Chờ...

Kỷ tử có tác dụng gì mà sử dụng đúng cách lại tốt hơn vạn lần nhân sâm?

(VOH) - Câu kỷ tử thường xuất hiện trong các bài thuốc Đông y. Loại quả có kích thước nhỏ bé này đem đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng ít người biết đến.

Kỷ tử, đặc biệt là câu kỷ tử thường xuất hiện rất nhiều trong các bài thuốc bắc và các món ăn tẩm bổ cơ thể. Với màu sắc bắt mắt cùng hương vị ngọt dược liệu này đang được khá nhiều người yêu thích và sử dụng.

1. Kỷ tử là gì?

Kỷ tử (hay còn gọi là củ khởi, củ khỉ hay cẩu kỷ...), là quả chín phơi khô từ cây kỷ tử. Trong khi đó, cây kỷ tử là tên gọi chung của ít nhất 2 trong số khoảng 90 loài thực vật của chi Lyciu, điển hình là Lycium chinense (câu kỷ tử) và Lycium Ruthencium (hắc kỷ tử). Đây là loài cây phân bố từ vùng Đông Nam châu Âu trải rộng sang Tây Nam châu Á.

ky-tu-co-tac-dung-gi-voh-0

Hắc kỷ tử và câu kỷ tử đều là vị thuốc quý (Nguồn: Internet)

  • Hắc kỷ tử (kỷ tử đen): Là loại quả quý hiếm có tác dụng tốt, ít gặp hơn so với câu kỷ tử. Quả có dạng hình tròn, mọng nước, khi chín có màu đen. Sau khi phơi sấy có vỏ nhăn nheo, bên trong nhiều hạt hình giống quả thận, một đầu có vết của cuống quả.
  • Câu kỷ tử (kỷ tử đỏ): Là loại quả khá phổ biến chứa nhiều công dụng. Quả có hình trứng, khi chín màu đỏ sẫm hay vàng đỏ. Quả cây kỷ tử khô có màu đỏ tím hoặc đỏ tươi, vỏ ngoài nhăn nheo, bên trong có nhiều hạt hình dạng giống quả thận màu vàng, một đầu có vết cuống quả.

Hắc kỷ tử và câu kỷ từ đều có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể, đồng thời cũng được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc Đông y.

2. Công dụng của hắc kỷ tử

Quả hắc kỷ tử hay kỷ tử đen quý hiếm và có tác dụng tốt hơn nhiều so với kỷ tử đỏ (câu kỷ tử) - vị thuốc thường gặp trên thị trường.

Theo Đông y, hắc kỷ tử có vị ngọt, tính bình quy kinh can, thận. Tác dụng của hắc kỷ tử là giúp bổ can thận, ích khí, bổ huyết, làm sáng mắt. Được sử dụng để trị chứng huyết hư, can thận bất túc gây đau nhức xương, mệt mỏi, di tinh, hoa mắt, chóng mặt. Phụ nữ thời xưa thường sử dụng hắc kỷ để giúp chống lão hóa và làm đẹp da.

Ngày nay, nhiều nghiên cứu y học hiện đại phát hiện hắc kỷ tử có chứa hàm lượng chất OPCs (Oligomeric Proanthocyanidins) rất cao ,đây là một loại bioflavonoids nồng độ cao nhất được phát hiện trong tự nhiên hiện nay. OPCs có giá trị dinh dưỡng cho cơ thể người với khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 20 lần so với vitamin C và cao gấp 50 lần so với vitamin E.

ky-tu-co-tac-dung-gi-voh-1
Hắc kỷ tử quý và có tác dụng cực kỳ tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong hắc kỷ tử còn chứa protein, kẽm, sắt, phốt pho và vitamin B2. Một số chất khác như beta caroten, lutein, lycopene...cũng được tìm thấy trong loại quả này. Chính vì thế, khi sử dụng hắc kỷ tử sẽ mang đến nhiều lợi ích như:

2.1 Tăng cường hệ thống miễn dịch và hạn chế khả năng ung thư

Hàm lượng chất OPCs có trong hắc kỷ tử là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp làm giảm và sửa chữa các tế bào bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Đồng thời chúng cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh.

Hàm lượng OPCs còn giúp ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư hoặc làm giảm khả năng phát triển khối ung thư, gia tăng tuổi thọ. Trong thành phần còn chứa lycopen có thể giúp làm giảm tỷ lên ung thư đường tiêu hóa, tuyến tiền liệt.

2.2 Tốt cho mắt

Nhờ có chứa hàm lượng cao các loại carotenoid và OPCs nên sử dụng quả hắc kỷ tử sẽ rất tốt cho tế bào mắt, cải thiện thị giác, giảm tình trạng xuất huyết mao mạch.

Ngoài ra, chất lutein và zeaxanthin trong kỷ tử đen cũng giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của thoái hóa điểm vàng, đồng làm giảm các gốc tự do trong võng mạc mắt.

2.3 Hạn chế hình thành mảng xơ vữa

Sử dụng hắc kỷ tử có thể hạn chế sự hình thành các mảng xơ vữa. Chính chất OPCs trong kỷ tử đen đã chống hình thành các mảng xơ vữa động mạch do quá trình oxy hóa cholesterol LDL, từ đó giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ.

Hắc kỷ tử cũng có tác dụng tốt cho mạch máu, bởi có thể làm tăng cường quá trình lưu thông máu.

2.4 Làm đẹp da

Cũng nhờ thành phần OPCs nên hắc kỷ tử có tác dụng kiềm chế việc lưu hóa các gốc tự do, từ đó giúp tái tạo tế bào và da, làm cho da mịn màng, mờ sẹo.

2.5 Tốt cho hệ thần kinh

Các thành phần chất chống oxy hóa trong hắc kỷ đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh. Sử dụng hắc kỷ tử sẽ giúp bảo vệ tế bào thần kinh, chống sự oxy hóa các dây thần kinh sọ não, bảo vệ tế bào não khỏi các yếu tố độc hại.

Xem thêm: Ngủ sâu, bổ mắt, nhuận tràng...nhờ tác dụng của thảo quyết minh

3. Tác dụng của câu kỷ tử

So với hắc kỷ tử, câu kỷ tự khá phổ biến trên thị trường, chúng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc đông y và trong các món ăn bồi bổ cơ thể.

Theo Đông y, câu kỷ tử có vị ngọt, hơi chua, tính bình quy kinh can, thận, phế có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, an thần, sáng mắt. Chủ các chứng huyết hư gây hoa mắt chóng mặt, đau thắt lưng, can thận hư gây đau lưng, di tinh, trị đau mắt đỏ, mỏi mắt...

ky-tu-co-tac-dung-gi-voh-2
Câu kỷ tử là vị thuốc khá phổ biến trên thị trường (Nguồn: Internet)

Trong các nghiên cứu y học hiện đại, kỷ tử đỏ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin B1, B2, vitamin C, cùng nhiều axit amin, canxi, sắt, photpho, caroten.... Dưới đây là một số tác dụng của kỷ tử đỏ dành cho sức khỏe:

3.1 Cải thiện thị lực

Từ thời Trung Quốc cổ đại, người dân đã dùng câu kỷ tử trong việc chữa thị lực suy giảm. Ngày nay các nhà khoa học đã khám phá ra câu kỷ tử còn có khả năng rút ngắn thời gian thích nghi của mắt với bóng tối, đồng thời cải thiện thị lực trong ánh sáng mờ.

Lý do là vì trong câu kỷ tử có chứa một lượng zeaxanthin dồi dào, đây là một chất chống oxy hóa được biết đến với những lợi ích tuyệt vời cho đôi mắt. Ngoài ra, kỷ tử đỏ còn được coi là một biện pháp điều trị tự nhiên cho bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi già.

3.2 Hỗ trợ sức khỏe của phổi

Theo nhiều báo cáo khoa học cho thấy khả năng giảm viêm phổi của câu kỷ tử rất hiệu quả. Bên cạnh đó, thành phần có trong câu kỷ tử còn giúp thúc đẩy hoạt động của các tế bào bạch cầu, từ đó giúp chống lại bệnh cúm, hen suyễn.

3.3 Cân bằng huyết áp

Một trong những tác dụng của kỷ tử là giúp ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp nhờ vào hợp chất polysacarit. Đây là thành phần có vai trò quan trọng trong điều chỉnh huyết áp ổn định và ngăn ngừa các bệnh liên quan.

3.4 Tăng sinh lý

Câu kỷ tử cũng là một loại dược thảo đông y bồi bổ khả năng sinh lý và hỗ trợ sinh sản. Một nghiên cứu đã cho thấy khả năng của quả kỷ tử trong việc cải thiện khả năng tình dục, tăng nồng độ testosterone, nâng cao khả năng di chuyển và số lượng của tinh trùng, kéo dài thời gian cương cứng và phản ứng xuất tinh.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng gợi ý quả kỷ tử có thể là một lựa chọn thay thế cho những phương thuốc điều trị rối loạn cương dương như Viagra.

3.5 Chống trầm cảm

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, kỷ tử đã được sử dụng để chống trầm cảm, các rối loạn lo âu và cảm xúc khác. Nhờ có hàm lượng vitamin B, vitamin C, mangan và chất xơ dồi dào có trong loại quả mọng này hỗ trợ tăng mức năng lượng tích cực, từ đó giúp cơ thể đối phó được với sự căng thẳng thần kinh. 

3.6 Bảo vệ gan

Câu kỷ tử có chứa một chất độc đáo là cerebroside để bảo vệ tế bào gan chống lại độc tố, ngay cả loại độc tố mạnh như chlorinated hydrocarbons. Nhờ đó mà gan có thể ức chế được sự lắng đọng chất mỡ trong gan, từ đó thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan.

3.7 Tăng sức đề kháng

Hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể là lực lượng tuyến đầu giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy câu kỷ tử có khả năng chỉ huy, kiểm soát và điều chỉnh được chức năng của hệ miễn nhiễm mạnh hơn. Chất polysaccharides làm tăng và ổn định những hoạt động của các tế bào miễn dịch, giúp chống được các tế bào gây bệnh.

Xem thêm: Những cách giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể 

3.8 Hỗ trợ giảm đau

Một tác dụng khác của câu kỷ tử là giúp chống viêm, có thể đẩy lùi một vài cơn đau, chẳng hạn như đau khớp. Dẫu vậy, vẫn còn khá ít thông tin chứng minh loại quả này sẽ đem lại tác dụng tương tự với tình trạng đau cơ bắp.

3.9 Giúp giảm cân

Với hàm lượng calo thấp và giàu chất dinh dưỡng, câu kỷ tử là loại quả an toàn dành cho người muốn giảm cân. Chất polysaccharides trong câu kỷ tử giúp làm giảm trọng lượng cơ thể bởi nó làm tăng sự chuyển hóa dưỡng chất thành năng lượng thay vì chuyển hóa thành chất béo.

Ngoài ra, lượng đường trong câu kỷ tử khá thấp, giúp hạn chế cơn đói cũng như mang lại cảm giác no lâu hơn. Chất xơ dồi dào từ loại quả này còn giúp ngăn ngừa lượng mỡ thừa tích tụ ở phần bụng.

3.10 Làm đẹp da

Câu kỷ tử là một nguyên liệu khá quen thuộc trong các loại trà dưỡng nhan. Trong câu kỷ tử rất giàu vitamin C, beta-carotene và axit amin giúp điều trị nám da, cải thiện các hắc tố trên da, làm da sáng mịn, hồng hào từ sâu bên trong, giúp nuôi dưỡng nhan sắc của bạn trong thời gian rất dài. 

3.11 Giúp tóc khỏe mạnh

Trong câu kỷ tử rất giàu vitamin A, vitamin C và sắt. Đây đều là những chất dinh dưỡng “vàng” với mái tóc và da đầu, bởi khả năng tăng cường lưu thông máu, từ đó kích thích tóc tăng trưởng các nang tóc kèm theo ngăn ngừa tình trạng rụng tóc.

4. Cách sử dụng kỷ tử để nâng cao sức khỏe

ky-tu-co-tac-dung-gi-voh-3
Trfa kỷ tử thơm ngon và dễ uống (Nguồn: Internet)

Cả hắc kỷ tử và câu kỷ tử đều là vị thuốc trong Đông y, vì thế, bạn có thể sẽ bắt gặp vị thuốc này trong một số bài thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra, kỷ tử đen và kỷ tử đỏ còn có những cách sử dụng sau đây:

4.1 Cách dùng hắc kỷ tử

Hắc kỷ tử có thể dùng trực tiếp để hãm trà uống hoặc đem ngâm rượu để uống lâu dài.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm hắc kỷ tử vào các món ăn hàng ngày như hầm, súp, canh... Chú ý không để quả kỷ tử đen trong thời gian dài vì sẽ làm giảm tác dụng

Liều dùng: Mỗi ngày từ 08 đến 20g.

4.2 Cách dùng câu kỷ tử

Câu kỷ tử có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Sau khi được phơi khô bạn có thể dùng để nấu cùng với thức ăn như trong các món hầm.

Ngoài ra, kỷ tử đỏ còn thường được kết hợp với những vị thuốc khác có tác dụng bồi bổ khí huyết như thục địa, hoàng kỳ, đại táo... để tăng tác dụng. Kỷ tử thường được kê trong các đơn thuốc sắc, với tác dụng bổ huyết.

Liều lượng: Mỗi ngày từ 8 đến 20 gram.

Xem thêm: Một dược – cái tên nghe rất lạ nhưng lại là vị thuốc rất quý

5. Những lưu ý khi sử dụng kỷ tử

Kỷ tử là loại trái cây cũng là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể nhận được những lợi ích từ quả kỷ tử, dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:

  • Những tác dụng của kỷ tử có thể bị phản công hiệu khi dùng chung với chất làm loãng máu, thuốc trị bệnh tiểu đường và thuốc trị huyết áp.
  • Những người bị dị ứng phấn hoa phải tránh xa câu kỷ tử, vì có thể khiến da bạn phát ban khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Phụ nữ mang thai tuyệt đối không ăn câu kỷ tử vì chúng có thể gây sảy thai. Ngoài ra, nếu đang cho con bú, bạn cũng không nên sử dụng loại quả này, bởi chúng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa.

Nhìn chung, hắc kỷ tử và câu kỷ tử đều có nhiều công dụng tốt cho cơ thể. Với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và phong phú, sử dụng kỷ tử đúng mục đích, liều lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, vì kỷ tử là một vị thuốc cho nên bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc nếu sử dụng kỷ tử để điều trị bệnh.