Lẩu luôn là món ăn ưa thích trong những buổi gia đình tụ họp hay những cuộc vui cùng bè bạn. Ngồi bên nồi lẩu bốc khói nghi ngút, thơm phức vừa trò chuyện thân tình thì còn gì bằng. Tuy nhiên, nếu buổi tiệc lẩu ấy kéo dài đấn tận 4-5 tiếng đồng hồ cũng có thể khiến bạn sinh bệnh.
Thói quen vừa ăn lẩu, vừa nhâm nhi, trò chuyện dần trở nên phổ biến, có khi 3-4 tiếng mới xong bữa, điều này không tốt cho sức khỏe. Bạn chỉ nên ăn lẩu trong vòng hai giờ trở lại.
Việc kéo dài thời gian ăn sẽ khiến dạ dày phải làm việc liên tục, các dịch vị, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể, có thể gây rối loạn tiêu hóa. Thời gian ăn kéo dài cũng có thể khiến lượng thực phẩm nạp vào cơ thể nhiều hơn, dễ gây tăng cân. Đặc biệt, nước lẩu rất giàu chất béo và cholesterol, sử dụng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bệnh gout và tăng axit uric máu.
Để dạ dày hấp thụ sinh dưỡng tốt hơn, nên uống một chút nước lọc trước bữa ăn, sau đó tiêu thụ rau, cuối cùng mới đến thịt. Khi ăn, nên thái mỏng thực phẩm, nhúng chín hoàn toàn với thời gian khoảng một phút. Với thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc, hay thực phẩm dạng viên, cần nhúng trên 5 phút khi nồi nước lẩu đang sôi.

Ăn quá nóng: Nhiều người thích ăn lẩu do cảm giác tươi ngon, "nóng hổi vừa thổi vừa ăn", nhưng chính như thế là lý do gây hại cho sức khỏe chính mình. Lớp niêm mạc trong khoang miệng, thực quản và dạ dày chỉ có thể chịu được nhiệt tối đa 50oC. Ăn đồ quá nóng sẽ làm phỏng lớp niêm mạc miệng, lưỡi, thực quản.
Ăn cay: Tác hại của ăn lẩu cay tác động trực tiếp đến dạ dày và đường ruột. Vị cay của lẩu gây kích thích thực quản, sau đó nhanh chóng đi vào bao tử, ruột non,... kích thích bao tử sinh ranhiều acid dịch vị gây đầy hơi, gây kích ứng nghiêm trọng lớp niêm mạc đường tiêu hóa.
Đặc biệt, với người bị bệnh trĩ hoặc táo bón rất dễ tái phát do các cơ vòng xung quanh hậu môn bị kích thích xung huyết quá mức, người táo bón sẽ càng thêm táo hơn.
Nước lẩu quá nhiều đạm: Hầu hết nguyên liệu các món lẩu đều sử dụng các chất đạm cao như heo, bò, hải sản... ăn quá nhiều dễ dẫn đến tăng mỡ máu, sỏi mật, loét tá tràng, khoang miệng, loét, viêm nướu, trĩ và các bệnh khác. Nước lẩu sôi liên tục trong thời gian lâu các nguyên liệu sẽ bị khét, kết hợp với gia vị và các chất béo sẹ xảy ra phản ứng hóa học, sinh ra nhiều chất độc hại cho gan, thận và hệ tiêu hóa.
Không nên ăn lẩu liên tục nhiều lần trong tuần vì tần suất này có thể ảnh hưởng hệ tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng. Để điều độ, chỉ nên ăn lẩu với khoảng cách thời gian 1-2 tuần một lần. Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, sau khi ăn lẩu nên uống thêm nước trắng hoặc nước trà đặc để pha loãng bớt vị cay, giảm bớt kích ứng cho dạ dày, từ đó cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.