Rong biển vốn thuộc nhóm tảo, sinh trưởng ở môi trường nước biển nên đặc tính cùng hàm lượng chất dinh dưỡng cũng khá khác biệt. Theo đó, rong biển cung cấp hàm lượng dồi dào vitamin nhóm B, vitamin K, khoáng chất kali, magie, phot pho và đặc biệt là i-ốt.
Thế nhưng sử dụng thế nào để có thể tận dụng hiệu quả các dưỡng chất quý giá này cũng như phòng tránh các tác hại của rong biển? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.
1. Một số tác hại của rong biển khi sử dụng sai cách
Các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích chúng ta bổ sung rong biển trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhưng với lượng vừa phải, hợp lý, từ 30 - 50g trong một bữa. Cần tránh lạm dụng quá mức bởi ăn nhiều rong biển hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, thậm chí còn dẫn tới những tác dụng phụ sau:
1.1 Dư thừa i-ốt
Như đã chia sẻ, rong biển là một nguồn cung cấp i-ốt dồi dào. Do đó, ăn rong biển giúp tăng cường chức năng tuyến giáp, phòng ngừa bướu cổ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta hấp thụ vào cơ thể quá nhiều i-ốt trong thời gian ngắn sẽ gây tác động ngược và để lại ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tuyến giáp. Các nghiên cứu dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng nhu cầu i-ốt hàng ngày không vượt quá 150mcg, nên nếu bạn dùng trên 100g rong biển mỗi ngày (đặc biệt là rong biển kombu và rong biển dulse), cơ thể có nguy cơ bị thừa i-ốt.
1.2 Rối loạn tiêu hóa
Rong biển chứa nhiều carbohydrat mà hệ tiêu hóa của chúng ta không thể tiêu hóa được và làm ức chế hoạt động của lợi khuẩn đường ruột. Vì thế, nếu đang gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa hoặc hệ tiêu hóa yếu thì bạn hãy hạn chế ăn rong biển.
Bên cạnh đó, rong biển còn có rất nhiều chất xơ. Ăn nhiều chất xơ rất tốt cho cơ thể nhưng tránh để rơi vào tình trạng dư thừa chất xơ, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều, gây đầy bụng khó tiêu.
1.3 Tăng nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng
Ngoài việc giàu các khoáng chất có lợi, tỉ lệ rong biển bị nhiễm một số kim loại độc vẫn có thể xảy ra. Điều này phụ thuộc vào nguồn gốc của từng loại rong biển, nơi thu hoạch và mức độ độc hại trong nước.
Mức độ kim loại nặng có trong rong biển rất khác nhau ở mỗi loại và khả năng chuyển hóa kim loại nặng ở mỗi người cũng khác nhau. Do vậy, tốt nhất chỉ ăn rong biển ở mức độ vừa phải, không ăn quá nhiều.
2. Ai không nên ăn rong biển?
Tuy thuộc nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp bồi bổ sức khỏe song rong biển không phải là lựa chọn phù hợp với các đối tượng này:
2.1 Mắc bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp xảy ra phần lớn do tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp, gồm triiodothyronine và thyroxin. Chính vì lý do đó, theo khuyến cáo bạn cần cắt giảm các thực phẩm giàu i-ốt như rong biển trong khẩu phần ăn, để làm chậm quá trình sản xuất các hormone này, từ đây điều hòa hoạt động tuyến giáp và không làm bệnh lý trầm trọng hơn.
Xem thêm: Sự thật về hội chứng cường giáp và chế độ ăn cho những bệnh nhân mắc phải hội chứng này
2.2 Người có tì vị hư hàn
Rong biển vốn có đặc tính hàn mát nên nếu thuộc đối tượng có tì vị hư hàn hoặc đang mắc chứng tiêu chảy kéo dài, hãy tham khảo lựa chọn thực phẩm khác thay thế.
2.3 Người đang bị mụn nhọt
Mặc dù tác dụng của rong biển tốt cho sức khỏe nhưng đối với người đang bị mụn nhọt thì nên hạn chế ăn. Vì ăn rong biển sẽ khiến cho nội tiết tố người bệnh bị mất cân bằng, làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng và khó điều trị hơn.
3. Rong biển kỵ gì?
Mặc dù là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được với rong biển. Các thực phẩm không nên kết hợp với rong biển như:
- Không ăn rong biển chung với quả hồng, trái cây ngâm chua, trà, vì nó sẽ tạo chất kết dính khó tan làm cho hệ đường ruột và dạ dày không được khỏe.
- Không kết hợp rong biển với huyết heo, cam thảo vì sẽ gây cản trở sự hấp thu chất dinh dưỡng và mắc bệnh táo bón.
- Các thực phẩm có tính kiềm như thịt bò, lòng đỏ trứng, xúc xích,...cũng không nên kết hợp với rong biển.
4. Nên ăn rong biển bao nhiêu là đủ?
Theo khuyến cáo thì người lớn không nên ăn quá 100g rong biển trong 1 ngày, nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn và không tập trung ăn hết 1 lần để tốt cho sức khỏe. Cứ 100g rong biển là sẽ có 1 - 1,8mg i-ốt.
Còn đối với phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú thì chỉ nên bổ sung khoảng 0,22 - 0,27mg i-ốt, còn đối trẻ nhỏ thì nên tiêu thụ 0,09 mg i-ốt mỗi ngày.
5. Những lưu ý an toàn khi sử dụng rong biển
Cùng với việc cân đối liều lượng an toàn, để tránh các tác hại của rong biển thì trong quá trình sử dụng hãy ghi nhớ thực hiện một số lưu ý dưới đây:
5.1 Chọn mua loại có ngày sản xuất gần nhất
Khi mua rong biển chú ý chọn sản phẩm rong biển có ngày sản xuất gần nhất, vì nếu rong biển khô để lâu, lượng dinh dưỡng khoáng chất không còn được giữ lại như ban đầu.
5.2 Khử mùi tanh của rong biển đúng cách
Mùi tanh là đặc tính tự nhiên của rong biển. Khi sử dụng, nhiều người thường tìm cách khử mùi tanh này bằng dầu mè hoặc gừng. Tuy nhiên, để không làm ảnh hưởng đến tính mát cũng như hương vị đặc trưng của thực phẩm này, bạn chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ để khử tanh.
5.3 Không ngâm nước quá lâu
Khi ngâm rong biển khô trong nước, chỉ ngâm từ 5 – 10 phút cho rong biển nở đều, sau đó vớt ra để ráo trên rổ. Các khoáng chất và dưỡng chất trong chúng rất dễ thất thoát, do đó bạn nên hạn chế ngâm lâu trong nước.
5.4 Không đun quá lâu
Khi đun quá lâu, rong biển sẽ bị nhừ, mất ngon. Hơn nữa, khi nấu quá lâu, hàm lượng dinh dưỡng trong chúng sẽ hao hụt khá nhiều. Vì vậy, cách tốt nhất là cho vào nước sôi hoặc chảo nóng, rong biển vừa chín tới, rất ngon mà dinh dưỡng lại cao hơn.
Trên đây là những thông tin cần thiết về các tác hại của rong biển cho những ai thích và thường xuyên sử dụng món ăn này. Rong biển thật sự có lợi nhưng khi ăn bạn cần lưu ý một số khuyến cáo trên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé.