Ngày 26/4 hằng năm đều diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện và chiến dịch, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, quốc gia và tổ chức thế giới. Thông qua đó, kêu gọi cộng đồng hành động, chung tay thúc đẩy những thay đổi, kiến tạo một tương lai tốt đẹp và bền vững. Vậy 26/4 là ngày gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Ngày 26/4 là ngày gì?
26/4/1970 là ngày Công ước thiết lập Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Công ước Stockholm 1967) có hiệu lực. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới có tên tiếng Anh "World Intellectual Property Organization", viết tắt là WIPO, là một trong những cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc.
Tháng 10/1999, Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã thông qua tuyên bố lấy ngày 26/4 hằng năm để kỷ niệm Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới, bắt đầu từ năm 2000. Từ đó đến nay, đây là cơ hội lớn để thu hút sự quan tâm của công chúng, tổ chức, chính phủ cũng như nhiều phương tiện truyền thông về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (tiếng Anh: Intellectual Property Office of Viet Nam, viết tắt là IP Viet Nam) là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Cục Sở hữu trí tuệ vừa đảm nhiệm chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, vừa trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu của ngày 26/4 là gì?
Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 26/4 được tổ chức hướng đến mục tiêu:
- Nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp... tới cuộc sống thường nhật;
- Tăng cường hiểu biết về vai trò của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới;
- Tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu;
- Khuyến khích tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Một số hoạt động kỷ niệm ngày 26/4
Mỗi năm, WIPO và các nước thành viên tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng Ngày Sở hữu Trí tuệ thế giới, nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng về ý nghĩa thực sự của sở hữu trí tuệ và vai trò của hệ thống sở hữu trí tuệ trong việc phát triển, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật và giải trí, mà còn trong tất cả các sản phẩm và đổi mới công nghệ.
Hưởng ứng Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 26/4, nhiều địa phương, trường học, đơn vị đã tổ chức các hoạt động chào mừng, nhằm nâng cao nhận thức của cộng động về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong đời sống - xã hội. Cụ thể:
- Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, diễn đàn, tập huấn về quyền sở hữu trí tuệ
- Treo pano, băng rôn, áp phích khẩu hiệu tuyên truyền tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm phù hợp khác
- Tăng cường truyền thông qua các hình thức viết tin, bài; xuất bản các ấn phẩm chuyên ngành; thực hiện các phóng sự, phim tài liệu về sở hữu trí tuệ... đăng trên trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông, phát thanh, truyền hình, báo chỉ của Tỉnh / Thành phố, địa phương
- Tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực sở trí tuệ đóng tại địa phương
- Phát động các cuộc thi tìm hiểu về quyền sở hữu trí tuệ cho giới trẻ (các trường đại học, cao đẳng, trung cấp)
- Triển lãm giải pháp, mô hình đoạt giải trong các phong trào sáng tạo
- Biểu dương, tôn vinh quá trình lao động và cống hiến của đội ngũ cán bộ, nguyên cán bộ, công chức, viên chức Khoa học - Công nghệ...
Chủ đề của Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới qua các năm
Mỗi năm, Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới đều xoay quanh một chủ đề riêng, kêu gọi hành động vì hoạt động sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực hoặc khía cạnh tương ứng.
- 2001 - Tạo ra tương lai từ hôm nay
- 2002 - Khuyến khích tính Sáng tạo
- 2003 - Hãy làm cho Sở hữu trí tuệ thành việc kinh doanh của bạn
- 2004 - Khuyến khích tính Sáng tạo
- 2005 - Suy nghĩ, Hình dung, Sáng tạo
- 2006 - Bắt đầu bằng một Ý tưởng
- 2007 - Khuyến khích tính Sáng tạo: Mối quan hệ giữa tài sản trí tuệ và sự sáng tạo
- 2008 - Biểu dương sự đổi mới và thúc đẩy sự tôn trọng Sở hữu trí tuệ
- 2009 - Sự đổi mới xanh
- 2010 - Đổi mới - Kết nối thế giới
- 2011 - Thiết kế Tương lai
- 2012 - Tôn vinh các nhà sáng tạo có tầm nhìn xa
- 2013 - Sáng tạo: Thế hệ tiếp theo
- 2014 - Điện ảnh: Niềm đam mê toàn cầu
- 2015 - Thức tỉnh và hành động vì âm nhạc
- 2016 - Sáng tạo số: Tái hiện văn hóa
- 2017 - Đổi mới sáng tạo - Cải thiện cuộc sống
- 2018 - Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo
- 2019 - Vươn tới giải vàng: Sở hữu trí tuệ và Thể thao
- 2020 - Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh
- 2021 - Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường
- 2022 - Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn
- 2023 - Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- 2024 - Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 26/4
Ngày này năm xưa đã diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng, tác động sâu sắc đến dòng chảy lịch sử trong nước và thế giới.
Sự kiện trong nước
- Ngày 26/4/1955: Trường Huấn luyện bờ bể, tiền thân của Học viện Hải quân ngày nay, được thành lập, đánh dấu sự ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của một trung tâm đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học của Quân chủng Hải quân và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ của Trường Huấn luyện bờ bể là huấn luyện, đào tạo cán bộ, thủy binh cho các thủy đội và đài quan sát, đồng thời tham gia nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và hoạt động của lực lượng thủy binh.
- Ngày 26/4/1962: Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về cuộc vận động "nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu", gọi tắt là cuộc vận động "ba xây, ba chống".
- Ngày 26/4/1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Đây là chiến dịch quyết chiến chiến lược lớn nhất của quân và dân ta, đánh vào trung tâm đầu não quan trọng nhất của chính quyền, quân đội ngụy ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng phụ cận, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
- Ngày 26/4/1976: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Năm 1979, Viện nghiên cứu hạt nhân được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và năm 1984 đổi tên thành Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia. Từ năm 1993, Viện chuyển về Bộ Khoa học - Công nghệ và môi trường và lấy tên là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế quốc dân và trong đời sống.
Sự kiện thế giới
- Ngày 26/4/1994: Chiếc Airbus A300-600 của hãng Hàng không Trung Quốc China Airlines đã nổ tung trong lúc hạ cánh xuống sân bay Nagoya, miền Trung Nhật Bản. Vụ tai nạn khiến hơn 260 người thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không tồi tệ thứ hai trong lịch sử nước Nhật.
- Ngày 26/4/1994: Lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Nam Phi đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ không biệt màu da.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: "26/4 là ngày gì?". Trong thời đại hiện nay, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng, là nền tảng thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Từ đó góp phần vào sự phát triển nền kinh tế tri thức.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.