Chờ...

Điểm mặt 4 tác hại của rau muống cần thận trọng khi ăn

(VOH) – Nhắc đến rau muống có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay tới loại rau xanh bình dân, ‘rẻ bèo’ mà rất được người Việt ưa chuộng. Nhưng nên ăn thế nào cho đúng để không mắc phải các tác hại của rau muống?

Rau muống giòn ngọt và khá mọng nước, chính vì thế thường được sử dụng làm nguyên liệu cho vô vàn món ngon, từ món luộc đơn giản tới món xào, món gỏi nộm hay các món canh thanh mát. Dù quen thuộc là vậy song các tác hại của rau muống với sức khỏe vẫn có thể “tìm đến” nếu chúng ta sử dụng không đúng cách và đúng liều lượng đấy nhé!

1. Một số tác hại của rau muống cần biết và phòng tránh

Có thể nói rằng rau muống được xếp vào nhóm rau xanh cung cấp khá đa dạng và dồi dào các dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, vi chất sắt, kali, vitamin K hay vitamin C,… Tuy nhiên ăn rau muống nhiều hoàn toàn không tốt, mỗi tuần bạn chỉ nên ăn rau muống từ 2 – 3 bữa, khoảng 150 – 200g một bữa là tốt nhất.

Duy trì liều lượng an toàn, hợp lý như trên sẽ giúp bạn hấp thu hiệu quả chất dinh dưỡng cũng như chủ động phòng tránh tối đa các tác hại của rau muống dưới đây:

1.1 Hạ huyết áp quá mức

Theo phân tích dinh dưỡng, rau muống chứa hàm lượng khoáng chất kali tương đối lớn, trung bình 100g rau có khoảng 312mg kali (tương đương 10% nhu cầu hàng ngày).

Do đó, khi tiêu thụ đúng liều lượng thì tác dụng của rau muống rất tốt cho người bệnh huyết áp cao, song nếu lạm dụng thường xuyên với lượng lớn lại có thể làm hạ huyết áp thấp quá mức, gây dư thừa kali và mất cân bằng chất điện giải.

khong-biet-4-tac-hai-cua-rau-muong-nay-de-ruoc-benh-vao-nguoi-voh-0
Rau muống rất tốt cho người cao huyết áp nhưng tuyệt đối không lạm dụng để tránh làm huyết áp hạ thấp quá mức (Nguồn: Internet)

1.2 Tăng nguy cơ mắc sỏi thận

Giống như rau dền hay rau cải bó xôi, rau muống cũng có hoạt chất axit oxalic – một trong những thành tố có thể kết hợp với các khoáng chất như canxi, magie,… tạo ra muối oxalat. Vì vậy, không nên chỉ tập trung ăn rau muống trong thời gian dài, nhằm hạn chế tình trạng lắng đọng muối oxalat ở thận, tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.  

Xem thêm: Top 5 cách ‘đánh tan’ sỏi thận tại nhà cực hay, nhiều người đã áp dụng hiệu quả

1.3 Gây tiêu chảy

Rau muống giàu chất xơ, tính mát và có công dụng như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, hỗ trợ cải thiện khá hiệu quả chứng táo bón. Song chính vì lý do đó, bạn cần chú ý cân đối lượng rau muống thêm vào khẩu phần ăn, tuyệt đối không ăn quá liều lượng bởi rất có thể gây tác dụng ngược, dẫn tới bị “lạnh bụng”, tiêu chảy kéo dài.

1.4 Nhiễm giun sán

Có những loại rau sử dụng hàng ngày có thể bị nhiễm ký sinh trùng, trong đó rau muống không ngoại lệ. Nếu không ngâm rửa sạch và chế biến chín rau bạn có nguy cơ bị nhiễm giun.

2. Những ai không nên ăn rau muống?

Các món ăn từ rau muống rất đa dạng và hấp dẫn, nhưng thực tế không phải ai cũng có thể thoải mái thưởng thức. Nếu bạn thuộc một trong những đối tượng dưới đây thì lời khuyên là nên cắt giảm rau muống trong thực đơn hàng ngày:

2.1 Có vết thương hở

Trường hợp không may gặp chấn thương hoặc có vết thương hở thì tuyệt đối không nên ăn rau muống (nhất là các món ăn kết hợp với thịt bò). Theo đó, một số hoạt chất trong loại rau này sẽ khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy nhiều hơn trong quá trình lành vết thương, thậm chí còn kích thích tăng sinh tế bào gây ra hiện tượng sẹo lồi.

Xem thêm: 7 phương pháp xóa sẹo lồi lâu năm được chuyên gia da liễu tin dùng

2.2 Người có tì vị hư hàn

Rau muống không phải là loại rau xanh thích hợp với người có tì vị hư hàn (thể trạng hàn), tay chân dễ bị lạnh và thường mắc chứng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa kéo dài.  

khong-biet-4-tac-hai-cua-rau-muong-nay-de-ruoc-benh-vao-nguoi-voh-1
Người có thể trạng hàn nên hạn chế dùng rau muống (Nguồn: Internet)

2.3 Đang sử dụng thuốc Đông y

Khi đang điều trị các bệnh lý có sử dụng thuốc Đông y, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi bổ sung rau muống vào bữa ăn, để không gặp phải hiện tượng “giã thuốc” và không đạt được hiệu quả như ý.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

3. Các lưu ý an toàn khác khi ăn rau muống

Bên cạnh việc ăn rau muống với lượng hợp lý, bạn cũng nên chú ý thực hiện một số khuyến cáo an toàn sau:

3.1 Mua rau muống đúng mùa

Nếu sinh sống ở khu vực miền Bắc, hãy chọn mua rau muống vào giai đoạn từ mùa hè tới đầu mùa thu (khoảng từ tháng 5 tới thàng 7 âm lịch) bởi đó là chính vụ thu hoạch của rau. Còn ở miền Trung hoặc miền Nam, bạn có thể lựa mua rau muống gần như quanh năm nhưng hãy chú ý tìm nơi cung cấp uy tín, canh trồng an toàn.  

3.2 Cách chọn rau muống ngon

Để chọn được bó rau muống tươi ngon, giòn ngọt, cần quan sát màu sắc, ngọn và lá của rau. Nên lựa rau có ngọn nhỏ, hơi cứng, lá xanh vừa phải, không quá sẫm hoặc quá bóng mướt.

3.3 Ngâm rửa sạch rau

Như đã chia sẻ, để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm giun sán, bạn đừng quên ngâm rửa sạch rau muống với nước muối loãng trước khi chế biến. Tốt nhất hãy rửa từng cọng lá nhằm đảm bảo loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, trứng giun sán còn sót lại.

Không thể phủ nhận rằng rau muống đem lại cho cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá và hỗ trợ cải thiện khá nhiều vấn đề sức khỏe. Thế nhưng một thực phẩm bổ dưỡng như vậy nếu không được dùng đúng khoa học thì vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ đấy nhé. Vậy nên hãy nằm lòng và thực hiện tốt các lưu ý trên đây trong quá trình sử dụng rau muống!