc và cam thảo nam

Ở nước ta có 2 loại cam thảo là cam thảo bắc và cam thảo nam. Hai vị thuốc này có tên giống nhau nhưng hình dáng bên ngoài và tác dụng chữa bệnh khác nhau. Cam thảo bắc chính là dược liệu được dùng khá phổ biến trong Đông y, còn cam thảo nam thì ít được sử dụng trong y học hơn.

tac-dung-cua-cam-thao-voh-3
Cam thảo bắc và cam thảo nam là 2 loại cây hoàn toàn khác nhau (Nguồn: Internet)

Để phân biệt 2 loại cam thảo này, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm sau đây:

6.1 Cam thảo nam

  • Tên khác: cam thảo đất, dã cam thảo, trôm lay....
  • Đặc điểm: Cao khoảng 0.4-0.7m, mọc thẳng đứng, thân già hóa gỗ ở gốc, phần thân non có nhiều khía dọc. Lá mọc đối hoặc mọc vòng. Hoa nhỏ màu trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành từng đôi ở kẽ lá. Quả nang nhỏ, mọc ở kẽ lá.
  • Thu hái: Cả năm.
  • Phân bố: Mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam.
  • Bộ phần dùng: Toàn cây cả rễ.

6.2 Cam thảo bắc

  • Tên khác: không có.
  • Đặc điểm: Cây sống lâu năm. Hệ thống thân về rễ rất phát triển. Lá kép lông chim lẻ. Hoa hình bướm, màu tím nhạt. Quả loại đậu.
  • Thu hái: Thu hái sau 3 – 4 năm.
  • Phân bố: Chủ yếu ở Trung Quốc.
  • Bộ phận dùng: Rễ hoặc thân rễ.

Như vậy, mặc dù tác dụng của cam thảo rất nhiều được nghiên cứu ở cả Đông y lẫn y học hiện tại, tuy nhiên bạn phải thận trọng khi sử dụng dược liệu này. Tốt nhất, nếu muốn dùng cam thảo chữa bệnh thì nên đến gặp thầy thuốc để được cấu tạo bài thuốc phù hợp và an toàn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: