Không chỉ đơn giản “tô điểm” cho món ăn thêm đẹp mắt cũng như góp phần làm trọn vẹn hương vị, những cọng hành lá xanh mướt còn cung cấp khá nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin K, vitamin B hay nhóm chất chống oxy hóa mạnh carotenoid. Tuy nhiên để hấp thu hiệu quả các chất dinh dưỡng quý giá này, chúng ta phải đảm bảo sử dụng đúng liều lượng và thật khoa học.
1. Ăn hành lá nhiều có tốt không?
Thêm thắt chút màu xanh bắt mắt của hành lá có thể sẽ tạo cảm hứng cho bạn khi thưởng thức món ăn và thấy ăn ngon miệng hơn. Song theo các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, thực tế ăn hành lá nhiều không tốt cho sức khỏe. Khi chế biến, bạn chỉ nên dùng khoảng 50 – 70g hành lá vào mỗi món ăn là hợp lý nhất, điều này sẽ giúp bạn không gặp phải các tác hại của hành lá dưới đây:
1.1 Gây mùi cơ thể
Giống như hành tây hay hành tím, trong hành lá cũng có chứa một lượng lớn hoạt chất lưu huỳnh – tác nhân chính khiến cơ thể bạn tỏa ra mùi hương không mấy dễ chịu. Theo đó, lượng lưu huỳnh sau khi được hấp thu vào sẽ thấm vào máu và luân chuyển đi khắp cơ thể, rồi giải phóng qua lỗ chân lông trên bề mặt da, đẩy bạn rơi vào tình trạng bị “nặng mùi”.
Ngoài ra, nếu liên tục sử dụng quá nhiều hành lá, mùi hương này sẽ “tồn đọng” ngay trong khoang miệng cả vài ngày sau đó và rất dễ gây hôi miệng.
1.2 Dễ bị bốc hỏa
Trong y học cổ truyền, hành lá được xếp vào nhóm dược liệu có tính ấm, vị hăng cay, thường thích hợp với người đang điều trị cảm lạnh. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, nếu bạn thích ăn và thường xuyên ăn với lượng lớn thì đôi khi sẽ gặp phải tác dụng ngược, dễ bị bốc hỏa, bứt rứt, nóng trong người vô cùng khó chịu.
Xem thêm: 11 thói quen xấu gây nóng trong người nhiều người mắc phải mà không hề hay biết
1.3 Ảnh hưởng tới thị lực
Tới nay các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và chưa đưa ra kết quả chính xác về tác động của việc ăn hành lá tới việc suy giảm thị lực. Song dù vậy, giống như khi ăn đồ quá cay nóng, nếu bạn tiếp nạp một lượng lớn hành lá, bạn sẽ cảm thấy hoa mắt và mắt mờ đi.
Vì thế, để hạn chế mắc những vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến thị giác, lời khuyên là nên kiểm soát dùng lượng hành lá ở mức an toàn.
2. Ăn hành lá sống được không?
Thông thường chúng ta sẽ cắt hành lá và đun nấu chín cùng các món ăn nhưng thực tế bạn vẫn có thể nhai trực tiếp, ăn hành lá sống được. Đặc biệt, trong Đông y, phần nước cốt của hành lá sống còn được tận dụng để cầm máu hoặc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ đấy nhé.
Xem thêm: Ăn hành lá sống như thế nào tốt cho sức khỏe mà không bị hôi miệng?
3. Hành lá kỵ gì?
Có lẽ bạn cho rằng khi chế biến món ăn, cần thêm hành lá “điểm xuyết” vào thì mới đảm bảo độ thơm ngon và hấp dẫn. Thế nhưng điều này không hoàn toàn đúng, bởi hành lá kỵ với một số thực phẩm sau mà bạn cần tránh kết hợp cùng:
3.1 Không sử dụng hành lá cùng với thực phẩm giàu canxi
Trong hành lá có chứa axit oxalic và chất này sẽ chuyển hóa thành canxi oxalat khi được chế biến chung với các loại thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như hải sản. Do đó, bạn nên hạn chế cho hành lá vào những món ăn với nguyên liệu chính là các thực phẩm giàu canxi, để hạn chế nguy cơ hình thành sỏi thận.
3.2 Không kết hợp các món ăn có hành lá và mật ong
Hành lá có thể dùng để kiểm tra mật ong thật hay giả nhưng khi chế biến ẩm thực thì không nên để chúng “đi cùng nhau”. Hành lá và mật ong khi kết hợp với nhau sẽ tăng tiết các hoạt chất không có lợi cho sức khỏe, dễ gây chướng bụng, khó tiêu.
Xem thêm: Mẹo nhận diện mật ong thật hay giả cực đơn giản, cực chuẩn được chia sẻ bởi bác sĩ nổi tiếng
4. Một số lưu ý khác cần biết khi ăn hành lá
Cùng với việc điều chỉnh liều lượng hành lá phù hợp, khi sử dụng hành lá cũng chú ý một số điều sau:
4.1 Không ăn hành đã bị nhũn mềm
Bạn nên lựa mua hành lá còn nguyên phần củ trắng, phần ngọn hành xanh tươi, không bị nhũn mềm hoặc bị ngả màu. Ngoài ra, sau khi mua về, nếu muốn bảo quản lâu, bạn hãy rửa sạch, cắt phần ngọn xanh riêng rồi cấp đông, phần củ trắng thì ngâm nước để ngăn mát.
4.2 Hạn chế ăn khi có tiền sử dị ứng
Hành lá không phải thực phẩm mà ai cũng có thể ăn được, nhất là với đối tượng có tiền sử dị ứng với chất allyl. Hoạt chất này khi vào cơ thể sẽ kích hoạt histamine, khiến bạn cảm thấy ngứa họng, phát ban đỏ, thậm chí có thể bị sốc phản vệ.
Tưởng chừng chỉ là loại “gia vị” đơn thuần nhưng nếu chúng ta không sử dụng hành lá với lượng hợp lý thì các ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, hãy nằm lòng các khuyến cáo an toàn trong bài viết trên đây khi dùng hành lá nêm nếm cho món ăn nhé!