Chờ...

Điểm qua 9 cách làm nước ép cỏ lúa mì đơn giản tại nhà

(VOH) – Ngoài các thành phẩm từ hạt lúa mì, nhiều gia đình đang ‘rỉ tai nhau’ bồi bổ với nước ép cỏ lúa mì. Song cách pha chế ra sao cũng như uống nước ép cỏ lúa mì có tác dụng gì? Cùng tìm hiểu nhé!

Cỏ lúa mì hay mầm lúa mì chính là phần thân và rễ của cây lúa mì non, mới sinh trưởng khoảng 8 – 12 ngày. Tuy nhiên thay vì vun trồng để thu hoạch hạt lúa mì, chúng ta có thể thu hái những cây non này rồi tận dụng để pha chế nước ép cỏ lúa mì.  

1. Hướng dẫn cách làm nước ép cỏ lúa mì

Cỏ lúa mì xanh mướt, thoạt nhìn khá “mỏng manh” nhưng lại mang đến hàm lượng dồi dào dưỡng chất, gồm các amino acid, khoáng chấtvitamin thiết yếu. Vậy nên không khó hiểu vì sao nước ép cỏ lúa mì đang được “đón nhận” khá nhiệt tình. Cùng tham khảo và “bỏ túi” 9 cách làm nước ép cỏ lúa mì cực kì đơn giản ngay sau đây bạn nhé!

1.1 Nước ép cỏ lúa mì nguyên chất

Nước ép cỏ lúa mì xanh mát, thơm dịu, vị nguyên bản ngọt thanh nên khá dễ uống. Đặc biệt, ly nước ép tươi mát này còn được xem như “diệu dược” giúp tăng cường sức đề kháng vô cùng hữu hiệu nữa đấy!

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-0
Nước ép cỏ lúa mì nguyên chất ngọt dịu (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì tươi: 100g
  • Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê
  • Đá viên

Cách làm nước ép cỏ lúa mì nguyên chất

  • Rửa sạch và ngâm cỏ lúa mì trong nước muối loãng khoảng 20 phút, vớt ra để ráo. Nếu cỏ quá dài thì nên cắt ngắn để khi xay dễ dàng hơn.
  • Đem ép cỏ lúa mì, chắt lấy phần nước và bỏ bã.
  • Nước ép sẽ ngon hơn khi hòa thêm mật ong và đá viên.

Xem thêm: Vì sao khách hàng sẵn sàng chi trả hàng triệu đồng cho một lọ mật ong Manuka?

1.2 Nước ép cỏ lúa mì mix cam

Thưởng thức ly nước ép cỏ lúa mì mix cam chua man mát, thơm thơm để bù đắp lượng vitamin C cho cơ thể, giữ tinh thần luôn sảng khái và đủ năng lượng hoạt động cả một ngày dài.

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-1
Nước ép cỏ lúa mì mix cam giàu vitamin C (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì tươi: 30g
  • Cam: 1 trái
  • Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê
  • Đá viên

Cách làm nước ép cỏ lúa mì mix cam

  • Ngâm rửa sạch cỏ lúa mì, sau đó cắt ngắn nếu cần. Đem ép cỏ lúa mì, chắt bỏ bã và giữ lấy nước ép. Nếu dùng máy xay sinh tố thì hãy cho thêm ít nước khi xay cỏ lúa mí, sau đó dùng rây lọc bỏ bã.
  • Rửa vỏ cam, cắt đôi trái và đem vắt nước, chú ý gạn bỏ hạt.
  • Cuối cùng hòa nước ép cỏ lúa mì vào nước ép cam, thêm chút mật ong, khuấy nhẹ tay là có thể thưởng thức.
  • Nếu muốn uống lạnh hãy thêm đá viên hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 20 – 30 phút.

Xem thêm: Nước ép cam – thức uống ‘quen mặt’ có 5 lợi ích sức khỏe này bạn đã biết hết chưa?

1.3 Nước ép cỏ lúa mì mix dứa (thơm)

Bên cạnh những trái cam mọng nước, bạn cũng có thể tiến hành mix nước ép cỏ lúa mì với dứa (thơm), hương vị cũng không kém phần hấp dẫn đâu!

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-2
Nước ép cỏ lúa mì mix dứa (thơm) chua chua ngọt ngọt (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì tươi: 30g
  • Dứa: 1/4 trái
  • Gừng: 1 – 2 lát
  • Mật ong

Cách làm nước ép cỏ lúa mì mix dứa (thơm)

  • Ngâm rửa sạch cỏ lúa mì, sau đó vớt để ráo.
  • Gọt vỏ dứa, cắt bỏ phần mắt dứa và cắt miếng mỏng.
  • Đem ép lần lượt cỏ lúa mì và dứa, gừng, chắt lấy nước ép, bỏ bã.
  • Nếm thử vị, nếu muốn uống ngọt hãy thêm chút mật ong.

Xem thêm: Học ngay 9 món ngon từ dứa – ăn lạ miệng, bổ dưỡng, dễ làm

1.4 Nước ép cỏ lúa mì non và cần tây

Bổ sung nước ép cỏ lúa mì non và cần tây vào thực đơn là một gợi ý khá lý tưởng cho bạn nếu đang thực hiện “chiến dịch” ăn kiêng, giảm cân.

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-3
Nước ép cỏ lúa mì non và cần tây hỗ trợ giảm cân hiệu quả (Nguồn: Internet)

 Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì tươi: 20 – 30g
  • Cần tây: 150g
  • Gừng: 1 – 2 lát
  • Mật ong
  • Đá viên

Cách làm nước ép cỏ lúa mì non và cần tây

  • Rửa sạch cần tây, cỏ lúa mì. Với cần tây nên rửa kĩ từng cọng và nên ngâm thêm trong nước muối loãng khoảng 2 – 3 phút để không còn chất nhớt, sau đó vớt lên rồi cắt thành từng khúc.
  • Lần lượt đem cần tây và cỏ lúa mì ép lấy nước. Cho thêm vài lát gừng ở bước cuối cùng để nước ép không bị đắng. Hòa thêm mật ong để dung hòa hương vị.
  • Nên thêm đá viên hoặc bảo quản trong tủ lạnh khoảng 15 phút để nước ép mát lạnh dễ uống hơn. 

Xem thêm: 6 cách làm nước ép cần tây giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe

1.5 Nước ép cỏ lúa mì mix táo và nho

Táo và nho vốn đã là “bộ đôi” cho ra đời hàng loạt món nước ép độc đáo, nhưng nếu kết hợp thêm với cỏ lúa mì thì hương vị của ly nước ép sẽ trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-4
Nước ép cỏ lúa mì mix táo và nhỏ độc đáo (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì tươi: 30g
  • Táo: 1 trái
  • Nho: 7 – 10 trái
  • Muối tinh
  • Đá viên

Cách làm nước ép cỏ lúa mì mix táo và nho

  • Ngâm rửa sạch các nguyên liệu gồm cỏ lúa mì, táo và nho. Tiếp đến vớt để ráo cỏ lúa mì rồi cắt khúc ngắn.
  • Gọt vỏ táo, cắt thành miếng nhỏ. Cắt đôi trái nho, bỏ hoặc lấy cả hạt nho tùy thích.
  • Đem ép hỗn hợp gồm lúa mì, táo và nho để lấy nước ép.
  • Nên thêm chút muối tinh và đá viên để tăng độ hấp dẫn.

Xem thêm: Chỉ 1 ly nước ép nho mỗi ngày cho da khỏe, dáng xinh, nâng cao sức khỏe

1.6 Nước ép cỏ lúa mì và nước dừa

Nước dừa ngọt thanh, hòa với nước ép cỏ lúa mì thơm ngát, tạo nên thức uống giàu khoáng chất và hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc cơ thể hiệu quả.

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-5
Nước ép cỏ lúa mì và nước dừa ngọt thơm (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì tươi: 30g
  • Nước dừa: 100ml

Cách làm nước ép cỏ lúa mì và nước dừa

  • Ngâm rửa sạch cỏ lúa mì với nước muối loãng từ 15 – 20 phút rồi để ráo nước.
  • Tiếp đến đem ép cỏ lúa mì lấy nước.
  • Hòa nước ép cỏ lúa mì và nước dừa. Nếu muốn uống lạnh thì hãy bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút, hạn chế cho đá sẽ làm mất vị ngọt tự nhiên của nước ép.

Xem thêm: Lưu lại công thức 9 món ngon từ dừa để cần là có ngay

1.7 Nước ép cỏ lúa mì dưa leo

Một trong những cách làm nước ép cỏ lúa mì dễ dàng ngay tại nhà mà bạn nhất định nên thử qua đó là nước ép cỏ lúa mì dưa leo. Vị ngọt mát của cỏ lúa mì, dưa leo, quyện với chút the the từ lá bạc hà – nhâm nhi một chút nhưng “đã” vô cùng.  

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-6
Nước ép cỏ lúa mì dưa leo giàu khoáng chất (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì: 30g
  • Dưa leo (dưa chuột): 2 trái
  • Muối tinh

Cách làm nước ép cỏ lúa mì dưa leo

  • Rửa sạch cỏ lúa mì và dưa leo, để ráo nước. Gọt vỏ dưa leo để vị nước ép không bị đắng, cắt thành các khúc nhỏ.
  • Đem ép cỏ lúa mì và dưa leo. Hòa thêm chút muối mằn mặn để vị nước ép dễ uống hơn.  

Xem thêm: Cập nhật 7 món ngon từ dưa leo để đổi vị cho bữa cơm gia đình

1.8 Nước ép cỏ lúa mì mix cà rốt

Nước ép cỏ lúa mì mix cà rốt với màu cam nâu lạ mắt, dậy mùi thơm từ mầm non và củ, càng uống càng ghiền!

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-7
Kết hợp cỏ lúa mì và cà rốt biến tấu một ly nước ép lạ mà ngon (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì: 30g
  • Cà rốt: 1 củ
  • Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê

Cách làm nước ép cỏ lúa mì mix cà rốt

  • Ngâm rửa sạch cỏ lúa mì và cà rốt. Sau đó cắt ngắn cỏ lúa mì, gọt vỏ cà rốt và cắt thành các khúc nhỏ.
  • Tiến hành ép cỏ lúa mì, cà rốt, lọc bỏ bã và giữ lại nước ép.
  • Nên thêm mật ong và bảo quản lạnh để nước ép thơm ngon hơn.

1.9 Nước ép cỏ lúa mì non việt quất

Trái việt quất chua chua, mang màu xanh tím đặc trưng, được đem ép nhuyễn cùng cỏ lúa mì non – tưởng chừng không “hợp rơ” nhưng hương vị lại ngon hết ý đấy!

diem-qua-9-cach-lam-nuoc-ep-co-lua-mi-don-gian-tai-nha-voh-8
Nước ép cỏ lúa mì non việt quất đẹp mắt, hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cỏ lúa mì non: 30g
  • Việt quất: 7 – 10 trái
  • Mật ong
  • Đá viên

Cách làm nước ép cỏ lúa mì non việt quất

  • Ngâm rửa sạch cỏ lúa mì và việt quất. Tiến hành ép lần lượt cỏ lúa mì, việt quất. Nếu dùng máy xay sinh tố thì bạn nên xay thật nhuyễn mịn để giảm lượng bã thừa.
  • Tùy theo khẩu vị có thể thêm mật ong cùng đá viên.

Xem thêm: Muốn biết việt quất làm món gì ngon xem ngay 6 công thức này

2. Uống nước ép cỏ lúa mì có tác dụng gì với sức khỏe?

Những mầm lúa mì non xanh mướt, thơm mùi cỏ tự nhiên vừa góp phần tạo ra hương vị độc đáo của nước ép cỏ lúa mì, vừa cung cấp cho cơ thể nguồn chất dinh dưỡng phong phú. Theo đó, uống nước ép cỏ lúa mì có tác dụng phòng ngừa và cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:

  • Kiểm soát đường huyết: hấp thu thêm lượng khoáng chất magie từ nước ép cỏ lúa mì sẽ giúp bạn chủ động kiểm soát đường huyết ổn định, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin và giảm tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường.
  • Bảo vệ xương khớp: khoáng chất magie kết hợp với canxi, vitamin K, vitamin B, thúc đẩy tái tạo tế bào xương mới, củng cố hệ vận động dẻo dai.
  • Tốt cho gan: nước ép cỏ lúa mì được đánh giá là thức uống lành mạnh tốt cho gan, hỗ trợ hoạt động bài tiết và đào thải độc tố.
  • Kích thích tiêu hóa: một số enzym trong nước ép cỏ lúa mì có khả năng kích thích tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình đào thải phân, hạn chế chứng táo bón.
  • Cải thiện hệ miễn dịch: hơn 17 amino acid từ cỏ lúa mì khi vào cơ thể sẽ trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống phòng vệ của cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch và ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh.
  • Hỗ trợ giảm cân: hoạt chất thylakoids do cỏ lúa mì đem lại sẽ kích thích giải phóng hormone kiểm soát cơn đói, giảm cảm giác thèm ăn, giúp bạn cắt giảm lượng thực phẩm giàu calo.
  • Chống lão hóa da: nhờ khả năng hỗ trợ giải độc gan nên nước ép cỏ lúa mì cũng được tận dụng trong liệu trình chăm sóc da, giảm mụn nhọn, chống lão hóa da và duy trì da sáng khỏe từ bên trong.

Xem thêm: Tại sao nói cỏ lúa mì là “vua thực phẩm kiềm” được nhiều săn đón?

3. Nên uống nước ép cỏ lúa mì khi nào?

Lựa chọn thời điểm sử dụng nước ép cỏ lúa mì phù hợp sẽ góp phần không nhỏ giúp bạn hấp thu trọn vẹn dưỡng chất và giữ an toàn sức khỏe. Theo đó, tốt nhất nên uống nước ép cỏ lúa mì trước hoặc sau bữa ăn khoảng 30 phút. Cùng với đó, bạn cũng cần chú ý một số khuyến cáo quan trọng sau:

  • Tuyệt đối không sử dụng nước ép cỏ lúa mì khi có tiền sử dị ứng gluten.
  • Nếu là lần đầu uống nước ép cỏ lúa mì, bạn hãy uống với lượng nhỏ, từ từ, tránh uống quá nhanh khiến cơ thể không kịp thích ứng, dễ bị choáng váng và buồn nôn.
  • Sau khi pha chế nước ép, hãy sử dụng hết trong vòng 30 phút – 1 tiếng, tránh tích trữ lâu.
  • Trường hợp đang bị lạnh bụng, tiêu chảy thì không nên uống nước ép cỏ lúa mì.
  • Bà bầu uống nước ép cỏ lúa mì cần tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước.

Tuy chỉ mới “nở rộ” ở Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn, song với nguồn dưỡng chất quý giá, nước ép cỏ lúa mì đang dần được “tín nhiệm” cũng như sử dụng khá rộng rãi. Hãy thêm ngay 9 công thức trên đây để pha chế và thưởng thức ly nước ép cỏ lúa mì bổ dưỡng bạn nhé!