Trong Phật Giáo, Hỷ là một trong Tứ Vô Lượng Tâm, bốn phẩm chất cao quý của bậc Thánh. Vậy còn trong đời sống, hoan hỷ là gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa hoan hỷ trong bài viết dưới đây.
Hoan hỷ là gì?
Hoan hỷ là sự vui vẻ, đẹp lòng với tâm trạng hân hoan mà an tịnh, thoải mái, nhẹ nhàng và thanh thoát. Tất cả niềm vui mừng và hạnh phúc đều được thể hiện trên nét mặt, hành động và lời nói.
Ý nghĩa đích thực của hoan hỷ có thể được dùng trong tất cả mọi mặt của đời sống, bao gồm: công việc, tình cảm, gia đình và những mối quan hệ khác.
Tuy nhiên, để có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của từ hoan hỷ lại không phải là điều dễ dàng. Xét theo nghĩa của từ, “hoan” có nghĩa là niềm hân hoan và “hỷ” có nghĩa là hạnh phúc. Theo đó, hoan hỷ chính là niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời mỗi người.
Hoan hỷ cũng có thể hiểu là chấp nhận và đón nhận tất cả những biến cố, sự kiện xảy đến với mình bằng một tâm thế lạc quan, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Để đạt được nhiều điều này, bản thân mỗi người cần phải có:
- Tinh thần lạc quan, vui vẻ: Nếu giữ được một tinh thần thoải mái, vui vẻ, yêu đời trong mọi hoàn cảnh thì dù mọi việc có không tốt đến đâu ta cũng sẽ tìm được cách giải quyết hợp tình, hợp lý, mang lại kết quả tốt đẹp.
- Tươi cười: Dân gian có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” với ngụ ý rằng nụ cười mang lại cho ta rất nhiều lợi ích sức khỏe cũng như tinh thần.
- Luôn hạnh phúc: Khi ta tin tưởng vào những điều tốt lành thì kết quả mang lại sẽ là niềm hạnh phúc to lớn.
Với những ý nghĩa này, ta có thể đón nhận mọi thứ xảy ra trong cuộc sống bằng một thái độ hoan hỷ. Từ đó, bản thân dễ dàng cảm nhận và tận hưởng những điều tốt đẹp, cũng như mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh.
Ý nghĩa “hoan hỷ” trong Phật giáo
Trong Phật giáo, “hoan hỷ” (tiếng Phạn: Mudia) được hiểu là niềm vui, niềm tự hào của các bậc sinh thành trong việc nuôi dạy con cái thành đạt trong cuộc sống.
Tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái là bao la rộng lớn. Những người làm cha làm mẹ đã bỏ biết bao nhiêu sự nhọc nhằn, thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con thành người. Khi con cái trưởng thành yên bề gia thất, có công danh sự nghiệp trong tay khiến cha mẹ vui vẻ, an lòng. Từ đó, chúng ta nhận ra người có tâm hoan hỷ sẽ vui vẻ, hạnh phúc khi làm được điều tốt đẹp cho người khác.
Kinh Phật cũng đề cập đến việc hoan hỷ là trạng thái khiến con người vui vẻ, tồn tại những cảm xúc thăng hoa để tận hưởng và chia sẻ với mọi người xung quanh. Nó khiến cho cuộc sống chúng ta trở nên nhiều màu sắc hơn.
Hoan hỷ giống như một niềm vui vô bờ bến, lan tỏa hạnh phúc cho mọi người. Tìm đến hoan hỷ và lan tỏa cho cộng đồng là phương pháp rèn luyện tốt nhất. Khi người tu hành cảm nhận được niềm vui, những điều tốt đẹp cho mọi người đó chính là bài học quan trọng nhất của hoan hỷ trong giáo lý Phật giáo.
Xem thêm:
Vô thường là gì? Ý nghĩa của cuộc sống vô thường với tâm thức con người
Vô ngã là gì? Ý nghĩa của vô ngã trong Phật giáo và cuộc sống
Học cách buông bỏ để có được một cuộc đời hạnh phúc, bình yên
Hoan hỷ oan gia là gì?
Nếu như hoan hỷ mang lại cho chúng ta niềm vui, tâm trạng tốt đẹp thì hoan hỷ oan gia lại là một thách thức khó khăn đối với mỗi người. Vậy hoan hỷ oan gia là gì?
Hoan hỷ oan gia là một khái niệm tồn tại trong đạo Phật. Chúng thường liên quan đến những phiền toái, khó chịu trong cuộc sống gây trở ngại cho con người. Một người nếu rơi vào trạng thái hoan hỷ oan gia sẽ luôn cảm thấy rắc rối và không thể thoải mái trong cuộc sống.
Có rất nhiều dạng oan gia khác nhau trong hoan hỷ như các quan hệ trong gia đình, công việc, hoạt động xã hội,… Mỗi loại đều mang đến những tình huống khác nhau, nhưng tất cả chúng đều khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, nặng nề và khó buông bỏ.
Theo giáo lý nhà Phật, mỗi người cần học cách buông bỏ oan gia thông qua việc rèn luyện tâm hoan hỷ. Khi có tâm trạng hạnh phúc, mỗi người sẽ mang đến niềm vui cho người khác, không còn suy nghĩ tiêu cực, đối xử bình đẳng, bác ái với mọi người. Điều này sẽ giúp tất cả mọi người sẽ tránh khỏi sự khổ đau và cảm nhận được tinh thần tự do, xóa bỏ oan nghiệp.
Lợi ích của niềm vui hoan hỷ
Người nào rèn được cho mình tâm hoan hỷ sẽ có được một cuộc sống bình yên, an vui ,hạnh phúc.
Hoan hỷ giúp bản thân không còn chán chường
Hoan hỷ giúp mỗi người không còn cảm giác phiền não, mệt mỏi, buồn chán trong cuộc sống.
Khi ta không thể hòa nhập với mọi người xung quanh cảm giác buồn chán sẽ xuất hiện. Thế nhưng, khi ta biết cách thực hành hoan hỷ, ta sẽ có thể tạo ra một nguồn sinh lực dồi dào, giúp xóa tan cảm giác nhàm chán, tâm lý tiêu cực xuất hiện trong đầu.
Hoan hỷ hình thành trí tuệ
Hoan hỷ cũng là cách giúp ta đánh giá mọi chuyện xung quanh theo hướng khách quan nhất có thể. Hoan hỷ chính là nền móng giúp cho của một số phẩm chất cao quý phát triển và nó cũng cần thiết cho sự giác ngộ.
Quan hệ, công việc và những thử thách cuộc sống sẽ cho biết trình độ, sự hiểu biết của mỗi người đang ở mức độ nào. Việc thành tâm hoan hỷ theo giáo lý Phật giáo cũng là cách để giúp mỗi người có được trí tuệ khai sáng, tâm linh thuần khiết.
Xem thêm:
Hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc?
Tử tế là gì? Ý nghĩa của việc sống tử tế mỗi ngày với cuộc sống
An nhiên là gì? Liệu có cuộc sống an nhiên tự tại giữa cuộc sống hiện đại?
Cách nuôi dưỡng một tâm hồn hoan hỷ
Nuôi dưỡng lòng hoan hỷ không chỉ giúp bản thân mỗi người được thoải mái trong tâm hồn, hạnh phúc, vui vẻ với những gì đang có mà còn giúp nâng cao phẩm giá, trí tuệ chính mình.
Do vậy, mỗi người có thể tự rèn luyện cho mình một trái tim hoan hỷ bằng những cách sau:
- Tự tạo cho bản thân sự hoan hỷ. Nghĩa là bạn đừng để bản thân bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài. Hãy biết chấp nhận và hài lòng với mọi điều xung quanh để tâm hồn bạn luôn vui vẻ.
- Loại bỏ cảm giác ích kỷ và ghen tỵ đang tồn tại bên trong, bởi chúng sẽ khiến cho mối quan hệ của mọi người trở nên xa cách. Hơn thế, một người nếu luôn sống trong sự ghen tị và ích kỷ sẽ rất mệt mỏi. Thay vì bạn luôn muốn tìm cảm giác chiến thắng trước người khác, bạn hãy cố gắng chiến thắng bản thân mình.
- Ngoài ra, tâm trạng buồn bực, khó chịu khi nhìn thấy người khác thành công cũng là rào cản trong việc xây dựng tâm hoan hỷ. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy vui vẻ chúc mừng vì sự nỗ lực, cố gắng của họ để tạo được chiến thắng chân chính cho bản thân mình.
Quá trình nuôi dưỡng một tâm hồn hoan hỷ cần phải thực hiện trong thời gian rất lâu và chỉ khi nào bạn đạt được trạng thái bình tâm trong đó ý về bản ngã, riêng biệt biến mất thì khi đó mới gọi là thành công.
Những câu nói hoan hỷ ý nghĩa
Hoan hỷ chính là con đường sáng để xóa bỏ mọi muộn phiền, sân si trong cuộc sống. Khi con người có tâm trạng hạnh phúc cũng sẽ mang lại niềm vui cho mọi người. Dưới đây là những câu nói hay về hoan hỷ chứa đựng ý nghĩa sâu sắc.
1. Bớt nghe, bớt nói, bớt nhìn
Cho tâm thanh tịnh, cho đời bình an
Bớt si, bớt giận, bớt than
Để tâm thanh tịnh bình an cho mình.
2. Tâm Phật luôn hỷ xả
Tha thứ cho mọi người
Gương mặt luôn vui tươi
Như hoa vừa mới nở
Ta cũng thường phải nhớ
Nở nụ cười trên môi
Hoan hỷ với cuộc đời
Tỏa ngát hương an lạc.
3. Hoan hỷ đón nhận mọi điều trong cuộc sống cũng chính là một cách tu.
4. Nụ cười là thứ mà chúng ta không cần phải cố gắng để có được, thế nhưng chính những nụ cười đó lại mang đến những thứ ta phải cố gắng mới đạt được một cách dễ dàng.
5. Người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào mà là một người có thái độ sống tốt trước bất kỳ hoàn cảnh nào.
6. Điều quý giá nhất trên cuộc đời này, không phải là của cải vật chất, mà chính là sự chia sẻ và niềm yêu thương vào lúc chúng ta gặp hoạn nạn, khó khăn.
7. Không cầu là quý, ít bệnh là thọ, đủ dùng là giàu, không dục vọng là phúc và cảm kích là hỷ.
8. Cuộc sống này tưởng dài nhưng lại vô cùng ngắn, vì vậy hãy biết trân trọng những thứ ta có trong đời.
9. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi.
10. Đôi khi niềm vui mang tới nụ cười, nhưng cũng đôi khi, chính nụ cười mang tới niềm vui.
Niềm vui cuộc sống thì có rất nhiều nhưng không phải niềm vui nào cũng được gọi là hoan hỷ. Sự vui thích khi có được những nguồn lợi vật chất không chính đáng hay sự hả hê trong cơn say hoặc niềm vui mừng khi thấy đối phương thất bại… đều không phải là “hoan hỷ”. Chỉ có niềm vui an tịnh, nhẹ nhàng, sâu lắng khi đã buông bỏ hết mọi vướng mắc, khổ đau mới là tâm hoan hỷ đích thực.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.