Chờ...

Vị kỷ là gì? Sự khác nhau giữa vị kỷ, ích kỷ và vị tha

VOH - Vị kỷ là một khái niệm về tính cách, tâm lý mà ai cũng dễ dàng gặp phải trong cuộc sống. Vậy vị kỷ là gì? Vị kỷ, ích kỷ và vị tha khác nhau thế nào?

Vị tha và ích kỷ là những khái niệm quen thuộc miêu tả tính cách của con người. Một khái niệm khác có mối tương quan mật thiết đến hai khái niệm trên chính là vị kỷ. Nếu có thể dễ dàng phân định tốt xấu trong tính cách của người vị tha hay ích kỷ, tính vị kỷ có phần phức tạp hơn.

Trong bài viết này, cùng VOH tìm hiểu vị kỷ là gì? Người có lối sống vị kỷ là tốt hay xấu? Sự khác biệt giữa các tính cách trên là gì?

Vị kỷ là gì?

Theo Chuyên gia Ngôn ngữ Phạm Văn Tình giải thích, vị kỷ (爲己) là một từ Hán Việt. Trong đó:

  • "Vị" (爲) là vì.
  • "Kỷ" (己) là mình.

Như vậy, vị kỷ là vì bản thân mình. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê cũng lý giải, vị kỷ là chỉ biết chăm lo đến lợi ích của cá nhân mình, coi nhẹ lợi ích của người khác, của tập thể, của xã hội. 

Ví dụ như lối sống vị kỷ, đầu óc vị kỷ của anh ta làm mọi người xa lánh.

Vị kỷ là gì? Sự khác nhau giữa vị kỷ, ích kỷ và vị tha 1
Vị kỷ nghĩa là vì bản thân mình, mình là sự ưu tiên của mình - Ảnh: Canva

Tâm lý vị kỷ là gì?

Tâm lý vị kỷ cho rằng con người luôn được thúc đẩy bởi những tư lợi và ích kỷ cá nhân, ngay cả trong những hành động dường như là của lòng vị tha. Ví dụ như khi một người chọn cách giúp đỡ người khác, họ làm vậy là vì lợi ích cá nhân mà chính bản thân họ mong đợi có được, trực tiếp hay gián tiếp, từ việc làm đó. 

Triết lý của chủ nghĩa vị kỷ là: “Tôi là điều quan trọng nhất. Hạnh phúc của tôi là thiết yếu và đau khổ của tôi phải được loại bỏ trước”.

Ta có thể hiểu đơn giản rằng, tâm lý vị kỷ chính là những hành động mà chúng ta làm là để thỏa mãn hạnh phúc của mình. Ta giúp đỡ người khác để nhận được sự biết ơn hoặc để chứng tỏ mình là người hào phóng. Ta làm việc tốt vì muốn có được cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm. Theo thuyết vị kỷ, suy cho cùng, những điều ta làm trong cuộc sống đều là vì mình.

Xem thêm:
Bao dung là gì? Sống bao dung độ lượng có lợi ích gì?
Khoan dung là gì? Người có lòng khoan dung sẽ nhận được điều gì?
Trí trá là gì? 6 kiểu người trí trá bạn thường xuyên gặp phải

Tình yêu vị kỷ là gì?

Tình yêu thương vị kỷ là tình yêu xuất phát từ bản ngã. Tức là, khi yêu nhưng luôn muốn dành những lợi ích cho riêng mình. Đây là cách chúng ta yêu một người nhưng cũng đồng thời muốn biến người đó thành "vật sở hữu".

Chúng ta kiểm soát đối tượng mình yêu, đặt điều kiện cho người đó phải tuân theo. Khi chúng ta yêu một người theo cách vị kỷ, ta sẽ luôn muốn người đó có suy nghĩ và hành động phù hợp với kỳ vọng và niềm tin của bản thân. Khi kết quả thực tế không như tưởng tượng, người đó không biểu hiện giống với những gì bạn nghĩ, phiền não sẽ lập tức phát sinh.

Ví dụ như, một người mẹ yêu thương con mình rất nhiều nhưng lại mong muốn con mình phải trở thành hình mẫu nào đó. Người con không được là chính mình, phải đáp ứng những điều kiện mà người mẹ mong cầu. Đây là tình yêu vị kỷ.

Yêu nhau nhưng luôn mong muốn đối phương phải trở thành người mà mình muốn, không cho phép người đó được yêu theo bản năng, đó cũng là tình yêu vị kỷ.

Vị kỷ là gì? Sự khác nhau giữa vị kỷ, ích kỷ và vị tha 2
Tình yêu vị kỷ là mong muốn người mình yêu phải sống như ý mình muốn - Ảnh: Canva

Sự khác biệt giữa vị kỷ, ích kỷ và vị tha

Vị tha

Vị tha là vì người khác. Trong mọi chuyện, người vị tha luôn nghĩ cho người trước khi nghĩ cho mình. Họ đặt lợi ích bản thân phía sau lợi ích chung của người khác, của tập thể. Họ luôn đặt mình vào vị trí của một người để hiểu và cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của những người đó.

Lòng vị tha thuần túy là hy sinh thứ gì đó, ví dụ như thời gian, tiền bạc, tài sản,... cho người khác mà không mong được đền bù hay lợi ích, dù trực tiếp hay gián tiếp. Những người vị tha luôn nhìn người khác bằng sự rộng lượng. Họ luôn tha thứ cho lỗi lầm của người khác và cảm thấy nhẹ nhõm vì điều đó.

Vị kỷ

Vị kỷ là vì mình. Người vị kỷ chưa hẳn là tham lam hay keo kiệt. Họ chỉ đơn giản là người sống vì bản thân.

Người vị kỷ có thể bỏ ra nhiều của cải, công sức để làm việc tốt, miễn là việc đó mang lại điều gì đó có lợi cho họ. Họ cũng không chủ đích làm hại người khác miễn là việc đó không ảnh hưởng đến mình.

“Hãy vì mình, miễn sao không làm hại ai là được" là một ranh giới khá nguy hiểm, mong manh. Người vị kỷ không xấu nhưng có nhiều khả năng sẽ làm việc xấu để bảo vệ lợi ích bản thân khi cần thiết.

Vị kỷ là gì? Sự khác nhau giữa vị kỷ, ích kỷ và vị tha 3
Vị tha, vị kỷ, ích kỷ có ranh giới rất mong manh - Ảnh: Canva

Ích kỷ

Ích kỷ là chỉ biết cái lợi cho bản thân. Người ích kỷ là những người sẵn sàng bất chấp thủ đoạn, kể cả tình người để bảo vệ lợi ích của mình. Họ sẽ là những người bủn xỉn, keo kiệt vật chất và tình thương, sẵn sàng trục lợi trên xương máu của người khác. Người ích kỷ sẽ làm khổ người khác và cũng thu hẹp cuộc đời của chính họ trong cái giếng sâu của tội lỗi.

Như vậy, mỗi người nên học tính vị tha, không nên ích kỷ và nếu đã chọn cách sống vị kỷ thì hãy cẩn thận. Bạn sẽ rất dễ trở thành ích kỷ khi có cơ hội. Đừng để tính vị kỷ lấn át sự cân bằng giữa lý trí và tình yêu thương.

Lối sống vị kỷ - nên "vì mình" nhưng đừng ích kỷ

Chúng ta luôn được dạy rằng nên biết tập trung vào chính mình để có thể thấu hiểu và phát triển bản thân một cách toàn diện. Tuy nhiên, từ yêu thương bản thân đến vị kỷ, từ vị kỷ đến ích kỷ, những ranh giới này rất mong manh.

Vị kỷ để tập trung vào bản thân

Vị kỷ là khi hành động luôn hướng về lợi ích của bản thân, đặt mình làm trung tâm. Nếu coi bản thân là trung tâm, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn, có nhiều nguồn lực và động lực hơn để vươn xa hơn.

Khi lấy bản thân làm trung tâm, bạn có thể lắng nghe nhu cầu của chính bạn. Nó sẽ khiến bạn trở thành một người trưởng thành hơn và hạnh phúc hơn.

Sống vì mình nhưng đừng ích kỷ

Sống vì mình, yêu thương bản thân mới là gốc của sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cần biết yêu thương bản thân đúng cách để hạn chế được tính tư lợi phát sinh. Nếu không kiểm soát được và để vị kỷ trở thành ích kỷ, bạn sẽ đánh mất chính mình và đánh mất luôn cả những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh.

Xem thêm:
Danh ngôn, câu nói hay về lòng vị tha, khoan dung, tha thứ
Những câu nói về sự ích kỷ trong cuộc sống, status sống ích kỷ chỉ biết mình
Ích kỷ là gì? Đừng yêu nếu bạn là một kẻ ích kỷ

Người vị kỷ tốt hay xấu?

Trong cuộc sống, có những sự vật, sự việc rất khó phân định đúng sai. Mỗi câu chuyện, tình huống đều có hai mặt. Vậy người có lối sống vị kỷ là tốt hay xấu?

Sống mà chỉ biết cho riêng bản thân mình thì chắc chắn là điều không tốt. Nếu như trong xã hội này ai cũng chỉ biết sống cho riêng mình, không biết sẻ chia, không có lòng nhân ái thì xã hội này sẽ chẳng còn tình người. 

Nhưng nếu như nhìn nhận một cách khách quan, đôi khi cuộc sống sẽ có những lúc cần phải vị kỷ. Tâm lý vị kỷ giúp con người tập trung vào một điều tốt nhất. Xã hội này vận hành không chỉ nhờ vào tình thương yêu mà còn đánh trúng được vào tâm lý vị kỷ của người khác.

Nếu bạn không vị kỷ, không biết ưu tiên bản thân mình trước, bạn sẽ chẳng có đủ thời gian và tiềm lực để phát triển bản thân. Bởi hãy vì chính mình mà sáng tạo trước đã, để có rồi hẵng cho. Bạn sẽ không thể cho đi điều gì nếu bản thân bạn không có điều đó. Và để có được những điều tốt đẹp, bạn cần tập trung vào chính mình.

Vị kỷ là gì? Sự khác nhau giữa vị kỷ, ích kỷ và vị tha 4
Người có tính vị kỷ sẽ là những người yêu bản thân mình nhất - Ảnh: Canva

Bên cạnh đó, tâm lý vị kỷ cũng thúc đẩy tâm lý cạnh tranh. Cạnh tranh là gốc rễ của sự phát triển. Nếu không có cạnh tranh, bạn sẽ không có động lực để sáng tạo, để tìm ra cái mới, chỉ đi theo lối mòn hoặc chấp nhận yên vị tại chỗ. Đừng vội áp đặt những tư tưởng vị nhân sinh (vì người khác) lên mọi người. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy quá trình tư duy, giúp cá nhân có thể phát triển và góp sức tạo ra tài nguyên cho cả tập thể.

Xét cho cùng, ta không nên tách rời lợi ích của riêng mình với lợi ích chung. Hãy lắng nghe, suy xét, trân trọng những ý tưởng của chính mình. Sau đó, từ những ý tưởng mà mọi người cùng đóng góp sẽ giúp cả tập thể tạo ra những giá trị dài hạn. Cùng với quá trình đó, mỗi cá nhân cũng có được cho mình sự trưởng thành, trải nghiệm và những triết lý sống phù hợp với mục tiêu của bản thân.

Như vậy, không có chủ nghĩa nào là toàn vẹn, là chân lý. Không thể phân định rõ ràng người vị kỷ là tốt hay xấu. Chính chúng ta phải tự tìm ra chân lý của chính mình và đừng để bản thân nghiêng về những tính cách có xu hướng tiêu cực hoàn toàn, chẳng hạn ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ nhen.

Trên đây là những giải thích của VOH về tâm lý vị kỷ là gì cũng như những thông tin có liên quan. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về một tính cách, lối sống phổ biến trong xã hội mà đôi khi chính chúng ta cũng không nhận ra mình mắc phải. Sống vì mình là điều nên làm, nhưng cũng nên có sự cân nhắc để tránh trở thành người có thể vì lợi ích của bản thân mà gây ảnh hưởng người khác. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu con người có thể cân bằng được vị kỷ và vị nhân sinh.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.