Thông thường đối với các giống rau thuộc họ Cải, phần lớn bà nội trợ sẽ tận dụng làm nguyên liệu để chế biến món ăn mặn thay vì đem pha chế thức uống. Nhưng giống như cải bó xôi, cải kale hay cải brussel,…rau cải cầu vồng cũng là một gợi ý đầy mới mẻ, hấp dẫn để “biến tấu” nên những ly nước ép giải khát bổ dưỡng đấy!
1. Hướng dẫn pha chế nước ép cải cầu vồng
Rau cải cầu vồng vốn có vị ngọt man mát nên chỉ cần bổ sung một vài loại rau củ, trái cây quen thuộc thì bạn đã có một ngay một ly nước ép cải cầu vồng vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon rồi. Dưới đây xin tổng hợp 7 công thức pha chế cực kì đơn giản, giúp bạn có thể thưởng thức nước ép cải cầu vồng ngay tại nhà.
1.1 Nước ép cải cầu vồng táo xanh
Vị chua dịu từ táo xanh hòa quyện với cái ngọt thanh của rau cải cầu vồng, tạo nên ly nước ép cải cầu vồng táo xanh mát lành và rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 200 – 300g
- Táo xanh: 1 trái
- Nước cốt chanh
- Đá viên
- Mật ong hoặc đường cát trắng
Cách làm nước ép cải cầu vồng táo xanh
- Ngâm rửa sạch rau cải cầu vồng, vớt ra để ráo rồi cắt thành các khúc dài khoảng 5 – 7 cm.
- Gọt vỏ táo, lọc bỏ ruột và hạt.
- Ép lần lượt rau cải và táo, bỏ phần bã, chắt lấy nước ép. Nếu dùng máy xay sinh tố thì nên xay thật nhuyễn mịn để giảm lượng bã.
- Hòa nước cốt chanh, khuấy nhẹ tay để không bị đắng.
- Nếm thử vị, thêm đường hoặc mật ong nếu thích uống ngọt.
- Nước ép sẽ ngon hơn khi uống lạnh nên đừng quên cho đá viên trước khi thưởng thức nhé.
1.2 Nước ép cải cầu vồng cà rốt
Với 2 nguyên liệu chứa lượng lớn vitamin A (đáp ứng hơn 200% nhu cầu hàng ngày), nước ép cải cầu vồng cà rốt được xếp vào nhóm thức uống giúp bảo vệ và duy trì một đôi mắt sáng khỏe. Lúc này, vị ngọt mát của cải cầu cầu vồng sẽ làm dịu vị hăng, hơi ngai ngái của cà rốt, hương vị nước ép trở nên hấp dẫn hơn bội phần.
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 200 – 300g
- Cà rốt: 1 – 2 củ (tùy kích thước)
- Gừng: 1 – 2 lát
- Mật ong
- Đá viên
Cách làm nước ép cải vồng cà rốt
- Rửa sạch từng lá cải cầu vồng, sau đó ngâm rửa với nước muối loãng, để ráo nước rồi cắt thành khúc ngắn.
- Gọt vỏ cà rốt, rồi cắt miếng nhỏ để ép.
- Ép lần lượt cải cầu vồng và cà rốt, rồi tới gừng.
- Nếm thử vị và hòa chút mật ong ngọt dịu. Nước ép khi lạnh sẽ ngon hơn nên bạn có thể thêm đá viên hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút.
Xem thêm: 9 thực phẩm tốt cho mắt, bổ mắt bạn nên ăn từ bây giờ
1.3 Nước ép cải cầu vồng mix dứa và cần tây
Sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ hay thực phẩm giàu chất đạm, dùng thêm một ly nước ép cải cầu vồng mix dứa và cần tây có lẽ là ý tưởng tuyệt vời hỗ trợ bạn cải thiện tình trạng chướng bụng đầy hơi vô cùng khó chịu đấy.
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 150g
- Cần tây: 100g
- Dứa: 1/4 trái
- Gừng: 1 – 2 lát mỏng
- Đá viên
Cách làm nước ép cải cầu vồng mix dứa và cần tây
- Rửa sạch cần tây, rau cải cầu vồng và ngâm thêm trong nước muối loãng khoảng 2 – 3 phút để không còn chất nhớt, sau đó vớt lên rồi cắt thành từng khúc.
- Gọt vỏ dứa, lọc sạch phần mắt và cắt thành các miếng nhỏ.
- Lần lượt đem hỗn hợp cần tây, rau cải cầu vồng và dứa ép lấy nước. Cho thêm vài lát gừng ở bước cuối cùng để nước ép không bị đắng.
- Nên thêm đá viên hoặc bảo quản trong tủ lạnh khoảng 15 phút để nước ép mát lạnh dễ uống hơn.
Xem thêm: 6 cách làm nước ép cần tây giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe
1.4 Nước ép cải cầu vồng củ dền
Không chỉ được đem hầm trong các món canh ngon ngọt, củ dền còn xuất hiện ở rất nhiều “phiên bản” nước ép rau củ thanh mát, trong số đó phải kể tới nước ép cải cầu vồng củ dền.
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 200g
- Củ dền: 1 - 2 củ
- Nước cốt chanh
- Đường cát trắng
- Đá viên
Cách làm nước ép cải cầu vồng củ dền
- Ngâm rửa sạch rau cải cầu vồng với nước muối loãng, khi ráo nước hãy cắt thành các khúc nhỏ.
- Rửa sạch củ dền, gọt vỏ, cắt nhỏ và ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút.
- Đem ép cải cầu vồng và củ dền lấy nước. Hòa thêm chút nước cốt chanh, nêm thêm đường nếu cần.
- Nước ép sẽ ngon hơn khi uống lạnh nên gợi ý là bạn hãy thêm vài viên đá lạnh nhé.
Xem thêm: Tổng hợp 6 món ăn từ củ dền ngon 'nức nở', ăn lạ miệng lại rất tốt cho sức khỏe
1.5 Nước ép cải cầu vồng mix ổi, dưa leo
Kết hợp cải cầu vồng giàu chất khoáng, dưa leo mọng nước cùng trái ổi dồi dào vitamin C cho ra đời thức uống bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng và phục hồi năng lượng hiệu quả.
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 150 – 200g
- Ổi: 1 trái
- Dưa leo (dưa chuột): 1 – 2 trái
- Muối tinh
- Đá viên
Cách làm nước ép cải cầu mix ổi, dưa leo
- Ngâm rửa sạch cải cầu vồng, dưa leo và ổi với nước muối loãng khoảng 20 phút. Vớt để ráo rồi cắt rau thành các khúc nhỏ. Cắt ổi thành miếng nhỏ, không cần gọt vỏ vì vỏ chứa lượng lớn vitamin C. Gọt vỏ dưa leo, cắt khúc dài hoặc miếng tròn tùy ý.
- Đem ép lần lượt rau cải cầu vồng, ổi và dưa leo.
- Trước khi uống nên hòa chút muối, thêm đá viên để hương vị dễ uống hơn.
Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn
1.6 Nước ép cải cầu vồng lựu và củ cải đỏ
Nếu đang bạn đã từng thưởng thức qua nước ép lựu hay nước ép củ cải đỏ thì hãy thử “thêm thắt” cải cầu cầu vồng nữa xem sao nhé, ngon miễn bàn đấy!
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 150g
- Củ cải đỏ: 1 – 2 củ
- Lựu: 1/2 trái
- Đá viên
Cách làm nước ép cải cầu vồng lựu và củ cải đỏ
- Ngâm rửa sạch cải cầu vồng và củ cải đỏ, vớt để ráo. Tiếp đến cắt rau thành các khúc ngắn, gọt vỏ củ cải đỏ rồi cắt đôi.
- Tách vỏ lựu và lấy phần hạt lựu.
- Tiến hành ép lần lượt các nguyên liệu, bỏ phần bã và chắt lấy nước ép.
- Nếu uống lạnh có thể thêm đá viên hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 30 – 45 phút.
1.7 Nước ép cải cầu vồng mix dâu tây và táo
Một trong những công thức nước ép cải cầu vồng mà bạn nhất định nên thử qua đó chính là nước ép cải cầu vồng mix dâu tây và táo. Ly nước ép đỏ hồng rực rỡ, chua chua, ngọt ngọt, giàu chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe cũng như làn da.
Nguyên liệu
- Cải cầu vồng: 200g
- Táo (táo xanh hoặc táo đỏ): 1 trái
- Dâu tây: 8 – 10 trái
- Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê
- Đá viên
Cách làm nước ép cải cầu vồng mix dâu tây và táo
- Rửa sạch từng lá cải cầu vồng, sau đó ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 – 20 phút. Sau đó vớt lên, để ráo và cắt thành các khúc ngắn để khi xay dễ dàng hơn.
- Ngâm rửa táo và dâu tây. Gọt vỏ táo rồi cắt thành các miếng nhỏ, cắt đôi trái dâu tây.
- Lần lượt cho cải cầu vồng, táo rồi dâu tây vào ép lấy nước, lọc bỏ bã.
- Nếm thử vị, nếu thích uống ngọt thì hòa thêm chút mật ong.
- Thêm đá viên khi muốn uống lạnh.
Xem thêm: Mẹo nhận diện mật ong thật hay giả cực đơn giản, cực chuẩn được chia sẻ bởi bác sĩ nổi tiếng
2. Nước ép cải cầu vồng có tác dụng gì với sức khỏe?
Không chỉ đơn thuần là một thức uống giải khát mới lạ, nước ép cải cầu vồng còn cung cấp đa dạng vitamin và chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các vấn đề sức khỏe như:
- Duy trì thị lực: hấp thu hàm lượng lớn vitamin A từ nước ép cải cầu vồng là cách giúp bạn chủ động bảo vệ đôi mắt, thúc đẩy sản sinh sắc tố võng mạc và duy trì thị lực tốt.
- Tăng cường sức đề kháng: vitamin C được tìm thấy trong cải cầu vồng đáp ứng tới hơn 50% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần, trực tiếp tham gia hình thành tế bào bạch cầu trung tính và cải thiện hệ miễn dịch.
- Ngăn ngừa xuất huyết: nước ép cải cầu vồng được đánh giá là rất giàu vitamin K – dưỡng chất kích hoạt protein prothrombin và đẩy nhanh quá trình đông máu, ngăn ngừa xuất huyết nghiêm trọng.
- Điều hòa huyết áp: với đa dạng chất khoáng quan trọng như kali, magie, mangan hay đồng,…nước ép cải cầu vồng khá thích hợp với người bệnh huyết áp cao.
- Củng cố hệ vận động: bổ sung khoáng chất từ nước ép cải cầu vồng cũng củng cố hoạt động hình thành tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương và xây dựng hệ vận động chắc khỏe.
- Phòng chống ung thư: bên cạnh vitamin C, nhiều nhóm chất chống oxy hóa mạnh do nước ép cải cầu vồng mang lại như quercetin, kaempferol, rutin hay rutin sẽ tạo “lá chắn” phòng chống ung thư hữu hiệu.
Xem thêm: 10 lý giải cho thắc mắc ăn cải cầu vồng có tác dụng gì với sức khỏe mà bạn nên đọc ngay!
3. Uống nước ép cải cầu vồng cần lưu ý gì?
Nhìn chung, các công thức pha chế nước ép cải cầu vồng tương đối đơn giản và dễ thực hiện, song trong quá trình sử dụng, xin nhắc bạn chú ý một số khuyến cáo an toàn sau:
- Chú ý ngâm rửa rau cải cầu vồng kĩ lưỡng, rửa sạch từng cọng lá.
- Sử dụng với lượng hợp lý, không uống quá nhiều nước ép cải cầu vồng, duy trì uống từ 1 – 2 lần một tuần, mỗi lần dùng từ 200 – 300g rau là hợp lý.
- Hạn chế uống nước ép cải cầu vồng khi đang bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
- Khi đang điều trị có dùng thuốc chống đông máu, nếu muốn uống nước ép cải cầu vồng phải tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp.
Hy vọng rằng các gợi ý pha chế nước ép cải cầu vồng trên đây sẽ giúp bạn “nối dài” danh sách thức uống lành mạnh và giàu dinh dưỡng, từ đó chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình nhé!