Ý nghĩa tục cúng gà ngậm hoa hồng đêm Giao thừa

VOH - Trong mâm cỗ cúng đêm Giao thừa thường sẽ có một con gà trống luộc, miệng ngậm hoa hồng. Vậy gà ngậm hoa hồng có ý nghĩa gì trong phong tục ngày Tết cổ truyền?

Gà ngậm hoa hồng là vật phẩm thường xuất hiện trong các mâm cỗ cúng, nhất là lễ cúng Giao thừa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của tục lệ này. Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc “Vì sao gà cúng thường ngậm hoa hồng đỏ”?

Truyền thuyết tục lệ cúng gà đêm Giao thừa

Theo phong tục cổ truyền, vào đêm Giao thừa của Tết Nguyên đán, các gia đình Việt lại chuẩn bị một mâm cơm cúng dâng lên đất trời, tổ tiên. Trong mâm cỗ cúng không thể thiếu con gà luộc, đặc biệt hơn đây phải là gà trống và trong miệng có ngậm bông hoa hồng đỏ.

Truyền thuyết kể rằng, khi Ngọc Hoàng sáng tạo ra mặt đất, nơi này lạnh lẽo, âm u, ẩm thấp, muôn loài khó lòng sống nổi, vì thế Ngọc Hoàng đã sai 10 Mặt trời ngày đêm soi sáng nhân gian.

Vì có quá nhiều Mặt trời chiếu rọi cùng lúc nên mặt đất nhanh chóng khô cằn, nứt nẻ. Lúc này, có một dũng sĩ đã giương cung quyết bắn hạ Mặt trời. Sau khi 9 Mặt trời bị bắn rơi, Mặt trời cuối cùng vì quá sợ hãi đã bay trốn lên cao, không dám xuất hiện nữa.

Mặt đất lại trở nên tăm tối, lạnh lẽo. Con người và loài vật đã rủ nhau gọi Mặt trời, thế nhưng chẳng ai có thể gọi được. Cuối cùng, chỉ có con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy khiến Mặt trời tò mò ngó xuống, dần dần hạ thấp độ cao, mặt đất cũng vì thế mà dần sáng bừng lên.

Ý nghĩa tục cúng gà ngậm hoa hồng đêm Giao thừa 1
Phong tục cúng gà ngậm hoa hồng thường thấy vào đêm Giao thừa - Ảnh: Internet

Ngoài ta, trong thập nhị can chi (12 con giáp), con gà, đặc biệt là gà trống biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ. Theo ghi chép, vào thời Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt từng nói với vua Gia Long về 5 cái đức của loài gà như sau:

  • Một là, đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn.
  • Hai là, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, đó là Võ.
  • Ba là, thấy đối thủ là nhanh chóng xông vào chiến đấu, đó là Dũng.
  • Bốn là, khi tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại đến ăn cùng, đó là Nhân.
  • Năm là, luôn gáy đúng giờ, bất kể thời tiết, đó là Tín.

Ông tâu với vua rằng, binh thư có câu: “Phàm người là tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân nể phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch”. Loài gà vô tình lại có đủ 5 đức tính ấy, đức nào cũng thật là đáng quý.

Không chỉ vậy, trong dân gian còn đúc kết hình ảnh đẹp đẽ của loài gà thông qua 4 câu ca dao sau:

“Trên đầu đội sắc vua ban
Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xuê
Thần linh đã gọi thì về
Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng.”

Gà ngậm hoa hồng có ý nghĩa gì?

Có thể thấy rằng, quan niệm dân gian coi gà trống chính là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh. Đồng thời cũng là biểu tượng văn hóa thể hiện tín ngưỡng tôn sùng Mặt trời.

Do đó, vào đêm Giao thừa (trừ tịch) - đêm trời đất tối tăm nhất, cũng là lúc Mặt trời ẩn mình sâu nhất, các gia đình sẽ cúng gà trống với niềm tin gà sẽ đánh thức Mặt trời chiếu sáng ánh nắng cho cả năm ấm áp.

Ngoài là biểu tượng của văn - võ, dũng - nhân - tín, tiếng gáy gà trống cũng được cho là có tác động vào thời gian của con người và được thi vị hóa; tiếng gà gáy báo hiệu trời sáng giúp đánh thức mọi người, thể hiện trí tuệ, niềm tin. Vì vậy, gà trống là lựa chọn hàng đầu trong mâm cỗ cúng đêm Giao thừa.

Ý nghĩa tục cúng gà ngậm hoa hồng đêm Giao thừa 2
Mâm cỗ cúng gà ngậm hoa hồng mang ý nghĩa cầu mong may mắn, bình an trong năm mới - Ảnh: Internet

Riêng về việc cho gà ngậm hoa hồng đỏ ngoài mục đích trang trí thì cũng có ý nghĩa nhất định theo niềm tin tâm linh. Nhiều người cho rằng, bông hoa hồng đỏ trên mỏ gà trống chính là biểu tượng của hình ảnh gà trống cất tiếng gáy gọi Mặt trời của ngày đầu tiên, báo hiệu năm mới đã đến.

Bên cạnh đó cũng có một cách giải thích khác về xuất xứ tục cúng gà luộc ngậm hoa hồng. Theo đó, hoa hồng biểu tượng của sự may mắn, còn màu đỏ tượng trưng cho vận đỏ. Vì vậy, cho gà ngậm hoa hồng khi cúng Giao thừa mang ý nghĩa tiễn biệt những điều xui xẻo trong năm cũ và cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi, bình an.

Xem thêm:
 Top câu nói hay ngày 30 Tết, thơ ngày cuối năm thổn thức tâm hồn
42 bài thơ giao thừa làm vỡ òa cảm xúc giây phút đón năm mới
Gợi ý các bài văn khấn giao thừa đầy đủ và chuẩn xác nhất

Cách làm gà cúng ngậm hoa hồng đẹp

Gà cúng đêm Giao thừa tốt nhất là loại gà trống tơ, tiếng gáy le te, mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng và chưa đạp mái.

Gà nặng từ khoảng 1,2kg - 1,4kg là vừa. Sau khi mua về cắt bỏ dây trói chân gà, thả gà vào chuồng để gà đi lại khoảng 2 -3 giờ cho máu không tụ lại ở chân mới tiến hành cắt tiết.

Sau khi cắt tiết, bạn sẽ làm sạch lông gà, bóc lớp màng ở chân, làm sạch nội tạng. Sau đó dùng muối xát lên toàn thân gà, rửa sạch lại nhiều lần với nước để gà hết hôi rồi để cho ráo nước.

Để gà cúng đẹp mắt, trước khi cho gà vào luộc bạn dùng lạt (hoặc dây) buộc cổ giữa hai cánh gà, định hình như chú gà còn sống với chiếc cổ vươn cao, hai cánh xòe ra, đôi chân cài vào trong bụng cho thon gọn.

Chọn nồi có lòng sâu để luộc gà. Nước luộc gà cho thêm muối, gừng đập dập để nước gà đậm đà, thịt gà cũng ngon hơn. Cho gà vào luộc, đậy nắp, đun sôi rồi để lửa nhỏ lăn tăn.

Khi thấy gà nổi  lên, có nước tiết ra màu vàng béo ngậy thì dùng đũa kiểm tra. Nếu không thấy nước đỏ tiết ra nghĩa là gà đã chín. Bạn vớt gà ra nhúng vào thau nước sôi để nguội. Sau đó cho một ít mỡ gà lên để tạo độ béo mọng cho chú gà luộc.

Đặt gà đã luộc chín lên đĩa to, tháo dây bày trí ngay ngắn sao cho cổ gà hướng lên, hai cánh khép chặt vào mình, chân co lại. Trên mỏ gà bạn cài một bông hoa hồng đỏ nữa là hoàn thành.

Vị trí đặt gà cúng đêm Giao thừa trong nhà, ngoài sân

Khi cúng gà đêm Giao thừa ở ngoài sân, gà cúng đặt đầu hướng ra đường để đón quan Tân niên Hành Khiển của năm mới cũng như tiễn quan Hành Khiển năm cũ.

Cách đặt gà cúng ngậm hoa hồng trên bàn thờ quan niệm chung là sẽ đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được gọi là “Chầu phục” (con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu). Không nên đặt gà quay đầu ra cửa, vì theo quan niệm đó là tư thế gà “không chịu chầu”.

Bày gà cúng nếu hướng đầu gà ra phía ngoài tuy đẹp, nhưng phần phao câu lại hướng vào án thờ, đó là sai cách. Đặt gà hướng vào trong thì phao câu chổng ra ngoài cũng mất mỹ quan. Vậy nên, khi đặt gà cúng, bạn nên đặt hướng 30 - 45 độ, đầu gà hướng về bàn thờ là đẹp nhất.

Xem thêm:
Vì sao có tục xông đất ngày đầu năm?
Tìm hiểu về mâm ngũ quả, cách bày trí và lưu ý cần nhớ
Tài lộc, may mắn bủa vây với 120 câu đối Tết ý nghĩa

Một số lưu ý khi đặt gà ngậm hoa hồng cúng Giao thừa

Cúng gà luộc đêm Giao thừa là một phong tục có từ lâu đời. Hiện nay nhiều gia đình vẫn giữ được truyền thống cúng gà vào đêm 30 Tết như một nét truyền thống Tết cổ truyền.

Ý nghĩa tục cúng gà ngậm hoa hồng đêm Giao thừa 3
Một số lưu ý cần nhớ khi cúng gà luộc ngậm hoa hồng - Ảnh: Internet

Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi cúng gà đêm Giao thừa:

  • Gà cúng nên để nguyên con.
  • Chỉ chọn cúng gà trống, không cúng gà mái hay gà trống thiến.
  • Không cúng gà đã đặt cắt thành miếng nhỏ, vừa không đẹp mắt vừa thiếu sự trang nghiêm.
  • Miệng gà cúng nên ngậm thêm hoa hồng đỏ để cầu sung túc, may mắn. Tránh việc dùng hoa hồng trắng hoặc vàng để thay thế.
  • Nếu không có hoa hồng đỏ thì có thể lược bỏ, chỉ cúng gà trống luộc.

Gà ngậm hoa hồng vốn là một vật phẩm thường thấy trong các mâm cỗ cúng với ý nghĩa cầu may mắn, khỏe mạnh, bình an. Dựa theo tín ngưỡng dân gian mà gà trống đã được chọn làm vật phẩm cúng đêm Giao thừa, tập tục ngày được lưu truyền theo thời gian và dần trở thành một nét đặc trưng của ngày Tết.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận