Khai trương đầu năm là hình thức tín ngưỡng dân gian. Mỗi vùng miền lại có cách thức tổ chức khác nhau. Nhưng ý nghĩa chung là kính cáo cho Thổ Công (vị thần đất cai quản mảnh đất mà cơ quan, doanh nghiệp đang sử dụng) và các vị thần linh về việc bắt đầu mở cửa kinh doanh; cầu mong các vị phù hộ, che chở để quá trình làm ăn, sản xuất, kinh doanh được hanh thông, "đại cát, đại lợi". Hãy cùng VOH tìm hiểu về cách cúng khai trương đầu năm chuẩn xác và chi tiết nhất.
Ý nghĩa của tục cúng khai trương đầu năm
Ông bà ta có câu: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", ngụ ý con người dù có giỏi tính toán thì kết quả thành hay bại cũng một phần do ý trời định đoạt. Ngoài ra, quan niệm "đầu xuôi, đuôi lọt", một năm khởi đầu từ mùa Xuân, nên nhiều người cho rằng, ngày đầu năm mới nếu mở hàng thuận lợi sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho một năm làm ăn hồng phát.
Vì những lý do trên mà dân kinh doanh vẫn duy trì lễ cúng mỗi đầu năm mới theo lịch Âm, cầu mong mọi việc diễn ra xuôi chèo, mát mái hơn, may mắn và thành công hơn.
Đặc biệt, ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, sau nghi lễ cúng khai trương đầu năm là "thủ tục lì xì" chúc mừng năm mới của ban lãnh đạo để nhân viên được "lên dây cốt" tinh thần và vận hành công việc được thông suốt. Đây cũng là cách để tất cả các thành viên cùng nhau đoàn kết, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra.
Xem thêm:
Những câu chúc Tết hay, ngắn gọn và đong đầy ý nghĩa
Gợi ý 7 bài văn khấn cúng rằm tháng Giêng trong nhà, ngoài trời
17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt
Ngày giờ tốt để cúng khai trương đầu năm Giáp Thìn 2024
Mỗi dịp đầu năm mới, chủ của các đơn vị kinh doanh lại chọn một ngày đẹp, giờ tốt để thực hiện nghi lễ cúng khai trương coi như ngày mở hàng của năm mới đó. Điều này thể hiện cho một chu kỳ làm ăn mới với mong muốn mọi chuyện xấu trong năm cũ sẽ qua đi để bắt đầu một năm mới tốt lành, suôn sẻ hơn.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng, Giám đốc Viện Phong thủy Hoàng Gia cho biết, dựa trên mối quan hệ thiên can, địa chi, ngũ hành, biến hóa giữa các năm, tháng, ngày giờ và mệnh chủ, nên chọn ngày mở hàng, khai trương năm mới bắt đầu từ Mùng 1 cho đến hết ngày 12 tháng Giêng Âm lịch.
Theo đó, ông Hoàng đề xuất hướng và giờ xuất hành tương ứng với 12 ngày. Cụ thể:
Ngày/hướng |
Giờ khởi hành |
Mùng 1: hướng Đông Bắc, Đông Nam |
Giờ tốt: 0:00 - 4:30, 7:00 - 8:45, 11:00 - 12:54 |
Mùng 2: hướng Tây Nam, Đông Nam |
Giờ tốt: 5:00 - 6:50, 9:05 - 10: 55, 13:00 - 14:45 |
Mùng 3: hướng Tây Bắc, Đông |
Giờ tốt: 7:05 - 8:49, 11:03 - 12:48, 15:00 - 16:44 |
Mùng 4: hướng Nam, Đông |
Giờ tốt: 6:00 10:50, 13:00 - 14:59, 17:05 - 18:45 |
Mùng 5: hướng Đông Nam, Bắc |
Giờ tốt: 7:00 - 8:30, 11:05 - 12:57, 15:10 - 16:50 |
Mùng 6: hướng Đông Bắc, Nam |
Giờ tốt: 5:30 - 6:55, 9:00 - 10:59, 13:03 - 14:54 |
Mùng 7: hướng Tây Nam |
Giờ tốt: 04:00 - 4:59, 7:03 - 8:55, 11:20 - 12:50 |
Mùng 8: hướng Tây Bắc, Tây Nam |
Giờ tốt: 5:00 - 6:50, 9:05 - 10: 55, 13:00 - 14:45 |
Mùng 9: hướng Nam, Tây |
Giờ tốt: 7:05 - 8:49, 11:03 - 12:48, 15:00 - 16:44 |
Mùng 10: hướng Đông Nam, Tây Bắc |
Giờ tốt: 6:00 10:50, 13:00 - 14:59, 17:05 - 18:45 |
Ngày 11: hướng Đông Bắc, Đông Nam |
Giờ tốt: 7:00 - 8:30, 11:05 - 12:57, 15:10 - 16:50 |
Ngày 12: hướng Tây Nam, Đông Nam |
Giờ tốt: 5:30 - 6:55, 9:00 - 10:59, 13:03 - 14:54 |
Ngày mở hàng tương ứng với các tuổi, cụ thể:
Tuổi |
Ngày mở hàng trong tháng 1 âm lịch |
1950 - Canh Dần |
2, 4, 5, 8, 10 |
1951 - Tân Mão |
3, 6, 7, 9, 10, 11, 12 |
1952 - Nhâm Thìn |
2, 5, 8, 12, 6 |
1953 - Quý Tỵ |
1, 2, 7, 9, 10, 12, 5 |
1954 - Giáp Ngọ |
4, 8, 10, 11 |
1955 - Ất Mùi |
1, 3, 4, 9 |
1956 - Bính Thân |
2, 5, 6, 8, 11 |
1957 - Đinh Dậu |
3, 4, 6, 7, 8 |
1958 - Mậu Tuất |
1, 2, 4, 5, 6, 7, 10, 12 |
1959 - Kỷ Hợi |
1, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 11 |
1960 - Canh Tý |
2, 4, 5, 10 |
1961 - Tân Sửu |
3, 6, 7, 9, 10, 11, 12 |
1962 - Nhâm Dần |
2, 5, 8, 12 |
1963 - Quý Mão |
1, 2, 7, 9, 10, 12 |
1964 - Giáp Thìn |
4, 8, 10, 11, 6 |
1965 - Ất Tỵ |
1, 3, 4, 9, 5 |
1966 - Bính Ngọ |
2, 5, 6, 8, 11, 4 |
1967 - Đinh Mùi |
3, 4, 6, 7, 8 |
1968 - Mậu Thân |
1, 2, 4, 5, 6, 7, 10 |
1969 - Kỷ Dậu |
1, 3, 4, 5, 6, 9, 10 |
1970 - Canh Tuất |
2, 4, 5, 10, 12 |
1971 - Tân Hợi |
3, 6, 7, 9, 10, 11, 12 |
1972 - Nhâm Tý |
2, 5, 8, 12, 10 |
1973 - Quý Sửu |
1, 2, 7, 9, 10, 12 |
1974 - Giáp Dần |
4, 8, 10, 11 |
1975 - Ất Mão |
1, 3, 4, 9, 7 |
1976 - Bính Thìn |
2, 5, 6, 8, 11 |
1977 - Đinh Tỵ |
3, 4, 6, 7, 8, 5 |
1978 - Mậu Ngọ |
1, 2, 4, 5, 6, 7, 10 |
1979 - Kỷ Mùi |
1, 3, 4, 5, 6, 9, 10 |
1980 - Canh Thân |
2, 4, 5, 10 |
1981 - Tân Dậu |
3, 6, 7, 9, 10, 11, 12 |
1982 - Nhâm Tuất |
2, 5, 8, 12 |
1983 - Quý Hợi |
1, 2, 7, 9, 10, 11, 12 |
1984 - Giáp Tý |
4, 8, 10, 11 |
1985 - Ất Sửu |
1, 3, 4, 9 |
1986 - Bính Dần |
2, 5, 6, 8, 11 |
1987 - Đinh Mão |
3, 4, 6, 7, 8 |
1988 - Mậu Thìn |
1, 2, 4, 5, 6, 7, 10 |
1989 - Kỷ Tỵ |
1, 3, 4, 5, 6, 9, 10 |
1990 - Canh Ngọ |
2, 4, 5, 10 |
1991 - Tân Mùi |
3, 6, 7, 9, 10, 11, 12 |
1992 - Nhâm Thân |
2, 5, 8, 12 |
1993 - Quý Dậu |
1, 2, 7, 9, 10, 12 |
1994 - Giáp Tuất |
4, 8, 10, 11,12 |
1995 - Ất Hợi |
1, 3, 4, 9, 11 |
1996 - Bính Tý |
2, 5, 6, 8, 11, 10 |
1997 - Đinh Sửu |
3, 4, 6, 7, 8, 9 |
1998 - Mậu Dần |
1, 2, 4, 5, 6, 7, 10, 8 |
1999 - Kỷ Mão |
1, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 7 |
2000 - Canh Thìn |
2, 4, 5, 10, 6 |
2001 - Tân Tỵ |
3, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 5 |
2002 - Nhâm Ngọ |
2, 5, 8, 12, 4 |
2003 - Quý Mùi |
1, 2, 7, 9, 10, 12, 3 |
2004 - Giáp Thân |
4, 8, 10, 11,2 |
2005 - Ất Dậu |
1, 3, 4, 9 |
2006 - Bính Tuất |
2, 5, 6, 8, 11, 12 |
Mâm cúng khai trương đầu năm
Lễ cúng khai trương đầu năm cần thực hiện chu đáo, chỉn chu, đảm bảo các yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”. Tùy vào điều kiện, quy mô của từng đơn vị kinh doanh mà mâm cúng sẽ được chuẩn bị khác nhau, nhưng thường bao gồm các lễ vật sau:
- 1 lọ hoa đồng tiền để thể hiện cho sự may mắn về tiền bạc.
- 1 mâm trái cây gồm 5 quả tùy theo phong tục của từng địa phương.
- 3 đĩa xôi (hoặc bánh chưng).
- 3 chén chè.
- 3 chén nước.
- 2 cây đèn cầy.
- Vàng bạc (hàng mã), tiền xâu chuỗi...
- 3 nén nhang.
- Trầu cau.
- Bánh kẹo, mứt Tết.
- Rượu trắng.
- Thuốc lá, trà.
- 1 đĩa gạo.
- 1 đĩa muối.
- 1 con gà luộc (hoặc khoanh giò, đầu heo, thịt heo quay tùy theo quan niệm của từng địa phương và quy mô của từng doanh nghiệp).
Xem thêm:
Top 60 câu chúc Tết đồng nghiệp ý nghĩa nhất
115 slogan Tết hay, slogan khuyến mãi Tết độc đáo
60+ mẫu thiệp chúc Tết ấn tượng
Bài cúng khai trương đầu năm
Đầu Xuân năm mới, nhiều đơn vị sẽ tiến hành chọn ngày lành, tháng tốt để khai trương, mở hàng. Bên cạnh việc chuẩn bị lễ vật đầy đủ, văn khấn là yếu tố không thể thiếu, thường do chủ cửa hàng, người đứng đầu doanh nghiệp đọc. Dưới đây là bài cúng khai trương đầu năm mà bạn có thể tham khảo.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Quan Đương niên Hành khiển Thái tuế Tôn thần.
Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, định phúc Táo quân, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy các Thần linh cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là... ngụ tại...
(*Lưu ý: Nếu là cơ quan, công xưởng thì khấn là tín chủ con là Giám đốc hay Thủ trưởng cùng toàn thể công ty...)
Hôm nay là ngày ... tháng … năm Giáp Thìn, tín chủ con thành tâm sắm sửa lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, lòng thành tâu rằng: tín chủ con xây cất (hoặc thuê được) một ngôi hàng ở tại xứ này (nêu rõ địa chỉ)….. nay muốn khai trương khởi đầu việc kinh doanh (hoặc sản xuất) phục vụ nhân sinh, phục vụ sinh hoạt.
Do đó, chúng con chọn được ngày lành tháng tốt sắm sính lễ vật cáo yết Tôn thần dâng cùng Bách linh ……. cúi mong soi xét.
Chúng con xin kính mời quan Đương niên quan Đương cảnh, quan Thần linh Thổ địa, Định phúc Táo quân cùng các ngài địa chúa Long mạch cùng tất cả thần linh cai quản khu vực này linh thiêng giáng hiện trước hương án, thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành. Cúi xin các vị phù hộ cho chúng con buôn bán hanh thông, làm ăn thuận lợi, lộc tài vượng tiến, cần gì được nấy, nguyện gì cũng thành.
Tín chủ lại mời các vị tiền chủ, hậu chủ cùng chư hương linh y thảo phụ mộc ngụ trong khu vực này, xin hãy tới đây thụ hưởng lễ vật, phù trì cho tín chủ con làm ăn buôn bán gặp nhiều may mắn.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
(*Lưu ý: Nếu văn khấn được ghi / in ra giấy, hãy đốt cùng với giấy tiền vàng bạc.)
Trình tự cúng khai trương đầu năm
Cách tiến hành lễ cúng được thực hiện như sau:
- Đầu tiên, bày lễ vật lên bàn thờ. Nếu không có bàn thờ, hãy chuẩn bị 1 chiếc bàn sạch đặt ở vị trí trang trọng nhất trong cửa hàng, công ty rồi bày mâm lễ vật lên trên.
- Khi đến giờ đẹp, bạn châm đèn cầy và thắp 3 nén nhang rồi vái 3 vái, cắm hương và bắt đầu đọc to, rõ ràng bài văn khấn.
- Sau khi hết tuần nhang (hoặc có nhiều nơi quan niệm là hết 2/3 nén nhang), bạn vái tạ thần linh 3 vái rồi tiến hành hóa vàng mã để kết thúc lễ cúng khai trương đầu năm.
- Cuối cùng, nếu đã chọn được người mua hàng hợp tuổi, bạn có thể bán mở hàng cho họ. Với các đơn vị sản xuất thì tiến hành vận hành máy móc... coi như bắt đầu một năm làm ăn mới.
Xem thêm:
65 lời chúc Tết khách hàng ấn tượng nhất
"Bỏ túi" ngay 85 câu chúc Tết sếp, cấp trên cực hay và ấn tượng
85+ lời chúc năm mới bạn bè, chúc Tết bạn bè hài hước, ý nghĩa
Lưu ý khi cúng khai trương, mở hàng đầu năm
Ngoài chọn được ngày giờ tốt, để cả năm làm ăn "thuận buồm xuôi gió", bạn cần lưu ý những vấn đề sau.
Người mở hàng đầu năm
Theo quan niệm dân gian, người mở hàng đầu tiên nên là người hợp tuổi, hợp phong thủy với gia chủ. Việc này giúp công việc kinh doanh được suôn sẻ, hanh thông, buôn may bán đắt.
Tránh đổi trả hàng hóa trong ngày khai trương, mở hàng
Việc đổi trả hàng hóa vào ngày khai trương được xem là điều cấm kỵ. Do đó, không chỉ gia chủ mà người mua cũng cần đặc biệt lưu ý.
Ngoài ra, theo người xưa, làm vỡ ly, kính, vật dụng làm bằng thủy tinh trong ngày trọng đại như khai trương, mở hàng là điều cấm kỵ. Bởi việc này liên quan đến sự phân ly, tiêu tán, làm ăn thua lỗ.
Không nên tổ chức quá sơ sài hoặc quá phô trương
Cúng khai trương đầu năm là sự kiện mở màn cho một năm mới với hy vọng phát đạt. Ngoài đưa hình ảnh của tổ chức đến gần hơn khách hàng, sự kiện này còn liên quan đến phong thủy, tín ngưỡng, thể hiện lòng thành của gia chủ. Do đó, không nên tổ chức sơ sài hoặc phô trương quá mức.
Tránh màu sắc khắc với bản mệnh
Vì là sự kiện quan trọng nên các đơn vị thường lựa chọn màu sắc sặc sỡ để trang trí cho công ty, cửa hàng ngày đầu năm mới. Bạn có thể sử dụng những gam màu nổi bật, tượng trưng cho tài lộc, may mắn như đỏ, vàng... hoặc các màu có liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp, công ty, cửa hàng nên căn cứ vào bản mệnh (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) của mình để lựa chọn màu sắc tương sinh, nhằm đem lại nhiều may mắn.
Không nói những lời thiếu may mắn
Ông bà ta có câu: "Đầu xuôi đuôi lọt". Khai trương đầu năm mới là sự kiện trọng đại. Tại đây, các khách mời sẽ đến gặp gỡ chủ của công ty, cửa hàng để gửi lời chúc một năm làm ăn phát đạt và thành công.
Theo người xưa, lời nói đầu năm sẽ ảnh hưởng đến cả năm. Do đó, nếu đầu năm nói lời không hay sẽ khiến cả năm mất lộc.
Dân gian có câu: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Việc giữ gìn phong tục cúng khai trương đầu năm không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. Dù quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ lẻ, nhiều người vẫn tổ chức lễ cúng để cầu mong một năm mới sung túc, thắng lợi mỹ mãn.
(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất chiêm nghiệm, tham khảo.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.